Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hạn chế sử dụng túi nylon và đồ nhựa dùng 1 lần:
Vì môi trường sống tốt hơn
Thứ năm: 23:48 ngày 26/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc hạn chế sử dụng hoặc sử dụng nhiều lần các loại túi nylon truyền thống nhằm kéo dài vòng đời thải bỏ của chúng cũng là một cách giảm phát thải. Với ưu điểm hiện nay của các loại túi giấy, túi vải thì việc hoàn toàn có thể thực hiện được nhằm tiến tới việc loại túi nylon khỏi đời sống.

Việc sử dụng lá chuối gói rau, quả đã được nhiều nơi áp dụng, nhằm thay thế dần túi nylon. Ảnh: Việt Đông

Tháng 6.2019, Liên Hiệp Quốc công bố một báo cáo về môi trường với những con số “giật mình”: Mỗi năm, toàn thế giới sử dụng tới 5.000 tỷ chiếc túi nhựa. Người ta so sánh, nếu xếp chúng cạnh nhau có thể bao trùm một khu vực rộng gấp đôi diện tích nước Pháp. Mỗi phút, toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa. Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số thế giới. Rác thải nhựa, hay còn gọi rác thải chất dẻo đang trở thành hiểm hoạ toàn cầu.

Từng bước tạo thói quen cho người tiêu dùng

Ông Nguyễn Văn Bảo- Giám đốc siêu thị Co.opMart  (Tây Ninh)- đơn vị tiên phong trong việc hạn chế sử dụng đồ nhựa cho biết, hệ thống siêu thị hoạt động theo mô hình kinh tế tập thể hợp tác xã, do đó, tất cả mọi hoạt động đều hướng đến lợi ích cộng đồng. Bên cạnh việc hàng hoá kinh doanh phải bảo đảm chất lượng, xuất xứ rõ ràng và giá cả hợp lý thì định hướng tiêu dùng có lợi cho môi trường sống cũng là mục tiêu quan trọng mà hệ thống siêu thị tập trung thực hiện.

Từ 2011, siêu thị Co.opMart là hệ thống bán lẻ hàng tiêu dùng hiện đại đầu tiên tại Việt Nam mạnh dạn thay thế 100% túi nhựa bằng túi nylon thân thiện với môi trường. Năm 2019, sau nhiều năm chuẩn bị, hệ thống siêu thị Co.opMart đã gói thực phẩm bằng các loại vật liệu thân thiện với môi trường như lá chuối, dây lác, lá lục bình... và vẫn tiếp tục từng bước hạn chế sản phẩm nhựa sử dụng một lần trên hệ thống.

Ông Bảo cho rằng, hiệu quả lớn nhất chính là việc định hướng cho người tiêu dùng có thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Từ đó lan toả đến cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất. Các doanh nghiệp sẽ cố gắng tìm tòi phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường. Điển hình như việc Saigon Co.op- hệ thống siêu thị Co.opMart hoàn toàn ngưng kinh doanh ống hút nhựa, hàng loạt các đơn vị sản xuất sản phẩm này chuyển sang sản xuất và kinh doanh ống hút giấy, ống hút thuỷ tinh, inox sử dụng nhiều lần. Chương trình nhận được sự hưởng ứng của người tiêu dùng trên cả nước. Không những vậy, chương trình còn được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen ngợi và động viên.

Theo ý kiến của ông Bảo, ý thức về môi trường của người dân Việt Nam ngày càng nâng cao nên việc thay thế đồ nhựa bằng các loại vật liệu khác bước đầu đã có được những thuận lợi nhất định. Điển hình là sau việc gói rau củ bằng lá chuối, Saigon Co.op thực hiện “Ngày không túi nylon”. Dù bà con phải dùng giỏ xách, túi giấy để đựng hàng hoá, tính ra khá bất tiện, nhưng gần một triệu khách hàng của Saigon Co.op vui vẻ, không một lời than phiền.

“Cái khó chính là nguồn nguyên liệu tự nhiên thay thế. Việc này bước đầu chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ nhà vườn, các hợp tác xã là đối tác cung cấp nông sản cho siêu thị. Quan trọng hơn hết là chúng tôi cũng dễ dàng chủ động áp dụng các biện pháp kiểm soát nguồn gốc, chất lượng các nguồn lá này để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khi đưa vào bao gói”- ông Bảo nói. 

“Tuy nhiên, việc này không thể thực hiện ngay một ngày một bữa mà Saigon Co.op đang thận trọng từng bước áp dụng lộ trình phù hợp. Bởi nó không đơn giản là việc chúng tôi kinh doanh hay không kinh doanh, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này và thói quen tiêu dùng. Việc bắt buộc khi ngừng kinh doanh là phải để cho doanh nghiệp sản xuất đủ thời gian để chuyển đổi, từ đó tạo ra nguồn thay thế phù hợp.

Do đó, việc từng bước hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần là lộ trình mà Saigon Co.op chúng tôi chắc chắn sẽ thực hiện trong một tương lai rất gần sau khi đã thay hàng loạt túi nylon bằng túi thân thiện với môi trường, thay bao gói thực phẩm bằng lá chuối, thay ống hút nhựa bằng ống hút giấy”- đại diện hệ thống Co.opMart nói thêm.

“Tôi cho rằng hơn lúc nào hết, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước Việt Nam quan tâm đến môi trường và đã có những động thái, chính sách, mục tiêu rõ ràng. Một ví dụ điển hình mà tôi tin rằng tất cả chúng ta đều nhớ và đều ấn tượng đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ mục tiêu, phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Là một đơn vị phân phối hàng đầu hiện nay, Saigon Co.op chúng tôi cam kết sẽ nhiệt liệt hưởng ứng chương trình hành động này để môi trường sống của chúng ta ngày càng được tốt hơn ”- ông Bảo khẳng định.

Tìm vật liệu thay thế

Trong thời gian qua đã có những biện pháp gì để tránh những tác hại về môi trường đối với việc sử dụng túi nylon cũng như các sản phẩm từ nhựa? Việc phân loại rác thải nhựa, thu gom, tái chế túi nylon và các sản phẩm nhựa dùng 1 lần được thực hiện như thế nào? Giải pháp trong thời gian tới? Ngành chức năng đã có biện pháp gì để hạn chế sử dụng túi nylon và các sản phẩm từ nhựa được sử dụng một lần?

Trả lời các câu hỏi trên, ông Trần Minh Sơn- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, để tránh những tác hại về môi trường đối với việc sử dụng túi nylon và sản phẩm từ nhựa sử dụng 1 lần, năm 2014, UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại chất thải, túi nylon khó phân huỷ đối với môi trường nhằm giảm thiểu việc sử dụng túi nylon khó phân huỷ, thay thế bằng việc sử dụng túi thân thiện với môi trường.

Ngày 29.5.2019, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” và tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon khó phân huỷ trên địa bàn tỉnh. Mới nhất, ngày 19.9.2019, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện các hoạt động “Chống rác thải nhựa” và hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn. Ngày 23.9.2019, tại Trung tâm Văn hoá nghệ thuật tỉnh, các cấp lãnh đạo, các cơ quan liên quan, tổ chức triển khai thực hiện chương trình nêu trên.

Tại buổi phát động, 7 siêu thị và cửa hàng tiện ích hoạt động trên địa bàn tỉnh ký cam kết thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa với Sở Tài nguyên và Môi trường gồm các nội dung: tập huấn, hướng dẫn, truyền thông cho nhân viên thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần; hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa; áp dụng các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động của đơn vị; lồng ghép nội dung giảm thiểu chất thải nhựa vào hoạt động của đơn vị để việc thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả và chất lượng cao.

Nói về các giải pháp hạn chế đồ nhựa, đại diện Sở TN&MT nhìn nhận, hiện có nhiều sản phẩm thay thế đồ dùng nhựa dần được đưa vào sử dụng tại Việt Nam như ống hút bằng kim loại, tre, bột gạo, ly giấy sử dụng 1 lần, bình đựng nước bằng inox, bình giữ nhiệt, hộp cơm thuỷ tinh hay inox giữ nhiệt, các loại túi giấy nến, túi vải....

Việc hạn chế sử dụng hoặc sử dụng nhiều lần các loại túi nylon truyền thống nhằm kéo dài vòng đời thải bỏ của chúng cũng là một cách giảm phát thải. Với ưu điểm hiện nay của các loại túi giấy, túi vải thì việc hoàn toàn có thể thực hiện được nhằm tiến tới việc loại túi nylon khỏi đời sống. 

Nhân viên siêu thị Co.opMart  thành phố Tây Ninh sử dụng lá chuối gói rau. Ảnh: Ngọc Bích

Trong thời gian tới, Sở tiếp tục chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các nội dung: phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon khó phân huỷ trong sinh hoạt đến năm 2020; chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngoài việc thực hiện chủ trương, quyết định của Trung ương, Sở Tài nguyên - Môi trường, với chức năng của mình, sẽ tích cực triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường sử dụng túi nylon thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. 

Việt Đông

Người dân và tiểu thương ở các chợ đã dần nhận ra tác hại của túi nylon, nhưng việc thực hiện giảm thiểu túi nylon chưa đồng bộ, còn nhiều khó khăn do: 

- Túi tự huỷ dễ phân huỷ nên cũng dễ rách, đôi khi phải dùng 2 túi, không kinh tế so với việc sử dụng túi nylon thông thường. 

- Giá thành “túi nylon thân thiện với môi trường” cao hơn túi nylon thông thường. Hầu hết sản phẩm túi tự phân huỷ, thân thiện môi trường chưa vào được hệ thống các chợ dân sinh.

- Việc đánh thuế trên các sản phẩm nhựa PE dùng 1 lần như hiện nay là chưa đủ trong khi các loại nhựa PET, PS, PVC, PP và vải sợi Polyester phế thải cũng đang gây tác hại ghê gớm, lại chưa bị đưa vào danh sách chịu thuế.

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh