BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tạp bút

Vết chân tròn

Cập nhật ngày: 13/04/2020 - 19:01

BTN - Bên xóm tôi có dòng sông nhỏ. Con sông ngăn làng với núi. Làng nằm phía lở, phía bồi cách núi chưa được hai cây số. Phía bên lở có nguyên một cánh đồng chỉ toàn lúa còn phía bồi gần núi cũng có một cánh đồng nhưng là cánh đồng “tổng hợp”. Ở bên đó có những đám ruộng nằm ở chỗ trũng, trên đồi có bắp, mía, khoai lang và sát bãi cát là những đám dưa hấu, dưa leo, khổ qua, mướp, bí... Người lớn qua sông bằng ghe, còn con nít chúng tôi chỉ đợi mùa khô mới được qua bên ấy.

Bên xóm tôi có dòng sông nhỏ. Con sông ngăn làng với núi. Làng nằm phía lở, phía bồi cách núi chưa được hai cây số. Phía bên lở có nguyên một cánh đồng chỉ toàn lúa còn phía bồi gần núi cũng có một cánh đồng nhưng là cánh đồng “tổng hợp”. Ở bên đó có những đám ruộng nằm ở chỗ trũng, trên đồi có bắp, mía, khoai lang và sát bãi cát là những đám dưa hấu, dưa leo, khổ qua, mướp, bí... Người lớn qua sông bằng ghe, còn con nít chúng tôi chỉ đợi mùa khô mới được qua bên ấy.

Bên bồi con sông quê là thiên đường của tuổi thơ mục đồng xóm tôi. Không chỉ thoả thuê vui chơi đồng bãi mà chúng tôi còn được học những bài học đầu tiên từ một “người bạn lớn”. Sau này tôi nghĩ, đó là điều đặc biệt nhất của tuổi thơ tôi.

“Người bạn lớn” của chúng tôi là chú Cảnh. Không phải bây giờ mà ngay từ cái hồi rất nhỏ ấy, tôi đã nghĩ “vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi” trong bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến sao giống chú Cảnh quá. Chỉ có điều chú Cảnh không dạy học, không đánh đàn mà chỉ trồng dưa và kể chuyện nên xin lỗi nhạc sĩ khi tôi hát bài “Vết chân tròn” theo ngôn ngữ của tôi “anh thương binh vẫn đến đồng làng và ngày ngày kể các em thơ câu chuyện quê hương…”.

Chú Cảnh vào bộ đội muộn, đi được vài năm thì thống nhất đất nước. Chú về làng trên một chiếc nạng gỗ. Lấy vợ, sinh con và phía bãi bồi bên sông là cơ nghiệp của chú.

Không phải vì tôi thường được chú cho dưa, bắp mà lê la theo gót. Chính xác là yêu mến có kèm ngưỡng mộ. Tôi có thể ngồi cả buổi chỉ để nhìn chú làm việc. Rất khéo léo, chỉ một chân nhưng chú có thể cày, cuốc, trồng, tưới nước, nhổ cỏ bắt sâu và thu hoạch... “Một chân tròn” nhưng chú có thể vác cả bao dưa nặng chất lên ghe chèo qua phía bên kia và vững chãi bước lên cái dốc dựng đứng mà tôi đã nhiều lần trượt dốc dù tay chỉ cầm cái roi nhỏ. Chú Cảnh làm việc gấp đôi người khác - lời của mẹ tôi. Chú bảo nhờ mấy năm hành quân mà sức khoẻ trở nên dẻo dai và chai lì với mưa nắng. Nếu không có những ngày gian nan đó chắc đã không đủ sức lực và ý chí để biến vùng đất tràn cỏ tranh thành những đám bắp đặc trái và những ruộng dưa xanh mượt, lổn ngổn quả như bây giờ.

Giữa những ngày lao động vất vả, thường thì đầu giờ chiều là những phút nghỉ ngơi thư thả của chú. Bên sông, bóng cây mù u mát rượi, gió thổi man mác và trên thảm cỏ xanh mướt dưới gốc cây to, chú kể cho tôi và các bạn nghe câu chuyện chiến trường. Tôi nghe hết nhưng bây giờ có thể không nhớ hết. Nhưng ám vào tâm trí tôi là câu chuyện người đồng đội kéo lê khúc chân lủng lẳng xuống suối lấy nước khi bạn đang cơn khát cao trào vì bị kìm kẹp giữa nóng và lạnh của căn bệnh sốt rét. Câu chuyện được chú kể nhiều lần và lần nào cũng làm tôi mủi lòng muốn khóc.

* * *

Tôi lớn lên, xa bãi bồi bên sông, dấn thân vào cuộc mưu sinh. Có những khi tai ương bất ngờ đổ ào xuống, không kịp trở tay. Nhiều lúc muốn bỏ hết, muốn nằm vật vã ăn vạ cuộc đời. Nhưng may thay, những lúc ở bên bờ vực gục ngã, trong tôi lại hiện lên những “vết chân tròn” trên bãi cát phía bồi con sông quê. Và thế là phủi tay, đứng dậy nhìn tới, bước thẳng…

Nguyễn Thị Bích Nhàn