Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Về Trường Sa
Thứ ba: 08:02 ngày 10/06/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTN) - Trên đảo chìm, đảo nổi, tôi đã đi qua thuộc quần đảo Trường Sa, bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt được thờ trang trọng. “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư? Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Lời thơ hào hùng khí thế như một lời minh thệ- sẽ giữ đảo đến cùng của những người chiến sĩ Hải quân nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Tự hào thay và đẹp biết bao, lời minh thệ ấy luôn được thể hiện một cách rõ nét ở những người lính đảo Trường Sa.

Vượt qua hơn 350 hải lý, con tàu HQ996 đưa chúng tôi đến điểm đầu tiên trong cuộc hành trình: đảo Đá Lát. Đảo Đá Lát nằm ở phía Tây và Tây Nam của quần đảo Trường Sa, hướng Đông cách đảo Trường Sa Lớn khoảng 14 hải lý, cách Cam Ranh khoảng 220 hải lý. Đảo có ngọn hải đăng cao 42m.

Đây là đảo gần đảo Trường Sa Lớn nhất. Sáng sớm ngày 15.5, phía chân trời vầng thái dương đang ló dạng, đảo Đá Lát hiện ra lung linh trong sương sớm, nhỏ nhắn xinh xắn như một viên ngọc giữa biển khơi xanh thẳm. Hầu hết các vị khách đều đi Trường Sa lần đầu nhưng cũng có người đã đi lần thứ ba, vậy mà tâm trạng đều náo nức như nhau. Có ai đó thốt lên khe khẽ: “Kìa, đảo mình kìa!” và cùng mỉm cười, nụ cười chỉ có khi ta gặp lại người thân.

Bài thơ thần trên đảo nhỏ

Bước chân lên đảo Đá Lát, điều nhìn thấy đầu tiên là bia chủ quyền Tổ quốc, có một chiến sĩ ôm súng đứng trang nghiêm, ngay cạnh đó những chiến sĩ Hải quân dàn hàng ngang đón khách. Những chiến sĩ trẻ trong quân phục quần xanh tượng trưng cho nước biển, áo trắng tượng trưng cho mây trời sừng sững, oai phong trước gió khiến chúng tôi bất giác cũng tự chỉnh đốn trang phục, một cảm giác tự hào dâng lên.

Đảo Đá Lát nhỏ nên không có hội trường cho gần 200 khách, chỉ có phòng họp nhỏ dành cho một số đại biểu. Những vườn rau nhỏ cheo leo bên vách đảo, những chậu hoa nhỏ nơi góc phòng, chuồng gà nhỏ len trong đá... Sự bình yên hiện diện trong từng góc nhỏ Đá Lát, dù tất cả cán bộ, chiến sĩ luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ. Cái nóng bức của nắng chợt mềm lại và dịu dàng hơn bởi tiếng hát của các bạn trong Đoàn ca múa nhạc Đăk Lăk hoà giọng cùng các chiến sĩ Hải quân.

Ấn tượng nhất khi đến đảo Đá Lát là chiếc bàn thờ bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” đặt rất trang trọng ở nơi dễ nhìn thấy. Bốn câu thơ, mỗi chữ mỗi từ hùng hồn đanh thép của một danh tướng đã từng làm giặc xâm lược phương Bắc hoảng sợ từ 1.000 năm trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Đứng trước bài vị của bàn thờ thần, nghĩ về chủ quyền đất nước lại bị thử thách, trong tôi dâng lên một niềm tự hào khôn tả vì tinh thần yêu nước của người Việt, quả là “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta.

Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” như Hồ Chí Minh đã viết. Biết bao lần ngoại bang đã phải thảm bại khi xâm lược Việt Nam, nay lại ngang ngược kéo giàn khoan vào tận thềm lục địa thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Không chỉ vậy, bất chấp phản đối không chỉ của người dân Việt mà cả cộng đồng quốc tế, họ đã quên, chính xác hơn là không muốn nhớ những bài học xương máu do nhân dân Việt Nam từng dạy.

Một lần nữa người dân Việt bằng nhiều hình thức khác nhau sẽ tiếp tục đoàn kết bảo vệ Tổ quốc của mình. Trong không khí linh thiêng, đoàn khách đặt chân trên đảo Đá Lát đã không nén được xúc động, tất cả cùng cúi đầu thành tâm thắp một nén hương, nguyện một lòng cùng các chiến sĩ ta giữ vững chủ quyền đất nước.

Bình yên Trường Sa tôi

Từ đảo Đá Lát, tàu Hải quân 996 đưa chúng tôi sang Trường Sa Lớn. Xa xa Trường Sa Lớn trông thật xinh tươi giữa mênh mông biển xanh mây trắng. Hàng cây phong điện vươn cao với những cánh quạt xoay tròn như những bàn tay vẫy gọi.

Đúng 9 giờ, tàu cập bến. Cán bộ, chiến sĩ, các vị sư và nhân dân Trường Sa đã đứng chờ đón với những nụ cười thân thiết khiến bước chân người mới đến càng thêm náo nức, vội vã. Các chị phụ nữ đều mặc áo dài để đón khách. Cảm giác thật lạ khi thấy tà áo dài Việt Nam tung bay trong gió, tôi lại có dịp khẳng định áo dài là trang phục nữ đẹp nhất thế giới! Không kiềm được, một chàng ca sĩ trong đội ca múa nhạc Đăk Lăk cất tiếng hát cao vút: “Tà áo em... bay bay bay bay trong gió dịu dàng...”. Đẹp hơn cả là các em nhỏ.

Sự hồn nhiên dễ thương rất trẻ con trong trang phục Hải quân khiến các bé trở thành những nhân vật được ái mộ cho các cô, các chú trong đoàn thi nhau nựng nịu. Trẻ con ở đâu cũng là trẻ con; mắt sáng rỡ, chúng ồ lên sung sướng với những món quà đồ chơi. Sau phút rụt rè, các bé mạnh dạn nắm tay khách dẫn vào đảo, rồi ngoan ngoãn xếp hàng cùng ba mẹ và các vị khách tham gia buổi lễ chào cờ, duyệt binh, thăm nhà thờ Bác Hồ, viếng nghĩa trang liệt sĩ và nhiều hoạt động khác.

Trong buổi sáng hôm đó, chúng tôi tham gia buổi lễ cầu nguyện hoà bình tại chùa Trường Sa Lớn. Thượng toạ Thích Giác Nghĩa- trụ trì chùa bày tỏ: “Chư tăng, quân dân trên đảo cầu mong hoà bình, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Việt Nam, rút giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) đang đặt trái phép trên quần đảo Hoàng Sa”.

Thượng toạ kể lại: “Vừa qua có phóng viên một hãng truyền hình lớn của nước Anh gọi điện phỏng vấn, họ hỏi tại sao thầy và các chư tăng lại tu tập tại quần đảo Trường Sa? Tôi trả lời: việc tôi và các chư tăng ra tu tập tại quần đảo Trường Sa là để tiếp nối truyền thống cha ông của chúng tôi, khẳng định chủ quyền của đất nước về biển đảo- nơi ghi dấu công sức xương máu của lớp lớp thế hệ. Họ còn hỏi giả sử từ việc xâm phạm chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền tại đảo Trường Sa thì những người tu tập như thầy xử trí thế nào? Tôi lại trả lời: sư tăng chúng tôi sẽ sẵn sàng cùng quân, dân trên quần đảo Trường Sa chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, nguyện một lòng kiên trung, quyết không để mất chủ quyền lãnh thổ dù chỉ là một viên đá san hô”.

Trong ngôi chùa nhỏ, các vị khách ngồi tịnh tâm lắng nghe lời nhà sư trụ trì và thanh âm tiếng chuông hoà bình vang lên, dội vào tâm thức khiến lòng người trở nên thanh tịnh. Một cảm giác bình yên tuyệt đối đọng lại trong tâm hồn, mọi căng thẳng chợt tan biến.

Ở đảo Trường Sa cuộc sống thật hiền hoà. Tôi đã gặp anh ngư dân Nguyễn Văn Trung đến từ mảnh đất Can Lộc, Hà Tĩnh đầy nắng gió và nghe anh bộc bạch: “Hồi đầu khó khăn lắm, sau rồi đảo có đầy đủ điện mặt trời, điện gió, sóng điện thoại di động và các công trình dân sinh, trường học, bệnh xá, chùa chiền... khang trang, cuộc sống bây giờ đỡ lắm rồi”.

Ngày đến với thị trấn Trường Sa, gia đình anh Trung đã vượt bao khó khăn mang theo cả đứa con trai mới hơn 5 tuổi và cô con gái mới gần 4 tuổi. Bây giờ, cậu con trai lớn đã lên 10, bé gái lên 9. Anh chị đã có thêm một chú nhóc vừa tròn 14 tháng tuổi. Hiện tại, hai cháu lớn đều học ở Trường tiểu học thị trấn Trường Sa, khi nào lên cấp hai sẽ chuyển vào đất liền.

Trường tiểu học thị trấn Trường Sa khá khang trang. Trường hiện có hai thầy giáo trực tiếp dạy học sinh từ lớp một đến lớp năm. Chúng tôi đến gặp lúc các thầy đang ôn bài cho học sinh. Cả hai đều rất trẻ, một trong hai người là Phạm Trung Việt, quê Khánh Hoà, mới lấy vợ được hai tháng. Thầy giáo kể: thương vợ lắm nhưng cưới xong là phải ra đảo ngay. Thầy xúc động kể về ngày 20.11 đầu tiên ở Trường Sa: “Học sinh tặng chúng tôi hoa bàng vuông và cả cá khô. Tôi rất tự hào và xúc động vì ở tận chân trời Tổ quốc, chúng tôi vẫn được các em học sinh tặng hoa rất trân trọng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song thầy trò chúng tôi luôn xác định thi đua dạy tốt, học tốt”.

Cuộc sống trên đảo Trường Sa thật yên tĩnh. Mỗi ngày, những ngư dân như anh Trung ra biển đánh bắt cá, những người vợ lo việc nhà, con cái đến trường học. Lúc rảnh rỗi họ phụ giúp các chiến sĩ hoặc ra chùa giúp việc nhà Phật. Thật bình yên như bất cứ đâu trên mảnh đất Việt Nam. Một cách giản dị, anh Trung nói: “Có gì đâu, đất là đất của mình, mình ở, không cho phép ai xâm lược”. Tôi biết, trong từng cán bộ, chiến sĩ, trong từng người dân và cả những nhà sư, sự bình yên ấy đang được gìn giữ cẩn trọng ngày đêm không một giây lơi lỏng.

Nụ hoa và cây súng

Những hòn đảo tôi đã đi qua, nào Đá Lát, Trường Sa, Đá Tây, Trường Sa Đông, Đá Đông, Phan Vinh, Tốc Tan, Thuyền Chài và hai nhà giàn An Bang, Ba Kẻ (DK1/9, 1/20) có những hòn đảo chìm như Đá Lát, Tốc Tan diện tích chỉ vài cây số vuông, lọt thỏm giữa biển trời mênh mông. Các đảo đều có kiến trúc giống nhau từ cầu cảng, nơi cập xuồng và ca nô, dẫn vào là bia chủ quyền, đến khu nhà bếp, phòng ở, hội trường.

Phía trên nóc của toà nhà kiên cố là lá cờ đỏ sao vàng. Những diện tích nhỏ hơn được thiết kế thùng gỗ để trồng rau xanh, bể chứa nước ngọt... Nhiều lính đảo thật thà tâm sự: sống trên đảo rất thèm hơi ấm từ đất liền. Muốn gởi thư  nhưng có những cánh thư phải chờ đợi đến 6 tháng mới đến được tay lính đảo, người thân.

Năm 2006 sóng điện thoại ra đến Trường Sa Lớn rồi 2 năm sau, các đảo nối được liên lạc với đất liền. Cuộc sống ở đảo chìm cũng thay da đổi thịt từ đó. Chiến sĩ trên đảo giờ đã có truyền hình kỹ thuật số, dàn karaoke… Trên các đảo nổi như Trường Sa, Phan Vinh… hệ thống điện bằng năng lượng gió đủ sức cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ và người dân.

Không chỉ vậy, trên đảo Trường Sa Lớn và Song Tử Tây còn có trường học cho trẻ em, trạm y tế… Đại uý Lê Hải Nam, y sĩ đảo An Bang cho biết, trên đảo còn có nhiều loại thuốc đặc trị quý hiếm có khả năng cấp cứu nhiều loại bệnh ngay tại đảo. Anh nhớ mãi trường hợp cấp cứu cho ngư dân Nguyễn Văn Nam. Trong lúc đánh cá, ngư dân này đã bị bệnh đột ngột, khi đến được đảo An Bang thì gần như kiệt sức. Chính y sĩ và các chiến sĩ trên đảo đã cấp cứu cho bệnh nhân.

Thoát chết, vài ngày sau ông Nam quay trở lại đảo, mang theo mẻ cá đầu tiên ông đánh được trên ngư trường Trường Sa tặng cán bộ chiến sĩ đảo với lời biết ơn chân thành: “Nhờ các anh em mà bác còn cơ hội ra biển!” Hiện nay, nhiều đảo chìm đã có nhà tiếp dân để tiện cho việc cứu chữa, hỗ trợ ngư dân ở ngư trường Trường Sa.

Tuy nhiên, so với các đảo nổi thì cuộc sống ở đảo chìm và nhà giàn vẫn còn nhiều gian khó. Nhiều buổi biểu diễn văn nghệ, anh em văn công và lính đảo phải đàn hát ngay hành lang hoặc… vào hầm vì đảo quá chật.

Chiến sĩ trẻ Đoàn Văn Hồng trên nhà giàn DK1/20 tiếc nuối: “Lâu lâu văn công mới ghé, anh em muốn giữ lại để vui văn nghệ nhưng không có chỗ nên đành chia tay!”. Khó khăn thì nhiều nhưng khó khăn nhất là thiếu nước. Khi chúng tôi đến đảo An Bang, các anh cho biết đã 7 tháng trời không một giọt mưa trên đảo.

Thiếu nước nên lính trên đảo thường xuyên “tắm kiểu em bé”. Nghĩa là, để tiết kiệm nguồn nước ngọt trên đảo, các chiến sĩ phải tắm nước biển rồi ngồi vào chậu như trẻ con để “tráng lại” chút nước ngọt, nước tắm xong được đổ riêng vào thùng dành tưới rau.

Nước vo gạo cũng được để riêng để rửa và tưới rau. Mỗi khi trời nổi giông, anh em lại gọi nhau dọn vệ sinh những vị trí trống ở mái hiên để mắc vòi hứng nước, để riêng vào thùng chờ lắng xuống lấy phần nước phía trên phục vụ sinh hoạt.

Mùa mưa thì bình quân 2 ngày tắm một lần, còn mùa khô thì 4 ngày mới dám tắm. Buổi sáng đánh răng, rửa mặt chỉ với một ca nước. Còn việc trồng rau xanh thì phải tận dụng từ những diện tích mái hiên, hay trong hộp xốp, thùng gỗ. Hạt giống từ đất liền cũng được kén chọn để thích nghi với điều kiện khí hậu ngoài đảo, thường là những giống rau ngắn ngày và chỉ trồng để lấy thân.

Nói sao cho hết khó khăn của người chiến sĩ Hải quân, nhưng tôi vẫn ấn tượng với sự trẻ trung lãng mạn của lính đảo Trường Sa. Dù luôn đối mặt với nguy nan, nhất là trong những ngày báo động đỏ vì sự ngang ngược của Trung Quốc khi xâm phạm lãnh hải Việt Nam, nụ cười của lính vẫn hiện diện. Ở tất cả 13 đảo và nhà giàn tôi đã đi qua, đâu đâu tôi cũng thấy  nụ cười như thế. Nhớ nụ cười bâng khuâng của Lê Văn Trung- chiến sĩ đảo Tốc Tan, mới ra đảo hơn 15 tháng: “Còn chừng 6, 7 tháng nữa em ra quân, chắc sẽ nhớ biển, nhớ cá lắm”. Lại nhớ nụ cười hạnh phúc của Trung uý Trần Quốc Huy ở nhà giàn DK1/20: “Ra nhà giàn 6 tháng rồi, thương nhất là đứa con mới hơn 2 tuổi mỗi sáng đều gọi điện bi bô: ba ơi ba ngủ ngon không?”.

Gặp các chiến sĩ trên đảo Phan Vinh, có cậu vừa mười chín, đôi mươi cứ hồn nhiên kể: “Lúc mới ra cũng buồn lắm, nhớ nhà, nhớ người yêu quá trời”, rồi cười toe: “Nhưng các anh, các chú động viên nhiều nên tụi em dần dần quen, giờ yêu biển lắm rồi”.

Những ánh mắt trong veo, giàn rau xanh mướt, trái ớt đỏ tươi hớn hở bên vách tường, hoa mười giờ rung rinh bên cửa sổ, thậm chí còn có lá mơ tím leo hàng rào nữa và đặc biệt là hoa bàng vuông-hoa của loài cây đặc trưng cho Trường Sa- dịu dàng mà cao sang. Trên mảnh đất đầy nắng gió của quần đảo Trường Sa, những cây bàng vuông đầy sức sống vươn lên ngạo nghễ, phủ xanh khắp các hòn đảo nổi.

Lạ thay, hoa của cây bàng vuông lại mỏng mảnh, e ấp và chỉ khoe sắc vào ban đêm. Từng cánh hoa tím ngắt vươn ra khỏi đài hoa trắng muốt tinh khôi, cùng với nhuỵ vàng, hoa bàng vuông mang vẻ đẹp và hương thơm thuần khiết của biển cả khiến biết bao người ngất ngây. Ngắm hoa bàng, tôi liên tưởng đến tâm hồn người lính đảo: mạnh mẽ, kiêu hãnh nhưng không thiếu sự dịu dàng, tinh tế.

Mạnh mẽ với kẻ thù, ngày và đêm các anh chưa bao giờ thôi cảnh giác, thôi rèn luyện trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, giữ vững “một trái tim nóng và một cái đầu lạnh” để bảo vệ chủ quyền đất nước. Tôi đặt mình trong hoàn cảnh người chiến sĩ Hải quân trên đảo- làm thế nào để có thể luôn giữ bình tĩnh trong tình thế nguy hiểm vì kẻ thù luôn chực chờ tấn công? Và tôi đã có câu trả lời khi nghe được lời tâm sự của Trung uý chính trị viên Phan Văn Hoàng trên nhà giàn DK1/20: “Mỗi sáng thứ hai chúng tôi đều tổ chức chào cờ. Những lúc đó, nhìn lá cờ tung bay trong gió trong lòng tôi trào dâng niềm xúc cảm rất linh thiêng, nhìn lá cờ tôi thấy Tổ quốc tôi, thấy máu, thấy xương của cha anh tôi đã đổ xuống để tô thắm lá cờ Tổ quốc. Nhìn thẳng vào lá cờ Tổ quốc, chúng tôi luôn dặn lòng cần phải quyết tâm hơn nữa để bảo vệ nhà giàn với tinh thần người còn nhà giàn còn”. Vâng! Vì Tổ quốc, chỉ có vì Tổ quốc mới khiến mỗi người đều bình thản, tự tin với nhiệm vụ của mình.

Chia tay Trường Sa sau khi ghé điểm đến cuối cùng là nhà giàn DK1/20, cùng với vài phóng viên trẻ và đội văn nghệ Đăk Lăk, tôi rời nhà giàn trong sự tiếc nuối. Chiếc xuống vừa rời đi vài mét, bàn tay đưa lên cao vẫy chào, cả xuồng hô vang: DK1 mãi mãi! DK1 chiến thắng! Nước mắt chợt trào ra không kềm được khi các chiến sĩ nhà giàn vừa vẫy tay chào vừa hát vang: “Sóng gió mặc sóng gió, lính nhà giàn bọn tôi ở đó. Mưa giông mặc mưa giông, lính nhà giàn vẫn thắm hoa hồng… Những lời ca tha thiết cứ theo tôi mãi trên đường trở lại Tây Ninh. Về Trường Sa, tôi đã biết mình lớn thêm chút nữa với những bài học về tình yêu và sự hy sinh cho Tổ quốc.

Bút ký của Thanh Nam

 

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục