Ngày 2.9.1945, tại quảng
trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tại Tây Ninh, quân dân ta cũng nhất tề nổi dậy
giành lấy chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ lâm thời, chính quyền cách
mạng từ tỉnh, huyện, xã vừa được thành lập, lực lượng vũ trang (LLVT) còn đang
củng cố, thì thực dân Pháp theo chân quân Anh quay lại Sài Gòn hòng tái chiếm
Việt Nam.
Biết thế nào giặc Pháp cũng
tấn công lên Tây Ninh, Tỉnh uỷ lâm thời chỉ đạo lập các phòng tuyến dọc theo
quốc lộ 1 (tức QL22 ngày nay) ở Suối Sâu (xã An Tịnh, Trảng Bàng), Trâm Vàng (xã
Thanh Phước, Gò Dầu), Bến Kéo (xã Long Thành Nam, Hoà Thành ngày nay); đồng thời
dự trữ lương thực chuẩn bị “tiêu thổ kháng chiến”. Ngày 8.11.1945, quân Pháp kéo
đến Tây Ninh từ Sài Gòn lên, từ Campuchia xuống. Các LLVT trong tỉnh được điều
động đến các mặt trận. Đơn vị bộ đội Trần Văn Đẩu chốt chặn ở Ngã ba Vịnh, đơn
vị bộ đội Nguyễn Công Bằng phục kích trên liên tỉnh lộ 13 (QL22B đi Tân Biên
ngày nay). Đoàn xe cơ giới của quân Pháp kéo đến đâu, vấp phải sự kháng cự của
quân ta ở đó. Mặc cho chúng dùng xe tăng san ủi chướng ngại vật trên đường, quân
ta ném lựu đạn, bắn súng trường vào đội hình quân địch gây cho chúng nhiều
thương vong. Đây là những phát súng đầu tiên mở màn cho cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai tại Tây Ninh. Cũng là những phát súng
đầu tiên mở màn truyền thống vẻ vang của LLVT Tây Ninh trung dũng, kiên cường
suốt hơn 65 năm qua.
 |
 |
Sân khấu hoá "Chiến thắng Tua Hai"
trong dịp lễ kỷ niệm năm 2010. Ảnh: tư liệu BTNO |
Trước tình hình cuộc kháng
chiến mới bắt đầu, các LLVT cũng mới hình thành lẻ tẻ từng nhóm nhỏ ở nhiều nơi,
cần thiết phải có sự thống nhất chỉ huy, sau khi chấn chỉnh và củng cố, ngày
5.3.1946 Khu trưởng Khu 7 - Trung tướng Nguyễn Bình ra quyết định thành lập Chi
đội 11 Tây Ninh trên cơ sở hợp nhất các đội vũ trang hiện có lúc bấy giờ. 60 năm
sau, ngày 13.11.2006 Trung tướng Lê Mạnh, Tư lệnh Quân khu 7 đã ký quyết định
công nhận ngày 5.3.1946 là ngày truyền thống của LLVT Tây Ninh.
Sau ngày thành lập, ngay
trong tháng 3.1946 Chi đội 11 đã ra quân đánh nhiều trận thắng lợi, điển hình
như trận đánh tại Thanh Điền ta tiêu diệt 7 tên Pháp thu 2 đại liên Maxim và 20
thùng đạn… Hai năm sau, tháng 3.1948 Chi đội 11 được đổi phiên hiệu thành Trung
đoàn 311, do các đồng chí Nguyễn Văn Dung là Trung đoàn trưởng, Trần Văn Đẩu là
Trung đoàn phó và Nguyễn Hữu Dụ là Chính trị viên. Cuối tháng 12.1949, Khu 7
quyết định thành lập Tỉnh đội bộ Dân quân Tây Ninh để chăm lo phát triển phong
trào du kích. Tháng 9.1950 Bộ Tư lệnh Quân khu 7 quyết định hợp nhất Trung đoàn
311 và Tỉnh đội bộ Dân quân thành Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh, lấy tên là Tỉnh đội
Tây Ninh (nay là Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh).
Kết thúc cuộc kháng chiến 9
năm chống Pháp, theo Hiệp định Genève đất nước tạm chia làm hai miền: miền Bắc
hoàn toàn giải phóng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, ở miền Nam đế quốc Mỹ
nhảy vào thay chân Pháp, dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm. Chúng ban hành Luật
10/59 lê máy chém khắp miền Nam tìm diệt những người tham gia kháng chiến.
Quyết tâm giải phóng miền
Nam, thống nhất đất nước, Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 15, xác định:
“Dùng sức mạnh chính trị kết hợp với lực lượng vũ trang để giành chính quyền về
tay nhân dân”. Dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Nam bộ, đêm 25 rạng 26.1.1960 ta đột
phá đánh vào cứ điểm của địch ở Tua Hai, tiêu diệt 1 trung đoàn nguỵ, thu hàng
ngàn súng các loại. Chiến thắng Tua Hai thực sự là “Tiếng súng lệnh” đầu tiên
cho phong trào đấu tranh vũ trang ở Nam bộ, vùng lên kháng chiến chống Mỹ cứu
nước.
Sau chiến thắng Tua Hai,
Đảng bộ tỉnh quyết định thành lập LLVT tập trung của tỉnh từ 14 chiến sĩ, 14 cây
súng tham gia trong trận Tua Hai. Đây chính là Tiểu đoàn 14 anh hùng của LLVT
Tây Ninh đã đi suốt cuộc trường chinh chống Mỹ, lập nên nhiều chiến công oanh
liệt khiến kẻ thù phải khiếp sợ uy danh của Tiểu đoàn.
Trong giai đoạn Mỹ nguỵ thực
hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, chúng bày ra “quốc sách ấp
chiến lược” hòng tách các LLVT của ta ra khỏi lòng dân, Đảng bộ tỉnh phát động
phong trào “Một tấc không đi, môt ly không rời”. Thực hiện phong trào này, quân
dân Tây Ninh đào địa đạo để đánh Mỹ (địa đạo An Thới, Trảng Bàng; địa đạo Lợi
Thuận, Bến Cầu…). LLVT đã bám đất, bám làng, gìn giữ quê hương, góp phần cùng
toàn miền Nam đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ nguỵ.
 |
Xe tăng Mỹ bị quân dân Tây Ninh bắn
cháy trên quốc lộ 22 năm 1967. Ảnh tư liệu BTNO |
Thất bại trong chiến tranh
đặc biệt, Mỹ chuyển hướng sang “chiến tranh cục bộ”, đưa quân viễn chinh Mỹ trực
tiếp tham chiến ở Việt Nam. Chúng tiến hành các cuộc càn lớn vào Tây Ninh trong
các mùa khô 1965-1966; 1966-1967, đỉnh cao là 2 cuộc hành quân quy mô lớn
Attelboro với 30.000 lính Mỹ và Junction City với 45.000 lính Mỹ vào khu vực Bắc
Tây Ninh. Đương đầu với địch, Tỉnh uỷ chỉ đạo thành lập các đơn vị bộ đội địa
phương, công binh, đặc công phối hợp với nhân dân bám trụ truy kích địch suốt
ngày, đêm. Ta dựa vào địa hình thuận lợi, phát triển lối đánh du kích làm cho
địch tiêu hao lực lượng và sa lầy trên chiến trường. Mỹ ngụy buộc phải rút chạy
khỏi chiến trường Bắc Tây Ninh. Ta bảo vẹ an toàn căn cứ Trung ương Cục, Bộ Chỉ
hy Miền, Mặt trận Dân tộc Giải phóng, Đài phát thanh Giải phóng… giành thế chủ
động chiến trường, buộc địch phải xuống thang chiến tranh.
Thực hiện quyết tâm của Bộ
Chính trị giải phóng hoàn toàn miền Nam, vào đầu tháng 4.1975 Trung ương Cục
trực tiếp giao cho Tây Ninh “tự lực giải phóng tỉnh nhà”, LLVT Tây Ninh đã đồng
loạt tiến công địch, giải phóng các huyện, thị; đại bộ phận lực lượng địch đầu
hàng, tự tan rã tại chỗ, tỉnh Tây Ninh hoàn toàn giải phóng lúc 11 giờ ngày
30.4.1975.
(Còn tiếp)
LÊ HUY THƯỜNG
(Theo Lịch sử Đảng bộ
tỉnh Tây Ninh 1930-2005
và Đề cương tuyên truyền
của Bộ CHQS tỉnh)