BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vì an toàn giao thông: Những điều trông thấy từ trên xe khách…

Cập nhật ngày: 03/07/2009 - 11:52

Xã hội ngày càng phát triển, tốc độ đô thị hoá được đẩy nhanh, mật độ các phương tiện giao thông trên đường bộ càng lớn. Chính vì thế ý thức của người tham gia giao thông càng phải được nâng cao để hạn chế những điều đau thương có thể ập đến bất cứ lúc nào. Trên chuyến xe khách Tây Ninh – TP.HCM, tôi chứng kiến biết bao chuyện xảy ra khiến tôi băn khoăn, suy nghĩ mãi...

Mời hành khách đi xe ôm

Theo đúng thời gian ghi trên vé xe thì 8 giờ sẽ xuất phát. Nhưng đợi chờ mãi đến cả nửa giờ sau đó xe mới xuất bến. Do trên xe khá vắng khách, có chừng nửa số khách theo quy định, nên cứ đi được một đoạn đường ngắn thì xe lại dừng chờ khách, bắt khách. Có lúc xe đang chạy với tốc độ cao, bỗng có một người từ quán cà phê bên đường chạy ra vẫy vẫy, thế là tài xế lại ập xe vào làm giá, bắt khách, bất kể đó là đoạn đường nào, có phải là nơi cho phép dừng, đổ xe hay không? Xe chạy chao đảo cùng cái nắng gay gắt làm cho không khí trên xe trở nên ngột ngạt khó chịu. Cuộc hành trình cứ thế dài lê thê, người lên xe từ đầu bến ai nấy đều uể oải. Khi khách trên xe đã đủ ghế thì phụ xe đi thu tiền, hành khách đi xe lại nghe sự giằng co giá cả giữa nhà xe và khách lên dọc đường, có người không chấp nhận giá cao đành phải xuống xe chờ chuyến khác. Cũng có người “ngậm bồ hòn làm ngọt” mặc dù biết mình đi đắt hơn nhiều so với giá vé xe trong bến.

Mặc dù, thời gian gần đây CSGT đã tăng cường thêm nhiều điểm chốt kiểm tra tốc độ, số lượng khách, dọc đường cũng có thêm nhiều biển báo: “Đoạn đường thường xuyên kiểm tra tốc độ” hay “đoạn đường hay xảy ra tai nạn” nhưng dường như các lái xe vẫn lờ đi, coi như không thấy, họ tìm mọi cách để có thu nhập cao nhất, bất chấp sự nguy hiểm đối với tính mạng mấy chục con người trên xe. Để qua mắt cảnh sát, các tài xế xe xuôi ngược trên đường thường có “ám hiệu” riêng với nhau như nhấp nháy đèn hay ra dấu bằng tay, cho biết phía trước có cảnh sát đứng trực hay không. Nếu có thì xe giảm tốc độ, bắt hành khách ngồi nép vào ghế (mặc cho ghế đã có người ngồi, rất chật chội).

Về phía hành khách thì… xe đi được một đoạn đường chừng vài chục cây số thì có người bắt đầu say xe, họ nôn ói, những “phế phẩm” đó được cho vào bao ni lông và tất cả được ném xuống lòng đường. Rồi còn nhiều thứ đồ thải ra từ trên xe như: vỏ cam, quýt, bọc ni lông, vỏ chai nước suối… đều tung hết xuống đường. Khách trên xe coi mặt đường như bãi rác.

Xe khách chưa tới bến thì đã thấy mấy anh xe ôm chạy theo áp sát vào xe. Họ vừa cầm lái vừa chỉ trỏ

Xe khách chưa dừng, xe ôm đã lao tới giành khách

người này người kia, có lẽ họ đang “chia khách” mặc dù không biết người đó có nhu cầu đi xe ôm hay không. Có những anh xe ôm chạy theo cả năm, bảy cây số khi xe dừng lại thì chỉ có một, hai người khách xuống xe và chẳng có khách nào đi xe ôm cả. Có những trường hợp tranh giành khách, dẫn tới đe nẹt, có mắng chửi nhau, thậm chí đánh nhau.

Rõ ràng, trong khi toàn xã hội ra sức bảo đảm an toàn giao thông thì vẫn còn một số người ý thức tham gia giao thông chưa cao. Họ vẫn làm theo thói quen cũ hay chỉ vì một chút lợi ích cá nhân trước mắt mà bất chấp tất cả. Mặc dù ai cũng muốn có một môi trường sống an toàn, lành mạnh nhưng để có được điều đó phải có sự chung sức của cả cộng đồng. Đã đến lúc cần thay đổi cách nghĩ, cách sống có văn hoá, nhất là văn hoá giao thông.

ĐÌNH LIỆU