BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vì sao đường xã nông thôn mới dễ xuống cấp? 

Cập nhật ngày: 08/09/2019 - 23:54

BTN - Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đường giao thông ở các xã được đầu tư theo tiêu chí cứng hoá. Có đường được nâng cấp thành đường nhựa, có đường bê tông xi măng, đường sỏi đỏ… Thế nhưng chỉ một thời gian đưa vào sử dụng, nhiều con đường đã hư hỏng.

Một con đường nông thôn mới đã xuống cấp.

Khó quản xe tải lớn

Theo tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới về đường giao thông, đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hoá hoặc hê tông hoá, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Đường trục ấp, liên ấp ít nhất được cứng hoá, bảo đảm ô tô đi lại quanh năm và đường ngõ, xóm (đường dân sinh) sạch, không lầy lội vào mùa mưa.

Thế nhưng ở một vài xã đạt chuẩn nông thôn mới, phần lớn các tuyến đường xã dù đã nâng cấp lên đường nhựa, nhưng do thiết kế tải trọng thấp, đường lại có nhiều xe tải lớn lưu thông, chuyện nhanh xuống cấp, hư hỏng là điều khó tránh khỏi. 

Một người dân sống tại đường Cổng ấp văn hoá Long Thới, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành cho biết, con đường này được nhựa hoá trong quá trình xã xây dựng nông thôn mới. Dù đã cấm bảng hạn chế tải trọng 10 tấn, nhưng nhiều tài xế lái xe tải có trọng tải lớn “khoái” lái xe vào con đường này do thuận tiện lưu thông từ đường Tôn Đức Thắng sang đường Phạm Hùng.

Nội dung tiêu chí Giao thông đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020 (ban hành kèm theo Quyết định 192/QĐ-UBND ngày 21.1.2019 của Chủ tịch UBND tỉnh)...

2.1 Đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện thường xuyên được kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, bảo trì và đảm bảo an toàn giao thông.

2.2 Đường trục ấp, liên ấp:

- Các tuyến đường thường xuyên được kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, bảo trì và đảm bảo an toàn giao thông.

- Có thêm tối thiểu 5% số Km đường được nhựa hoá hoặc bê tông hoá.

2.3 Đường ngõ, xóm (đường dân sinh):

- Các tuyến đường thường xuyên được kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, bảo trì và đảm bảo an toàn giao thông.

- Có thêm tối thiểu 5% số Km đường được nhựa hoá hoặc bê tông hoá (đối với xã đạt chuẩn giai đoạn 2011-2015).

2.4 Đường trục chính nội đồng thường xuyên được kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, bảo trì và bảo đảm an toàn giao thông.

Chưa kể ở đây cũng có khá nhiều hộ có xe tải lớn vận tải hàng hoá. Vì nhu cầu phát triển kinh tế của người dân, địa phương không thể thể dựng barrie không cho xe tải lớn qua lại, nên mặt đường nhanh chóng hư hỏng.

Giải pháp chưa bền vững

Chủ tịch UBND một xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cho biết, trước đây trên các tuyến đường xã, sau khi được nâng cấp thành đường nhựa, người dân cho dựng barrie ở hai đầu đường nhằm ngăn chặn xe tải lớn. Thế nhưng, chẳng bao lâu, các barrie này đều bị phá hư. Đường thiết kế tải trọng thấp nhưng phải “oằn” mình cho xe tải lớn lưu thông, hư hỏng là chuyện tất nhiên. Đây là vấn đề mà địa phương “đau đầu” tìm giải pháp khắc phục: làm sao vừa bảo vệ được con đường mà vẫn đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế của người dân.

Hầu hết các các tuyến đường xã tiếp giáp với đường 784 ở khu vực ấp Ninh Hưng 1, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu đều có cổng barrie. Việc làm này được người dân địa phương rất ủng hộ. Ông Trang Thanh Tùng- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, do các tuyến đường xã tại ấp này, khi thiết kế đều có tải trọng 10 tấn.

Thế nhưng, nhiều tài xế xe tải lớn lại thường xuyên chạy vào các tuyến đường xã - để né ngã tư chốt đèn tín hiệu giao thông cũng như lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra trên đường 784, vòng ra đường Chà Là - Trường Hoà. Sợ hư những con đường mới làm, người dân đã kiến nghị dựng barrie, có thể mở thanh xà phía trên để xe tải có thể dễ dàng ra vào trong trường hợp có hộ dân nào xây cất nhà hoặc thuê chở hàng. Theo ông Tùng, nhờ vậy mà thời gian qua các tuyến đường xã tại ấp Ninh Hưng không xuống cấp.

Tuy nhiên, đây cũng là giải pháp mang tính chất tạm thời. Trong tương lai, nhu cầu mua xe ô tô kinh doanh, vận chuyển hàng hoá của người dân ngày càng gia tăng, giải pháp dựng cổng barrie để ngăn xe tải lớn không thể áp dụng lâu dài mà cần tìm giải pháp khác.

Đường nông thôn mới ở ấp Ninh Hưng, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu được người dân dựng barrie không cho xe tải lớn đi qua.

Tiêu chí đường giao thông xã nông thôn mới nâng cao có khắc phục được tình trạng này?

Ông Trần Văn To- Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho rằng, tiêu chí đầu tư cho các tuyến đường xã nông thôn mới thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, thực tế số lượng xe tải của người dân ngày càng nhiều, đường xã, ấp nông thôn mới có thiết kế tải trọng thấp, khó tránh khỏi việc nhanh xuống cấp, trong khi rất khó cấm các xe tải có tải trọng lớn lưu thông. Do đó, cần phải thường xuyên duy tu, sửa chữa.

Theo tiêu chí về đường giao thông đối với xã nông thôn mới nâng cao vừa được ban hành đầu năm 2019, đường xã và đường từ xã đến huyện thường xuyên được kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, bảo trì và đảm bảo an toàn giao thông. Đường trục ấp, liên ấp các tuyến đường thường xuyên được kiểm tra, duy tu bảo dưỡng, bảo trì và bảo đảm an toàn giao thông, có tối thiểu 5% số km đường nhựa hoá hoặc bê tông hoá.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến chưa an tâm bởi việc duy tu, sửa chữa các tuyến đường cũng chỉ giải quyết tình trạng đường xuống cấp, hư hỏng. Mấu chốt chính là các ngành chức năng cần có giải pháp khác như nâng tải trọng các tuyến đường nông thôn mới, có biện pháp xử lý đối với các xe quá tải trọng cho phép, nhưng vẫn cố tình lưu thông.

Thiên Tâm

Tây Ninh phấn đấu đến năm 2020 có 46/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 14 xã biên giới), phấn đấu có 5 xã (đã đạt chuẩn nông thôn mới) nâng cấp đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Phấn đấu huyện Hoà Thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới, thành phố Tây Ninh là đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt từ 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm còn 1,3%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 81% trở lên; tỷ lệ hộ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 99%. 

Ước tính tổng mức vốn huy động cho đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019-2020 là 5.344 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách 1.761 tỷ đồng, vốn tín dụng 2.705 tỷ đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp, nhân dân, tổ chức kinh tế khác là 893 tỷ đồng.