Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vết tích phố thợ nhuộm
Thứ bảy: 07:06 ngày 01/10/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Phố Đông Hội được thành lập trên phần đất của làng Thế Lại, Lạc Nô, nằm phía tây phố Thanh Hà mới (đã có từ thế kỷ 18). Năm Minh Mệnh thứ 18, phố Đông Hội được thành lập.

Bia “Đông Hội kiều”.

Khu phố này kéo dài từ cầu Thế Lại đến Trấn Bình đài, chia làm ba dãy phố song song với sông Hộ Thành (mới đào), sau lưng một phần phố Thanh Hà (dãy phố bên tả cầu Lạc Nô) mà Lê Quý Đôn từng đến thăm và chép lại trong “Phủ biên tạp lục”. Khu phố này là nơi sản xuất và buôn bán vải Ta, vải Tàu và vải Tây. Ngoài ra ở phố này có nhiều nơi làm đồ mỹ nghệ và có dinh thự của các quan, lại có trại lính. Đặc biệt, ở đây có hoạt động nhuộm vải nổi tiếng, nên dân gian còn gọi là “Phố thợ nhuộm”. Một phần của phố là đất của làng Lạc Nô, nơi quần cư của những người đánh cá sông, dân gian gọi là “kẻ chài”, vì thế phố Đông Hội dân gian thường gọi là phố Kẻ Trài.

Khi chợ Đông Ba dời đến chỗ hiện nay, phố Gia Hội và phố Đông Gia trở nên sầm uất, còn phố Đông Hội suy tàn cùng với nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải và nhuộm vải có gốc gác từ làng Lạc Nô xưa. Các mặt hàng vải vóc Tây, Tàu, các hàng tơ lụa xứ Quảng xứ Bắc đã “ăn đứt” sản phẩm của “phố thợ nhuộm” và tất nhiên “phố Đông Hội” suy tàn. Những dãy phố một thời trở thành vườn tược, trồng cây ăn quả và rau màu…tư dinh của các quan, trại lính…

Phố  Đông Hội được chép trong “Đại Nam nhất thống chí”: “Chợ Gia Hội: ở huyện Hương Trà, phía đông cầu Gia Hội. Tục gọi chợ Mụ Đặng, một dải ven sông nhà tranh của dân ở xen nhau, thường có hỏa hoạn. Năm Minh Mệnh thứ 18, sai Thự Thống chế Vũ Lâm Lê Văn Thảo, đốc binh sĩ dựng nhà lợp ngói, gồm 89 gian. Chợ nhìn ra sông dựng đình gọi là đình Qui Giả,  đình làm  2 tầng. Lại từ cầu Gia Hội đến chỗ đối ngang với trước Trấn Bình Đài, dựng một dãy phố gồm 399 gian, dài hai dặm linh, dân tình nguyện dựng là 149 gian, cột nhà đều xây bằng gạch, mặt trước đặt cánh cửa, cứ ba gian lại có tường gạch xây ngang, mặt sau xây tường trổ cửa tròn. Từ phía bắc cầu Gia Hội đến phía nam cầu Đông Gia gọi là phố Gia Hội. Từ phía bắc cầu Đông Gia đến phía nam cầu Thế Lại gọi là phố Đông Gia. Từ phía bắc cầu Thế Lại đến góc Trấn Bình Đài gọi là phố Đông Hội, bờ sông xây lan can bằng gạch. Sau đổi ba phố là hàng, gọi là ba hàng phía đông thành…”.

Sang thế kỷ 19, phố Đông Hội suy tàn, cầu Đông Hội cũng biến mất. Cadierre có nhắc đến Đông Hội kiều trong bài “Kinh thành Huế địa danh học” (B.A.V.H. tập  XX, 1933): “Đông Hội kiều, tên này được đặt vào năm Minh Mạng thứ 19, 1838, có nghĩa là cầu ở vùng quần cư tại hướng đông. Trước đó, cầu mang tên là Thanh Tước nghĩa là “chim sẻ màu xanh”. Tên gọi thông thường trong dân gian là: “Cầu Kẻ Trài”tức là “Cầu của những người ở hàng Trài”. Có một tấm bia dựng trên hữu ngạn sông đào Đông Ba nói đến tên gọi của Đông Hội kiều. Đây là một cây cầu bằng ván. Cầu đã bị phá hủy từ lâu…”

Miếu Bà thờ bà tổ thợ nhuộm làng Lạc Nô xưa.

Chúng tôi đã tìm những chứng tích điển hình của phố Đông Hội cổ, ngoài những nhà cổ đã cải tạo, có thể kể vài di chứng sau:

Miếu Bà: Ngôi miếu rất cổ, theo dân sở tại thì ngôi miếu thờ bà truyền nghề nhuộm vải cho làng nghề thuở xưa. Hằng năm đều có tế lễ, bây giờ không còn tế lễ, dân sở tại giữ gìn và hương khói.

Sông Kim Long xưa, đổ vào sông Hương thì rẽ nhánh thành những con ngòi; ngòi chảy qua làng Lạc Nô thì có cầu Lạc Nô. Về sau, khi vua Gia Long cho đào Hộ Thành Hà thì đoạn sông Kim Long từ Hộ Thành Hà đến sông Hương, qua làng Lạc Nô bị bồi lấp dần. Tuy nhiên, để tiện giao thông trên con đường dọc Hộ Thành Hà, phía đông (nay là đường Bạch Đằng) người xưa đã xây Thế Lại kiều (còn bia đá ). Còn con ngòi vắt qua làng Thế Lại thuộc tổng Phú Xuân, phía nam phố Đông Hội, được xây một cầu ván trên đường đi giữa hai hàng song song, tính từ bờ sông Hộ Thành, và gọi là “Đông Hội kiều”.

Những chiếc cầu cổ, với bia dựng là những cột mốc địa giới có giá trị lịch sử to lớn. Vật đổi sao dời, bể dâu là thường tình nhưng chúng ta cố gắng làm tốt công việc bảo tồn bảo tàng thì đời sau đỡ vất vả trong khảo cổ. Một cái bia “Đông Gia kiều”, luôn giữ lại đầu cầu Đông Ba, khi tôn tạo người ta tạm cất, thế nhưng một dạo Huế lên “cơn sốt” tìm kiếm bia “Đông Gia kiều”. Rất mừng khi  những nhà nghiên cứu Huế và cơ quan hữu trách đã tìm lại và đã “tôn trí” bia. Chỉ tội bia “Đông Hội kiều” (cầu Kẻ Trài) lại bị bỏ quên, chẳng thấy ai đoái hoài.

Theo baothuathienhue

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục