BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vệ sinh phòng mổ kém làm tăng nhiễm khuẩn tại Việt Nam 

Cập nhật ngày: 13/08/2017 - 09:09

Tại hội nghị khoa học kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện diễn ra tại BV Trung ương Huế ngày 12-8, Th.S Trần Hữu Luyện, phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết tình trạng bệnh nhân bị nhiễm khuẩn khi điều trị rất đáng báo động.


Bà Satoko Otsu, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam: “Rửa tay đúng cách sẽ giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân” - Ảnh: NHẬT LINH

Nhiễm khuẩn bệnh viện tại Việt Nam: Đáng báo động!

Nhiễm khuẩn bệnh viện là một vấn đề đang được ngành y tế đặc biệt quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn thế giới. Theo nghiên cứu của WHO trong năm 2016, tỷ lệ bị nhiễm khuẩn của bệnh nhân trong khoa hồi sức cấp cứu ở Việt Nam lên đến gần 30%.

Theo ThS Trần Hữu Luyện, phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện tình trạng bệnh nhân bị nhiễm khuẩn khi điều trị ở bệnh viện hiện nay đang rất đáng báo động. Đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dịch bệnh đang bùng phát mạnh tại Việt Nam, điển hình như dịch sốt xuất huyết.

Ông Luyện khẳng định việc vệ sinh phòng mổ không tốt chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ bệnh nhân bị nhiễm khuẩn sau mổ ở Việt Nam cao như vậy.

Vệ sinh tay phải đúng cách

PGS.TS Lê Thị Anh Thư, trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết thêm vệ sinh tay được coi là biện pháp đơn giản nhưng quan trọng nhất trong phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.

Tuy nhiên, hiện có rất nhiều bác sĩ, nhân viện y tế… không tuân thủ đúng 5 thời điểm vệ sinh tay do WHO đưa ra.

“Nhiều bác sĩ làm việc ở các phòng chạy thận nhân tạo không rửa tay sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân. Đôi găng tay y tế thì đeo từ đầu đến hết buổi vẫn không thấy thay.” - bà Thư nói.

Bà Thư còn nhấn mạnh việc phải đảm bảo vệ sinh, tránh nhiễm khuẩn trong các phòng, thiết bị chạy thận nhân tạo. Vụ việc 8 bệnh nhân tử vong khi chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình luôn là hồi chuông cảnh tỉnh cho mỗi y bác sĩ về công tác vệ sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn.

Phát biểu tại hội thảo, bà Satoko Otsu, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết WHO hết sức quan tâm đến việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, đặc biệt là vấn đề vệ sinh tay.

“Chúng tôi nhìn nhận việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện là mấu chốt để phòng ngừa các dịch bệnh mới nổi. Chỉ với việc vệ sinh tay đúng cách thôi, chúng ta cũng đã có thể giảm được rất nhiều nguy cơ tử vong cho người bệnh rồi” - bà Otsu nói.

Rửa tay thông thường phải tuân thủ theo các bước sau đây:

+ Nhất thiết phải rửa tay bằng nước và xà phòng khi tay dính bẩn, dính máu hoặc dịch cơ thể của bệnh nhân.

+ Rửa khuẩn tay bằng dung dịch cồn khi tay không thấy rõ vết bẩn.

+ Lấy đủ lượng hoá chất vệ sinh tay: 3 - 5 ml xà phòng trung tính (1 lần bơm) hoặc 3-5 ml dung dịch cồn khử khuẩn (2 lần bơm).

+ Đảm bảo thời gian chà tay (thời gian hoá chất tiếp xúc với da tay) tối thiểu 30 giây.

+ Nếu rửa tay bằng xà phòng và nước: Sau rửa tay cần lau khô toàn bộ bàn tay bằng khăn sạch và khóa vòi nước bằng khăn vừa sử dụng, tránh làm ô nhiễm lại bàn tay.

+ Không rửa lại tay bằng nước sau khi đã rửa tay bằng cồn.

(Theo PGS.TS Lê Thị Anh Thư, trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn BV Chợ Rẫy, TP.HCM)

Nguồn TTO