BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vẻ riêng thánh thất, điện thờ

Cập nhật ngày: 15/11/2011 - 11:44

Nhớ lại mà xem, thế nào cũng có lúc trên đường công tác hoặc tham quan, du khảo đâu đó, bạn sẽ gặp những ngôi thờ tự của đạo Cao Đài. Nếu xe chạy chậm, ta sẽ còn nhìn thấy hàng chữ “Đại đạo tam kỳ phổ độ Toà Thánh Tây Ninh” bên dưới bức tranh Thiên nhãn vẽ một con mắt trái với những tia hào quang toả ra bốn phía. Để rồi nếu là người Tây Ninh, thì thế nào bạn cũng có cảm nghĩ hoặc lời giới thiệu với bạn bè nơi khác. Rằng, kia là thánh thất của một tôn giáo nội sinh, có nguồn gốc từ Tây Ninh. Vâng! Quả nhiên, thánh thất, điện thờ của Cao Đài Tây Ninh đã hiện diện trên nhiều miền đất nước. Xa xôi là Hà Nội, Hải Phòng. Gần hơn là Huế, Đà Nẵng… ở miền Trung. Còn ở khu vực miền Đông, miền Tây Nam bộ thì hầu như tỉnh nào cũng có. Và, tôn giáo này cũng đã định vị được hình ảnh nhờ vào những ngôi kiến trúc mang nét riêng của mình.

Thánh thất Cao Đài Thị xã

Đi trên các nẻo đường Tây Ninh, thì chắc chắn ở đường nào từ cấp tỉnh lộ trở lên, ta cũng gặp các ngôi thánh thất, điện thờ. Thánh thất là ngôi để thờ đức Chí Tôn - thượng đế theo quan niệm của giáo lý Cao Đài, còn điện thờ là nơi thờ chính của đức Phật Mẫu, còn gọi là đức Diêu Trì kim mẫu. Gọi cách giản dị, nôm na hơn là một bên thờ Cha, bên kia thờ Mẹ. Ngày nay, đa số những ngôi thờ ấy đã được xây sửa đàng hoàng, to tát. Thế nhưng, vẫn còn một số nhỏ tuy đã sửa sang, nâng cấp nhưng vẫn giữ được hình dáng kiến trúc xưa, có từ thuở đất nước còn nhiều khó khăn gian khổ. Như các ngôi thánh thất ấp Hiệp An và Hiệp Long thuộc xã Hiệp Tân (Hoà Thành) hoặc ngôi ở xã Đồng Khởi (Châu Thành). Do còn ít, nên đã thành “của hiếm”. Người nơi khác đi qua cũng thấy là lạ mắt. Sau lạ thì thấy thân quen gần gũi, bởi các ngôi ấy có khi còn nhỏ hơn cả những ngôi nhà biệt thự mới xây trên các phố, đường. Còn đường nét kiến trúc thì đặc biệt với vẻ mộc mạc dân gian, chân chất.

Ngoại trừ một số ngôi đã được xây dựng từ lâu (trong khoảng những năm 50, 60 của thế kỷ trước) đa số thánh thất, điện thờ trong và ngoài tỉnh hiện nay đã được xây, sửa lại lớn hơn và tuân theo đúng kiểu kiến trúc do Hội thánh quy định. Theo quy định ấy- được thể hiện qua các bản vẽ do Công viện lập và Hội Thánh phê duyệt thì thánh thất, điện thờ có đến 5 loại kiểu mẫu, từ mẫu số 1 đến số 5. Mẫu số 5 nhỏ nhất, như các thánh thất vừa được khánh thành ở ấp Hiệp An, xã Hiệp Tân (Hoà Thành) hoặc thánh thất Thị xã. Riêng ngôi ở Thị xã được xây theo mẫu 5, nhưng có thêm 1 tầng trệt làm diện tích Thiên Phong đài, chuyên lo việc tang lễ cho đạo hữu Cao Đài. Kích thước mặt bằng của thánh thất Thị xã là (12,6 x 36,0) mét.

Mẫu số 1, lớn nhất (sau ngôi đền thánh) chưa từng được xây dựng trên đất Tây Ninh. Mẫu số 2 chỉ có ngôi thánh thất Cẩm Giang, Gò Dầu, mà dẫu ở cách xa đường quốc lộ 22B vài trăm mét, ta vẫn thấy những tháp lầu chuông, trống cao vời khi đi trên quốc lộ. Mẫu số 3 chỉ mới có rất ít, điển hình là ngôi ở xã Long Thành Trung (Hoà Thành). Cho đến nay, phổ biến nhất vẫn là các mẫu số 4 và 5.

Điện thờ Phật mẫu Cầy Xiêng

Cho dù là mẫu nào, cấu trúc các bộ phận hợp thành cơ bản cũng giống như cấu trúc ngôi đền thánh. Đó là sự tổ hợp lại của ba phần cơ bản: Hiệp Thiên Đài (phía trước), Cửu Trùng Đài (ở giữa) và Bát Quái Đài (phía sau). Lầu chuông, trống có tên chữ là Bạch Ngọc Chung Đài và Cổ Lôi Âm Đài có sự kế thừa kiểu tháp chuông nhà thờ công giáo. Phần thân nhà, có thể có số gian từ 5 đến 9 là phần được gọi là Cửu Trùng Đài, luôn luôn được lợp bằng ba tầng mái ngói từ dưới lên trên nhỏ dần theo lối chồng diêm. Phần cuối cùng có mặt bằng thường là một nửa hình bát giác đều, luôn có một tháp lầu trên mái cùng được gọi là lầu bát quái. Dĩ nhiên, các thánh thất không bao giờ có đầy đủ các chi tiết kiến trúc, cũng như các biểu tượng thờ như ở ngôi đền thánh. Cụ thể như không có trái càn khôn trên bàn thờ ở Bát Quái Đài, không có tháp nghênh phong hoặc không có tượng thờ ba vị Thượng phẩm, Hộ pháp, Thượng sanh ở phần Hiệp Thiên Đài… Thế nhưng, nhìn từ phía trước vào mặt tiền, người ta luôn thấy một hình ảnh của Toà Thánh Tây Ninh thu nhỏ- ngôi đền thờ có phong cách kiến trúc lạ mắt nhất trong các loại hình kiến trúc thờ tự.

TRẦN VŨ