BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vì sao đoàn thanh tra không kiến nghị thu hồi đất của Công ty Tam Hiệp?

Cập nhật ngày: 08/01/2012 - 03:07

Trụ sở Công ty Tam Hiệp tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu

Qua phản ánh của chính quyền địa phương và của người dân trong khu vực về tình trạng sử dụng đất sai mục đích của Công ty Nông- Công nghiệp TNHH Tam Hiệp (gọi tắt là Công ty Tam Hiệp), cuối tháng 7.2011 UBND tỉnh ra Quyết định thành lập đoàn thanh tra đối với hành vi tự ý cho các cá nhân thuê lại đất sản xuất nông nghiệp trái pháp luật tại dự án của Công ty Tam Hiệp (Bến Cầu), Đoàn thanh tra kết luận những vi phạm và kiến nghị UBND tỉnh cho phép Công ty Tam Hiệp được tìm đối tác chuyển nhượng dự án. Tuy nhiên, có ý kiến thắc mắc là vì sao Công ty Tam Hiệp vi phạm về sử dụng đất mà đoàn thanh tra lại không kiến nghị UBND tỉnh thu hồi đất? Đầu năm 2012, Đoàn thanh tra đã giải trình về vấn đề này.

Công ty Tam Hiệp là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 4 triệu USD để “trồng, chế biến rau sạch, các loại cây nông sản khác và trồng mía”. Tháng 10.1997, Công ty Tam Hiệp được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cho thuê 1.000 ha đất tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Sau một thời gian dài trồng thử nghiệm một số loại cây rau đậu bản xứ và một số loại cây nhập từ nước ngoài thất bại, cuối năm 2000, Công ty chuyển sang trồng mía. Tháng 4.2001, Công ty Tam Hiệp ký hợp đồng trồng 800 ha mía, nhưng khi trồng được khoảng gần 200 ha thì cơ quan chức năng tỉnh phát hiện Công ty không thực hiện đúng nội dung trong giấy phép đầu tư. Sau đó, UBND tỉnh có yêu cầu Công ty Tam Hiệp thanh lý hợp đồng trồng mía và xin phép Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tháng 10.2002, UBND tỉnh quyết định thu hồi 14,6 ha đất thuộc dự án của Công ty Tam Hiệp tại xã Long Khánh để giao Công an Tây Ninh xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ Rừng Rong. Tháng 5.2004, UBND tỉnh tiếp tục ban hành quyết định thu hồi diện tích 715,27 ha của Công ty Tam Hiệp do sử dụng đất không đúng mục đích được giao, trong đó phần lớn diện tích đất sản xuất bị bỏ hoang. Cuối tháng 6.2009, qua 2 lần điều chỉnh và 1 lần đăng ký lại, Công ty Tam Hiệp được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án “Trồng, chế biến rau sạch và các loại cây nông sản khác; trồng, chế biến và kinh doanh các sản phẩm cây đay và nhập khẩu nguyên liệu sơ sợi đay” với thời hạn thực hiện 20 năm- kể từ ngày 10.12.1996. Tổng vốn đầu tư đăng ký thực hiện dự án này là 64 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng là 329,44 ha.

Cây kenaf, cây tràm trồng trong khuôn viên Công ty Tam Hiệp (thời điểm năm 2010)

Như vậy, từ diện tích 1.000 ha đất thuê năm 1997, đến năm 2009 Công ty Tam Hiệp chỉ còn được thuê hơn 329 ha. Tuy nhiên, thực tế Công ty cũng không sản xuất hết diện tích này mà cho nhiều hộ dân thuê lại để sản xuất nông nghiệp. Theo kết quả thanh tra, Công ty Tam Hiệp đã cho các cá nhân khác thuê lại để trồng mì và các loại nông sản khác với diện tích 238,6 ha. Còn hơn 90 ha còn lại, Công ty sử dụng trồng mì, bắp, đay và làm văn phòng, nhà kho (Công ty không có chức năng trồng cây mì). Đoàn thanh tra kết luận việc sử dụng đất của Công ty Tam Hiệp không đúng quyết định cho thuê đất của Thủ tướng Chính phủ và hợp đồng thuê đất. Công ty đã cho thuê lại đất trong khi chưa làm đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tính đến thời điểm thanh tra, Công ty Tam Hiệp vẫn còn nợ tiền thuê đất hơn 3,8 tỷ đồng- trong đó chưa trừ tiền đền bù, hỗ trợ về đất. Đoàn thanh tra kiến nghị UBND tỉnh cho phép Công ty Tam Hiệp được tìm đối tác chuyển nhượng dự án để thu hồi nguồn vốn đầu tư nhưng Công ty phải hoàn thành xong các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Vì sao Đoàn thanh tra không đề xuất UBND tỉnh thu hồi đất mà Công ty Tam Hiệp đã thuê nhưng sử dụng không đúng mục đích? Theo giải trình mới nhất của Đoàn thanh tra vào đầu năm 2012 thì có một số vấn đề dẫn đến đề xuất cho phép Công ty Tam Hiệp được chuyển nhượng dự án. Trước tiên là đối với việc sử dụng đất không hiệu quả của Công ty Tam Hiệp, đoàn thanh tra nhận thấy trong nhiều năm qua Công ty đã đầu tư khá nhiều vốn vào việc xây dựng hạ tầng, dây chuyền sản xuất, cơ sở sản xuất nhưng hiệu quả lại đạt thấp. Trong mấy năm qua, Công ty Tam Hiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất và sử dụng hết diện tích đất thuê còn lại, không bỏ hoang hoá, không bị lấn chiếm. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty chủ yếu là Nhật Bản lại bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên công ty bị lỗ liên tục từ năm 2008 đến năm 2010. Để giải quyết tình thế khó khăn trước mắt nên công ty buộc phải chọn giải pháp tạm thời là cho thuê lại đất để tạo nguồn vốn trả tiền thuê đất mà công ty còn nợ của Nhà nước và trang trải các chi phí khác. Đây là hành vi trái quy định của pháp luật, nhưng công ty chỉ mới cho thuê lại đất trong thời gian ngắn. Tổng số tiền mà Công ty Tam Hiệp thu được từ việc cho thuê lại đất là 1,3 tỷ đồng, trong đó công ty đã nộp tiền sử dụng đất năm 2011 là 671.771.357 đồng. Hành vi vi phạm này của công ty đã bị Sở TN&MT xử phạt 30 triệu đồng.

Công ty Tam Hiệp cho thuê lại đất để trồng mì- từ tháng 3 đến cuối năm 2011

Với những phân tích nêu trên, đồng thời căn cứ Khoản 1 Điều 17 Luật Đầu tư năm 2005, điểm b, Khoản 3, Điều 119 Luật Đất đai năm 2003 đoàn thanh tra đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép Công ty Tam Hiệp tìm đối tác chuyển nhượng dự án để thu hồi vốn đầu tư. Theo Đoàn thanh tra, nếu cho phép Công ty Tam Hiệp được chuyển nhượng dự án thì ngân sách Nhà nước thu hồi được tiền thuê đất mà công ty còn nợ, đồng thời công ty cũng có điều kiện giải quyết bớt khó khăn, thua lỗ trong quá trình đầu tư sản xuất, tạo được công ăn việc làm cho lao động khi có nhà đầu tư mới. Qua đó cũng thể hiện được sự quan tâm của tỉnh Tây Ninh đối với các nhà đầu tư nói riêng và đối với chính sách thu hút đầu tư nói chung.

Sơn Trần