Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vì một ngành thuỷ sản “xanh”, bền vững
Thứ tư: 00:08 ngày 17/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản là công tác chung của các cấp, các ngành, do đó, các cấp, các ngành trong chức năng, nhiệm vụ của mình lồng ghép nội dung bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trên địa bàn tỉnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng.

Nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các loài cá nước ngọt bản địa, phân bố tại 3 khu vực chính gồm: hồ Dầu Tiếng, hệ thống lưu vực sông Vàm Cỏ Đông và khu vực nội đồng. Giống loài thuỷ sản tương đối phong phú. Theo kết quả điều tra quy hoạch thuỷ sản năm 2008 do Phân viện Quy hoạch thuỷ sản phía Nam phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thực hiện, trong hồ Dầu Tiếng xác định được 54 loài cá thuộc 9 bộ, 19 họ khác nhau và 2 loài tôm thuộc họ tôm càng.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay, nguồn lợi thuỷ sản của tỉnh có xu hướng suy giảm theo thời gian do môi trường sống bị thu hẹp, ảnh hưởng từ bên ngoài đến môi trường sống của các giống loài. Theo số liệu thống kê, năm 2020, sản lượng khai thác thuỷ sản khoảng 2.500 tấn; năm 2022 là 2.064 tấn và năm 2023 là 2.044 tấn.

Để phục hồi nguồn lợi thuỷ sản, trong những năm qua, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường xuyên phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng nhằm phục hồi, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường nước, tạo sinh kế ổn định cho người dân sinh sống ven hồ.

Chủ yếu là các loài cá nước ngọt bản địa như: cá trắm cỏ, cá trôi, cá chép, cá lăng nha, cá mè hoa, cá tra, cá thác lác cườm, cá sặc rằn... và tôm càng xanh. Từ năm 2019 đến nay, ngành chức năng đã thả vào hồ Dầu Tiếng tổng cộng 1.981.885 con cá giống và 46.120 con tôm càng xanh, tổng kinh phí 2,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; kiểm tra việc vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, năm 2021 phát hiện 29 vụ vi phạm; bàn giao cho Đồn Công an hồ nước Dầu Tiếng xử lý 1 trường hợp; bàn giao cho chính quyền địa phương xử lý 6 trường hợp sử dụng ngư cụ cấm, xung điện, 1 trường hợp tàng trữ ngư cụ cấm; tạm giữ, tịch thu, tiêu huỷ 8 cái lồng xếp, 1.820 m lưới dớn, 55 cái túi dớn, 18 bộ kích điện, 6 bình ắc-quy.

Năm 2022, phát hiện 11 vụ vi phạm; tạm giữ, tịch thu, tiêu huỷ tang vật vi phạm hành chính gồm: 2.455 m lưới dớn, 69 cái túi dớn; 270 m lưới đăng, 6 cái lồng chứa cá, 2 bộ kích điện; 41 cái lồng xếp đã qua sử dụng. Năm 2023 phát hiện 6 trường hợp sử dụng ngư cụ cấm (lưới dớn) để khai thác thuỷ sản nhưng không xác định được đối tượng vi phạm; tạm giữ 81 cái túi dớn, 2.471 m lưới dớn đã qua sử dụng, chờ xử lý.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y đánh giá, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản thời gian qua đã góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trong tỉnh, bảo vệ một số khu vực sinh sản của cá; tạo sự đa dạng, phong phú về chủng loại, nhờ đó, sản lượng thuỷ sản khai thác được tăng lên, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống dân cư.

Tuy nhiên, công tác này cũng còn gặp không ít khó khăn. Việc thả cá tái tạo nguồn lợi thuỷ sản phần lớn thực hiện bằng ngân sách Nhà nước, chưa có sự tham gia của tổ chức khác nên kinh phí còn hạn chế; chủ yếu thả cá giống phục hồi nguồn lợi trong hồ Dầu Tiếng, trên sông Vàm Cỏ Đông vẫn chưa tiến hành.

Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra đa số là thuê mướn bên ngoài, làm mất tính chủ động, bí mật. Công tác xử lý vi phạm hành chính còn nhiều khó khăn, cụ thể: một bộ phận người vi phạm khi gặp đoàn thanh tra, kiểm tra không chấp hành hiệu lệnh, thường vứt tang vật, bỏ chạy; không có kho, bãi dùng tạm giữ, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chờ xử lý, do đó, gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm hành chính; người sử dụng ngư cụ cấm, vi phạm đánh bắt khai thác thuỷ sản đa số là nông dân nghèo, thu nhập chính từ nghề khai thác thuỷ sản, không có khả năng chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Mặt khác, địa bàn kiểm tra rộng, việc khai thác diễn ra hằng ngày, trong khi lực lượng thanh, kiểm tra của đơn vị còn hạn chế về con người, phương tiện... nên việc tuần tra, kiểm soát không đồng bộ và rộng khắp.

Để phát triển ngành thuỷ sản theo hướng “xanh”, bền vững, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân trong hoạt động thuỷ sản trên địa bàn; khuyến khích các tổ chức, đơn vị liên quan vận động ngư dân, thành lập các tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Song song đó, duy trì việc thả cá giống vào các thuỷ vực trên địa bàn để phục hồi nguồn lợi thuỷ sản; vận động các tổ chức, cá nhân, tăng, ni, phật tử hỗ trợ thả cá giống trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 5.1.2023 của UBND tỉnh về phát triển thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, hoàn thiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh về “Hiện trạng và giải pháp quản lý nguồn lợi thuỷ sản gắn với quản lý tổng hợp nguồn tài nguyên nước ở hồ Dầu Tiếng” từ đó làm cơ sở để đề xuất các giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trong hồ bền vững, hiệu quả.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản là công tác chung của các cấp, các ngành, do đó, các cấp, các ngành trong chức năng, nhiệm vụ của mình lồng ghép nội dung bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trên địa bàn tỉnh.

Ngư dân thu hoạch cá bằng nghề dỡ chà ở hồ Dầu Tiếng.

Đơn vị kiến nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố (nhất là các huyện tiếp giáp sông Vàm Cỏ Đông, hồ Dầu Tiếng) chỉ đạo UBND cấp xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thuỷ sản cho người dân trên địa bàn quản lý. Đồng thời, nắm bắt số lượng người dân tham gia khai thác thuỷ sản trên địa bàn, chú trọng các đối tượng sử dụng ngư cụ cấm, ngư cụ mang tính chất huỷ diệt để có cơ sở kiểm tra, xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) trên địa bàn; phối hợp Chi cục và các cơ quan có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra; tiếp nhận hồ sơ vi phạm mà Chi cục bàn giao (do Chi cục không có chức năng xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thuỷ sản).

Các tổ chức, cá nhân có quyền lợi trực tiếp đến khai thác thuỷ sản cùng vận động thành lập tổ chức cộng đồng; UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức, cá nhân trong việc thành lập tổ chức cộng đồng, xây dựng quy chế hoạt động, phê duyệt phương án đồng quản lý của tổ chức cộng đồng (trong phạm vi cấp huyện) hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án đồng quản lý của tổ chức cộng đồng (địa bàn từ 2 huyện trở lên).

Trúc Ly

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục