Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Về quê ăn tết
Thứ bảy: 23:17 ngày 20/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tấm áo màu tro, chiếc lưng bè bè hơi còng vì đang chồm về phía trước thổi lửa của mẹ chồng sao Hà thấy yêu thương quá đỗi. Mùa xuân vẫn còn tươi nguyên trước ngõ. Năm nay, gia đình Hà về quê ăn tết thật ấm áp làm sao.

Truyện ngắn: Đ.P THUỲ TRANG

“Tết này hai đứa muốn đi đâu?”. Hà lại hỏi các con câu đó. Vì Hà xem những ngày cả gia đình cùng du lịch dịp tết là phần thưởng cho hai con sau một năm bị “nhốt” trong nhà và lớp học.

Năm thì các con đi Đà Lạt, năm Vũng Tàu, năm Hạ Long… Lên rừng, xuống biển đều đủ hết rồi. Chồng Hà cũng không ý kiến gì, bởi anh muốn thưởng cho các con những ngày vui chơi thật thoải mái. Năm nay, Hà muốn đi du lịch ở nước ngoài vì vừa mua lại được tua giá rẻ bất ngờ.

Vậy mà chồng Hà phán:

- Năm nay về nội!

- Anh điên à? Nông thôn heo hút có gì mà vui? Con mình cần nghỉ ngơi thật tốt anh không biết sao? Bao nhiêu là quà và tiền em đã gửi về cho mẹ không đủ hả?

Chồng Hà ôn tồn:

- Vấn đề không phải là tiền…

- Chứ là cái gì? Đời này tiền không phải là tất cả, nhưng sẽ không có tất cả nếu không có tiền đó anh yêu à!

- Cô Út vừa mất, mẹ rất buồn. Còn ai ngoài vợ chồng mình về ăn tết với mẹ?

- Trời ơi là trời! Chả lẽ vì lý do đó mà anh treo mẹ con em nửa tháng ở xó quê đó sao?

- Được. Vậy mẹ con em cứ đi chơi. Tôi về với mẹ tôi.

Chồng Hà đáp cứng nhưng gương mặt anh méo xệch.

Hà vùng vằng bỏ về phòng, mặc bữa cơm còn dang dở.

Đời của mẹ chồng Hà, có lẽ cái khổ đau gấp mấy lần người khác hay khổ giùm người khác cũng không chừng. Cả đời làm dâu, mẹ phải tảo tần buôn gánh bán bưng nuôi cả nhà chồng, chồng chết lúc hăm lăm tuổi mà vẫn ở vậy nuôi con ăn học. Tội nghiệp cô con gái út học xong lớp sáu đã phải ở nhà giúp mẹ nuôi heo, chăn vịt để có tiền cho anh hai đi học. Ngay cả ước mơ làm một cô thợ may áo bà ba ở góc quê mà Út cũng không thực hiện được, bởi bận cùng mẹ mưu sinh, vừa nuôi anh trai ăn học, vừa nuôi ông bà nội già nằm một chỗ. Rồi trong một lần đi chợ sớm, Út bị người ta gây tai nạn đến yếu liệt một chân ở tuổi mười lăm.

Từ nhà tới trường rất xa, phải đi bộ từ bốn giờ sáng mới mong bảy giờ tới được lớp học. Vậy mà ngày mưa cũng như ngày nắng, ngày lạnh cũng giống ngày nóng, mẹ đều đồng hành với con trai cho đến hết lớp chín.

Lên lớp mười, anh về thị xã và được người quen cho ở trọ. Mẹ con ít dịp gặp nhau vì chuyện học hành và mưu sinh. Mẹ không nói với anh, cái chân yếu của Út giờ đã nằm một chỗ vì một lần chạy mưa gom củi hốt lúa bị té.

Mãi khi anh xong lớp mười, về thăm nhà mới biết tình trạng sức khoẻ của em mình. Tuy không đi đứng được nhưng trí óc Út rất minh mẫn, Út nói” “Anh ráng học hành cho “nên người”, có cái chữ đỡ tấm thân. Em nằm đây nhưng có thể đan thảm chùi chân, đan giỏ lục bình kiếm tiền phụ mẹ nuôi anh ăn học được”.

Anh khóc, nói dù thế nào cũng sẽ cố gắng học, rồi khi anh có tiền, anh sẽ đưa Út đi chữa bệnh để đi lại được. Chứ ai đời con gái mười tám mà nằm một chỗ cho mẹ già dìu đỡ thế kia. Hai anh em cười mà chan hoà nước mắt.

Vậy mà… anh học xong rồi tìm việc mãi, lao động đến rã cả tay cũng không đủ tiền đưa Út đi chữa bệnh.

Ngày anh thành chủ cơ sở nhôm kính, Út đã được anh đón từ quê lên thị xã để nhìn anh đã “nên người” như lời dặn của Út. Ngày đó, em gái anh vui lắm, ăn hết cả chén cơm và nhất quyết đòi ngồi dậy nhìn khách khứa ra vô.

Thế nhưng, khi anh dành dụm được vài chục triệu để đưa em gái đi chữa bệnh, thì bác sĩ nói cơ thể Út đã suy kiệt quá nhiều, bệnh lại quá lâu nên hết cơ hội chữa trị. Giờ chỉ sống bằng niềm vui thôi.

Tuyệt vọng. Anh hỏi Út muốn anh tặng niềm vui gì. Út bảo anh cưới vợ đi cho có em bé chạy tung tăng trong nhà thì Út sẽ vui lắm. Nhưng… làm sao anh dám ngỏ lời, dù từ lâu đã có tình ý với con gái ông chủ đại lý nhôm sắt ấy.

Rồi mẹ anh biết chuyện, bà đôn đốc suốt hai tháng trời anh mới dám ngỏ lời. May mà cô ấy chấp nhận. Ngày cưới, cha vợ thương chàng rể nghèo khó, cần cù nên cho hẳn một căn nhà và tiền vốn làm cửa hàng bán vải.

Một năm sau, anh và vợ đón con gái đầu lòng.

Mẹ bảo, thời gian đó Út cứ cười mãi, cứ cầm điện thoại nhìn hình cháu và cười.

Rồi Hà sinh đứa thứ hai sau đứa trước hai năm. Bây giờ, chị em chúng đứa lên bảy, đứa lên chín, mà Út lại vừa mất cách đây vài tháng.

Hà chợt thương mẹ chồng ra vô quạnh vắng ở quê, Hà có hai đứa con mà vắng chúng nửa ngày đã thấy thương thấy nhớ. Huống chi mẹ chồng đã mất Út mãi mãi rồi.

Vùng dậy ra phòng khách, định nói với chồng lời xin lỗi thì đã thấy anh đang loay hoay đắp mền cho con ở phòng bên. Thì ra… anh đã tắm táp cho tụi nhỏ, còn kể xong mấy câu chuyện cổ tích nên tụi nhỏ mới ngủ ngoan thế này.

Hà sẽ sàng đến bên anh: “Tết này mình về quê với mẹ nha anh”. Câu nói khẽ như gió thoảng nhưng làm ánh mắt anh vụt sáng như sao trong ánh đèn ngủ lờ mờ.

* * *

Hà nắm chặt miếng cơm dừa và gồng tay lên bào thật mạnh lớp vỏ lụa màu nâu. Kết quả, phần cơm trắng chỉ còn mỏng dính. Lại một phen bào sợi miếng cơm dừa đó, nhưng tại sao sợi dày, sợi mỏng, sợi ngay, sợi uốn éo cong vòng.

Trong nhà, mẹ chồng đang lược nồi nước lá cẩm lấy màu. Mấy sợi tóc bạc loà xoà trước trán bết dính mồ hôi trong gian bếp nồng mùi khói. Nhìn thau dừa Hà bào, mẹ cười nheo cả mắt. Cất nồi nước màu, mẹ ra sân cầm tay chỉ việc cho Hà từ chuyện cắt miếng dừa sao cho vừa tay cầm. Lớp vỏ lụa màu nâu đó chỉ cần bào nhẹ là được. Phần cơm màu trắng này cũng chỉ cần bào nhẹ, lưỡi bào đa năng này dễ sử dụng lắm, chỉ cần nhẹ tay…

Tới khâu sên mứt. Dù đã ngồi xem mẹ sên hai chảo; màu cẩm hồng tươi và thơm phức mùi tết, mùi đường, nhưng tới phiên Hà thì chảo mứt đã biến thành chảo... nước màu, bởi nó vón cục và màu cẩm đã thành đen trạy.

Hà khóc hu hu như đứa trẻ mất quà vì thấy mình quá tệ. Mẹ vỗ nhè nhẹ lên lưng:

- Con đừng khóc. Mẹ có la rầy gì đâu. Nín để con trẻ nó thấy nó cười. Ở đời không ai giỏi hết mọi việc, cứ từ từ... thất bại là bà ngoại của thành công mà!

Gương mặt nhoè nước mắt nhưng Hà cũng bật cười vì mẹ chồng còn biết sử dụng cả ngôn ngữ của tuổi teen. Rồi Hà lại tỉ mẫn đảo từng chảo nước đường, sao cho tới lúc kéo chỉ mới cho một ít cơm dừa vào, rồi lại kéo củi ra khỏi bếp, chỉ lấy hơi nóng của than thôi…

Vuông bếp ẩm thấp và nồng nặc mùi khói này là cả tuổi thơ của người đàn ông mà Hà yêu quý đó sao? Cả tuổi trẻ đến tận lúc tóc pha sương, mẹ chồng Hà cũng chỉ có vuông bếp này thôi à? Chả bù với phụ nữ bây giờ, nồi niêu bếp núc cứ sáng choang mà cơm nhà vẫn vui thì nấu, buồn thì ra tiệm.

Nồi nhân bánh tét bếp bên kia đã bốc mùi thơm lừng của đậu xanh nấu chín. Hà lại bằm tỏi phi dầu để trộn nhân. Thêm chút muối cho đỡ nhạt rồi lại đều tay khuấy như lời mẹ chỉ bảo. Xong thì đổ ra mâm cho nguội. Rồi lại vo thành những tảng nhân hình trụ sao cho không bị “đầu voi đuôi chuột”.

Khâu cột dây bánh tét mới là vui, vì không hiểu sao ngồi cạnh bên mẹ chồng, mẹ còn cầm tay cho Hà từng nuộc dây, nhưng đòn bánh của mẹ dây cột ngay ngắn đến cuối cùng, còn so các đầu mối mà thắt bím cho dây gọn nữa, còn đòn bánh của Hà mỗi mối dây nằm một địa chỉ khác nhau.

Cuối cùng, nồi bánh tét của Hà vẫn chín lúc còn mười phút nữa là giao thừa.

Sáng mồng Một, sau khi đốt nhang các bàn thờ, vợ chồng Hà mừng tuổi mẹ. Người trẻ bây giờ đi làm khá giả rồi, nên mừng người lớn phong bao đo đỏ là chuyện thường tình. Nhưng mẹ chồng Hà không đồng ý, bà bảo phải để cho mẹ mừng con, bà mừng cháu trước. Rồi các con muốn mừng mẹ gì thì mừng. Vậy Hà phải khoanh tay như thời trẻ nhỏ mà nghe điệp khúc “Năm cũ bước qua năm mới lại đến…” nghe sến sến làm sao.

Phong bao của chồng Hà và hai cháu thì mẹ không nói gì, nhưng riêng Hà mẹ dặn: “Mai mốt con về nhà con rồi hãy mở nghe”. Trong ý nghĩ của Hà, chắc mẹ ngại vì ít tiền mừng năm mới cho con dâu quá, mở ở đây không tiện.

Đi chùa xong đã đến trưa. Buổi chiều Hà ngủ, không muốn thức để bù cho cả tuần mệt nhọc. Hai con Hà chạy giỡn giành quà bánh. Chồng Hà nhấp nhổm vì bao nhiêu là bạn cứ hú gọi “làm bậy ly mừng xuân”. Trong cơn mê ngủ vì mệt, Hà nghe mẹ chồng bảo các cháu để yên cho mẹ ngủ. Lại bảo chồng Hà muốn gì thì hẹn bạn ngày mai có vợ, có chồng cùng đi ăn tết chứ đầu xuân năm mới, vợ chồng không nên mạnh ai nấy đi như vậy.

Chị gió Xuân phe phẩy những phiến lá mai non đang chìa bàn tay vào tận cửa sổ gọi Hà dậy, vì ông mặt trời đã nghiêng nghiêng vạt nắng buổi hoàng hôn.

Hà nghe mùi khói bếp thoảng bên mũi thơm thơm, khói lại là đà qua mắt cay cay. Thì ra mẹ đang nấu cơm. Chiếc nồi gang nứt nắp hôm nào cũng để lại một vệt đen trên mặt cơm âm âm mùi khói.

Ngoài cửa bếp, chồng Hà và hai con đang đổ bắp, lấy nước cho bầy gà uống ăn kèm lời dặn của mẹ:

- Ráng cho tụi nó ăn nhiều một chút. Chừng hết tết, tụi con về thành phố sẽ có nhiều gà mập đãi bạn bè.

Hà nghe mắt cay không phải vì khói bếp. Chỉ còn bốn ngày nữa là gia đình Hà sẽ rời chốn ấm êm này để trở về với bao xô bồ của xe cộ, công việc và bốn bức tường cho con trẻ học hành, cứ như nuôi nhốt gà công nghiệp.

Tấm áo màu tro, chiếc lưng bè bè hơi còng vì đang chồm về phía trước thổi lửa của mẹ chồng sao Hà thấy yêu thương quá đỗi.

Mùa xuân vẫn còn tươi nguyên trước ngõ. Năm nay, gia đình Hà về quê ăn tết thật ấm áp làm sao.

Đ.P.T.T

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục