Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Về phía mặt trời lên
Thứ bảy: 00:14 ngày 13/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bên hồ, hình ảnh khiến tôi phải dừng chân chính là hoa cỏ mùa xuân. Ðấy là ở khu đầu mối kênh tiêu, bên trong con đường ra đập chính. Nơi này thấy núi Bà ngun ngút mờ xanh dâng lên như ở kề bên. Lại một vùng nước trời lai láng nở đầy bông súng hồng.

Bông súng lòng hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Nguyễn Nhựt Tường

Ra Giêng. Chọn hướng xuất hành năm mới, tôi quyết định về huyện Dương Minh Châu. Là đi về hướng Ðông, hướng mặt trời lên.

Thật thú vị khi một mình một xe máy đi về phía mặt trời một sớm mai xuân. Gió đông ùa vào. Nắng sớm tinh khôi, đất trời thoáng đãng. Những phố, những làng cờ bay phấp phới. Trước sân nhiều nhà, và ngay cả UBND xã Bàu Năng vẫn còn vàng thắm hoa mai, xanh rờn bông kiểng.

Nhìn tấm bảng khẩu hiệu trước cổng Uỷ ban “Chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập huyện Dương Minh Châu (1951-2021)”, mới biết huyện đang chuẩn bị cho sự kiện long trọng: Kỷ niệm 70 năm thành lập. Huyện mang tên một anh hùng - liệt sĩ, lại là huyện đầu tiên do chính quyền cách mạng lập nên trên miền quê “núi Ðiện sông Vàm”.

Xe tôi lướt trên con đường 781, từ mấy năm nay đã thật êm thuận với mặt đường bê tông nhựa. Chợt nhớ vài lần đạp xe trên con đường còn khấp khểnh ổ gà, đá “củ đậu” vào Dương Minh Châu từ hơn 20 năm trước. Có những đêm trăng sáng lắm. Phố huyện còn chưa phải thị trấn, chưa có đèn đường, giống hệt một xóm quê chan chứa ánh trăng.

Giờ thì tôi vẫn đang ở xã Bàu Năng. Xe ngang qua miếu ông Tà. Miếu này đã thêm một lần được tu sửa khang trang, có cả cổng cao ngay sát lề đường. Viếng thăm, bên trong miếu nhang đèn còn ngát, bình bông cúc tươi rói. Tây Ninh có cả trăm miếu ông Tà, nhưng miếu này vẫn có gì đó riêng và đặc biệt. Là bởi nó đã được người xưa lưu giữ vào điệu lý câu hò ở xứ Bàu Năng. Ðây là bài Lý tìm nàng:

“Qua sân cu ơ rường ơ, mới tới miếu ông Tà…

Lên đây rồi mới gặp ở rường ơ, cửa nhà em ở Bàu Năng…

Ðường về Ninh Thuận mà mây giăng… ơ rường ơ…

Phải qua Ninh Hiệp mới đặng gặp nàng ơ rường ơ…”.

Những địa danh Sân Cu, Ninh Thuận, Ninh Hiệp nay vẫn còn. Và lần theo câu ca, có thể tìm đường để suy đoán. Rằng chàng ở ngoài xã Long Thành, nàng ở Bàu Năng, và miếu ông Tà như một cột mốc chỉ đường cho đôi lứa.

Nhà giáo, kiêm nhà nghiên cứu Trần Văn Rạng có lần kể tôi nghe về sự tích miếu ông Tà Bàu Năng. Ðấy là vào cái thời quan quân “đàng Cựu” (triều Nguyễn), có ông quan triều Tây Sơn thất trận tạm lánh lên đây, khi ấy còn thuộc làng Hiệp Ninh.

Ông cùng một người Khmer đưa lưu dân Việt, Khmer vào xóm gần núi Bà Ðen khai hoang sinh sống thuận hoà. Hai ông đã kết hợp hai tín ngưỡng: Thành hoàng và ông Tà mà lập nên ngôi miếu nhỏ này đây, ngày hoàn thành có mời cả hương chức làng Hiệp Ninh vào tham dự.

Nhưng cũng chính vì sự kiện đông người này mà tung tích ông quan bị bại lộ. Thì ra ông là Phan Văn Thân- một bộ tướng của quân đội nhà Tây Sơn. Sau đó ông bị bắt và đưa đi đâu không ai biết. Dân xóm đã lấy họ của ông đặt thành tên xóm nhỏ. Cái tên xóm xưa ấy nay đã thành tên xã Phan của huyện nhà.

Rừng dầu lịch sử. Ảnh: NQV

Ngày nay, xã Phan đã là xã nông thôn mới, một miền quê sáng tươi viền quanh chân núi Bà. Ðường 781 bê tông nhựa, đường bao quanh chân núi nối Khedol với cổng khu du lịch núi, mới đây còn thêm con đường nối từ chân núi ra đường 781 cũng mịn màng bê tông nhựa thẫm đen, nổi bật bên những bờ lau, ruộng mía xôn xao bông trắng tinh khôi.

Phan xứng đáng để các nhà doanh nghiệp, khởi nghiệp về đây lập nghiệp. Tôi chợt sững lại trước một ngôi nhà chữ đinh cổ kính giữa vườn mai bát ngát. Thấy rõ chủ nhân không nghèo, bởi trên sân trước cạnh vườn mai hàng chục chậu và cây rực rỡ bông vàng, còn có hàng trăm chậu kiểng đủ loại. Vậy mà vẫn thâm nâu nồng hậu một màu trầm của ngói móc, ván thưng và sân gạch lót bằng gạch tàu, gạch ống. Thời hiện đại, nhưng người ở Phan vẫn gìn giữ cho mình kỷ niệm của cha ông.

Tới Suối Ðá, tôi cũng gặp một ngôi chữ đinh như thế, nhưng ngoài mai, chủ nhân còn trồng hẳn rặng hoa hướng dương trên một thảm cỏ vườn hoa tạo hình hai chữ “an khang”. Gần đấy là một toà biệt thự kiểu Thái mới xây, với cả một sân vườn rộng rãi trồng toàn cây kiểng tạo hình kỳ lạ, không làm hàng rào, như mời gọi khách qua đường ghé xem.

Kiến trúc cũ và mới xen nhau, nhưng đều đẹp đẽ, hài hoà. Và cho dù những ngôi nhà bình dị bên đường, vẫn rộ vầng mai nở. Tôi chợt nhận ra là người Dương Minh Châu đặc biệt yêu thiên nhiên, cây cỏ. Cho dù ở Phan hay Suối Ðá, hay ra tận các ấp xa thuộc xã Phước Minh ven lòng hồ vẫn là một hình ảnh: cỏ hoa nở rợp trước hiên nhà.

Có lẽ chính tình yêu ấy đã khiến Dương Minh Châu có những cảnh quan đặc biệt mà không huyện, thị, thành nào có. Như Rừng Dầu lịch sử 130 ha ở xã Phước Minh, nay đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn làm vườn dầu giống quốc gia. Ai đi du xuân ở đập chính hồ Dầu Tiếng, lướt êm trên con đường từ ngã ba bến Ðá ra đập chính, thế nào chẳng thấy những khoảnh rừng sừng sững.

Có đoạn rừng vươn cao thân thẳng tắp, nhìn giống kiểu rừng bạch dương trên phim ảnh nước Nga. Vào rừng theo cổng chính khu di tích sẽ thấy dây leo vấn vít, bám lên những tán dầu cao. Con đường từ Thị trấn chạy ra mới thảm bê tông nhựa vài tháng trước, nếu không có dịch Covid-19 thì chắc chắn sẽ đông rợp đường bởi khách du xuân. Bởi nơi nào không có cây dầu, thì đã lại viền bằng rừng keo, tràm xanh mươn mướt. Ðất trời cao rộng, lòng hồ mênh mang, vi vút gió xuân, với rừng cây chạy dài hun hút một bên đường.

Cũng trên đường này tôi gặp một cơ sở mới của Công ty TNHH Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh. Ông bà đã góp cho dải đất ven hồ này một màu xanh mới mẻ. Trước khu vườn rộng hơn hai chục héc-ta, trồng toàn cây thuốc quý thì dọc bên đường, trồng toàn những cây hoa ngâu.

Hoa- dược liệu mà cũng xén tỉa đẹp như những vồng cây kiểng. Tò mò hỏi thêm, thì được biết trong các loài cây thuốc quý ở vườn, có cả cây ba kích- đặc sản ở miền rừng Ba Chẽ, Quảng Ninh, nay cũng đã xanh cây bén rễ đất lòng hồ. Một cảnh quan đặc biệt nữa, mà ngay thành phố Tây Ninh còn chưa có, là cây xanh đô thị.

Chẳng nơi đâu có được cả một hàng cây sao đen đã thành cổ thụ như ở thị trấn Dương Minh Châu. Hàng cây sao chạy dài cả cây số bên kia cầu Xa Cách. Chỉ có thể so sánh nó với những hàng cây đô thị ở Sài Gòn hay TP. Trà Vinh, nghĩa là cây cổ thụ có từ thời Pháp thuộc.

Không lạ sao, khi Thị trấn mới lập từ năm 1999? Tôi ngơ ngác nhìn, ngay cả công viên mới xây hoặc khu đất nghĩa trang liệt sĩ huyện, cũng lừng lững cao những hàng dầu cổ thụ đẹp như tranh. Hơn 20 năm xây dựng đô thị, huyện Dương Minh Châu có kiến trúc đường nét riêng tư lắm, cây bằng lăng nở dọc phố hè, sum suê tán lá quây tròn, căng chật những chùm hoa tím ngát tím hồng. Dải phân cách giữa đường cũng tưng bừng hai sắc đỏ vàng rạng rỡ của loài hoa giấy. Ði qua phố chính, chỉ thấy tươi vui để nhớ mãi trong lòng.

Bình minh lòng hồ. Ảnh: Nguyễn Minh Thiện

Xin trở lại với mục đích đầu tiên khi về Dương Châu Minh đầu xuân Tân Sửu. Là đi thăm trâu, như một nỗi nhớ trâu của kẻ mục đồng. Thì đấy! Qua hết phố chính thị trấn Dương Minh Châu, tới ngã ba bờ hồ hãy leo ngay lên đập phụ. Nơi này có tên là bến Ðá, có tàu ra đảo Nhím.

Trước mắt hiện ra loang loáng, bao la mặt nước lòng hồ Dầu Tiếng. Nước hồ xuân vẫn khá cao, làm ngập dải cù lao mùa khô trâu vẫn lội ra gặm cỏ non. Thì bầy trâu cả trăm con vẫn lội rải rác bên bờ hồ tìm kiếm cái ăn. No nê, chúng thanh thản đầm mình trong nước.

Ði dọc bờ đập sẽ gặp nhiều bầy trâu khác. Nhưng cảnh quan đẹp nhất vẫn là ở bến Ðá, nơi có nhiều ghe thuyền của ngư dân đậu bên bờ nước, giữa lúp xúp cỏ nước trồi lên và những bãi trâu ăn. Trời xuân ở miền “nước non” này như thể có mây giăng, sương mù lãng đãng khiến trời nước cứ lơ mơ như tranh thuỷ mặc. Sắc màu đậm đà nhất của tranh vẫn là những bầy trâu đen mập ú căng tròn.

Bên hồ, hình ảnh khiến tôi phải dừng chân chính là hoa cỏ mùa xuân. Ðấy là ở khu đầu mối kênh tiêu, bên trong con đường ra đập chính. Nơi này thấy núi Bà ngun ngút mờ xanh dâng lên như ở kề bên. Lại một vùng nước trời lai láng nở đầy bông súng hồng.

Chỉ có một người đàn ông chèo xuồng đi tìm hái rau cỏ gì đó. Chiếc xuồng cứ lặng lẽ trườn đi giữa miền hoa lai láng. Cỏ nước rập rờn xanh, đây đó trỗi lên từng cụm súng hồng. Bông súng Dương Minh Châu cứng cáp, xoè nở mộc mạc thân tình mà kiêu hãnh. Rừng dầu lịch sử Dương Minh Châu ở rất gần đây, thăm thẳm đại ngàn.

Ghi chép: Nguyễn Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục