Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Phóng viên Báo Tây Ninh đã đến Châu Thành tìm hiểu hoạt động xe dù ở đây và không khỏi ngạc nhiên trước sự “tự do thoải mái” của “loại hình dịch vụ” này suốt nhiều năm qua.

|
Bến xe Châu Thành |
Sau khi xảy ra vụ côn đồ hành hung anh Trần Thanh Luân, nhân viên Bến xe Châu Thành ngày 17.2.2011, phóng viên Báo Tây Ninh đã đến Châu Thành tìm hiểu hoạt động xe dù ở đây và không khỏi ngạc nhiên trước sự “tự do thoải mái” của “loại hình dịch vụ” này suốt nhiều năm qua. Gần đây, dù Nhà nước đã cho phép thành lập bến xe nhưng các ngành chức năng tỉnh, huyện vẫn chưa có biện pháp gì để kiểm soát và buộc các xe dù phải hoạt động vận tải hành khách theo đúng quy định.
Chúng tôi được biết, có 2 lý do cơ bản để nhà xe “dù” không “thích” vào bến hoạt động: Phải nộp thuế doanh thu hằng tháng và phải tuân thủ thời gian, lịch trình, lộ trình cũng như một số “ràng buộc” khác. Do đó, sau khi một DNTN thành lập Bến xe Châu Thành, nhiều chủ phương tiện hoạt động “xe dù” trước nay cảm thấy “khó chịu”. Bởi theo quy định, các phương tiện hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định mà không đưa xe vào bến và tuân thủ các quy định bắt buộc là vi phạm, trước mắt sẽ bị xử lý hành chính cùng một số chế tài khác.
Tại Châu Thành, khoảng hơn 15 năm trước đã có hoạt động “xe dù”, từ sau năm 1995 đến nay, đội ngũ “xe dù” ngày càng tăng số lượng đầu xe. Đến năm 2010, Châu Thành có gần 20 chiếc xe dù, hầu hết là loại xe 15 chỗ ngồi. Theo bà Trần Thị Kim Ngân (Giám đốc Công ty TNHH MTV Trần Kim Ngân, đơn vị thành lập Bến xe Châu Thành), trước khi thành lập bến, bà cũng là một trong những người tham gia hoạt động “dịch vụ xe dù” suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, nhận thấy hoạt động theo kiểu này là không ổn, xô bồ, phức tạp nên bà Ngân đã chuyển hướng xin mở bến xe và được sự hỗ trợ, động viên của chính quyền địa phương cùng ngành chức năng.
Trong khi đó, hoạt động của đội ngũ “xe dù” ở Châu Thành, từ trước đến nay, hầu hết các xe đều lưu thông và vận tải hành khách một cách “tự do” nhờ 3 chữ “xe hợp đồng” dán ở kính trước xe. Thực chất, đây là một kiểu “nguỵ trang”, trá hình của hoạt động xe dù. Hiện tại, sau khi bà Ngân mở bến xe tại Châu Thành, còn 15 chiếc hoạt động theo kiểu này. Chủ xe không đóng bất kỳ khoản phí, thuế nào cho ngân sách Nhà nước. Thậm chí xe họ mua cũng không cần sang tên chuyển vùng, mà núp bóng “thành viên hợp tác xã ảo” và được cấp các giấy tờ khống để hoạt động như lệnh điều xe, giấy hợp đồng khống giữa nhà xe với hành khách. Khi bị cơ quan chức năng dừng xe, kiểm tra giấy tờ, nhà xe sẽ trưng ra các loại giấy trên để đối phó. Trước đây, khi bị ngành chức năng kiểm tra, xử lý, nhà xe thường “kêu oan”, cho rằng do Châu Thành không có bến xe nên họ phải tạm thời hoạt động như thế.
Sau khi doanh nghiệp Trần Kim Ngân mở Bến xe Châu Thành, chủ bến và các ngành chức năng huyện đã tổ chức họp với những người tham gia hoạt động xe dù, “mời gọi”, vận động họ đưa xe vào bến hoạt động theo quy củ. Tuy nhiên, do “bất đồng quan điểm” nên hầu hết các nhà xe đều từ chối đưa xe vào bến và tiếp tục hoạt động như trước. Tuy nhiên, sau khi xảy ra vụ anh Trần Thanh Luân bị hành hung (Báo Tây Ninh đã đưa tin trong những số báo trước), cho đến nay các ngành chức năng huyện Châu Thành vẫn chưa có động thái quyết liệt để giải quyết có hiệu quả tình trạng xe dù. Mỗi ngày, từ 3 giờ 30 phút đến 9 giờ, xe dù ung dung dừng xe đón khách trên đường, thậm chí đậu xe ngay khu vực cấm đậu xe tại chợ Cao Xá cũ.
|
Ngành chức năng cần quyết liệt xử lý vi phạm của các phương tiện vận tải khách (ảnh minh hoạ) |
Đáng nói là hoạt động đồng thời giữa 2 đội xe tham gia vận tải hành khách ở Châu Thành hiện nay (xe bến và xe dù) đã dẫn đến tranh chấp, giành khách. Hành khách không được xem là “thượng đế” mà trở thành “món hàng” của 2 “phe”. Từ đó dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự, đồng thời việc các xe “đua” nhau “vớt” khách đã gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn giao thông, gây nguy cơ tai nạn giao thông cho các phương tiện trên đường.
Theo chúng tôi, chính quyền và ngành chức năng huyện Châu Thành đã ủng hộ việc thành lập bến xe huyện nhằm vãn hồi trật tự, đưa hoạt động vận chuyển hành khách trên địa bàn huyện vào quy củ, hoạt động an toàn, lịch sự, văn minh, và để đảm bảo mục đích ban đầu của hoạt động tích cực, đúng hướng này đạt hiệu quả, UBND huyện Châu Thành và các ngành chức năng cần sớm có biện pháp xử lý tình trạng xe dù hiện nay, đồng thời với việc điều tra, xử lý hành vi côn đồ trong vụ tấn công gây trọng thương cho anh Luân.
Ông Lê Văn Đúng- Phó giám đốc Sở GTVT cho biết việc xử lý tình trạng “xe dù” ở Châu Thành hiện rất khó khăn, phức tạp. Theo quy định, thanh tra giao thông phải đi xe đặc chủng, mặc sắc phục khi thực hiện công vụ. Do đó, hoạ hoằn lắm mới có thể chặn được “xe dù” vì thường thì bị nhà xe phát hiện “né tránh từ xa”. Hiện tại, ở Châu Thành chỉ có 2 cán bộ thanh tra giao thông phụ trách địa bàn huyện, dù đã nỗ lực tuần tra, kiểm tra nhiều lần nhưng chưa đạt hiệu quả trong việc “xoá xe dù”. Ông Đúng cho rằng, để giải quyết hiệu quả tình trạng bát nháo, mất trật tự an toàn giao thông có liên quan đến hoạt động của “xe dù”, các ngành chức năng của tỉnh và huyện Châu Thành cần có sự phối hợp chặt chẽ để tìm biện pháp thích hợp, không nên để kéo dài tình trạng này. |
BẢO TÂM