BAOTAYNINH.VN trên Google News

Về một sự kiện đầy ý nghĩa trong dịp tết

Cập nhật ngày: 04/02/2024 - 23:48

BTN - Thật khó mà tưởng tượng, nếu như không có tết, nghĩa là quanh năm suốt tháng, ngày nào cũng như ngày nào thì chắc là vô vị lắm phải không ông?

Về một sự kiện đầy ý nghĩa trong dịp tết

Thật khó mà tưởng tượng, nếu như không có tết, nghĩa là quanh năm suốt tháng, ngày nào cũng như ngày nào thì chắc là vô vị lắm phải không ông?

-Bàn Dân nè, tự dưng từ hôm thứ sáu 2.2.2024 đến giờ tôi cứ nghĩ đến một chuyện rất “ngộ”! Theo âm lịch, hôm đó là ngày 23 tháng Chạp năm Quý Mão, và theo tập quán lâu đời của dân tộc Việt Nam mình thì hôm đó được gọi là ngày 23 tết. Nhưng khi đã gắn “cái đuôi” tết vào ngày đó thì phải nói rõ là ngày 23 tết Giáp Thìn. Ông thấy có “ngộ” không, rõ ràng là hôm đó còn trong những ngày cuối năm Mão, sao lại kể là tết năm Thìn?!

-Đồng ý với ông là chuyện ấy cũng “ngộ” thật, nhưng có lẽ phải gọi vậy thôi vì tết này là Tết Giáp Thìn, để phân biệt với “cùng kỳ năm trước” là Tết Quý Mão dù lúc ấy vẫn còn là những ngày cuối năm Nhâm Dần.

-Kể ra, dân tộc mình cũng như nhiều dân tộc vùng Đông Á khác có phong tục ăn tết theo âm lịch thật hay ông hả! Cứ mỗi năm khi xuân về tết đến thì mọi người, bất kể là giàu hay nghèo, ai cũng nghe nôn nao, rộn rã trong lòng một cảm giác thật khó tả. Thật khó mà tưởng tượng, nếu như không có tết, nghĩa là quanh năm suốt tháng, ngày nào cũng như ngày nào thì chắc là vô vị lắm phải không ông?

-Ông nói làm Bàn Dân nhớ lại, cũng chính hôm “23 Tết Giáp Thìn”, trong chương trình “Xuân quê hương 2024”, họp mặt Việt kiều về quê ăn tết, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có nói: “Tết luôn thật đặc biệt với người Việt Nam. Đây là dịp những người con đi xa trở về nhà, sum họp trong tình thân gia đình, quê hương đất nước, cùng hân hoan đón chào năm mới.

Người chưa có điều kiện trở về cũng sẽ hướng lòng mình về quê cha đất tổ với những cảm xúc sâu lắng và thiêng liêng. Theo truyền thống ông bà, ngày 23 tháng Chạp là ngày làm lễ cúng ông Công, ông Táo, thả cá chép, cẩn cáo với trời đất, tổ tiên về một năm đã qua, sửa sang và dọn dẹp lại nhà cửa, bỏ đi những gì cũ kỹ, mở rộng tấm lòng để chuẩn bị đón một năm mới với những năng lượng mới, hy vọng mới về tương lai tốt đẹp, vạn sự hanh thông”…

-Hay thật! Vị nguyên thủ quốc gia mình phát biểu như vậy là diễn tả được hết ý nghĩa tết cổ truyền của dân tộc, đất nước mình. Tôi có đọc báo, xem đài, thấy cuộc họp mặt hôm đó rất là đông, có tới một ngàn rưỡi đồng bào sống xa Tổ quốc về quê ăn tết đến tham dự chương trình “Xuân quê hương 2024” trong khuôn viên dinh Độc lập…

-Làm gì còn dinh Độc lập nữa ông, phải gọi là hội trường Thống nhất chứ!

-Tôi buột miệng nói theo thói quen vậy mà. Với lại ai chẳng biết hội trường Thống nhất là “Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt dinh Độc lập”, là dấu ấn chiến thắng vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cách nay gần nửa thế kỷ.

-Đúng, chính vì vậy Bàn Dân mới nhắc ông phải gọi là hội trường Thống nhất cho đúng với ý nghĩa của cuộc họp mặt giữa nguyên thủ quốc gia với đồng bào sống xa Tổ quốc. Chắc chắn là trong hơn 1.500 Việt kiều dự họp mặt hôm ấy, trước đây 49 năm chẳng có mấy người được đặt chân đến địa điểm đó, ngoại trừ một vài “quan chức cỡ gộc” làm việc cho chế độ tay sai ngoại bang xâm lược nước ta. Bây giờ thì cả đất nước 100 triệu dân và gần 6 triệu người sống ở nước ngoài ai nấy đều có thể đến tham quan di tích lịch sử ấy.

-Phải rồi, tôi nhớ là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng có nhắc đến cụm từ “hoà hợp dân tộc” trong bài nói chuyện với đồng bào Việt kiều. Tôi có lưu bài nói trên điện thoại cầm tay đây, để tôi đọc ông nghe. Chủ tịch nước nói: “Là một quốc gia đã phải trải qua những nỗi đau của chiến tranh, đất nước bị chia cắt, dân tộc bị chia rẽ, nhưng với truyền thống hoà hiếu, chí nhân, đại nghĩa của dân tộc, Việt Nam đã trở thành một hình mẫu của việc hàn gắn sau chiến tranh, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia khác, kể cả các cựu thù.

Vì vậy, những người Việt Nam chúng ta cùng chung nguồn cội, cùng “Con rồng - cháu tiên” thì phải cùng nhau bước qua những định kiến, bất đồng còn rơi rớt lại để chung tay xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, phải cùng nhau thực hiện hoà hợp dân tộc vì tương lai tươi sáng của đất nước, của dân tộc và của con cháu chúng ta.

Tôi kêu gọi kiều bào hãy đoàn kết một lòng, tin tưởng vững chắc vào mục tiêu đi tới của dân tộc, cùng chung tay xây đắp cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước, để Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta vững vàng phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu”.

-Ông đọc kỹ, nhớ kỹ lời của người đứng đầu Nhà nước ta, nhưng ông có thể nói với Bàn Dân về nhận thức của ông qua bài phát biểu ấy không?

-Chuyện này thì để tôi suy nghĩ chút đã… Theo tôi nghĩ đây không phải là một bài nói “hoa mỹ” có tính chất ngoại giao trong một sự kiện “đình đám” mà thật sự là những lời gan ruột, xuất phát từ tình cảm thiêng liêng, sâu nặng của một vị nguyên thủ quốc gia, thay mặt cho cả đất nước nói với những đồng bào của mình, để khẳng định một điều dù đồng bào có ở bất cứ nơi đâu, ngoài đất nước này, cũng vẫn là “một phần máu thịt, một bộ phận không thể tách rời của Tổ quốc”.

Bàn Dân