Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Về thăm bia tưởng niệm liệt sĩ công nhân
Thứ hai: 04:25 ngày 05/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ năm 2003 đến nay, mỗi khi đến ngày 6 tháng 6, nhiều cựu cán bộ, công nhân viên chức thuộc Nông trường quốc doanh Phước Vinh (huyện Châu Thành) trước kia lại cùng nhau tìm về miền đất vùng biên heo hút, nơi toạ lạc cơ quan cũ của họ- bây giờ đã thành Trường tiểu học Phước Thạnh với cơ ngơi hiện đại, khang trang.

Tặng quà cho học sinh nghèo Trường tiểu học Phước Thạnh. Ảnh: NG. Cảnh

Về chốn cũ, mọi người lại cùng quây quần bên nhau để ôn lại những kỷ niệm vui buồn của một thời gian khổ đã qua, đặc biệt là để thắp lên những nén hương tưởng nhớ các đồng nghiệp đã mãi ra đi từ những ngày chiến tranh biên giới khốc liệt. Những người trở về hôm nay hiện đang sinh sống tại nhiều tỉnh, thành khác nhau trong nước, gần nhất là huyện Tân Châu.

Bây giờ gặp lại, nhiều người tóc đã hai màu, có cả những bước chân run rẩy, những đôi mắt đục mờ không còn nhìn rõ bạn bè. Nhưng bất cứ ai cũng khó ngăn được cảm xúc khi còn nắm được tay nhau để hỏi thăm sức khoẻ, cuộc sống của nhau.

Ngày 6 tháng 6 được xem như một ngày giỗ, ngày tưởng niệm các liệt sĩ công nhân đã hy sinh và cũng là một ngày truyền thống của nông trường.

Ngay tại góc trái phía trước sân Trường tiểu học Phước Thạnh hiện đã hình thành một nhà bia kiên cố. Đó là nhà bia tưởng niệm 8 liệt sĩ công nhân nông trường Phước Vinh đã hy sinh vào năm 1978.

Sáng ngày 6.6.2015- nghĩa là cách đây tròn 2 năm, công trình nhà bia đã được khánh thành trọng thể. Trong tâm tư các cựu cán bộ, công nhân viên Nông trường Phước Vinh ngày ấy, không ai có thể quên được cái thời khắc kinh hoàng, đau thương đã xảy ra cách nay tròn 39 năm…

Đúng vào đêm 5 rạng ngày 6.6.1978, vào lúc 1 giờ 45 phút, bọn diệt chủng Pol Pot Ieng Sary từ bên kia biên giới đã tràn qua lãnh thổ nước ta điên cuồng tấn công vào nông trường, vào những cán bộ, viên chức và công nhân không một tấc sắt trong tay.

Ngày ấy, nơi này còn mang tên Nông trường Tà Băng thuộc ấp Tà Nòn nay là ấp Phước Thạnh, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành (cũng cần nói rõ Nông trường Phước Vinh thành lập từ ngày 1.5.1976, có chức năng sản xuất lúa và chăn nuôi heo. Từ năm 1986,  nông trường giải thể và chuyển giao cho địa phương sử dụng).

Trong tình thế hết sức nguy khốn do bị tấn công bất ngờ, cán bộ, công nhân nông trường vẫn quyết liệt chống trả và 8 công nhân đã ngã xuống, tất cả đều chưa quá tuổi 20 và đều chưa có gia đình. Trong số 8 người trẻ- nay đã thành liệt sĩ ấy, đa số sinh sống tại huyện Châu Thành, trừ hai người ở Trảng Bàng và thành phố Tây Ninh.

Công trình bia tưởng niệm gồm một ngôi nhà, một bia tưởng niệm được xây dựng trên diện tích 40 mét vuông,  được khởi công từ ngày 24.4.2015 và hoàn tất vào đầu tháng 6 năm 2015 với chi phí hơn 200 triệu đồng do gia đình bà Nguyễn Thị Đông tài trợ. Bà Đông chính là mẹ của liệt sĩ Khúc Duy Hải.

Ông Võ Văn Đua- Phó Giám đốc Nông trường Phước Vinh năm xưa, nay đã ở tuổi 87 năm nào cũng cố gắng sắp xếp, lặn lội đường xa về Tây Ninh tham dự cuộc. Nhiều công nhân trồng trọt, chăn nuôi quê ở các tỉnh miền Bắc hiện sinh sống tại Suối Dây (huyện Tân Châu) cũng kéo nhau về. Có một điểm chung dễ nhìn thấy là không một ai còn trẻ! Cùng có mặt là thân nhân của các liệt sĩ công nhân đã hy sinh. Họ về đây, đôi mắt còn đượm buồn vì nỗi đau mất mát người thân nhưng xen lẫn trong đó là vẻ tự hào về tinh thần dũng cảm của người đã nằm xuống.

Từ khi hoàn thành đến nay, bia tưởng niệm trên được giao cho giáo viên, học sinh Trường tiểu học Phước Thạnh chăm sóc, bảo quản. Những năm học qua, các thầy cô và học sinh nhà trường cũng đã giữ gìn thật tốt bia chứng tích trên trong tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”.

Được thầy cô giáo dục, các em học sinh cũng phần nào hiểu được ý nghĩa sự hy sinh oanh liệt của những người thợ nông trường trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc. Bia tưởng niệm mà các em thắp hương và quét dọn hằng ngày cũng luôn nhắc nhờ các em điều đó.

PHAN KỶ SỬU

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục