Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

KỶ NIỆM 72 NĂM TRUYỀN THỐNG THANH NIÊN XUNG PHONG VIỆT NAM (15.7.1950 - 15.7.2022):

Vẻ vang trong kháng chiến 

Cập nhật ngày: 15/07/2022 - 00:40

BTN - Ở miền Nam, từ phong trào “Năm xung phong”, hàng vạn thanh niên đã gia nhập lực lượng TNXP giải phóng miền Nam (GPMN) và các đơn vị TNXP ở các quân khu, quân đoàn, địa phương, vừa làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, vừa tham gia công tác xây dựng nông thôn chuẩn bị chiến trường...

Bà Bùi Thị Hải Đường (áo trắng)- vợ của cựu TNXP Vũ Mạnh Hải (xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, đã qua đời) tặng chiếc xe Wave Alfa cho bà Trần Thị Quy (bìa trái)- đồng đội của chồng.

Với tầm nhìn chiến lược và lòng tin đối với thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng, cách đây 72 năm, ngày 15.7.1950, trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam, nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (TNCS HCM) tổ chức một đội thanh niên tập trung dài ngày phục vụ chiến dịch lấy tên là Đội Thanh niên xung phong (TNXP).

Quyết định lịch sử ấy đã khai sinh ra lực lượng TNXP Việt Nam tại núi Hồng, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên với đơn vị đầu tiên là Đội TNXP công tác Trung ương gồm 225 cán bộ đội viên do đồng chí Vương Bích Vượng- Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương đoàn làm Đội trưởng.

Chỉ hai tháng sau khi thành lập, đầu tháng 9.1950, Đội TNXP công tác Trung ương xuất quân phục vụ Chiến dịch Biên giới đã lập công xuất sắc, được Bác Hồ gửi thư khen, được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuyên dương vì “Đã nêu cao tính tích cực xung phong, triệt để tuân theo kỷ luật chiến trường, tổ chức chặt chẽ”.

Không có việc gì khó…

Ngày 20.3.1951, Bác Hồ đến thăm đơn vị TNXP thuộc Liên phân đội 312 đang làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù, thôn Nà Cù, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn và đọc tặng TNXP bốn câu thơ:

“Không có việc gì khó Chỉ sợ lòng không bền Đào núi và lấp biển Quyết chí ắt làm nên”.

Bốn câu thơ này là lời giáo huấn của Bác Hồ kính yêu, là phương hướng tư tưởng và hành động, là kim chỉ nam không chỉ của lực lượng TNXP mà của tất cả thế hệ trẻ Việt Nam.

Bước vào Đông Xuân 1953-1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đã bước vào giai đoạn quyết liệt. Trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng, nhất là công tác phục vụ chiến đấu làm đường giao thông ngày một nặng nề cấp bách, thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ: “Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Đội TNXP để đảm bảo thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này”.

Ở Liên khu 5, hàng vạn thanh niên các tỉnh đồng bằng ven biển đã hăng hái gia nhập TNXP. Tại Tây Nguyên, Tổng đội TNXP 204 được thành lập với hơn 4.000 cán bộ đội viên, đã tham gia phục vụ Chiến dịch Bắc Tây Nguyên và sát cánh cùng bộ đội giải phóng thị xã Kon Tum.

Ngày 6.12.1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và Đoàn TNXP Trung ương đã vượt qua nhiều gian lao, thử thách, góp phần bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não Trung ương, tham gia xây dựng các tuyến đường huyết mạch phục vụ chiến đấu.

Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, trên 16.000 cán bộ đội viên TNXP là lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ vận tải lương thực, vũ khí, bảo đảm giao thông thông suốt ở các toạ độ lửa như đèo Pha Đin, ngã ba Cò Nòi, cầu Tà Vài… Cùng với bộ đội, dân công hoả tuyến, đồng bào Tây Bắc, lực lượng TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, xứng đáng với phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước phong tặng “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” (LLVTND).

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lực lượng TNXP được giao nhiệm vụ thu dọn chiến trường, làm đường chiến lược Lai Châu - Biên giới, tiếp quản Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, khôi phục đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, xây dựng nhà máy chè Phú Thọ.

Hoà bình lập lại ở miền Bắc, Đảng, Bác Hồ, Chính phủ chủ trương giao cho Đoàn Thanh niên tiếp tục thành lập các Đội TNXP tập trung gắn với việc nhận các công trình thanh niên, xây dựng nhà máy cơ khí Trung ương quy mô, lò cao khu gang thép Thái Nguyên, các Đội TNXP xây dựng chủ nghĩa xã hội, khôi phục đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thanh Hoá - Vinh, làm đường 12B Hoà Bình và con đường Hà Giang - Đồng Văn, Mèo Vạc nằm trên cao nguyên đá hùng vĩ cao nhất Việt Nam.

Sau gần 6 năm hoạt động, lực lượng TNXP xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, Tổng đội TNXP đại công trường thuỷ nông Nậm Rốm, tỉnh Điện Biên được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Lịch sử ghi đậm những chiến công

Năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào xâm lược miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, của Đoàn, hàng chục vạn thanh niên từ phong trào “Ba sẵn sàng” đã hăng hái tham gia các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước, là lực lượng lao động đặc biệt, được tổ chức và xây dựng trên ba mặt sản xuất, chiến đấu, học tập. Nhiệm vụ chủ yếu của các Đội TNXP là mở đường, bảo đảm giao thông vận tải những tuyến đường huyết mạch mà địch thường xuyên đánh phá ác liệt.

Với ý chí “Tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không thể tắc”; “Sống anh dũng bám đường, chết kiên cường dũng cảm”; với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” trên 200.000 TNXP đã nêu cao tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong sản xuất và chiến đấu đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ở miền Nam, từ phong trào “Năm xung phong”, hàng vạn thanh niên đã gia nhập lực lượng TNXP giải phóng miền Nam (GPMN) và các đơn vị TNXP ở các quân khu, quân đoàn, địa phương, vừa làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, vừa tham gia công tác xây dựng nông thôn chuẩn bị chiến trường; trong đó có các Đội TNXP cơ sở làm nhiệm vụ xây dựng làng xã chiến đấu, chống càn và làm nòng cốt tập hợp các tầng lớp thanh niên tham gia kháng chiến, xung kích vào những việc khó khăn nguy hiểm ở địa phương. Tại khu Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Tổng đội TNXP-GPMN được thành lập, tập trung các đơn vị TNXP từ các tỉnh thành Đông, Tây Nam bộ. Trong đó, đơn vị C2311 Hoàng Lê Kha- Tây Ninh là lá cờ đầu của Tổng đội đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; 2 liệt sĩ Trịnh Duy Hoàng (ở Thanh Điền, Châu Thành) và Võ Thị Rậm (ở Thạnh Đức, Gò Dầu) cũng được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Năm tháng qua đi, những địa danh lịch sử ghi đậm chiến công của lực lượng TNXP cả nước như ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, cầu Hàm Rồng, Cổng Trời, đường 20 Quyết Thắng, cua chữ A, đèo Pô Lai Nhích, núi Nhồi, phà Xuân Sơn, đường 1C, Bầu Bang, Dầu Tiếng, Bông Trang - Nhà Đỏ… mãi mãi là niềm tự hào, là sự cổ vũ lớn lao đối với thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay và mai sau.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, thế hệ TNXP thứ tư lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Nhiều địa phương đã thành lập các đội TNXP tập hợp trong xung kích để khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng các vùng kinh tế mới, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh huy động hơn 30.000 cán bộ hội viên, lập nhiều thành tích xuất sắc trong sản xuất, phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Nhiều TNXP phục vụ biên giới Tây Nam của Thành phố Hồ Chí Minh đã dũng cảm hy sinh, hiện nay có đài tưởng niệm ở xã Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

Tại tỉnh nhà, tuổi trẻ Tây Ninh hăng hái tham gia lực lượng TNXP, phục vụ bảo vệ biên giới Tây Nam. Ngày 25.9.1977, Tổng đội TNXP Tây Ninh được thành lập, tiền thân là 2 đại đội dân công hoả tuyến. Đơn vị nhanh chóng phát triển 4 liên đội trực thuộc Tổng đội và 2 liên đội địa phương ở Tân Biên, Bến Cầu với hơn 4.000 đội viên, có mặt trên các tuyến biên giới phục vụ cho bộ đội, làm nhiệm vụ tiếp đạn, tải thương, vận chuyển lương thực, cứu giúp đồng bào các xã biên giới khỏi bọn diệt chủng Pol Pot; tìm kiếm, quy tập thi hài đồng bào để an táng, đưa đồng bào vùng biên giới đến nơi an toàn, giúp đồng bào khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.

Với tình thần xả thân vì đồng bào, tích cực phục vụ bộ đội chiến đấu, Tổng đội TNXP lập nhiều thành tích xuất sắc, sau chưa đầy một năm thành lập, ngày 27.7.1978 đã trở thành đơn vị đầu tiên ở miền Nam được Trung ương Đoàn TNCS HCM tặng cờ “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc” cùng với nhiều cán bộ đội viên được Trung ương đoàn, UBND tỉnh tuyên dương, khen thưởng.

72 năm qua, lực lượng TNXP Việt Nam liên tục phát triển, cống hiến và trưởng thành, xây dựng nên những truyền thống cách mạng vẻ vang. Đó là, truyền thống yêu nước xung phong vượt mọi khó khăn, không ngại gian khổ hy sinh, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được cách mạng giao phó, trong bất cứ tình huống nào.

Đó là, truyền thống đoàn kết, hết lòng thương yêu đồng đội, đồng chí, đồng bào, sống lạc quan yêu đời, luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược và tương lai tươi sáng của dân tộc.

Đó là, truyền thống cần cù học tập, nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện trong thực tiễn sản xuất và chiến đấu để trở thành những công dân tốt, cán bộ tốt phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc, xây dựng phát triển đất nước.

Nguyễn Tấn Hùng