Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sự lười biếng của trẻ có thể bắt nguồn từ việc bất đồng quan điểm với cha mẹ hoặc muốn thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh.
1. Trẻ thấy nản lòng
Hãy tưởng tượng cách người trưởng thành đối phó với các vấn đề áp lực trong cuộc sống hoặc công việc. Nếu không biết bắt đầu từ đâu, họ sẽ tập trung giải quyết các nút thắt trong vấn đề nhưng trẻ nhỏ không biết phương pháp này.
Vì vậy, khi tình huống căng thẳng xuất hiện, trẻ có xu hướng bỏ dở, trì hoãn việc giải quyết. Với vai trò phụ huynh, bạn cần hướng dẫn con cách thức giải quyết vấn đề. Đầu tiên, hãy xem xét vấn đề gốc là gì và nên giải quyết từ đâu. Sau đó, hãy cùng con thảo luận về các giải pháp khả thi.
Sự hướng dẫn của người lớn sẽ giúp trẻ lấy lại bình tĩnh, cảm thấy được ủng hộ khi đứng trước những bài toán nan giải. Từ đó, các em sẽ dần dần học cách giải quyết vấn đề. Đôi khi, các em sẽ thất bại hoặc chán nản nên phụ huynh cần ở bên động viên con hoặc khen ngợi khi con nỗ lực thực hiện nhiệm vụ.
2. Cuộc chiến giữa cha mẹ và con cái
Sự lười biếng có thể bắt nguồn từ việc bất đồng quan điểm giữa phụ huynh và con cái trước một vấn đề bất kỳ. Chẳng hạn, khi bạn yêu cầu con làm việc nhưng theo cách la mắng hoặc chì chiết, trẻ thường nảy sinh thái độ chống đối hoặc phớt lờ chỉ để khiến bạn tức giận hơn.
Nhiều phụ huynh nhất trí rằng việc đưa ra các lựa chọn thay vì ban hành mệnh lệnh sẽ giúp trẻ nghe lời hơn. Ví dụ, bạn có thể hỏi: "Con có muốn đến thư viện tìm kiếm tài liệu để bài tập đạt điểm cao hơn không?". Loại câu hỏi mang tính gợi mở như vậy cho trẻ một chút tự do quyết định vấn đề cá nhân, không cảm thấy bị ép buộc trong khi phụ huynh vẫn có thể giúp trẻ đi đúng hướng.
3. Không muốn bị đánh giá thấp
Không muốn bị chê cười hoặc thiếu tự tin khiến trẻ nảy sinh cảm giác lười biếng. Nếu các em cố gắng, thất bại có thể khiến mọi người coi thường. Tuy nhiên, khi không đạt điểm như mong muốn, các em có thể vin vào cớ "chẳng qua không muốn làm việc" để xua đuổi cảm giác xấu hổ.
Đối diện với thất bại của bản thân rất khó khăn, thậm chí nhiều người trưởng thành cũng không thể xoay xở. Trẻ em cũng vậy. Phụ huynh hãy giúp trẻ nhận ra nỗ lực quan trọng hơn kết quả và thất bại không phải là sai lầm mà là cơ hội để học hỏi và vươn lên.
Ảnh: Shutterstock.
4. Không được coi trọng
Nếu trẻ lười biếng hoặc mất động lực làm việc, nhiều phụ huynh bày tỏ thái độ thất vọng. Hoặc khi trẻ ghét học piano nhưng cha mẹ yêu cầu giỏi piano và tìm mọi cách khiến con chăm chỉ luyện tập. Nếu bạn đối xử với con như một vấn đề cần phải giải quyết, các em sẽ từ chối hợp tác và tiếp tục chây lười.
Vì vậy, hãy để con biết bạn thực lòng quan tâm những hành động bất thường của con. Đầu tiên, hãy kết nối từ những vấn đề trẻ quan tâm như sở thích cá nhân, cuốn sách yêu thích, môn học yêu thích. Sau đó, cùng trẻ thảo luận vấn đề không thích hoặc thường trì hoãn thực hiện.
Điều này giúp trẻ nhận ra cha mẹ luôn thực tâm quan tâm, tôn trọng ý kiến và sở thích của chúng. Từ đó, các em sẽ mở lòng hơn, chia sẻ những vấn đề cá nhân.
5. Ảnh hưởng từ bố mẹ hoặc bạn bè
Việc trẻ lười biếng có thể do ảnh hưởng từ bạn bè đồng trang lứa. Ví dụ, khi trẻ chơi cùng nhóm bạn lười biếng, thường xuyên quên làm bài tập về nhà, các em sẽ cho rằng việc quên làm bài tập về nhà là bình thường vì "bạn con cũng vậy". Trẻ em thường không tự quyết định được vấn đề của bản thân và soi chiếu từ hành động của mọi người xung quanh, đặc biệt từ phía những người thân cận.
Là bố mẹ, bạn nên nêu gương chăm chỉ làm việc, không bao giờ trễ hẹn hoặc cầu tiến. Khi nhận ra bạn bè của con có xu hướng lười biếng, đừng quên nhắc nhở con rằng có những bạn khác vẫn đang nỗ lực mỗi ngày để làm việc và phát triển tốt hơn. Bạn có thể lấy ví dụ về những người làm việc chăm chỉ, đặc biệt là người thân của gia đình nhằm giúp trẻ thay đổi cách đánh giá vấn đề.
6. Muốn thu hút sự chú ý
Hành động lười biếng có thể giải thích bằng việc trẻ muốn thu hút sự quan tâm, chú ý của mọi người xung quanh, trong đó có gia đình hoặc thầy cô. Điều này có thể bắt nguồn từ việc các em bị mọi người phớt lờ, đánh giá thấp hoặc từ trục trặc trong mối quan hệ của cha mẹ.
Một trong những cách giải quyết tốt nhất là nói với con rằng cha mẹ luôn đặt niềm tin vào con. Chẳng hạn: "Bố/mẹ tin tưởng vào khả năng của con. Bố/mẹ chắc chắn con dành rất nhiều thời gian, tâm huyết cho các dự án, công việc của mình và con sẽ thành công". Đối với một đứa trẻ, niềm tin hay sự công nhận từ phía người lớn có ý nghĩa rất quan trọng, là động lực thúc đẩy các em phát triển.
Nguồn VNE (Theo Huffpost, Sg News Yahoo)