Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nhắc đến đình Ngọc Cục, nhiều người sẽ nghĩ đến lối kiến trúc gợi vẻ thanh bình, đến những làn đều trống quân đầy lưu luyến của các đôi trai gái nơi đây mỗi độ xuân về.
Nhắc đến đình Ngọc Cục, nhiều người sẽ nghĩ đến lối kiến trúc gợi vẻ thanh bình, đến những làn đều trống quân đầy lưu luyến của các đôi trai gái nơi đây mỗi độ xuân về.
" Uống nước giếng Chằm/Nằm đình Guộc Cả"
Đó là câu ca dao của nhân dân trong vùng nói về ngôi đình Ngọc Cục, còn có tên là đình Guộc Cả, vốn là tên làng từ thế kỷ XVI. Đầu thế kỷ XIX, Ngọc Cục thuộc tổng Ngọc Cục, huyện Đường An, phủ Thượng Hông, trấn Hải Dương. Năm 1900 Ngọc Cục thuộc tổng Ngọc Cục, huyện Bình Giang, nay là một thôn của xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang.
Trong khuôn viên hơn 1.000m2, trước đây đình Ngọc Cục từng là ngôi đình lớn nhất tổng Ngọc Cục. Đình được khởi dựng vào năm Giáp Thìn thời Hồng Đức (năm 1484). Qua nhiều lần trùng tu tôn tạo đến nâm 1544 đình được làm bằng gỗ lim, cao ráo, mát mẻ quay hướng nam. Vào năm Tân Dậu niên hiệu Tự Đức 14 (1861) đình được xoay hướng tây và năm Quý Mão,Thành Thái thứ 5 (1903) đình được nhân dân bỏ công sức, tiền bạc trùng tu lớn chạm khắc cầu kỳ. Hiện nay đình có 4 hạng mục đó là: Nghi môn, đại bái, trung đình và hậu cung, kiến trúc kiểu chữ Công khá đồ sộ, đồng bộ, các công trình đều làm 7 gian tương ứng với 7 giáp của làng.
Đình Ngọc Cục hiện còn có kiến trúc thời Nguyễn đậm nét. Riêng toà đại bái rộng tới 211m2 nhà làm kiểu lòng thuyền tứ trụ, toàn bộ phần gỗ được đỡ bởi 32 cột lim vững chắc, cột to nhất có đường kính 40cm, đứng trên chân tảng đá. Kiến trúc tiêu biểu là đao tầu dẻo góc, vì con chồng đấu sen, hai hiệp thợ cùng thi nhau trổ tài trên các mảng chạm khắc gỗ. Hầu như hệ thống cột, xà, hoành còn tương đối nguyên vẹn, lớp bụi thời gian không thể phủ lập được những mảng chạm trổ tài tình, các nghệ nhân dân gian đã tạo ra những bức tranh sinh động trên mỗi bức cồn, xà đinh, đầu dư và đầu đấu của đình. Điều đáng lưu ý là chủ đề chạm khắc được bố cục rõ ràng, mạch lạc, ít trùng lặp. Chủ đề chính là "Tứ quý", "Tứ linh" (thông, trúc, cúc, mai; long, ly, quy, phượng), có điểm thêm hoa sen, hoa hồng, long mã, điểu ngư và các loại hoa văn truyền thống khác. Bước vào toà đại bái ta không thể bỏ qua hai bức cồn ở gian trung tâm được chạm kênh bong các loài động vật như: Chim nhạn sải cánh, rồng cuốn, long mã, cá đang bơi, cúc mai đua nở cùng các loài động vật hoang dã như: Chim tước bay trong vân mây loáng thoáng... Trung đình và hậu cung có diện tích hẹp hơn, kiến trúc kiểu giá chiêng, hậu cung gồm 4 gian nằm ngang tạo nên ngôi đình hình chữ Công vững chãi.
Ngoài giá trị nghệ thuật của kiến trúc thời Nguyễn, đình Ngọc Cục còn bảo lưu nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật cùng thời như: Tấm cửa võng chạm lộng kiểu: "Lương long chầu nguyệt", hương án: "Chân quỳ dạ cá" bức đại tự sơn son thếp vàng, diềm trang trí rồng chầu và hoa văn chữ triện, rùa đá lớn, cuốn thần tích thời Lê và nhiều đồ tế tự bằng gỗ, đá, vải, đồng khác...
Vốn là vùng đất văn hiến khoa bảng, giàu truyền thống cách mạng, đình Ngọc Cục có mối giao lưu chặt chẽ với một số di tích khác liền kề như: Bên kia sông Cửu An là đền Phù Ủng nơi thờ danh tướng thời Trần Phạm Ngũ Lão; đình Châu Khê quê hương của nghề làm vàng bạc Tào Khê chiếc nôi của nghệ thuật hát ca trù và trống quân nổi tiếng thời Lê; Lương Ngọc là quê hương của nhiều vị tiến sĩ nho học thành danh...
Theo lịch sử và thần tích còn lưu giữ thì đình Ngọc Cục tôn thờ hai vị Thành hoàng, chín vị tiến sĩ và hai vị võ tướng.
Vị Thành hoàng thứ nhất có tên là Phạm Trí, người có công giúp Phạm Ngũ Lão đánh giặc Nguyên Mông lập nhiều chiến công hiển hách ở thế kỷ XIII. Khi giặc tan ông không làm quan mà về Ngọc Cục mở trường dạy học, đào tạo nhiều nhân tài cho địa phương, khi mất ông được dân làng lập miếu thờ ở ngay trên nền nhà dạy học của ông gọi là Nghè Ngọ, sau đó suy tôn là Thành hoàng rước về thờ tại đình.
Vị Thành hoàng thứ hai là Ất Sơn Đại Vương, quê ở làng Đanh Xá, xã Hoàng Hoa Thám, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Đó là một viên tướng trẻ thời Hùng Vương được giao thống lĩnh nhạc quân sơn bộ, sau đó có công đánh giặc Triệu Đà xâm lược, được nhân dân Đanh Xá lập đền thờ ở xứ Đống Voi, với ngũ hiệu là "Ất Sơn Đại Vương", đền rất linh thiêng, ai buôn bán qua vào cầu đảo đều linh ứng. Sau này có một người làng Ngọc Cục khi cầu đảo linh ứng đã xin được rước khí thần về thờ tại đình Ngọc Cục.
Hai vị Thành hoàng đều được các triều đại phong kiến Việt Nam phong sắc. Ngoài ra, đình Ngọc Cục còn phối thờ chín vị tiến sĩ người địa phương và hai vị võ tướng là Trí Nghiêm Chiêu Võ Thượng tướng quân và Phục Hổ Vũ tướng quân, đây là hai vị võ tướng thời Lê có nhiều công lao trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.
Thời kỳ lịch sử hiện đại, Ngọc Cục là cơ sở của Việt Minh huyện Bình Giang trước cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đình là nơi họp bàn kế hoạch giành chính quyền huyện năm 1945, trong cuộc họp quan trọng này có các đồng chí: Vũ Duy Hiệu, Phan Điền, Bùi Tùng, Hồng Vũ và Nguyễn Hiệp về dự và chỉ đạo cách mạng Tháng Tám Ở huyện Bình Giang.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Ngọc Cục như một Trạm quân y có nhiệm vụ đón tiếp, chữa trị thương binh tham gia trận đánh: Con Gái, Máy Chai ở thị xã Hải Dương, đồng thời là cơ sở giao liên của hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên.
Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đình Ngọc Cục đã chứng kiến sự kiện thanh niên địa phương lên đường đánh Mỹ đã lấy cây đề trên nóc Nghè Ngọ về trồng kỷ niệm tại đình trong lễ ra quân. Trong số bẩy thanh niên tham gia trồng cây thì có bốn người đã hy sinh anh dũng ngoài chiến trường, hiện nay cây đề vẫn xanh tốt toả bóng mát cho mọi người.
Lễ hội hàng năm được tổ chức trọng thể vào các ngày mùng 9 tháng Giêng (ngày sinh của Thành hoàng Phạm Trí), ngày mùng 10 tháng 3 ngày sinh của Ất Sơn Đại Vương) và ngày mùng 5 tháng 10 ngày mất của thân mẫu Ất Sơn).
Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, lễ hội có nhiều trò, nhiều lệ như: Đấu võ, kéo co, bắt vịt, chọi gà, gà nào thắng sẽ được mổ để các cụ bô lão ăn lấy may. Rước kiệu Thành hoàng là nghi thức long trọng nhất, đoàn rước kiệu ăn mặc kiểu võ tướng, múa kiếm, côn đi trước, sau đó là những người khiêng kiệu mặc áo nậu đỏ, theo sau là đoàn múa lân, sư tử, đánh trống chiêng vang trời, người mang bát biểu, bát xà mâu, tàn, lọng và dân làng đội lễ vật... Đoàn rước đi từ đình đến nghè Ngọ và nghè Đến (cùng làng) đó là hai nơi thờ cũ của Thành hoàng, làm lễ tại nghè, sau đó rước trở lại đình. Trong lễ rước bắt buộc phải có 7 mâm cỗ bánh giầy, oản, thịt lợn đen của 7 giáp dâng lên Thành hoàng. Lễ hội đình Ngọc Cục có hát ca trù và hát trống quân. Đây là sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong không khí tưng bừng của ngày hội, trai gái của các làng Ngọc Cục, Tào Khê và Đầu Quạt (làng ở bên kia sông Cửu An, thuộc tỉnh Hưng Yên) đứng dọc hai bên bờ sông hát đối đáp, những lời ca trữ tình đằm thắm, ca ngợi cuộc sống lao động và tình yêu đôi lứa. Bà Nguyễn Thị Mỹ, con gái cụ Nguyễn Danh Quán người làng Ngọc Cục, là vợ thiếp của chúa Trịnh Cương, chuyên dậy cung nữ trong cung hát ca trù và trống quân. Hiện nay đền thờ bà vẫn còn ở phía bờ sông Cửu An thuộc thôn Tào Khê.
Vào thế kỷ XVII, Ngọc Cục - Tào Khê là đất tổ của hai loại hình nghệ thuật hát ca trù và hát trống quân của xứ Hồng Châu. Hiện nay Ngọc Cục và Tào Khê vẫn bảo lưu hát trống quân trong dịp hội đình. Đó là hình thức diễn xướng dân gian cổ truyền mà không phải nơi nào cũng có, rất cần được bảo tồn và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Sau một năm lao động vất vả, những ngày hội vui vẻ là dịp đoàn tụ của gia đình, dòng tộc, tăng thêm tình cảm xóm làng cùng tôn thờ những vị thành hoàng có công với dân với nước.
Thúc Kháng là một xã lớn của huyện Bình Giang, xã có 7 thôn, vốn là vùng đất khoa bảng, giầu truyền thống cách mạng, cả xã có 20 vị tiến sĩ, 1 vị thám hoa, đứng sau làng Mộ Trạch về số người đỗ đạt thời phong kiến. Dân ở đây làm nông nghiệp là chính và là một trong những xã có nhiều nghề cổ truyền nổi tiếng như: Vàng bạc Châu Khê, giần sàng Thị Tranh, tre đan Lương Ngọc... Đời sống nhân dân ngày càng được ổn định và phát triển, nhiều gia đình có cửa hiệu buôn bán và làm vàng bạc Ở phố Hàng Bạc - Hà Nội.
Đình Ngọc Cục đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Vă hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật theo quyết định số 04/2001/QĐ-BVHTT, ngày 19 tháng 01 năm 2001. Ngày 10 tháng 1 năm 2006, Đảng bộ và nhân dân xã Thúc Kháng tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm ngày di tích đình Ngọc Cục đón bằng di tích xếp hạng cấp quốc gia và tuyên truyền giá trị lịch sử và nghệ thuật của di tích với bà con quê hương mình.
K.D (st)