Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vì sao điệp khúc 'tiền điện tăng do nắng nóng' chưa dứt
Thứ ba: 08:48 ngày 23/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các chuyên gia cho rằng việc chậm sửa biểu giá điện bậc thang đã lỗi thời khiến tiền điện "nhảy" vọt mỗi khi nắng nóng.

Hoá đơn tiền điện tháng 6 (tính cho kỳ dùng điện tháng 5) tăng đột biến vào mùa nắng nóng tương ứng với chỉ số công tơ "nhảy vọt" gấp 3-4 lần. Nhiều người dân đặt nghi vấn về sự chính xác của công tơ điện cũng như cách ghi chỉ số công tơ.

Công nhân điện lực sửa chữa sự cố trên đường dây mùa nắng nóng. Ảnh: Minh Hà.

Nhưng theo một chuyên gia ngành điện, sai sót này ít xảy ra vì công tơ đều được kiểm định và thay thế định kỳ theo tiêu chuẩn của Bộ Khoa học & Công nghệ. Công tơ điện tử thu thập chỉ số điện tự động và từ xa; còn công tơ khí ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng, hạn chế tối đa xảy ra sai sót (nếu có) trong ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện.

Tuy nhiên, việc "ngành điện cung cấp tất tần tật từ công tơ, tới dây kéo, chứ không để người dân mua trực tiếp khiến bị nghi ngờ". Khi đã có quy định về tiêu chuẩn, ông cho rằng ngành điện nên để người dân mua trực tiếp công tơ, miễn sao công tơ đó đạt chất lượng thì "sẽ ít bị nghi không minh bạch hơn". 

Trả lời VnExpress, ông Bùi Trung Kiên - Phó tổng giám đốc EVNHCM thừa nhận, có một số trường hợp hy hữu khi tiền điện tăng bất thường do nhân viên nhìn nhầm số trên nhiệt kế khi ghi chỉ số công tơ.

"Do nhìn nhầm số 1 thành số 4 và nhìn nhầm số 5 thành số 9 hoặc nhân viên đánh máy nhầm số tương tự", ông nói. Nếu rơi vào trường hợp này, nhân viên điện lực đã tới các hộ gia đình xin lỗi, hoàn tiền và bản thân họ bị xử lý nghiêm theo quy định của ngành.

Song nguyên nhân chính khiến hoá đơn luôn tăng đột biến mỗi khi nắng nóng, theo các chuyên gia, là biểu giá bán lẻ theo công thức luỹ tiến 6 bậc thang đã "lỗi thời".

Ông Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cũng phân tích, hiện biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt đang chia thành 6 bậc thang, không có sự khác biệt nhiều giữa giá bậc 1 (0-50 kWh) và bậc 2 (50-100 kWh), chỉ chênh 56 đồng một kWh, trong khi "bước nhảy" giá ở các bậc cao hơn lại rất lớn.

Tức là, người dùng ở hai bậc thang đầu (dưới 100 kWh) được hưởng giá thấp; dùng ở mức trung bình 200-300 kWh phải chịu mức cao hơn và nhóm khách hàng dùng trên 400 kWh – được coi là nhóm người giàu, trả tiền cao nhất. Nhưng xét ở mức chênh lệch giá giữa các bậc thì bậc 1 và 2 chênh nhau 56 đồng một kWh, còn các bậc 3, 4 và 5 mức chênh khá lớn. Giá điện ở bậc 4 cao hơn bậc 3 là 522 đồng, trong khi bậc 6 cao nhất chỉ chênh với bậc liền kề trước đó 93 đồng một kWh.

"Bước nhảy giá giữa các bậc chưa hợp lý dẫn tới mức tính tiền điện luỹ tiến không tương ứng với hiện trạng sử dụng điện của các hộ gia đình", ông nói và đề nghị "sửa biểu giá điện sinh hoạt sớm ngày nào, có lợi cho người dùng điện ngày đó".

Cho rằng chính sách giá điện bậc thang cần thiết khi phải tiết kiệm năng lượng nhưng ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nói đã tới lúc phải sửa đổi. Thực tế tỷ trọng dùng điện giữa các hộ, nhất là hộ dùng dưới 50 kWh đã ít hơn nhiều so với trước nên duy trì bậc thấp nhất (bậc 1) ở ngưỡng này không còn hợp lý. 

Là người tham gia giám sát kiểm tra giá thành điện nhiều năm, ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, VCCI) cho rằng, Việt Nam áp dụng giá điện bậc thang theo tháng dẫn tới hệ quả là có sự thay đổi lớn tiền điện giữa các tháng trong năm. Ví dụ, tháng 3 có 3 ngày nhiều hơn tháng 2, tức là chênh nhau 10% về thời gian, nên cũng có thể làm số điện tăng cao, phải chịu giá bậc thang cao hơn.

"Ngày trước khi dân ít dùng máy lạnh thì sự khác biệt giữa các tháng không quá lớn. bây giờ thì do nhu cầu máy lạnh tăng cao nên chênh lệch các tháng là rất lớn", ông Đức nói. 

Vị này gợi ý, thay vì biểu giá bậc thang tính theo tháng, Việt Nam có thể nghiên cứu tính giá điện theo năm như một số nước đang áp dụng. Tiền điện vẫn có thể thu theo tháng để đảm bảo dòng tiền, nhưng đây là số tiền tạm ứng dựa trên số liệu sử dụng điện của hộ gia đình năm trước đó. Cuối năm ngành điện chốt sổ, quyết toán.

Theo ông Đức, việc tính tiền điện theo tháng khá bất cập, chưa kể tháng nóng - lạnh, tháng có số ngày nhiều - ít. Tính biểu giá luỹ tiến theo năm, theo ông Đức, mức độ chênh lệch ít, khoảng 0,3%. 

Cách đây gần một năm, việc thay đổi biểu giá điện sinh hoạt luỹ tiến đã từng được đặt ra và đầu năm nay, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến về thay đổi biểu giá này, rút gọn từ 6 bậc xuống 5 bậc. Tuy nhiên, vì lý do Covid-19, cơ quan này báo cáo Thủ tướng xin hoãn lại việc sửa biểu giá tới cuối năm 2020.

Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, trong quý III, cơ quan này sẽ trình lại cấp có thẩm quyền việc sửa biểu giá bán lẻ điện bậc thang.

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục