Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vì sao HLV Park vẫn giữ Công Phượng ở lại tuyển Việt Nam?
Thứ hai: 16:41 ngày 11/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bổ sung Hoàng Đức, Trọng Hùng, HLV Park Hang-seo nâng tổng số tiền vệ công ở tuyển Việt Nam lên 5 người. Còn cơ hội nào cho Công Phượng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt ấy?

Chiều 10/11, tuyển Việt Nam rút gọn danh sách xuống 25 cầu thủ trước thềm 2 trận Vòng loại World Cup 2022 với UAE và Thái Lan. Ba sự bổ sung của ông Park từ U22 mang tên Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Trọng Hùng và Nguyễn Hoàng Đức. Hai trong ba người này có sở trường chơi tiền vệ công, tiền đạo lùi.

Như vậy, ông Park đã nâng tổng số tiền vệ công/tiền đạo lùi của tuyển Việt Nam lên con số 5. Đó lần lượt là Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Trọng Hùng và Nguyễn Hoàng Đức. 5 người cho 2 trận nghĩa là cơ hội cho mỗi người sẽ giảm đi đáng kể.

Nguy cơ dành cho Công Phượng đang hiển hiện rõ ràng.

Không được đăng ký thi đấu tại Bỉ và mất cảm giác bóng, Công Phương đang đối mặt khó khăn.

Không được thi đấu thì làm sao có cảm giác bóng?

Hai lựa chọn hàng đầu của ông Park đương nhiên là Quang Hải và Văn Toàn. Người thứ nhất là đương kim Quả bóng Vàng Việt Nam, Cầu thủ hay nhất Đông Nam Á. Người thứ hai đã đá chính 5 trận liên tiếp ở đội tuyển, chơi ổn định trong màu áo HAGL với 9 bàn tại V.League 2019. Công Phượng không có cơ hội cạnh tranh cùng họ.

Những thống kê nói rằng Công Phượng đang dần đánh mất vị trí ở tuyển Việt Nam. Lần gần nhất Phượng chơi đủ 90 phút là khi Việt Nam gặp Curacao tại chung kết King’s Cup hồi tháng 6. Hôm ấy, anh không ghi bàn, bất lực trước hàng thủ mạnh của đội bạn và đá hỏng phạt đền. Trong trận gặp Thái Lan hồi tháng 9, Phượng dự bị và chỉ vào sân ở hiệp hai.

Anh đá chính một trận duy nhất tại vòng loại World Cup trước Malaysia nhưng bị thay ra ở phút 63. Đến trận gặp Indonesia, ông Park có vẻ đã mất hết kiên nhẫn. Công Phượng ngồi ngoài cả buổi còn đội tuyển Việt Nam ghi 3 bàn vào lưới đối thủ trên sân khách.

Lần cuối cùng Công Phượng ghi bàn cho tuyển quốc gia là khi nào? Hôm ấy là ngày 20/1 trước Jordan ở Asian Cup, tức là cách đây gần 1 năm. Đó cũng là lúc Phượng chưa chuyển sang châu Âu chơi bóng.

Khi gia nhập Sint-Truidense, Phượng đối mặt với một môi trường hoàn toàn mới, một phong cách bóng đá mới. Anh không chỉ vắng mặt trên sân mà còn vắng mặt trên băng ghế dự bị. Trước Cercle Brugge rạng sáng 10/11, Công Phượng có trận thứ 10 liên tiếp không được đăng ký. Mỗi khi tuyển Việt Nam tập trung, Phượng chỉ về nước trước trận 2-3 ngày. Thiếu cảm giác thi đấu là vấn đề nghiêm trọng nhất với Công Phượng vào lúc này.

Đoàn Văn Hậu cũng dự bị ở châu Âu như Công Phượng nhưng anh được chơi cho đội trẻ nên vẫn duy trì được cảm giác.

So với Văn Hậu, Công Phượng bất lợi hơn hẳn. Cầu thủ của Heerenveen cũng ngồi ngoài nhưng được đăng ký liên tục. Anh cũng đá khá nhiều trận cho đội trẻ. Cảm giác bóng của Văn Hậu vẫn được duy trì chứ không biến mất như Công Phượng, người chơi ở vị trí tấn công, vốn đòi hỏi nhiều cảm hứng, cần được duy trì liên tục qua thực tế sân cỏ.

Vấn đề của Công Phượng là thứ ông Park đã nhìn thấu từ lâu. Chia sẻ với báo giới hôm 23/9, ông Park nói: “Mỗi lần trở về theo lịch FIFA, họ (Công Phượng, Văn Hậu - PV) chỉ có 3 ngày tập luyện cùng đội tuyển. Họ cũng phải thích ứng với sự khác biệt lớn về múi giờ, ngôn ngữ. Dù họ chơi ở giải vô địch quốc gia lớn hay nhỏ, điều quan trọng nhất với một cầu thủ là cậu ta phải được ra sân. Công Phượng ít được đá quá. Tôi đang rất lo”.

Hiểu rõ tiềm năng của Công Phượng, ông Park không bỏ rơi mà đã trao anh khá nhiều cơ hội. Dù chỉ là phương án hai, Phượng đã có 4/5 trận ra sân kể từ King’s Cup tới nay. Nhưng đáp lại, Phượng làm được gì?

Đến khi Việt Nam đấu Indonesia, ông Park mới lần đầu hết kiên nhẫn. Trận cầu ở Bali chỉ là một ngày xấu trời của Công Phượng, hay đó là bước ngoặt trong suy nghĩ của HLV?

Hoàng Đức là trụ cột ở U22 Việt Nam và sẽ sớm thành đối thủ cạnh tranh vị trí của Công Phượng ở tuyển Việt Nam.

Những đối thủ mới của Công Phượng

Khi Công Phượng chưa tự mình giải được câu hỏi ấy, ông Park có vẻ đã tìm thấy phương án khác. Hai sự bổ sung mang tên Trọng Hùng và Hoàng Đức là bằng chứng cho thấy ông Park cần lựa chọn mới ở vị trí tiền vệ công.

Với Hoàng Đức, việc anh được triệu tập lên tuyển quốc gia không hề bất ngờ. Ngôi sao của Viettel đã đá chính và thể hiện ấn tượng tại Vòng loại U23 châu Á hồi tháng 3. Anh có ngoại hình đẹp, kỹ thuật rất tốt và sở hữu lối chơi dị biệt. Sinh năm 1998, Hoàng Đức còn rất trẻ, thậm chí đủ tuổi ra sân ở SEA Games 2021 tại Việt Nam.

Cùng với Hoàng Đức, đây là lần thứ hai liên tiếp Trọng Hùng được điền tên vào danh sách rút gọn của tuyển Việt Nam. Trước đó, tiền vệ sinh năm 1997 đã có mặt trong đội hình Việt Nam thắng Malaysia 1-0 ở Mỹ Đình. Đó là bằng chứng khẳng định Trọng Hùng “có suất” trong những kế hoạch của ông Park Hang-seo.

Dù họ chơi ở giải vô địch quốc gia lớn hay nhỏ, điều quan trọng nhất với một cầu thủ là cậu ta phải được ra sân. Công Phượng ít được đá quá. Tôi đang rất lo.

HLV Park Hang-seo

So với Công Phượng, những người mới ấy cũng có tài năng. Họ còn trẻ hơn, có tương lai hơn và quan trọng nhất là đều đang thi đấu ổn định, liên tục cả ở cấp độ CLB lẫn U22 Việt Nam. Nếu ông Park muốn cấy những hạt giống cho tương lai, ông rõ ràng đang có 2 lựa chọn chính xác.

Cuộc cạnh tranh của Công Phượng thậm chí còn khốc liệt hơn trong năm 2020 khi tuyển Việt Nam đón chào sự trở lại của Phan Văn Đức. Đương kim Quả bóng Đồng Việt Nam đang hồi phục từng ngày. Anh vốn là cầu thủ đá chính trên hàng công tuyển Việt Nam bên cạnh Quang Hải, nằm trong nhóm những nhân vật quan trọng bậc nhất trong triều đại Park Hang-seo. Nhìn cách ông Park nâng niu Văn Đức, ai cũng hiểu vị trí của anh ở tuyển Việt Nam.

So với các đối thủ, Công Phượng nắm không nhiều lợi thế. Anh thể hiện phong độ không ấn tượng, ít thời gian tập luyện cùng đội và quan trọng là không được thi đấu.

Với Công Phượng lúc này, được góp mặt ở tuyển Việt Nam đã là thành công.

Nguồn Zing

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục