Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vì sao giá cát tăng đột biến ?
Thứ năm: 23:58 ngày 25/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chưa đầy một tuần, kể từ ngày 20.4, khi UBND tỉnh có chỉ đạo tạm dừng hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá cát xây dựng tăng cao bất thường và chưa có dấu hiệu “đứng” lại, khiến nhiều người “lao đao”, nhất là những người có thu nhập thấp cần nhà ở.

Một bãi cát ở Tân Châu (ảnh chụp ngày 23.4.2019).

Liệu có tình trạng “đầu cơ’?

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch lát vỉa hè ở Hoà Thành cho biết, ngay sau khi UBND tỉnh có văn bản yêu cầu tạm dừng khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, ngày 21.4, chỉ trong 1 ngày, giá cát đã tăng 3 lần. “Lúc trước, doanh nghiệp chúng tôi đặt hàng một đơn vị giao cát tận nơi với giá hai triệu tám trăm ngàn một xe mười khối.

Đến ngày 21.4, buổi sáng giá cát tăng lên ba triệu đồng một xe, buổi trưa tăng lên ba triệu sáu trăm ngàn đồng và đến chiều thì tăng lên bốn triệu đồng một xe. Giá cát tăng chóng mặt như thế này cùng lúc với giá xăng dầu, điện cùng tăng giá khiến các doanh nghiệp như chúng tôi rất khó khăn. Giá thành tăng cao nhưng giá sản phẩm không thể tăng do cạnh tranh. Điều này tất yếu dẫn đến việc chất lượng sản phẩm bị giảm nếu doanh nghiệp muốn tồn tại, bởi không còn cách nào khác”, chủ doanh nghiệp trên trăn trở.

Chủ một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng ở huyện Hoà Thành cho biết, hiện cát xây dựng được cửa hàng này bán cho khách với giá 500.000 đồng/m3. Trong khi khoảng nửa tháng trước, giá cát xây dựng được cửa hàng bán ra khoảng 300.000 đồng - 350.000 đồng/m3. Còn chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng ở thành phố Tây Ninh tỏ ra nghi ngờ giá cát tăng là do các “đầu nậu” tìm cách ghim hàng, tạo khan hiếm để tăng giá bán trước thông tin tạm ngưng hoạt động khai thác cát 2 tháng trong hồ Dầu Tiếng.

Theo một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng ở Trảng Bàng, trước khi có văn bản yêu cầu tạm dừng khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng vài ngày, giá cát trong hồ đã rục rịch tăng từ 20.000 đến 30.000 đồng/m3 và doanh nghiệp khai thác cát cũng hạn chế bán.

Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành văn bản trên, giá cát lập tức “leo thang”. Từ khoảng 220.000 đồng/m3, các cửa hàng vật liệu xây dựng là “mối lâu năm” của các doanh nghiệp khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng đã phải mua với giá 350.000 đồng/m3 ngay tại bãi. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp khai thác cát đều hạn chế lượng bán ra. Sau khi được đưa về Trảng Bàng, cát hồ Dầu Tiếng đã có giá bán thấp nhất là 450.000 đồng/m3.

“Chắc họ chờ cho đến khi cát khan hiếm hơn sẽ tung ra bán với giá cắt cổ. Hiện nay, tôi ước tính thử thì nhận thấy, nếu bán như trước, tối đa chừng khoảng một tháng kể từ ngày UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu tạm ngưng khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, lượng cát đang trữ tại các bãi cát trong hồ sẽ được bán hết.

Có lẽ nhiều người trông chờ lúc đó giá cát sẽ tăng cao hơn nữa nên hiện giờ cát được họ bán rất hạn chế, bán kiểu nhỏ giọt. Có doanh nghiệp ở huyện Tân Châu gần như không bán ra dù còn trữ một khối lượng cát rất lớn. Do cát ở đây có chất lượng rất tốt nên doanh nghiệp nọ luôn bán cao hơn nơi khác từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đồng một khối”- chủ doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng ở Trảng Bàng nhận định.

 Một nhà thầu xây dựng ở Tân Châu bức xúc cho rằng có hiện tượng đầu cơ và lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi. “Ngay trước khi UBND tỉnh có chủ trương tạm dừng khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng thì hầu hết các doanh nghiệp khai thác cát trong hồ đã hạn chế bán cát và tăng giá bán. Đến khi UBND tỉnh có chủ trương thì họ đẩy giá bán cát gần gấp đôi so với trước.

Mặt khác, ở ngoài khu vực hồ Dầu Tiếng cũng đang có nhiều người trữ cát hồ với số lượng khá lớn. Đây là dịp để giới đầu cơ làm giàu, trong khi người dân, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, các nhà thầu thi công công trình khốn đốn”, ông này nói.

Cát sông “thừa nước đục thả câu”

Theo khảo sát của người viết, hiện nay, một số công trình xây dựng ở khu công nghiệp, ở một dự án lớn trên tuyến biên giới đã bị chậm tiến độ do giá cát tăng quá cao. “Chúng tôi vẫn duy trì việc thi công nhưng một số hạng mục sử dụng nhiều bê tông, cát sẽ bị chậm tiến độ. Đến khi giá cát ổn định trở lại, chúng tôi sẽ tăng tốc thi công”, nhà thầu thi công một công trình thủy lợi nói.

Giá cát hồ Dầu Tiếng tăng cao khiến cát sông cũng được dịp tăng theo. Theo một cửa hàng vật liệu xây dựng ở Trảng Bàng, khoảng 1 tuần trước, giá cát sông Sài Gòn loại một tối đa chỉ khoảng 200.000 đồng/m3. Tuy nhiên hiện tại, giá cát sông bán tại bãi cho mối quen đã là 350.000 đồng/m3, giá bán lẻ là 400.000 đồng/m3 cho người mua.

Anh Lâm (ngụ xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành) cho biết, anh đang “đau đầu” với giá cát do chi phí xây dựng nhà tăng cao. Khi anh khởi công, giá cát chỉ hơn 300 ngàn đồng/m3. Nay nhà mới xây xong phần móng thì giá cát tăng vùn vụt khiến anh lo lắng về khoản chi phí phát sinh. Do đó, có thể anh sẽ phải bớt đi một số hạng mục công trình phụ so với thiết kế ban đầu để không phải nợ nần nhiều. Một số nhà thầu thi công nhà dân dụng cũng lao đao vì đã lỡ ký hợp đồng thi công với chủ đầu tư, giờ giá cát tăng cao nên cầm chắc lỗ vốn.

Lượng cát ít ỏi ở một cửa hàng vật liệu xây dựng (ảnh chụp ngày 23.4.2019).

Theo ghi nhận thực tế tại một số doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn huyện Tân Châu và hồ Dầu Tiếng ngày 23.4, dù tàu hút cát đã được các doanh nghiệp đưa vào bờ neo đậu sau chỉ đạo tạm ngưng của UBND tỉnh, nhưng khối lượng cát được khai thác trước đó vẫn còn khá nhiều và có nhiều phương tiện đến mua.

BẢO TÂM - NGHĨA NHÂN

Giá cát được UBND tỉnh công bố trên địa bàn tỉnh là 245.000 đồng/m3. Tuy nhiên, thực tế thì một số doanh nghiệp khai thác cát thừa nhận giá cát hiện được họ bán ra tại bãi dao động từ  300 - 350 ngàn đồng/m3 (có xuất hoá đơn VAT). Theo các doanh nghiệp này, sở dĩ họ bán cát với giá cao hơn mức giá mà UBND tỉnh đã công bố là do tăng theo sự điều tiết giá cả của thị trường; do chi phí nhân công tăng; do giá nhiên liệu (xăng, dầu) tăng.

Việc các doanh nghiệp khai thác, mua bán cát xây dựng tự ý bán giá cao hơn mức giá UBND tỉnh công bố liệu có được phép? Về vấn đề này, một cán bộ lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, Sở chỉ tham mưu ban hành giá cát xây dựng trên địa bàn tỉnh. Còn việc giá cát lên hay xuống là do thị trường điều tiết bởi cát xây dựng không nằm danh mục các mặt hàng cần bình ổn giá.

Trước việc giá cát tăng cao và chưa có dấu hiệu chững lại, người dân và doanh nghiệp xây dựng, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng... trông chờ UBND tỉnh có những biện pháp “kiềm chế” hiệu quả trong thời gian tới.
Tin cùng chuyên mục