Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo phân cấp của Chính phủ, việc chấp thuận các cuộc thi, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn là thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh
-Alô, chào ông nhà báo, xin lỗi đã làm phiền ông trong giờ nghỉ trưa, nhưng vì tôi mới theo dõi một phóng sự trong chương trình thời sự buổi trưa của nhà đài VTV, trong đó tôi nghe được mấy từ “ăng ti phăn”, chắc là tiếng nước ngoài mà tôi không hiểu gì hết nên mới định nhờ ông tra tự điển rồi giải nghĩa giúp tôi đó mà.
-Vâng, cũng không có gì phiền lắm đâu. Mấy từ mà ông chưa hiểu là những từ mới phát sinh sau này, có khi chưa kịp cập nhật vào tự điển. “Anti fan” thì ông mới nghe, chứ còn từ “fan” thì phổ biến khá lâu rồi. Fan là thuật ngữ chỉ sự hâm mộ, yêu thích của nhiều người đối với một nhân vật nổi tiếng, một “ngôi sao” nào đó mà họ xem là thần tượng. Còn anti fan thì ngược lại, nghĩa là một người hay nhiều người không hâm mộ, thậm chí ghét bỏ, chống đối lại một người hay một nhóm người nổi tiếng.
Nghe ông hỏi chuyện này, Bàn Dân biết ngay là ông muốn nói đến số đông người đang chê trách, phê phán, đả kích một cô gái trẻ mới đoạt vương miện Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 ở một tỉnh miền Trung đó chứ gì.
-Vậy là ông cũng có nghe chuyện đó hả?
-Vụ đó rùm beng trên mạng xã hội mấy tuần nay, sau khi cô hoa hậu có những phát ngôn mà người ta cho là ngạo mạn, gây sốc; nhất là khi cô trả lời trong một cuộc phỏng vấn nhanh rằng ở quê hương cô có ba người nổi tiếng là…“Em, nhà thơ Hàn Mặc Tử và vua Quang Trung”; và khi cô cùng hai cô á hậu đi “hoạt động xã hội” xuất hiện rực rỡ với trang phục của các “nàng hậu” bên giường bệnh nhân trong một “bệnh viện - khách sạn 5 sao”. Thế là từ đó mạng xã hội “dậy sóng”, với hàng ngàn, ngàn vạn lời “đàm tiếu” về cô bằng đủ mọi lời lẽ. Tuy rằng cũng có những người cho rằng cô chỉ “non nớt”, “vô tư”, “nhầm lẫn”, “nhận thức chưa đúng mức” chút thôi, chứ không đến nỗi “ngông cuồng” tự “bốc” mình lên “ngang hàng” với các danh nhân như thế. Rồi từ “cơn bão” truyền thông xã hội ấy, có “ai đó” đã lập ra một nhóm anti fan lên tới nửa triệu người tham gia trong vòng một tuần lễ. Nhóm này “lớn tiếng” đề nghị Ban tổ chức cuộc thi hoa hậu “tước vương miện”, nghĩa là huỷ bỏ kết quả cuộc thi mà cô vừa đạt danh hiệu cao nhất một cách… không xứng đáng.
-Trên mạng “làm dữ” vậy sao, vậy là do tôi ít sử dụng mạng nên có biết gì đâu! Bên phía nhóm anti fan “tấn công” cô hoa hậu như vậy ắt cô chỉ có nước khóc và xin lỗi thôi, còn về phía đơn vị, địa phương tổ chức cuộc thi hoa hậu ấy, họ có động thái gì đáp lại không hả ông?
-Về việc ấy Bàn Dân có đọc một số tin, bài trên báo chí, truyền thông cho biết, về phía công ty tổ chức sự kiện giải thích việc đưa các nàng hậu đi “hoạt động xã hội” ở nơi phục vụ chăm sóc sức khoẻ cho… người giàu là vì phải “thực hiện hợp đồng” với nhà tài trợ cuộc thi. Đối với địa phương nơi tổ chức cuộc thi thi chính quyền trả lời là đã có chỉ đạo cho cơ quan chức năng quản lý việc tổ chức sự kiện xem xét, nếu “có vấn đề” gì không tốt, không đúng quy định thì phải giải quyết.
Ông hỏi Bàn Dân trả lời xong rồi, bây giờ đến phiên Bàn Dân hỏi lại ông đây: Đối với “sự kiện truyền thông” mà ông vừa nắm được, ông có suy nghĩ như thế nào, có thể trao đổi thêm với Bàn Dân không?
-À, thú thật là do lâu nay tôi có phần “dị ứng” với mạng xã hội, nên có hơi “lạc hậu” với những thông tin “ì xèo” như ông vừa nói. Mãi đến khi báo chí chính thống nhảy vào, như đài VTV phát phóng sự có tựa đề “Bội thực hoa hậu” tôi mới biết đến hiện trạng có thể nói là “bát nháo” ba cái vụ tổ chức thi hoa hậu với số lượng gần 30 cuộc thi trong năm 2022 mà nhà đài nêu lên, để rồi xảy ra tình trạng “lượng tăng mà chất giảm” như chuyện “Em, nhà thơ Hàn Mặc Tử và vua Quang Trung” mà ông vừa kể. Còn về việc ông hỏi cảm tưởng của tôi, thật… tôi không biết phải trả lời ông thế nào, vì tôi vẫn chưa hiểu tại sao lại có cái “phong trào” tổ chức thi hoa hậu ồ ạt như thế. Ông có nắm được thì làm ơn nói cho tôi biết với?
-Việc này Bàn Dân có tìm hiểu thì được biết, theo phân cấp của Chính phủ, việc chấp thuận các cuộc thi, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn là thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh; theo đó thì việc rà soát, thẩm định chặt chẽ hồ sơ cấp giấy phép các cuộc thi, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật là do ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch địa phương thực hiện và tham mưu chính quyền chấp thuận cho tổ chức. Thực tế vừa qua cho thấy do các khâu rà soát, thẩm định về mặt chuyên môn cũng như quản lý việc tổ chức các cuộc thi, các hoạt động ấy có chỗ làm chưa tốt, thành thử vẫn còn có những sai sót.
-À, vậy là tôi hiểu rồi, đối với những sự kiện có tính chuyên môn cao, có phạm vi rộng, có thể rộng ra đến quốc tế, mà nếu cơ quan có nhiệm vụ rà soát, thẩm định, tham mưu chấp thuận cho tổ chức lại không có đủ chuyên gia “ngang tầm” nhiệm vụ thì… sai sót là không thể tránh rồi, chưa kể còn có khi phát sinh tiêu cực nữa chớ!
Bàn Dân