Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước hồ Dầu Tiếng:
Vì đâu ?
Thứ tư: 06:34 ngày 23/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo chân tổ kiểm tra liên ngành, chúng tôi nhận thấy, tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và Tây Ninh có nhiều xà lan khai thác cát có công suất lớn hoạt động. Ðáng nói là, các xà lan này bơm hút cát lên, sau đó sàng lọc để cho cát và nước chảy xuống xà lan, ra lòng hồ. Mặt nước đục ngầu quanh khu vực xà lan hoạt động, .

Bể lắng nước khai thác cát tại một bãi cát được cấp phép của tỉnh Tây Ninh trong hồ Dầu Tiếng.

Hồ Dầu Tiếng có diện tích 270km2 với dung tích nước chứa 1,58 tỷ m3 nước và hệ thống công trình thủy lợi phục vụ cấp nước sinh hoạt, công nghiệp và nông ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và một số tỉnh, thành trong vùng.

Thời gian qua, nhiều thông tin phản ánh nguồn nước hồ Dầu Tiếng bị ô nhiễm khiến dư luận quan tâm và đặt dấu hỏi: Phải chăng chính hoạt động khai thác cát ở đây là nguyên nhân gây ô nhiễm?

3 TỈNH CÓ THẨM QUYỀN CẤP PHÉP KHAI THÁC CÁT

Gần một năm trước đây, khoảng 9.2017, UBND tỉnh Tây Ninh đã thành lập tổ kiểm tra liên ngành tiến hành khảo sát thực tế nhằm đưa ra bức tranh tổng thể về tình hình hoạt động khai thác khoáng sản cát trong hồ Dầu Tiếng, khu vực giáp ranh với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước.

Kết quả khảo sát cho thấy, hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh từng bước đi vào nề nếp. Về cơ bản, các doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về hoạt động khai thác cát, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc cấp phép cho phương tiện khai thác cát hoạt động, cũng như bến bãi đều được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên trong khoảng thời gian từ tháng 12.2017 đến tháng 2.2018, khu vực lòng hồ Dầu Tiếng trở nên “nóng” hơn khi có dấu hiệu khai thác trái phép.

Hồ Dầu Tiếng  thuộc 3 tỉnh quản lý gồm Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước, hiện trong khu vực này có 18 giấy phép khai thác khoáng sản cát. Trong đó, Tây Ninh cấp 16 giấy phép, Bình Dương 1 và Bình Phước 1 giấy phép. Cát lòng hồ Dầu Tiếng không chỉ cung cấp cho thị trường 3 tỉnh này mà còn phục vụ cho một số địa phương giáp ranh, góp phần bình ổn thị trường vật liệu xây dựng.

Theo bà Nguyễn Thị Hiếu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh cấp 16 giấy phép cho 14 doanh nghiệp (hiện tạm ngưng 3 giấy phép) hoạt động trong khu vực lòng hồ thuộc địa phận Tây Ninh, hầu hết đều khai thác ở các nhánh sông đổ vào hồ, chỉ có một số ít doanh nghiệp được cấp phép khai thác ở đập phụ.

Về hoạt động bến thuỷ nội địa, có 20 đơn vị được cấp phép, trong đó Sở Giao thông Vận tải Tây Ninh cấp phép 18 bến (trong đó có 2 bến của 2 doanh nghiệp chưa được cấp phép khai thác khoáng sản); 14 doanh nghiệp đăng ký 118 phương tiện khai thác (đăng ký ban đầu là 96 phương tiện, còn lại là phương tiện dự phòng, thay thế). Ðịnh kỳ hằng tháng các doanh nghiệp phải báo cáo số lượng phương tiện với cơ quan có thẩm quyền.

Vừa qua, tổ kiểm tra liên ngành do tỉnh Tây Ninh chủ trì với sự tham gia của các tỉnh Bình Dương, Bình Phước đã kiểm tra và ghi nhận 99 tàu khai thác cát tập kết tại bãi và 19 tàu khai thác không tập kết tại bãi. Ðoàn còn phát hiện 20 tàu tập kết tại bến bãi nhưng không có trong kế hoạch của các doanh nghiệp đã đăng ký.

Trong đó, 2 doanh nghiệp chưa được cấp phép khai thác khoáng sản đã đưa 12 tàu khai thác vào khu vực lòng hồ Dầu Tiếng. Các cơ quan chức năng đang tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm này.

Theo Sở TN&MT, lưu vực các sông nhánh hồ Dầu Tiếng tiếp nhận khoảng 40 nguồn nước thải (mỗi nguồn nước thải từ 50m3/ngày trở lên), tổng lưu lượng nước thải từ 55 đến 60 ngàn m3.

Trong đó, tỉnh Tây Ninh có 36 nguồn thải, Bình Phước có 4 nguồn thải (2 trang trại nuôi heo, 1 nhà máy chế biến khoai mì, 1 nhà máy chế biến mũ cao su). Các nguồn thải vào lưu vực hồ Dầu Tiếng của tỉnh Tây Ninh đều đã được các chủ nguồn thải xử lý cột A quy chuẩn quy định.

Ðến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh không cấp phép xả nước thải trực tiếp vào hồ chính. Các dòng chảy từ suối Tà Ôn, suối Tà Luy xuống khu vực bến Cửu Long đã được ngăn chặn dòng chảy ra đầu nguồn sông Sài Gòn.

Hàng tuần Sở TN&MT đều thực hiện quan trắc nguồn nước tại đầu nguồn sông Sài Gòn, qua đó không phát hiện các chất độc hại thải vào nguồn nước mà chỉ phát hiện chất lơ lửng.

NHIỀU TÀU KHAI THÁC CÁT KHÔNG PHÉP

Theo chân tổ kiểm tra liên ngành, chúng tôi nhận thấy, tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và Tây Ninh có nhiều xà lan khai thác cát có công suất lớn hoạt động.

Ðáng nói là, các xà lan này bơm hút cát lên, sau đó sàng lọc để cho cát và nước chảy xuống xà lan, ra lòng hồ. Mặt nước đục ngầu quanh khu vực xà lan hoạt động, .

Theo ghi nhận của tổ liên ngành, khu vực hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương có đến 19 bến thủy nội địa, trong đó có 2 bến hoạt động không phép. Trong số bến được cấp phép, có 2 bến của một doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản, 2 bến của 2 doanh nghiệp được cấp phép ở Tây Ninh nhưng mở bến ở Bình Dương; còn lại 13 bến của các đơn vị không có giấy phép khai thác khoáng sản.

Trong tổng số 49 phương tiện bơm hút cát trên địa bàn tỉnh Bình Dương, có đến 19 phương tiện hết hạn đăng kiểm; 19 phương tiện chưa hoán cải theo quy định khi giấy kiểm định vẫn ghi tàu chở hàng nhưng chủ phương tiện đã chuyển sang làm phương tiện bơm hút cát. Trong số đó, chỉ có 12 phương tiện có đăng ký với cơ quan chức năng, còn lại 37 phương tiện không đăng ký.

Dù tại địa phận tỉnh Bình Dương chỉ có 1 giấy phép khai thác khoáng sản nhưng có đến 49 tàu khai thác cát hoạt động tại 19 bến bãi. Ðiều này có thể dẫn đến các tàu khai thác cát trái phép trà trộn với tàu có giấy phép, rất khó quản lý.

Ngoài ra, tổ kiểm tra còn phát hiện 17 phương tiện hút cát không xác định được hoạt động theo giấy phép khai thác khoáng sản nào (!?), trong đó 2 chiếc neo đậu trên địa bàn tỉnh Bình Dương và 15 tàu neo đậu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Vì địa giới hành chính trên mặt hồ Dầu Tiếng được phân chia bằng tọa độ trên mặt hồ nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng của Tây Ninh trong quá trình kiểm tra, xử lý. Trong khi đó, qua ghi nhận thực tế, phần lớn các phương tiện khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận tỉnh Bình Dương là xà lan hoán cải, không có các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động khai thác cát.

Trên địa phận tỉnh Bình Phước chỉ có 1 giấy phép được cấp khai thác trong hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên có 2 bến thủy nội địa không được cấp phép, có 9 tàu đang hoạt động nhưng có 1 chiếc tàu trùng với số đăng ký của một doanh nghiệp ở Tây Ninh.

CẦN LÀM RÕ NGUYÊN NHÂN

Thời gian qua, UBND tỉnh rất quan tâm đến hoạt động khai thác cát tại hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh. Các cơ quan chức năng tích cực kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều phương tiện khai thác cát trái phép trong hồ.

Ngoài việc kiểm tra thường xuyên của tổ liên ngành, các doanh nghiệp khai thác cát cũng phải báo cáo hàng tháng về sản lượng, số lượng phương tiện hoạt động... Hơn nữa, trong quá trình cấp phép, Sở TN&MT yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường như cát được bơm lên sàng lọc, cát và nước sẽ được chứa ở khoang tàu, không để chảy ra hồ.

Sau đó, cát được đưa về bãi tập kết bơm lên bãi. Tại đây, doanh nghiệp xây dựng bãi lắng để nước từ cát chảy xuống bể, sau đó nước từ bể lắng chảy ra hồ với đoạn mương dài khoảng 150m. Do cát có chức năng lọc nước nên nước từ bể lắng chảy ra hồ không bị đục.

Mặt khác các doanh nghiệp khai thác cát ở Tây Ninh khi làm bến bãi đều phải cách xa bờ từ 300 đến 500m và được kiên cố bằng bê tông để không gây ảnh hưởng đến bờ hồ, gây sạt lở khu vực bến bãi.

Xà lan khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng khu vực giáp ranh tỉnh Bình Dương.

Theo bà Nguyễn Thị Hiếu - Giám đốc Sở TN&MT, mặc dù chất rắn lơ lửng trong nước hồ Dầu Tiếng theo phản ánh của Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Phước Hoà - Dầu Tiếng cao hơn 1,26 lần. Thế nhưng, cần có cái nhìn tổng quan hơn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này để đánh giá chính xác, trong đó có hoạt động khai thác cát.

Trong đó chỉ riêng tỉnh Bình Dương đã có nhiều tàu khai thác cát hoạt động không có giấy phép, không có các biện pháp bảo vệ môi trường và hoạt động liên tục. Theo dòng chảy tự nhiên của sông Sài Gòn, khu vực khai thác cát thuộc địa phận tỉnh Bình Dương lại đổ về đập chính.

Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước, khu vực đầu nguồn hồ Dầu Tiếng có nhiều bè cá của người dân nuôi với số lượng lớn nên cũng cần phải tìm hiểu, đánh giá hoạt động nuôi cá bè có ảnh hưởng đến nguồn nước hồ như thế nào.

Ðó là chưa kể hoạt động trồng trọt của người dân trên khu vực bán ngập hồ Dầu Tiếng vào những tháng mùa khô khi cày đất, thu hoạch hoa màu, nuôi trâu bò trong khu vực lòng hồ.... cũng tác động đến nguồn nước hồ.

Bà Hiếu cho rằng, trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường hoạt động quản lý khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng giữa 3 tỉnh, cần kiên quyết xử lý các tàu khai thác không phép. Công ty TNHH MTV Phước Hoà - Dầu Tiếng cần nắm rõ tình hình hoạt động khai thác cát, có giải pháp phối hợp với chính quyền các địa phương xử lý có hiệu quả.

Thực tế qua đợt kiểm tra vừa qua, có đến 82/194 tàu có trang bị dụng cụ bơm hút cát nhưng không nằm trong kế hoạch khai thác của 18 giấy phép được cấp của 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Ðây là một vấn đề rất cần được quan tâm, xử lý dứt điểm.

Trong đó, cần phải có biện pháp buộc các doanh nghiệp khai thác cát sử dụng đúng phương tiện đã đăng ký trong kế hoạch khai thác; phát hiện kịp thời các tàu khai thác cát trái phép trong Hồ Dầu Tiếng.

THIÊN TÂM

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh