BAOTAYNINH.VN trên Google News

Về những chiến thắng vang dội của dân tộc ta

Cập nhật ngày: 07/05/2023 - 23:33

BTN - Ông nhà báo nè, hôm nay là đúng ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ phải không vậy ông?

-Vâng, ngày chủ nhật 7.5.2023 này đúng là ngày kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7.5.1954. Mà sao hôm nay ông lại gặng hỏi Bàn Dân có vẻ như ông rất quan tâm đến chuyện ngày kỷ niệm ấy vậy?

-Chuyện hỏi han này tôi sẽ giải thích sau, trước hết xin ông vui lòng cho tôi biết ý nghĩa của ngày kỷ niệm 69 năm ấy đã!

-Ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ có thể tóm tắt như vầy, sau hơn 8 năm quân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp, đầu năm 1954, Pháp bắt đầu đổ quân, xây dựng tập đoàn cứ điểm ở thung lũng Điện Biên Phủ, lúc ấy thuộc tỉnh Lai Châu, với lực lượng lên đến hàng chục đơn vị bộ binh, pháo binh, công binh, hàng trăm xe tăng, xe vận tải, và cả một phi đội không quân với 14 chiếc máy bay.

Tổng số binh lực là 16.200 tên. Chúng bố trí thành tập đoàn cứ điểm gồm 8 cụm cứ điểm hợp thành ba phân khu, với ý đồ thu hút chủ lực của quân ta đến để chúng tiêu diệt rồi chuyển sang tiến công lực lượng kháng chiến trên toàn lãnh thổ ba nước Đông Dương.

Thế nhưng chúng đã nhầm, đã đánh giá sai về sự lớn mạnh và quyết tâm chống ngoại xâm của quân ta. Sau 55 ngày đêm từ ngày 13.3 đến 7.5.1954, quân ta đã đánh thắng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 7.5.1954, bộ đội ta phất cao cờ chiến thắng, tiến thẳng vào sở chỉ huy địch, tướng De Castries cùng bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm bị bắt sống. Quân ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ 16.200 sĩ quan, binh lính Pháp ở Điện Biên Phủ.

-Ông kể tóm tắt ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ như vậy tôi hiểu rồi. Nhưng còn “chiến thắng Điện Biên Phủ trên không” thì tôi chưa rõ lắm, ông giải thích cho tôi biết rõ luôn đi?

-À, chiến thắng ấy là của quân dân Thủ đô Hà Nội vào cuối năm 1972, nhưng không phải thắng Pháp mà là thắng Mỹ. Cụ thể là, sau khi “hất cẳng” quân Pháp khỏi miền Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Sài Gòn “lật lọng” không thi hành Hiệp định Genève 1954, buộc quân dân miền Nam vùng lên kháng chiến chống Mỹ và tay sai.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy 1968 của quân dân ta, Mỹ buộc phải ngồi vào bàn hội nghị Paris. Sau hơn 4 năm đàm phán dằng dai, cuối năm 1972, các bên hội đàm đã thoả thuận được nội dung Hiệp định chấm dứt chiến tranh Việt Nam, thì bất ngờ Mỹ lại “lật lọng” không ký Hiệp định mà thực hiện cuộc đánh bom dữ dội vào Thủ đô Hà Nội bằng lực lượng không quân. Kết quả sau 12 ngày đêm máy bay Mỹ liên tục đánh phá, quân dân ta vẫn đứng vững và chiến thắng vang dội ngay trên bầu trời Thủ đô ta.

Sau chiến dịch không kích Hà Nội, không quân Mỹ bị lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam đánh thiệt hại nặng nề với 81 máy bay Mỹ các loại bị bắn rơi, trong đó 34 chiếc “pháo đài bay” B52 mà Mỹ gọi là “không quân chiến lược”, nhiều “giặc lái”- phi công Mỹ bị ta tiêu diệt và bắt sống. Sau khi thua trận trên bầu trời Hà Nội, Mỹ buộc phải quay lại bàn hội nghị, ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam vào ngày 27.1.1973.

-À, vậy là tôi hiểu rồi, do ta chiến thắng không quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội, cũng có ý nghĩa trận đánh cuối cùng buộc quân xâm lược phải rút khỏi nước ta, nên chiến thắng ấy cũng được gọi là chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” chứ gì!

-Đúng vậy. Trước nay, Bàn Dân thấy khi đề cập đến trận Hà Nội đánh thắng không quân Mỹ 12 ngày đêm cuối năm 1972, các tác giả thường gọi như thế, nhưng có thêm địa danh Hà Nội vào trước địa danh Điện Biên Phủ để thành cụm từ “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Cụ thể như là trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an ngày 9.12.2022 có đăng bài “Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam”.

À, mà sao hôm nay ông lại quan tâm đến những chiến thắng vang dội của dân tộc ta như thế?

-Chẳng qua là do mới đây tôi có đọc được tin… có một công ty xổ số của tỉnh kế bên tỉnh mình in trên tờ vé số dòng chữ “kỷ niệm 69 năm (7.5.1954 - 7.5.2023) Chiến thắng Điện Biên Phủ…” mà lại có thêm cụm từ “trên không”. Sự sai sót này bị phát hiện, lãnh đạo công ty ấy đã phải nhận sai sót và xin lỗi rồi đấy.

-À, vụ đó Bàn Dân cũng có nghe, nhưng có lẽ không chỉ có công ty… in sai ấy phải rút kinh nghiệm, mà tất cả chúng ta đều phải lưu ý, rút kinh nghiệm chung trong vấn đề tuyên truyền, học tập lịch sử, để tránh những sự cố sai sót không đáng có như thế.  

Bàn Dân