Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vết bớt truyền đời
Chủ nhật: 21:31 ngày 08/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mỗi ấp khoảng chục lô, mỗi lô dựng sẵn mấy chục căn nhà tranh vách đất. Sau vài đợt dân thành phố ùn ùn đổ xuống từ những chuyến xe đò, đã không còn một miếng thổ cư vô chủ.

Khách du lịch đến thị trấn T, không mấy người biết mấy chục đường phố san sát nhà cao tầng bây giờ lại là những đường lô lầy lội của cái làng kinh tế mới heo hút bốn mươi năm về trước. Lúc ấy, chả ai ngờ đến một ngày cái xó rừng heo hút này sẽ biến thành đô thị, đường lô sẽ thành đường phố sang trọng mang tên những danh nhân, nên cứ nôm na lấy những chữ số và chữ cái A, B, C… mà gọi ấp, gọi lô cho dễ nhớ. Mỗi ấp khoảng chục lô, mỗi lô dựng sẵn mấy chục căn nhà tranh vách đất. Sau vài đợt dân thành phố ùn ùn đổ xuống từ những chuyến xe đò, đã không còn một miếng thổ cư vô chủ.

Ngày ấy, gã di dân tự do, đến muộn. Lô nào lô nấy ém đủ người rồi. May còn duy nhất một căn giữa lô A, lão chủ cũ nửa đêm im ắng khép cửa trốn về thành phố đã nửa tháng nay. Anh Trưởng ấp tình thực khuyên gã: - Cái lô A ấy toàn bọn bụi đời đá cá lăn dưa, an ninh phức tạp lắm, người lương thiện khó sống được với chúng. Căn nhà này, đã hai ba lần đổi chủ rồi. Chưa đầy ba bảy hăm mốt ngày đã cuốn gói không kèn không trống. Gã hỏi lý do. Thì cũng bởi trộm cắp như rươi. Hong mấy bộ đồ, giữa ban ngày ban mặt, lơ là một chút, chỉ còn dây phơi trống trơn. Ấy là chưa kể cái xe đạp dựng xó nhà, con heo trong chuồng, cửa nẻo dù khoá kỹ, chúng để cho ngày nào, biết ngày ấy. Hỏi anh có chịu nổi không? Gã chặc lưỡi, thôi thì thử thời vận chút xem sao. Một tuần sau, chiếc xe lôi chở gia đình gã cùng mấy thứ vật dụng cũ nát chạy vào vuông sân cỏ rậm như rừng, đúng lúc hai lão già mình trần trùng trục, một cao lêu nghêu da đầu đỏ au chơm chởm mớ chân tóc bạc trắng, một thấp lùn, mặt ngắn, vết bớt đỏ bầm đóng sau gáy, hàm râu trên đen nhức che nửa miệng, đang ôm lưng nhau quay mặt đái tồ tồ vào vách đất căn nhà xơ xác mái tranh cùn. Lão mặt ngắn lè nhè: - Đọ của mày với của tao, cái nào bự hơn. Vợ gã mắc cỡ úp nón che mặt. Gã e hèm đánh động, cả hai đứng tỉnh bơ. Sau vài cú rùng mình, vẩy vẩy, lão đầu trọc buông ống quần, nấc cụt một hồi: - Bọn này xin lỗi nha. Trốn nợ ít bữa, lại về à. Nó chặt tay chẳng tha đâu. Lá gan chú mày bự đấy. Chắc lão tưởng gã là thằng cha bỏ đi tháng trước quay về.

Vợ chồng gã liên tay dọn dẹp tới chiều, vừa ổn ổn, đã nghe nhà bên cạnh quát con inh ỏi: - Thằng Ặt đâu rồi, gọi thằng cha Năm Xỉn ăn hại đái nát về cho tao. Sáng mai, nhìn sang bên ấy, gã nhận ra vết bớt đỏ bầm sau gáy cái lão đái bậy hôm qua và mụ vợ cao ngồng đang thì thầm gì đấy ở giữa sân. Nhìn thấy gã, Năm Xỉn suỵt… suỵt. Mụ vợ phô hàm răng nạo dừa hất mặt lên trời, văng một câu: - Sợ cái quần què.

Nhà hàng xóm thô lỗ ấy tồng ngồng bốn đứa con trai. Thằng Ặt lớn nhất. Thằng Ẽo liền kề. Tiếp theo thằng Èo rồi thằng Uột. Đứa nào cũng mang miếng huyết đỏ bầm cỡ đồng xu, đứa đóng ở sau gáy, đứa dưới dái tai. Thằng Ặt bị tật lưng ngửa về đằng sau, cái tên Ặt mô tả y chang hình dạng nó. Hai thằng em nó lực lưỡng thừa sức đấm chết voi, tại sao chúng mang tên Ẽo, Èo? Mãi tới hôm tình cờ nghe hai lão mất nết bá cổ, khoác vai dìu nhau ngả nghiêng lết ngang qua ngõ, lão đầu bạc lè nhè: - Này, tin tình báo quan trọng nhá. Nói hai đứa xì tốp nhập nha đi, dạo này căng lắm đấy. Lỡ nhập kho thì mỏi tay gỡ lịch nhá nhá. Lão Năm Xỉn vỗ lưng bạn: - Ợ… ợ, yên tâm đi. Mày không biết, thằng Dã Hạc Lão Nhân hồi đó đã coi tướng rồi đặt tên cho chúng là Èo, là Ẽo à. Mèo thành tinh đầu thai đấy. Đã vồ, con mồi chỉ còn con đường tử. Ứng nghiệm lắm. Tự hồi đó đến giờ, chúng ra tay bao nhiêu vố, đã bị dính gì đâu. Gã chợt hiểu, thì là ra vậy. Thế còn thằng út to đầu, cái tên Uột có liên quan gì đến nó? Càng nghĩ càng tối mò mò. Gã đành tặc lưỡi: - Cứ cho là lão Xỉn đang cơn say, ợ một phát nôn tháo ra U…ột, uột. Tỉnh táo, ai đặt tên con kỳ cục vậy.

Trời đã gieo vào nhà Năm Xỉn hai thằng lưu manh cầm tinh ma mèo. Lại ưu ái tặng lão thằng Ặt ngửa lưng, hiền lành, nhút nhát. Còn giáng thêm thằng Uột đu đưa cái đầu to với đôi mắt trong veo, nhìn ai cũng rạng rỡ ánh thiện lương, tin cậy. Thường lệ, mỗi sáng, lão Năm Xỉn vắt áo lên vai, e hèm mấy tiếng rồi mất dạng cả ngày. Vợ lão, mụ Nạo dừa xấp xải tới sòng bài. Về khoản cờ bạc bịp thì mụ ta vô địch, cơm cháo hằng ngày tất tật đều tuồn ra từ đôi bàn tay điêu luyện tráo trở bộ bài tứ sắc. Cữ non trưa, vừa đẫy giấc bù cho đêm qua gật gà thức ngủ, hai thằng ma mèo êm ru theo nhau biến vào hang ổ nào chỉ có ma mới biết. Trời chưa hửng sáng, thằng Ặt, đã có mặt ngoài chợ ngã tư, xớ rớ quanh mấy sạp hàng, chờ người ta sai vặt. Tấm lưng ngay đơ, yếu ớt, đứng đi ặt ưỡng, nhưng bù lại tính nó thật thà nên được các chủ hàng dành cho mấy việc nhẹ nhàng vừa sức. Nhờ vậy, hôm nào nó cũng kiếm được vừa xoẳn hai đĩa cơm ấm bụng với ổ bánh mì mang về cho thằng Uột. Thường ngày, thằng Uột ở nhà một mình. Cơm nước tự lo. Vét đáy lu không còn nắm gạo thì nhổ gốc mì ở góc vườn. Lu gạo nhà nó luôn trong tình trạng trống trơn, vài mẩu khoai mì là khẩu phần thường nhật. Ở thằng ấy, gắn với nó, trừ cái đầu quá khổ, còn lại, bộ phận nào cũng ngăn ngắn, cũng nho nhỏ, cũng mong mỏng, từ tấm lưng dèn dẹt, hai cánh tay ngắn ngủi, tong teo, cho đến hai bàn chân mỏng bẹt. Nếu như mỗi bước đi phát ra tiếng kêu lạch bạch thì nó cầm tinh con vịt lắc lắc, lư lư cái đầu quá khổ dính vào cần cổ trơ xương.

 Đêm đầu tiên trong căn nhà tranh bé tí, hôi hám mùi ẩm mốc, vợ chồng gã trằn trọc suốt. Chưa bảnh mắt đã lọt qua khe cửa một giọng đàn bà đanh đanh tràng pháo tét, từ căn nhà đối diện bên kia đường: - Đẹt! Đẹt… Giờ này còn nằm ườn l… ngủ nướng. Dậy mau, vác củi ra chợ nhóm bếp. Đấy là mụ Khọt bán bánh khọt ngoài chợ ngã tư. Cái Đẹt, con mụ ta, nếu đứng sóng đôi với mẹ thì cứ như hai con cá sặc phơi đẫy nắng. Nhà ấy không có đàn ông. Mụ Khọt vú, mông dính sát tận xương, lênh khênh tựa cây sào, lại thêm đôi mắt gian tà, him híp, miệng lưỡi nổ đen đét, thằng chồng nào chịu nổi. Kiếm được một đứa con hoang là may mắn cho đời mụ lắm rồi. Hồi còn vất vưởng vỉa hè Sài Gòn, mẹ con mụ chuyên nghề hai ngón. Túi tiền của ai đã bị chúng êm ru sờ đến thì coi như nhẵn nhụi. Thời hoàng kim, Năm Xỉn chỉ với cái tô nhỏ với bốn con xúc xắc, len lỏi mọi xó xỉnh, khoắng bộn tiền. Bây giờ ngón cờ bạc bịp của lão cáo chung rồi. Phần bởi Công an theo dõi gắt gao, phần vì dân kinh tế mới đa phần thất cơ lỡ vận, tiền đâu mà sa đà vào chỗ đỏ đen. Mẹ con cái Đẹt phải thu lại hai ngón tay ma thuật cũng vì lý do ấy. Vậy mà chả hiểu sao, lão Năm Xỉn vẫn có xu rủng rẻng ngày ngày say quắc cần câu từ sớm đến tận khuya. Đêm nào đến trước cửa nhà mụ Khọt, lão cũng dừng lại, ào ạt xả xuống tàu lá bạc hà, miệng ồ ề khiêu khích: - Em Khọt, em Khọt, anh mắc đọt. Thế là từ trong nhà, mụ Khọt đèn đẹt nổ một dây pháo tét: - Đ. má thằng già mắc dịch, mắc đọt thì về vọt vào cái lỗ mồm con vợ răng hô nhà mày ấy. Lập tức tấm phên cửa nhà Năm Xỉn mở tung, mụ Nạo dừa nhảy choi choi ra giữa đường xỉa xói: Cha tổ con đĩ ngựa ngứa đoi. Cái đồ heo nái đỏ gié, đồ chó cái đến nước. Coi chừng bà xé xác thành trăm mảnh. Cứ thế, cuộc đấu khẩu tiếp diễn hàng tiếng đồng hồ. Mười đêm như một.

Ấy vậy mà cái cặp oan gia đường hẹp ấy lại ngồi sui với nhau. Con Đẹt và thằng Ặt đều ngấp nghé ba chục mùa lá úa rồi. Chả biết đứa nào chủ động. Chỉ thấy cái bụng con Đẹt mỗi ngày một lùm lùm. Rồi trong một buổi chợ đông, con Đẹt nắm tay thằng Ặt đặt lên bụng mình, ỏn ẻn: - Anh Ặt, con chúng mình nó ngọ ngoạy này. Chả cưới xin, cũng chả ông sui bà sui qua lại nhà nhau giao kèo đính ước gì. Từ bữa ấy, thằng Ặt cắp cái mền và hai bộ quần áo cộc sang nhà cái Đẹt. Vậy là chúng thành vợ chồng công khai. Ba bên hàng xóm được hưởng lợi không bị điếc tai mỗi đêm khuya khoắt nữa. Gã đoán, ngồi sui với người ta rồi, lão Năm Xỉn cũng tỏ ra chút ít biết điều, dù xỉn quắc cần câu, chả lẽ cứ dày mặt buông lời trêu chọc bà sui bành chanh bành chói. Không còn chỗ tự do phá phách, lão thấy đời nhạt phèo. Lại thêm từ ngày bạn lão, cái thằng cha cao nghều đầu bạc cùng hội dô kề của lão phải lặn mất tăm vì tội lừa đảo, lão càng buồn thêm, càng nốc rượu vô hồi kỳ trận. Đến một đêm khuya, lão loạng quạng té xuống giếng. Quá trưa hôm sau, thằng Uột thả gàu múc nước luộc củ mì, la tá hoà, thì vong hồn lão đã nhập vào thế giới quỷ ma nhà lão tự lâu rồi.

Vợ thằng Ặt sinh con gái. Thằng Ặt ặt ưỡng đến nhà hộ sinh thăm con. Chưa kịp ngồi ghé mép giường đã bị con vợ chỉ vào đứa bé đỏ hỏn chửi: - Cha mày đến chết còn báo hại nhà tao. Cái bớt đen thui như da chó mực đóng một bên má thế này thì con tao ngẩng mặt với đời làm sao được. Dưới dái tai bên má trái thằng Ặt tự dưng nóng ran vết bớt màu máu truyền đời, nó giơ bàn tay trái xoa xoa, ngửa ặt sau lưng, hai đuôi mắt lặng lẽ lăn hai dòng nước mắt. Đăm đăm nhìn dấu ấn định mệnh in trên má con gái, nó chẳng biết tại sao, đến đời con bé lại chuyển sang màu đen như lông chó mực. Nó đã nghe bà nội kể: - Năm sáu đời nay, vết bớt trên cổ cha con, chú bác chúng mày là máu đấy. Máu từ cổ những con trâu con bò tội nghiệp cụ tổ mày hành nghề đồ tể cắt cổ đấy. Sợi dây quả báo còn dài, còn siết chặt nhiều đời con ạ.

Từ giây phút ấy, tâm trí thằng Ặt hoang mang cực độ. Linh cảm chẳng lành ấy ứng nghiệm tức thì. Năm Xỉn bất đắc kỳ tử chưa đầy bảy bảy bốn chín ngày, em nó, thằng Èo xộ khám mút mùa vì can tội nhập nha trộm Honda 67, bị lộ, đâm trọng thương chủ nhà hòng thoát thân, bị tóm ngay tại trận. Thằng Ẹo như rắn mất đầu, cùng đường phải nhập tổ bốc vác chợ ngã tư. Nó ngồn ngộn sức vóc, nhưng tai tiếng lưu manh, chẳng chủ hàng nào thuê mướn, đói dài, ngồi ngáp vặt. Ít ngày sau phắn về thành phố. Mấy sòng bài bị truy quét liên tục, mụ Nạo dừa hết mánh bịp bợm, muối mặt lê đến nhà con dâu vuốt ve cưng nựng cháu nội: - Con dâu cho má ít tiền, dạo này má túng quá. Con Đẹt mát mẻ: - Tôi là con dâu bà hồi nào vậy? Hết đường sống, mụ vợ Năm Xỉn bỏ nhà, bán sới nơi nào, biệt tăm biệt tích.

Chỉ khổ thân thằng Uột, hôm nào thằng Ặt lén vợ giấu được mấy đồng thì tối đó nó có ổ bánh mì bỏ bụng. Nhiều bữa bị canh chừng riết, tay không một xu, liều thó trộm hai cái bánh khọt bỏ túi, bị vợ phát hiện chửi: - Nhà tao không phí của nuôi cái thằng dở hơi to đầu ấy đâu. Bản thân mày nhét vào mồm ngày hai bữa, mẹ con tao đã oải lắm rồi. Không biết điều, tao thẳng tay đuổi ra đường đấy. Tối ấy thằng Ặt tay không, buồn thiu ngồi ôm thằng Uột từ chạng vạng đã tựa cái đầu to vào cây cột bờ rào chờ anh. Thương tình cảnh thằng bé, vợ gã mỗi chiều đều cố ý để dành chén cơm với miếng thức ăn gì đấy, để gã đưa sang cho nó. Má nó mất tăm, thằng Ẹo cũng mất tăm. Bên trong nhà nó lạnh tanh. Chỉ nghe tiếng muỗi vo ve quanh cái đầu quá khổ của thằng bé khốn khổ xúc từng thìa cơm nhai trệu trạo. Trông theo thằng anh nó ngưa ngửa cái lưng bất lực quay về nhà vợ, gã chỉ biết buông một tiếng thở dài.

Cái tin thằng Ặt trúng hai tờ độc đắc loan khắp xã. Mụ vợ Năm Xỉn và thằng Ẹo đánh hơi như ma xó, vài hôm sau đã mò đến sạp bánh khọt. Gặp thằng Ặt đang ngửa lưng ẵm con trên bụng, Thằng Ẹo chìa tay: - Vé độc đắc đâu, chia cho má một tờ. Thằng Ặt chỉ vào con vợ: - Nó giữ đấy. Cái Đẹt thản nhiên hỏi chồng: - Tiền của ai mua vé số? Thằng Ặt chỉ vào vợ. Chỉ chờ câu ấy, cái Đẹt một tay chống nạnh ngang hông, một tay chỉ thẳng mặt mẹ chồng: - Vậy là rõ ràng hai tờ vé số ấy của ai rồi. Cho các người đi kiện, đây sẵn sàng theo hầu. Màn kịch tiếp theo, hai mụ sui gia cờn cờn chửi tay đôi giữa chợ. Thằng Ẹo nhận ra tình thế chẳng chấm mút được gì, thẳng tay thoi một cú trời giáng giữa mặt thằng anh, kèm theo câu chửi: - Đ. má thằng khôn nhà dại chợ. Thằng Ặt té dộng lưng vào cạnh bàn sạp bún riêu. Cú té ấy khiến mấy tháng sau, nó bị liệt hai chân, nằm bẹp gí, muốn trở mình phải nhờ thằng Uột vừa rên è è vừa lật nghiêng cái lưng ngay đơ đang thoái hoá từ từ.

Gặp đúng thời điểm chợ ngã tư được nâng cấp lên thành khu trung tâm thương mại huyện T, con Đẹt bỏ tiền trúng số mua căn nhà một tầng lầu mặt tiền phố chợ. Tầng trệt mở cửa hàng tạp hoá, cả nhà nó chuyển ra ở tầng lầu. Thằng chồng, nó để nằm nhà cũ, mỗi sáng sai xe ôm đem cho một bịch cơm chia làm hai bữa, nuốt được hay không cũng mặc. Dạo này thằng Uột ngày ngày phải lạch bạch ra chợ trung tâm bán vé số, quá ngọ bán hết năm chục tờ, thu nhập đủ cho hai bữa cơm lưng lửng bụng. Chiều về, thế nào cũng phải có một tô hủ tiếu phần anh. Không nhờ bữa tối nóng sốt em nuôi, không nhờ thằng em ngày ngày xối nước lau rửa, thằng Ặt liệt hai chân vậy, ăn tại giường, bài tiết tại giường, sinh thêm bệnh, mười phần đi theo Năm Xỉn lâu rồi. Thương em yếu ớt vất vả vì mình, thằng Ặt mấy lần nhịn ăn để chết. Mấy lần thằng Uột khóc nấc khuyên anh: - Giời còn cho sống ngày nào, cứ ráng mà chịu đựng. Tự mình tìm cái chết, tội lắm anh ơi.

Cửa hàng tạp hoá của con Đẹt mỗi ngày mỗi phát đạt. Cô chủ son phấn sửa sang, ăn uống nhiều đồ bổ dưỡng, thay da đổi thịt, bắt mắt mấy thằng ma cô phố chợ. Nó bỏ tên cũ xấu xí, lấy tên Đào, trưng lên biển hiệu tạp hoá Xuân Đào. Một hai con Đẹt đòi bỏ thằng chồng bệnh tật rồi rước thằng bồ về chung sống. Mẹ nó, cái mụ Khọt tinh ranh như cáo, mắng: - Muốn chồng, ráng nhịn vài năm nữa con ơi. Chờ thằng Ặt đi theo Năm Xỉn đã. Bỏ nó lúc này mày dâng không nửa gia tài cho mụ nạo dừa à. Toà xử ly hôn, sẽ tuyên luôn phân chia tài sản đấy. Con Đẹt tức đỏ mặt phát đít con gái cái đét: - Cha tổ dòng giống nhà mày, ám tao đến bao giờ.

Nghe lời mẹ, nhiều lần, mấy con mẹ mất nết thậm thọt vào tai cô chủ hiệu Xuân Đào: - Đeo làm chi cái thằng chồng lê lết vô dụng ấy, bỏ quách đi. Phây phây thế này ối thằng muốn chết, con Đẹt đều rân rấn nước mắt cầm tay mềm mỏng trả lời: - Ấy chết. Chúng em lấy nhau tự thuở nghèo khó, bây giờ giời cho em mát mặt thế này, giời lại bắt tội anh ấy khổ vậy, làm người, ai nỡ cư xử bất nhân như thế, chị ơi!

Tô hủ tiếu nóng hổi mỗi buổi tối nuôi anh, hai bàn ta yếu ớt ráng sức tắm rửa, xối nước vệ sinh chỗ nằm của anh, thằng Uột cũng chỉ kéo dài sự sống cho anh mình được sáu năm. Thằng Ặt nhẹ nhàng ra đi đúng ngày đầu tiên con Đẹt chở con gái đến trường tiểu học. Căn hộ nhà Năm Xỉn còn mỗi mình thằng Uột. Nó thôi bán vé số, ngày ngày ngồi tựa cây cột cổng đổ xiêu, đu đưa cái đầu to quá khổ, hấp háy đôi mắt trong veo nhìn người qua lại. Ai cho gì ăn nấy. Thấy tình cảnh nó như vậy, gã bàn với Hội Chữ thập đỏ thị trấn lập hồ sơ cho nó nhập trại nuôi dưỡng người tàn tật. Buổi thằng Uột bịn rịn chia tay, nó bảo gã chở lên trường tiểu học từ biệt cháu gái. Gã, thầy hiệu trưởng và vài cô giáo cùng ứa lệ chứng kiến hai chú cháu nó ôm nhau ngồi chết lặng giữa văn phòng. Con bé khóc nấc gọi: - Chú ơi! Chú nó lặng lẽ để rơi hai dòng nước mắt trong veo từ đôi mắt nhắm nghiền. Từng giọt lệ nóng hổi rơi xuống vết bớt đen sì đóng trên má cháu. Giây phút ấy, gã và mọi người được chứng kiến một phép nhiệm màu. Từ vết bớt lông chó mực ấy bốc lên làn khói trắng tinh, thơm phức lan toả khắp gian phòng. Nước mắt thằng Uột xối tới đâu, dấu ấn truyền đời định mệnh nhà Năm Xỉn nhạt dần tới đó. Đến lúc khói tan thì trên má đứa con thằng Ặt bong sạch mọi tì vết hằn gắn chặt vào mấy dòng tộc nhà ông nội nó. Gương mặt con bé trở nên rạng rỡ, hồng hào, thần thái nó chả giống con Đẹt tí nào, cũng chả giống tí nào bà nội nó.

V.T.K

Tin cùng chuyên mục