Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
5 năm qua (2015-2020), kinh tế - xã hội của xã có bước phát triển rõ rệt. Nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ ở địa phương đều phát triển. Trong đó, các loại hình dịch vụ, kinh doanh được mở rộng.
Giờ tan trường ở Trường tiểu học Trần Quốc Ðại xã Thanh Phước (ảnh minh hoạ).
Tôi rất tự hào là người dân huyện Gò Dầu, một huyện Anh hùng, nổi tiếng với khẩu hiệu “Quyết tử giữ Gò Dầu” trong kháng chiến chống Mỹ. Cùng với cấp huyện, quê hương tôi còn có 4 xã Anh hùng, trong đó có xã Thanh Phước. Ðịa phương này còn có 3 cá nhân được Nhà nước tuyên dương Anh hùng, đó là liệt sĩ Trần Quốc Ðại, liệt sĩ Nguyễn Thị Bé và ông Phạm Văn Ðiện (Phạm Văn Chiến).
Nhớ lại những năm đầu mới giải phóng, nhiều khu vực trên địa bàn xã Thanh Phước bị địch tàn phá nặng nề- nhất là ấp Xóm Ðồng, một căn cứ cách mạng của xã.
Trong chiến tranh, địch muốn biến nơi đây thành vành đai trắng. Ðể cách ly người dân với cán bộ cách mạng, chúng ra sức ruồng bố, càn quét, gom dân vào các ấp chiến lược, ai không đi chúng dỡ nhà, đốt nhà, đêm đêm dập pháo xuống địa bàn ấp… Vì vậy, hầu hết người dân ở đây di tản đi nơi khác, cả ấp chỉ còn chưa đến 10 căn nhà dân kiên cường bám trụ.
Xóm Ðồng hồi ấy là đồng không, mông quạnh. Sau ngày miền Nam giải phóng, bà con trở về quê cũ cất nhà, ổn định cuộc sống. Con đường Cầu Sao - Xóm Ðồng, trục giao thông chính của xã, nối từ quốc lộ 22 (nay là đường Xuyên Á) qua địa bàn các ấp Trâm Vàng, Rỗng Tượng, Xóm Ðồng đến tỉnh lộ 782 là đường đất nhỏ hẹp. Vào mùa mưa, nhiều chỗ sình lầy xe đạp đi qua cũng không được, còn vào mùa nắng cát lún bánh xe. Hai bên đường nhà cửa thưa thớt.
Không chỉ con đường Cầu Sao - Xóm Ðồng, trước đây, hầu hết các trục giao thông chính trên địa bàn xã Thanh Phước đều là đường đất. Các con đường như đường Pháo Binh, Mội Nhĩ, Bàu Sen, Rỗng Tượng, Xe Sâu... chỉ nghe tên gọi là ngán rồi.
Vì đường đất, nhiều đoạn vào mùa mưa ngập sâu trong nước, xe trâu, xe bò đi lại còn khó khăn. Ðến nay, hầu hết những trục đường chính trong xã đều được nâng cấp rộng rãi sạch đẹp, đi lại dễ dàng, nhà cửa hai bên đường khang trang. Diện mạo nông thôn xã Thanh Phước từng bước đổi thay. Ðời sống của người dân ngày càng được nâng lên.
5 năm qua (2015-2020), kinh tế - xã hội của xã có bước phát triển rõ rệt. Nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ ở địa phương đều phát triển. Trong đó, các loại hình dịch vụ, kinh doanh được mở rộng. Trên địa bàn xã có khoảng 150 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, 57 doanh nghiệp tư nhân, giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động.
Hầu hết người dân có việc làm ổn định, thu nhập ngày càng nâng cao. Số hộ nghèo giảm mạnh. Người dân nhiệt tình tham gia các hoạt động ở địa phương- nhất là tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xã được công nhận xã nông thôn mới trong năm 2017.
Lợi thế lớn của xã Thanh Phước là có đường Xuyên Á ngang qua một đoạn dài 5km, nối liền giữa phường Gia Bình (thị xã Trảng Bàng) với thị trấn Gò Dầu; có cảng đường thuỷ nội địa Thanh Phước (sông Vàm Cỏ Ðông).
Ðịa bàn xã còn có hương lộ 1, nối từ quốc lộ 22 (ngã tư chợ Gò Dầu) đến ngã ba Phước Ðông (tiếp giáp tỉnh lộ 782), ngang qua địa phận các ấp Xóm Mới 1, Xóm Mới 2 và ấp Cây Xoài. Con đường này vừa được Nhà nước đầu tư nâng cấp mở rộng.
Gần đây có nhà đầu tư xây dựng Bệnh viện Xuyên Á Tây Ninh trên địa bàn xã. Tuy không có khu công nghiệp, nhưng trên địa bàn có 4 công ty có vốn đầu tư nước ngoài, 5 cơ sở may gia công, góp phần giải quyết việc làm cho người dân trong xã.
Ðảng bộ xã Thanh Phước đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong 5 năm tới (2020-2025), ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá; đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hoá trong nông nghiệp; phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị thu nhập bình quân trên diện tích cây trồng đạt 104,26 triệu đồng/ha/năm.
Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tập trung khai thác các cơ sở hiện có trên địa bàn; tạo điều kiện khuyến khích các cơ sở đầu tư, trang bị máy móc để sản xuất hàng hoá có giá trị chất lượng cao; khai thác tốt lợi thế đường Xuyên Á, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đẩy mạnh đầu tư và sản xuất kinh doanh.
Xã duy trì, giữ vững chuẩn xã nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%; số lao động có việc làm tăng thêm hằng năm từ 300 - 500 lao động; tỷ lệ người dân tham gia bào hiểm y tế đến năm 2025 đạt trên 90%; duy trì chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục ở 3 cấp học.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ, chính quyền địa phương, tin chắc rằng xã Thanh Phước sẽ thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra.
Ngọc Hân - Trần Nhã My