Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xử lý rác thải sinh hoạt:
Vì sao chưa có nhiều chuyển biến?
Thứ sáu: 00:02 ngày 29/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhiều nơi ở thành phố Tây Ninh, xung quanh các khu công nghiệp, ven quốc lộ, đường giao thông… rác thải vứt bỏ bừa bãi. Nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?

Thu gom rác trên đường Điện Biên Phủ, TP. Tây Ninh. Ảnh minh hoạ: Trúc Ly

Thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt, nhưng vẫn chưa thật sự chuyển biến như mong đợi. Nhiều nơi ở thành phố Tây Ninh, xung quanh các khu công nghiệp, ven quốc lộ, đường giao thông… rác thải vứt bỏ bừa bãi. Nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?

Theo ông Trần Minh Sơn- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), có nhiều nguyên nhân: kinh tế xã hội ngày càng phát triển, lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng, nhưng lực lượng cán bộ bảo vệ môi trường ở các cấp còn thiếu, chưa theo kịp những phát sinh phức tạp về môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó có vấn đề rác thải; ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện các quy định về xả rác thải vẫn chưa cao, nếp sống của một bộ phận dân cư; công tác xã hội hoá hoạt động thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiệu quả chưa cao; chưa xây dựng mạng lưới thu gom chất thải đồng bộ, địa bàn thu gom chỉ tập trung ở các khu trung tâm, các tuyến đường chính; rác thải sinh hoạt ở các khu dân cư phân tán, nhỏ lẻ, hộ gia đình ở xa khu dân cư tập trung vẫn chưa được tổ chức thu gom, xử lý.

Các tổ chức, cá nhân trúng thầu thu gom, xử lý rác chỉ thu gom khu vực và tần suất theo hợp đồng, không thu gom rác thải tại các vị trí phát sinh do người dân xả không đúng theo quy định, chính quyền đoàn thể chưa sâu sát nên phát hiện và xử lý còn chậm. UBND cấp xã chưa quyết liệt trong việc phát hiện và xử lý các hành vi xả rác thải theo Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18.11.2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Hoạt động tổ tự quản về bảo vệ môi trường cấp xã chưa mang lại hiệu quả, do cấp xã chưa thành lập hoặc đã thành lập tổ tự quản nhưng chưa tổ chức được cơ chế hoạt động.

Để khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp. Cụ thể, rà soát và xây dựng cơ chế chính sách xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Củng cố công tác tổ chức hoạt động thu gom, bổ sung nhân lực và phương tiện thu gom (xe chuyên dụng, xe đẩy tay, thùng đựng rác...) nhằm nâng tần suất thu gom và đáp ứng việc thu gom trong các hẻm nhỏ bằng thiết bị và phương tiện hợp lý (hẻm nhỏ dùng phương tiện nhỏ, trục đường lớn dùng xe chuyên dụng).

Xây dựng giá dịch vụ vệ sinh môi trường phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm văn hoá vùng miền và bảo đảm được chi phí cho hoạt động thu gom vận chuyển chất thải rắn tại địa phương, giảm bớt phần chi trả của ngân sách Nhà nước. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ở các xã biên giới có mật độ dân cư cao để họ tự nguyện tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường có trả phí. 

Ông Sơn cũng kiến nghị Uỷ ban MTTQVN tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia phát động các phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường từ nông thôn đến thành thị, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đến mọi tầng lớp nhân dân. Các sở, ban, ngành tỉnh tiếp tục thực hiện công tác quản lý chất thải rắn theo chức năng nhiệm vụ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Ban Chỉ đạo nông thôn mới cấp huyện, cấp tỉnh cần kiên quyết đối với những xã đạt chuẩn nông thôn mới mà chỉ tiêu môi trường duy trì hằng năm không đạt. UBND cấp xã cần sâu sát, quyết liệt trong việc phát hiện và xử lý các hành vi xả rác thải không đúng theo quy định. 

Bà Trần Thị Ly Lan- Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Tây Ninh chia sẻ thêm, hiện nay, tỷ lệ người dân đăng ký thu gom rác trên địa bàn còn thấp, nhất là khu vực các xã, nên vẫn còn tình trạng rác thải bỏ không đúng nơi quy định. Nhằm hạn chế tình trạng này, Phòng đã tham mưu UBND Thành phố giao nhiệm vụ cho phường, xã tăng cường vận động người dân đăng ký thu gom rác. Trong năm 2020, Phòng sẽ tham mưu UBND Thành phố tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện công tác thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn nhằm bảo đảm tính cạnh tranh và nâng cao hiệu quả công tác này.

Mặc dù có bảng cấm, nhưng rác thải sinh hoạt vẫn bỏ thành đống trên đường Trương Tùng Quân, phường 3, TP. Tây Ninh.

Ở huyện Trảng Bàng, ông Nguyễn Văn Trãi- Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện nhận định, vấn đề rác thải, môi trường là trách nhiệm chung của cộng đồng, mọi người phải chung tay thực hiện mới  có hiệu quả. Mỗi địa phương phải có giải pháp quyết liệt và tăng cường tuyên truyền trong dân cư, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm và công khai các trường họp vi phạm vứt xả rác bừa bải gây ô nhiễm môi trường, để giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân.

Ông Trãi cũng nêu ra một số khó khăn như: công tác tuyên truyền của địa phương chưa tốt; nguồn kinh phí thu gom và vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt còn hạn chế nên chỉ giải quyết xử lý rác thải sinh hoạt Thị trấn chứ chưa thu gom rác thải khu vực nông thôn.

Từ thực tế nêu trên, ông Trãi kiến nghị UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cam kết không vứt rác bừa bãi; kiểm tra, xử lý các hành vi xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường theo đúng quy định; Chủ động lựa chọn các đơn vị có kinh nghiệm trong việc thực hiện thu gom; tăng cường công tác quản lý, giám sát đơn vị thu gom; Phối hợp chặt chẽ với các ngành cấp trên và các đoàn thể của địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý thu gom, xử lý rác thải…

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục