Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Dự án nhà máy nước sạch huyện Trảng Bàng:
Vì sao chưa triển khai?
Thứ hai: 07:36 ngày 28/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trảng Bàng là một trong hai huyện được quy hoạch phát triển trở thành Thị xã vào năm 2020, dù được UBND tỉnh phê duyệt dự án xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch từ năm 2016, nhưng sau gần 3 năm, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Khu đất theo quy hoạch xây dựng nhà máy nước Trảng Bàng đến nay vẫn chưa triển khai vì còn vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Theo nhiều người dân tại các ấp quanh Khu công nghiệp Trảng Bàng và Khu công nghiệp - chế xuất Linh Trung III như An Phú, An Khương, An Bình, Suối Sâu (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng), những năm gần đây, nguồn nước ngầm tại khu vực này bị ô nhiễm, chỉ có thể sử dụng để tưới cây và tắm giặt, còn nước uống và nấu ăn, phải mua nước đóng bình.

Ông N.V.Đ, ngụ ấp An Khương cho biết, mỗi tháng gia đình ông phải chi hơn 200.000 đồng để mua nước dùng vào việc ăn uống. Theo ông Đ, mạch nước ngầm tại khu vực nhà ông bị ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt và nước thải của KCN Trảng Bàng nên nước sủi bọt trắng khi mới bơm lên, đồng thời có vị hơi tanh.

Tuy nhu cầu về nước sạch qua xử lý chưa thật cấp thiết, nhưng một số người dân tại ấp Lộc Tân, xã Gia Lộc rất lo lắng về chất lượng nguồn nước ngầm. Theo một người dân, dân cư ngày càng đông, hằng ngày có đến hàng ngàn m3 nước thải sinh hoạt ngấm trở lại các giếng khoan khiến mọi người hết sức lo lắng cho sức khoẻ của bản thân và người thân trong gia đình.

“Chúng tôi rất mong, sau khi Trảng Bàng được công nhận là Thị xã, đời sống của người dân sẽ có những bước chuyển biến mới, tích cực hơn, nhất là sẽ có nguồn nước sạch, bảo đảm vệ sinh, an toàn cho sức khoẻ người dân”.

Chị Trần Thị Hồng Nhung, ngụ ấp Lộc Trát, xã Gia lộc cho rằng, nay mai, huyện Trảng Bàng sẽ trở thành Thị xã, do đó, việc cung cấp nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho người dân là cần thiết. Chị đã nghe thông tin về việc xây dựng nhà máy nước ở huyện, nhưng mấy năm qua không thấy khởi công và không biết phải chờ đến bao lâu. 

Ông Nguyễn Thế Bảo- Giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh cho biết, cuối năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3276, ngày 22.12, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà máy cung cấp nước sạch tại ấp Lộc Khê, xã Gia Lộc, với diện tích đất được phê duyệt để thực hiện dự án là 9,5 ha, tổng nguồn vốn đầu tư là 246 tỷ 230,5 triệu đồng.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1, công suất khoảng 30.000m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho khu vực huyện Trảng Bàng (bao gồm cả KCN Trảng Bàng, Khu công nghiệp - chế xuất Linh Trung III, KCN Thành Thành Công, khu vực ấp An Thới, xã An Hoà và xã Gia Bình). Giai đoạn 2 ước tính công suất khoảng 100.000m3/ngày đêm, qua đó mở rộng diện tích cung cấp nước sạch cho huyện Gò Dầu, Bến Cầu đến ngã ba Đất Sét (huyện Dương Minh Châu). Thời gian xây dựng bắt đầu từ quý III năm 2017 đến hết quý IV năm 2019 và đưa vào vận hành từ quý I năm 2020.

Để sớm triển khai Dự án, Công ty cổ phần cấp thoát nước Tây Ninh đã ứng trước cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Tây Ninh - chi nhánh huyện Trảng Bàng hơn 16 tỷ đồng để chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng. Không hiểu vì lý do gì mà phía Trung tâm Phát triển quỹ đất Tây Ninh- chi nhánh huyện Trảng Bàng chỉ mới thực hiện bồi thường được 10/14 hộ tại khu vực quy hoạch xây dựng nhà máy nước sạch.

Do không có đủ mặt bằng xây dựng, nên công ty vẫn chưa thể triển khai dự án như phê duyệt của UBND tỉnh. Cũng theo ông Nguyễn Thế Bảo, trong tuần sau (bắt đầu từ ngày 28.10), công ty sẽ khảo sát lại khu vực đã bồi thường giải phóng mặt bằng, nếu có đủ diện tích xây dựng và có đường vận chuyển vật liệu, đơn vị sẽ khởi công xây dựng; nếu không đủ điều kiện sẽ trình UBND tỉnh xem xét điều chỉnh dự án.

Giám đốc Công ty cổ phần cấp thoát nước Tây Ninh rất mong chính quyền địa phương bắt tay vào thực hiện, giải quyết dứt điểm để bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công, vì nếu chưa có mặt bằng đầy đủ sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề, nhất là kinh phí xây dựng, ảnh hưởng đến dự án.

Theo một lãnh đạo UBND xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, trước đây, trong quá trình thương lượng giải toả mặt bằng, tất cả người dân đều đồng thuận với giá bồi thường. Tuy nhiên, do thủ tục thực hiện chi trả chậm, trong khi giá đất ở Trảng Bàng ngày càng cao, có 4 hộ dân không đồng ý nhận tiền bồi thường để bàn giao mặt bằng với lý do, không đủ mua mảnh đất khác. 

Trung tâm thị trấn Trảng Bàng.

UBND xã đã nhiều lần cùng các đoàn thể địa phương vận động các hộ dân trên nhận tiền bồi thường để bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa đạt được sự đồng thuận, và UBND xã tiếp tục vận động, đối thoại với các hộ dân trên. UBND xã cũng mong muốn nhà máy sớm có mặt bằng triển khai dự án để người dân địa phương được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn.

Trung tâm Phát triển quỹ đất chi nhánh huyện Trảng Bàng cho biết, Trung tâm đã nhiều lần phối hợp với UBND xã Gia Lộc đến nhà của các hộ dân để vận động, nhưng họ vẫn không đồng ý nhận tiền bồi thường.

Khó khăn lớn nhất là các hộ dân yêu cầu bồi thường theo giá thực tế, nhưng theo quy định thì bồi thường theo giá phổ biến trên thị trường tại thời điểm thu hồi đất (UBND tỉnh đã phê duyệt giá cụ thể để bồi thường về đất từ ngày 11.9.2018, Quyết định thu hồi đất ngày 6.11.2018). Do đó, huyện không có cơ sở giải quyết yêu cầu trên.  

UBND huyện cho biết, các hộ dân chưa nhận tiền bồi thường có đất nằm ở giữa, diện tích tương đối lớn. Sắp tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo Trung tâm PTQĐ tiếp tục phối hợp với UBND xã Gia Lộc, các tổ chức chính trị xã hội, các ngành chức năng huyện tổ chức vận động các hộ nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Nếu các hộ vẫn không đồng ý, lãnh đạo huyện sẽ đối thoại để nghe các hộ dân trình bày. Sau đó, huyện tổng hợp xem xét và có hướng giải quyết tiếp theo.

Minh Dương - Tấn Hưng

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh