Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo đại diện Bộ Công an, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, nhận thức của người dân chưa cao, trong khi các chiêu trò ngày càng tinh vi khiến số nạn nhân của lừa đảo mạng vẫn cao.
Tại Hội thảo phòng chống lừa đảo trên không gian mạng sáng 13/5 ở Hà Nội, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an nhận được câu hỏi tại sao cơ quan chức năng đẩy mạnh việc phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, nhưng loạt hình tội phạm này vẫn diễn biến phức tạp.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng A05, cho biết tình hình lừa đảo online sẽ còn diễn biến phức tạp, không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên cả thế giới trong bối cảnh chuyển đổi số đưa người dân và doanh nghiệp lên không gian mạng. "Tỷ lệ người dân dùng Internet ngày càng tăng. Đây là môi trường thuận lợi cho tội phạm công nghệ cao lợi dụng để chiếm đoạt tài sản", ông Chính nói.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng A05, Bộ Công an, tại hội thảo sáng 13/5. Ảnh: Lưu Quý
Theo ông Chính, có ba lý do dẫn đến tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam chưa thể được ngăn chặn hoàn toàn.
Đầu tiên, các nhóm lừa đảo người dùng Việt thường là tội phạm có tổ chức, hoạt động xuyên biên giới, lợi dụng kẽ hở pháp luật của các nước, cùng vị trí địa lý để tổ chức hoạt động. Ông lấy ví dụ các nhóm hoạt động ở Campuchia và một số nước xung quanh, với thời gian thuê đất lên tới 90 năm. "Đây là những lãnh địa riêng mà ngay cả công an sở tại cũng không thể xâm nhập", ông Chính nói, đồng thời cho rằng công tác đấu tranh sẽ phải kết hợp với nhiều quốc gia trên thế giới.
Đại diện A05 đánh giá các nhóm này hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết từng giai đoạn. Chúng thường học hỏi lẫn nhau, chia sẻ phương thức, thủ đoạn mới, cập nhật kịch bản thường xuyên, liên tục và triệt để lợi dụng công nghệ và sơ hở, bất cập trong công tác quản lý của cơ quan chức năng để thực hiện hành vi phạm tội, che giấu thông tin, xóa dấu vết, gây khó khăn trong việc xác minh, điều tra.
Nguyên nhân thứ hai đến từ nhận thức và kỹ năng của người dân trong thời đại số. Nhiều người dùng mạng xã hội thiếu kỹ năng, nhận thức mơ hồ, thiếu cảnh giác trước hoạt động tấn công lừa đảo tinh vi. Ngoài ra, họ cũng thiếu kiến thức về bảo mật thông tin và hoạt động tố tụng hình sự. "Khi trình báo sự việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, nguyên nhân mất tiền trong tài khoản", ông Chính nói.
Cuối cùng, sự phối kết hợp của cơ quan chức năng và nhà cung cấp dịch vụ vẫn có độ trễ. Ngoài ra, cơ chế để xử lý việc lừa đảo qua mạng còn gặp nhiều khó khăn, trong khi hệ thống pháp luật chưa đầy đủ để cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý trong việc triển khai các giải pháp ngăn chặn.
"Ví dụ với ngân hàng, khi lừa đảo xảy ra rồi làm sao để ngăn dòng tiền chạy? Chúng ta dùng thủ tục hành chính, còn đối tượng trực tuyến làm online nên tiền chạy rất nhanh", ông Chính nói.
Theo thống kê năm 2023, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện, tiếp nhận hơn 3.500 vụ lừa đảo qua mạng, với tổng số tiền thiệt hại hơn 2.487 tỷ đồng.
Đại diện A05 cho biết sẽ cùng các cơ quan chức năng, hiệp hội tham mưu chính phủ xây dựng cơ sở pháp lý, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, như Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh mạng, Nghị định quy định điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng. Những luật và nghị định mới được kỳ vọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng.
Ngoài ra, Bộ Công an sẽ cùng Bộ Thông tin và truyền thông, Ngân hàng Nhà nước triển khai đồng bộ giải pháp, công tác quản lý nhằm ngăn chặn, xóa bỏ các nguyên nhân, điều kiện tội phạm lừa đảo lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Song song sẽ triển khai đa dạng, sâu rộng các chiến dịch tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo.
Nguồn vnexpress.net