Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày 18.9.2019, tức 20 tháng 8 năm Kỷ Hợi, nhiều người dân có tín ngưỡng thờ Đức thánh Trần đã tập hợp về ngôi đền ở khu phố 3, phường 3 làm lễ giỗ tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc. Ngài đã góp công trạng to lớn cho triều Trần trong ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông.
Hai trong ba cuộc kháng chiến ấy, ngài đã giữ trọng trách là Quốc công Tiết chế, thống lĩnh toàn bộ quân đội nhà Trần vào các năm 1285 và 1288. Lễ giỗ ngài tại đền phường 3 đơn sơ nhưng đầm ấm, có nhiều thế hệ người dân thành phố Tây Ninh đến dâng hương hoa, quả phẩm, rồi cùng nhau ăn bữa cơm trưa, vừa ôn lại những câu chuyện đã trở thành huyền thoại.
Bản chụp tờ sắc phong
Những người cao tuổi như ông Nguyễn Văn Nhã, Trưởng Ban Quản trị di tích nay đã tuổi 74, hay ông Nguyễn Văn Sơn cũng là uỷ viên trong Ban phụ trách quản lý nghĩa trang của Hội Đức thánh Trần thì đã 77 tuổi. Vậy mà họ là thế hệ thứ hai của Hội Đức thánh Trần. Thế hệ trước như bà Nguyễn Thị Minh- công chức Ty Bưu điện tỉnh thời trước năm 1975, hay các ông Phạm Huy Côn (Ba Côn), Huỳnh Khắc Thuyên (ông Giáo), ông Sự, bà Cả Nhu, ông Năm Nhường, ông Nguyễn Văn Ngãi… đa số đã không còn nữa. Nên khi hỏi về “tung tích” bản sắc phong có trong đền thì không ai biết cả! Không rõ nó đã đến từ đâu và ở năm nào.
Trong các cuộc hàn huyên khi bà con có dịp gặp nhau tại đền, cũng không ai nhắc đến tờ sắc phong của “vua ban” này cả. Hẳn là nó sẽ bị quên đi mãi mãi, nếu không có bài viết mô tả về bản sắc này trong sách Di tích lịch sử văn hoá danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh, do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch in năm 2014 (trang 49).
Đáng tiếc là bài viết đã làm sai lệch về nguồn gốc của ngôi đền Đức thánh Trần xây tại phường 3. Đó là: “nguồn gốc ngôi đền xuất phát từ bộ phận người Việt Nam sinh sống ở huyện Mi Mốt, Kom pông Chàm, Căm pu chia”. Sự thực, đây là ngôi đền của chính bà con thành phố Tây Ninh có quê gốc miền Bắc xây vào năm 1957. Hai ngôi đền này hoàn toàn không có liên hệ gì với nhau, ngoài sự có mặt của tờ sắc phong “lưu lạc”, có gốc gác từ ngôi đền Trần- Mi Mốt. Đáng tiếc rằng, chuyện xảy ra dưới thời thế hệ thứ nhất của Hội Đức thánh Trần. Và cũng có thể do sự thờ ơ đối với tờ sắc phong không phải của đền mình mà đến thế hệ thứ hai đã không còn ai biết đến.
Về nội dung tờ sắc phong. Sách (đã dẫn) cũng đã viết rằng: “Ngày 14.8.1941 (âm lịch) vua Bảo Đại (năm thứ 14) đã sắc phong: “Vâng mệnh tưởng nhớ vị thần phò dân giúp nước Trần Hưng Đạo. Xin thần linh ứng giúp dân sở tại vun trồng tại xứ Mi Mốt Cao Miên- nay vua ban chiếu mệnh thứ dân lập đền thờ lớn. Mong thần bảo vệ là dân của nước ta/ Sắc ban tuyệt đối tuân lệnh”.
Đọc đi rồi đọc lại, đều có cảm giác văn chương lủng củng nên tối nghĩa. Sắc phong cũng không chỉ ra được đối tượng được phong sắc, nhóm người nào nhận sắc phong. Không có cả điều quan trọng nhất là chức vị được phong của thần (ở đây là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn). Do vậy, bản sắc này đã được chụp ảnh, gửi đi nhờ một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nam bộ là Trương Ngọc Tường dịch giúp.
Ông Trương Ngọc Tường chính là người cùng tác giả Huỳnh Ngọc Trảng (người viết văn bia, di tích Tua Hai) viết chung những cuốn sách quan trọng về văn hoá Nam bộ, như sách Đình Nam bộ, xưa và nay, NXB Đồng Nai, năm 1998. Sách này cũng đã dịch và in nhiều bản sắc phong còn lưu giữ trong các đình miếu miền Nam, trong đó có Tây Ninh. Sau đây là bản dịch của ông Trương Ngọc Tường:
Sắc Hưng Đạo Đại vương
Phiên âm:
Sắc trụ Cao Miên quốc, Mi Mốt xứ, Tài Thực sở, phụng sự Trần Hưng Đạo Đại vương tôn thần, hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi thừa cảnh mạng, miễn niệm thần hưu, trứ phong vi Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng Thượng đẳng thần. Chuẩn kỳ phụng sự; thứ cơ, thần kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân, khâm tai.
Bảo Đại thập tứ niên, bát nguyệt, thập cửu nhật
(Sắc mạng chi bảo)
Dịch nghĩa:
Sắc cho sở Tài Thực (sở cao su) xứ Mi Mốt, nước Cao Miên, thờ phụng Trần Hưng Đạo Đại vương tôn thần, giúp nước che dân, linh ứng đã rõ. Nay ta tiếp nối lạm nương mạng sáng (mạng trời) liên miên nghĩ đến sự tốt đẹp cho thần, nên phong làm Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng Thượng đẳng thần, chuẩn cho thờ phụng, ngõ hầu thần giúp đỡ bảo vệ dân đen của ta. Hãy kính đấy!
Ngày 19 tháng 8 năm Bảo Đại thứ 14 (1.10.1939)
(ấn: Sắc mạng chi bảo)
Như vậy đối tượng được nhận tờ sắc phong này là: Sở Tài thực (cao su) xứ Mi Mốt, nước Cao Miên. Vị thần được phong là Trần Hưng Đạo đại vương. Và, danh xưng được phong là: “Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng Thượng đẳng thần”. Ngay cả ngày phong cũng đã bị nhầm lẫn. Đó là ngày 19.8 năm Bảo Đại thứ 14, tức ngày 1.10.1939. không phải là “ngày 14 tháng 8.1941 (âm lịch) như sách viết. Sai lệch này dài tới 2 năm.
Ông Trương Ngọc Tường còn cho biết, việc các đời vua sau cuối của triều Nguyễn như Khải Định, Bảo Đại phong thần cho các vị anh hùng dân tộc là thực hiện theo một chỉ dụ của vua Thành Thái, từ năm 1890. Ông Trương Ngọc Tường cũng có ý nhắn gửi các nhà quản lý văn hoá ở Tây Ninh rằng, dù là do Bảo Đại - một vị vua bù nhìn phong, bản sắc vẫn có một giá trị lịch sử nhất định đối với nhà nghiên cứu lịch sử. Mặt khác, đây lại là tờ sắc phong duy nhất hiện có ở miền Nam, phong tặng cho một bộ phận Việt kiều sinh sống trên nước khác. Do vậy, có thể xem như một tài liệu quý (hiếm) cần lưu giữ tại Bảo tàng.
Xin gửi ý kiến trên tới cơ quan quản lý văn hoá ở tỉnh nhà.
TRẦN VŨ