BAOTAYNINH.VN trên Google News

Về quản lý và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn huyện Tân Châu

Cập nhật ngày: 11/09/2010 - 11:27

Phó Bí thư Huyện uỷ Tân Châu Phạm Hùng Thái tại Đại hội Đảng bộ huyện Tân Châu

Tân Châu là huyện biên giới phía Bắc tỉnh Tây Ninh, có diện tích tự nhiên là 111.046 ha (chiếm 1/4 diện tích của tỉnh). Theo quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh thì huyện Tân Châu có đến 32.321 ha đất rừng. Trong đó, đất rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng ở khu vực đầu nguồn chiếm đến 29.698 ha, có vị trí vai trò và chức năng rất quan trọng về phòng hộ biên giới, điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất, hạn chế xói mòn - lũ lụt, bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan môi trường… Đặc biệt là chức năng giữ nước cho hồ Dầu Tiếng, đảm bảo cho hồ Dầu Tiếng điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung cấp nguồn nước sinh hoạt không chỉ cho tỉnh Tây Ninh mà cho cả TP.HCM và tỉnh Long An. Vì vậy, Đảng bộ huyện Tân Châu luôn xác định công tác bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương. Nếu việc bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn không tốt, chắc chắn sẽ có nhiều tác động xấu trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội và môi trường của tỉnh ta và khu vực lân cận.

Trong khi đó, thực trạng công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng phòng hộ trên địa bàn huyện trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Cụ thể như trong số 29.698 ha đất quy hoạch rừng phòng hộ hiện có 12.057 ha đất có rừng, 4.698 ha rừng trồng, còn tới 6.926 ha đất chưa có rừng và 5.553 ha đất khác. Mặc dù trong nhiều năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh và địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết tình trạng sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Chỉ từ khi triển khai thực hiện quyết liệt theo tinh thần Quyết định số 875 của UBND tỉnh từ năm 2009 đến nay mới có chuyển biến tốt (đến tháng 6 năm 2010, còn khoảng 1.588 ha đất quy hoạch rừng phòng hộ Dầu Tiếng bị sử dụng không đúng mục đích như: trồng cao su, cây ăn quả, các loại cây nông nghiệp ngắn ngày…). Trong quá trình quy hoạch đất rừng phòng hộ, hiện nay còn có trên 1.900 hộ gia đình, với hơn 7.600 nhân khẩu đang sinh sống, có nhà ở (phần lớn là các hộ dân sống ổn định trước khi quy hoạch đất rừng phòng hộ), trong đó, phần đông là đồng bào dân tộc Khmer, dân tộc Chăm và bà con Việt kiều Campuchia về đây sinh sống.

Bên cạnh đó, các mô hình trồng rừng theo các chương trình dự án 327 và 661 trước đây đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn, chưa gắn kết và đảm bảo hài hoà giữa lợi ích chung với lợi ích của người trực tiếp nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng; mức đầu tư và phí hỗ trợ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng thấp và mức hưởng lợi từ việc trồng rừng rất thấp so với trồng các loại cây khác… nên dẫn đến việc rừng ít được quan tâm chăm sóc, bảo vệ hoặc bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích. Do địa bàn rừng phòng hộ quá rộng, diện tích lớn nhưng các điều kiện cơ bản về cơ sở vật chất, kỹ thuật còn hạn chế; lực lượng kiểm lâm và cán bộ quản lý dự án còn rất mỏng… dẫn đến việc quản lý đất quy hoạch trồng rừng không chặt chẽ, nhiều vụ vi phạm không được phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời. Từ khi huyện Tân Châu thống nhất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương giao khoán cho lực lượng xã đội và dân quân của hai xã Tân Hoà và Suối Ngô chăm sóc, bảo vệ rừng, bước đầu đã phát huy được hiệu quả.

Một góc rừng phòng hộ đầu nguồn ở Tân Châu

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn và nâng cao giá trị kinh tế của rừng phòng hộ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra, huyện Tân Châu đề xuất một số giải pháp bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng trong thời gian tới như sau:

Tiếp tục tập trung xử lý dứt điểm tình trạng bao, lấn chiếm trái phép đất rừng và sử dụng đất rừng sai quy định theo tinh thần kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 875/2009/QĐ-UBND, ngày 13.5.2009 của UBND tỉnh để tăng diện tích rừng phòng hộ theo đúng quy hoạch và định hướng của tỉnh. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ trồng và bảo vệ rừng; kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm; đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, đảm bảo diện tích đất quy hoạch rừng phòng hộ.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định rõ, rạch ròi ranh giới từng khu rừng phòng hộ, rừng sản xuất, vùng đất bán ngập hồ Dầu Tiếng với ranh giới đất nông nghiệp của địa phương để tránh chồng lấn, ảnh hưởng đến công tác quản lý. Đồng thời tiến hành rà soát, đề xuất với tỉnh điều chỉnh tổng quan đất lâm nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tế, theo hướng sắp xếp ổn định dân cư trong quy hoạch đất lâm nghiệp, những khu vực đất không thích hợp để trồng rừng hoặc một số khu vực dân cư đã ở tập trung ổn định, thì cắt ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp và giao cho địa phương quản lý, bố trí thành khu dân cư ổn định; đối với các hộ dân sinh sống rải rác trong đất quy hoạch rừng phòng hộ, thì tổ chức di dời đến nơi ở mới có điều kiện kinh tế - xã hội đảm bảo và tốt hơn nơi ở cũ, nhằm góp phần ổn định đời sống dân cư và chống lấn chiếm, chặt phá rừng.

Đối với việc phát triển rừng: tuỳ theo đặc điểm từng khu vực để áp dụng các mô hình trồng rừng thiết thực, có hiệu quả cao. Vừa đạt mục tiêu giữa nhiệm vụ phòng hộ đầu nguồn hồ nước Dầu Tiếng vừa sinh lợi cao cho người trồng rừng, để người trồng rừng thực sự gắn bó giữa quyền lợi và nghĩa vụ đối với việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Cần đẩy mạnh công tác khuyến lâm, đưa thành tựu khoa học áp dụng cho các mô hình trồng rừng có hiệu quả và phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của địa phương. Phát huy hiệu quả các mô hình trồng rừng xen canh (như mô hình trồng xen cao su với cây rừng hiện nay) và mô hình cây trồng dưới tán rừng. Phát huy tính ưu việt, hiệu quả giữa cây chính và cây phụ, đồng thời cần đa dạng hoá chủng loài, ngoài các loài cây thông thường như: sao, dầu, xà cừ… cần nghiên cứu áp dụng trồng các loại cây đa mục tiêu như: mây, tre, trúc, tầm vong, cây ươi, cây trôm… để tăng nguồn lợi và thu nhập cho người trồng rừng.

Bên cạnh đó, cần áp dụng, vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước đối với các hộ dân nhận khoán trồng rừng, như: tăng định mức vay vốn sản xuất, tăng định mức đầu tư cho hộ tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Mặt khác, đề nghị tỉnh kiến nghị với Chính phủ sớm triển khai chính sách trả phí dịch vụ môi trường cho chủ rừng và những người trực tiếp bảo vệ, chăm sóc rừng phòng hộ Dầu Tiếng từ nguồn phí thu được của các tổ chức, đơn vị kinh tế như: các nhà máy cấp nước sinh hoạt, các công ty kinh doanh du lịch sinh thái, hưởng lợi từ rừng… mà hiện nay Chính phủ đang triển khai thí điểm ở hai tỉnh Sơn La và Lâm Đồng.

Người dân Tân Châu tự nguyện chặt cây trồng sai mục đích để trồng lại rừng

Về công tác bảo vệ rừng: Phát huy hơn nữa vai trò quản lý hành chính của chính quyền địa phương các cấp trong việc hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng; tổ chức tốt công tác giao khoán bảo vệ, chăm sóc rừng, khoán khoanh nuôi tái sinh rừng. Tiếp tục phát huy hiệu quả việc giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng cho lực lượng dân quân, lực lượng tuần tra nhân dân của các xã có rừng phòng hộ. Củng cố, chấn chỉnh công tác phối hợp và nâng cao trách nhiệm giữa các lực lượng: kiểm lâm, cán bộ quản lý dự án rừng, lực lượng biên phòng trên địa bàn và các lực lượng công an, quân sự của địa phương để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.

 PHẠM HÙNG THÁI

(Phó Bí thư TT-HU Tân Châu)