Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTN) - Tháng năm, cái nắng mùa hè như đổ lửa. Ngày và đêm Việt Nam lại càng nóng thêm bởi sự kiện Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, gây nên sự căm phẫn, bất bình của những người yêu lẽ phải và hoà bình trên thế giới và lại càng thôi thúc mọi trái tim nhiệt huyết hướng về Hoàng Sa, Trường Sa - mảnh đất thân yêu của Tổ quốc. Về Hoàng Sa, Trường Sa- với tôi đó cuộc hành hương tìm lại chính mình. Do vậy, tôi không muốn gọi cuộc hành hương ấy là “đến” mà là sự trở về.

|
Cuối cùng niềm mong ước đã thành hiện thực, 6 giờ sáng ngày 13.5.2014, cùng 178 vị khách của đoàn cán bộ tỉnh Tây Ninh và các tỉnh Long An, Lai Châu, Sơn La, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tôi đã lên tàu HQ996 từ cảng Cát Lái, qua Vũng Tàu rồi vượt qua hơn 350 hải lý về Trường Sa.
Mỗi lần nghĩ đến Hoàng Sa, Trường Sa, tôi lại nhớ đến câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Giờ đây là Hoàng Sa, Trường Sa- đó là đảo của Việt Nam, chân lý vẫn không bao giờ thay đổi! Đã có quá nhiều tư liệu lịch sử chứng minh, không cần bàn cãi về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa. Trước khi lên tàu, tôi lại lần giở tư liệu để hiểu thêm về vùng đất máu thịt mình sẽ tìm về.
|
Ngay từ thế kỷ XVII, triều đình nhà Nguyễn đã xác lập chủ quyền và tiến hành khai thác hiệu quả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ khi các quần đảo này còn là vùng đất vô chủ, chưa thuộc bất cứ một quốc gia nào. Đến thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam, trên cơ sở đại diện cho triều đình phong kiến An Nam, Pháp đã có nhiều hành động củng cố chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa bằng việc tiến hành tuần tra, kiểm soát và đưa quân ra đóng giữ các đảo. Trong suốt các năm 1931 - 1932, Pháp liên tục phản đối việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Tiếp đó chính quyền Việt Nam cộng hoà đã duy trì việc đóng quân trên hai quần đảo. Việc Trung Quốc đánh chiếm nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ra bản Tuyên bố ngày 20.1.1974 phản đối hành động của phía Trung Quốc. Ngày 14.2.1975, Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn công bố Sách trắng về các quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tháng 4.1975, Hải quân nhân dân Việt Nam giải phóng các đảo Trường Sa, Sơn Ca, Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn do quân đội nguỵ đóng giữ. Ngày 20.1.1976, nước Việt Nam thống nhất dưới tên gọi mới Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, từ đó, với tư cách kế thừa quyền sở hữu các quần đảo từ các chính quyền trước, Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có trách nhiệm duy trì việc bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan trực tiếp hai quần đảo.
Hiến pháp các năm 1980, 1992, Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Tuyên bố của Chính phủ ngày 12.11.1977 về lãnh hải, vùng giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Tuyên bố của Chính phủ ngày 12.11.1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam, có các vùng biển riêng sẽ được quy định cụ thể trong các văn bản tiếp theo. Trong các năm 1979, 1981 và 1988, Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố các Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Các tài liệu này đã chứng minh một cách rõ ràng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo trên tất cả các khía cạnh: lịch sử - pháp lý - thực tiễn.
|
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh Việt Nam là quốc gia đầu tiên chiếm hữu thật sự hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất từ thế kỷ XVII, khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào. Nhà nước Việt Nam đã thực hiện chủ quyền của mình một cách liên tục và hoà bình; cho đến khi nó bị nước ngoài dùng vũ lực xâm chiếm. Như vậy, từ lịch sử xa xưa cho tới nay và mãi mãi về sau, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều là một phần đất nước không thể tách rời của Việt Nam. Nhiều văn bản pháp lý và nhiều nghiên cứu của những học giả uy tín trên thế giới cũng đã chứng minh điều đó. Ngược lại, Trung Quốc không hề có một chứng cứ nào có thể chứng minh chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa.
Theo chính sử Trung Hoa, trong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần, Hán đến sau chiến tranh thế giới thứ 2, không có tài liệu nào, hay nói rõ hơn, không có câu chữ nào ghi rằng biển Đông (Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa) với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Trong khi đó, không ít thư tịch cổ Trung Hoa, do chính người Trung Hoa ghi lại đã thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Tiêu biểu là bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Nhà xuất bản Thượng Hải, 1904) do tiến sĩ Mai Ngọc Hồng tặng Bảo tàng lịch sử quốc gia sau 30 năm lưu giữ. Đây là tấm bản đồ nguyên vẹn, chiều ngang 115cm, chiều dọc 140cm, được tạo nên từ 35 miếng ghép dán trên nền vải bố, kích cỡ mỗi miếng ghép khoảng 20x30cm. Nó được lập ra dưới thời nhà Thanh, trong đó ghi rõ cực Nam của nước Trung Hoa là đảo Hải Nam, không hề có Hoàng Sa, Trường Sa.
Mới đây, học giả Đức Nibelungen Schnecke Weinstock đã chỉ ra quá trình bản đồ Trung Quốc ngang nhiên vẽ thêm quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam. Theo thứ tự những tấm bản đồ do ông Weinstock cung cấp, cho đến trước năm 1917 quần đảo Hoàng Sa vẫn chưa hề xuất hiện trong bản đồ Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa ngày 15.1.1974, nhiều đoàn khảo cổ Trung Quốc đến các đảo thuộc quần đảo này, và gọi là “phát hiện” nhiều cổ vật như tiền cổ, đồ sứ, đồ đá chạm trổ trên các hòn đảo này, song đều không có giá trị để minh xác chủ quyền Trung Quốc; trái lại họ còn phát hiện ở mặt Bắc ngôi miếu “Hoàng Sa Tự” ở đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm (Ile Boisée) bằng chứng hiển nhiên vết tích việc xác lập chủ quyền của Việt Nam.
|
Vui văn nghệ của chiến sĩ đảo Phan Vinh (thuộc quần đảo Trường Sa).
Về đường chín đoạn- tức “đường lưỡi bò” (nuốt 80% biển Đông trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam), chính những học giả người Trung Quốc cũng phản đối. Tiêu biểu như Giáo sư Trương Thự Quang- Đại học Tứ Xuyên, ông nhấn mạnh: Trung Quốc không thể tự vẽ ra đường chín đoạn. Theo giáo sư Trương, khi Trung Quốc khăng khăng đưa ra “đường lưỡi bò” nhưng không có căn cứ để khẳng định, và không được bất kỳ nước nào thừa nhận thì nó vô giá trị: “Quyền lợi của anh (Trung Quốc) cần được người khác thừa nhận, người khác không thừa nhận thì anh không có quyền”. Biên tập viên Tân Hoa xã Chu Phương, người có uy tín và nổi tiếng thẳng thắn trong làng báo Trung Quốc cũng đã nhiều lần phản đối chính sách sử dụng vũ lực ở biển Đông, và yêu cầu xoá bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà Bắc Kinh vừa dựng lên. Trong bài viết “Hiện trạng Nam Hải (biển Đông) có lẽ sẽ kéo lùi cải cách chính trị của Trung Quốc” đăng ngày 17.7 ông viết: “Ý nghĩa lớn nhất của việc lập ra “thành phố Tam Sa” là chường cho bàn dân thiên hạ thấy nỗi nhục của Trung Quốc; đồng thời cũng sẽ buộc chính phủ và quân đội Trung Quốc phải giở bài ngửa với các quốc gia xung quanh và quốc tế... Thiết lập “thành phố Tam Sa” là trò cười quốc tế”.
Như vậy, dù Trung Quốc cố tình lấy thế nước lớn tạo ra “đường lưỡi bò” hòng chiếm trọn biển Đông, hiện nay lại đang ngang ngược kéo giàn khoan khủng Hải Dương 981 đến tận “thềm nhà” Việt Nam, thì họ cũng khó mà phủ nhận những chứng cứ rành rành chứng minh Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.
Bước chân đến 13 đảo và giàn khoan trên vùng biển Trường Sa, được tận mục sở thị từng tấc đất, con người Trường Sa, tôi còn thấy rõ gió Việt Nam, cát Việt Nam, đất Việt Nam, nước Việt Nam thấm đẫm trong người dân và lính đảo Trường Sa. Không thể khác- Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!
Thanh Nam