Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vì sao hoạt động khai thác cát xây dựng trong lòng hồ Dầu Tiếng luôn là “điểm nóng”?
Thứ tư: 00:34 ngày 01/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước những ý kiến phản ánh của dư luận như xe tải không qua trạm cân bãi cát… thiết nghĩ trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền của tỉnh cần ghi nhận và lưu ý vấn đề này để kịp thời chấn chỉnh những doanh nghiệp hoạt động không chấp hành quy định.

Xe tải lấy cát đều phải chạy qua trạm cân được lắp đặt tại bãi cát theo quy định.

Thời gian qua, hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp trong lòng hồ Dầu Tiếng luôn được dư luận quan tâm. Mặc dù UBND tỉnh đã có nhiều động thái chấn chỉnh quyết liệt và các doanh nghiệp đã chấp hành các quy định pháp luật về khai thác khoáng sản. Thế nhưng, thỉnh thoảng dư luận lại đặt những vấn đề liên quan đến khai thác cát xây dựng trong lòng hồ Dầu Tiếng.

KHÔNG CHỈ CÓ TỈNH TÂY NINH CẤP PHÉP CHO HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC CÁT

Địa hình hồ Dầu Tiếng liên quan đến 3 tỉnh gồm Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Với diện tích 27.000 ha (tỉnh Tây Ninh: 20.107 ha; Bình Dương: 5.927 ha; Bình Phước: 965 ha), ứng với mực nước dâng bình thường là 24,4m, với dung tích chứa 1,58 tỷ mét khối.

Hiện tại, khu vực lòng hồ Dầu Tiếng có 23 giấy phép khai thác khoáng sản cát, trong đó Tây Ninh 15 giấy phép; Bình Dương 7 giấy phép; Bình Phước 1 giấy phép. Đồng thời có 9 tổ chức đã thực hiện thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản đến nay chưa được cấp phép khai thác, trong đó có 5 đơn vị đã phê duyệt trữ lượng khoáng sản, 4 đơn vị đã cấp phép thăm dò.

Như vậy, việc khai thác cát xây dựng trong hồ Dầu Tiếng không chỉ có tỉnh Tây Ninh cấp phép, tỉnh Bình Dương và Bình Phước cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện khai thác.

Tuy nhiên, do hồ Dầu Tiếng có diện tích khá lớn nằm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, cũng như chiếm số đông về số lượng doanh nghiệp được cấp phép nên hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh luôn được dư luận quan tâm hơn các tỉnh lân cận là vấn đề dễ hiểu.

Vậy với số lượng doanh nghiệp được cấp phép hoạt động nhiều như vậy, tỉnh Tây Ninh có giải pháp nào để quản lý hoạt động này đúng theo quy định, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm của các doanh nghiệp, không để thất thoát ngân sách Nhà nước?

Thực tế, việc quản lý các doanh nghiệp khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh những năm qua luôn được tỉnh chú trọng quan tâm giám sát thường xuyên. Ngay từ năm 2019, tỉnh Tây Ninh đã thành lập tổ tác nghiệp liên ngành để xử lý những vấn đề liên quan đến hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng.

Kết quả đã cho thấy, sau gần 4 năm tổ tác nghiệp hoạt động, tình trạng các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vi phạm trong hoạt động khai thác cát đã hạn chế rõ rệt.

Các doanh nghiệp đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong việc khai thác khoáng sản qua các đợt kiểm tra của tổ tác nghiệp. Trong đó nổi lên là việc tổ tác nghiệp cùng các tỉnh lân cận, Công ty TNHH khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà đã trục xuất nhiều tàu hút cát không nằm trong danh sách tàu hút cát mà doanh nghiệp đăng ký với cơ quan có thẩm quyền ra khỏi hồ Dầu Tiếng.

Việc trục xuất các tàu không đăng ký đã hạn chế tình trạng khai thác cát lậu trong hồ Dầu Tiếng, hạn chế được tình trạng cạnh tranh không công bằng của các doanh nghiệp, thất thoát nguồn thu Nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản cát xây dựng.

Thế nhưng trong những ngày đây, dư luận lại cho rằng, hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp trong khu vực hồ Dầu Tiếng, thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh không chấp hành đúng các quy định pháp luật như chưa bảo đảm công tác môi trường, xe tải chở cát không qua trạm cân của bãi cát... gây thất thu ngân sách Nhà nước.

CÁC DOANH NGHIỆP THUỘC ĐỊA BÀN TÂY NINH CHẤP HÀNH TỐT CÁC QUY ĐỊNH

Trước sự quan tâm của dư luận, ngày 14.5, tổ tác nghiệp của UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà kiểm tra việc chấp hành quy định trong hoạt động khai thác cát đối với các doanh nghiệp khai thác cát tại hồ Dầu Tiếng.

Đoàn kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp khai thác cát trên địa phận 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Kết quả kiểm tra các doanh nghiệp khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh cho thấy, phương tiện khai thác được gắn logo, định vị hành trình và đúng theo công suất thẩm định của Sở Công Thương; đã lắp đặt camera, trạm cân, truyền dữ liệu từ trạm cân vào máy tính và được cơ quan có chức năng tiến hành đăng kiểm đưa vào hoạt động; đã xây dựng ao lắng; có thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy theo quy định; hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định; được Tổng cục Thuỷ lợi và UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động trong công trình thuỷ lợi theo quy định của Luật Thuỷ lợi và Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14.5.2018 của Chính phủ…

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có: 111 phương tiện, trong đó tổng số phương tiện của 15 giấy phép được kiểm tra là: 95 phương tiện (trong đó 11 giấy phép đã hoạt động trở lại với 73 phương tiện, 4 giấy phép chưa hoạt động trở lại với 22 phương tiện (trong đó có 16 phương tiện chưa được Sở Công Thương thẩm định công suất). Tổng số phương tiện chưa có giấy phép khai thác là: 16 phương tiện.

Tổng số phương tiện tại thời điểm kiểm tra là 111, so với lần kiểm tra năm 2018 là 162 phương tiện, giảm 51 phương tiện, so với năm 2020 là 94 (78 phương tiện nằm trong kế hoạch khai thác, 16 phương tiện chưa được Sở Công Thương thẩm định công suất), tăng 17 phương tiện. Tổng số 14 bến, so với lần kiểm tra năm 2018 là 18 bến, giảm là 4 bến, so với năm 2020 là 14 bến, không tăng.

 Nhằm theo dõi chất lượng nước mặt hồ Dầu Tiếng vào mùa khô đến ngày 30.4.2022, để có biện pháp xử lý kịp thời khi chất lượng nước có dấu hiệu ô nhiễm, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh (đơn vị lấy mẫu và phân tích chất lượng nước) lấy mẫu nước hằng tuần (mỗi tuần một lần) tại 4 vị trí: cửa xả ra kênh Tân Hưng; cửa xả ra kênh Tây; cửa xả ra kênh Đông; cửa xả đập chính hồ Dầu Tiếng.

Các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đều có hồ lắng bảo vệ môi trường theo quy định.

 Nhìn chung các đợt quan trắc chất lượng nước hồ Dầu Tiếng ổn định so với thời điểm cuối tháng 3 và tháng 4.2021, chất lượng nước có chuyển biến tốt hơn. Kết quả quan trắc được so sánh với QCVN 08-MT:2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt), thì các chỉ tiêu phân tích trung bình đều đạt cột A2 (sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp) và cột B1 (dùng cho mục đích tưới tiêu thuỷ lợi).

Dù kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy các doanh nghiệp khai thác cát khu vực hồ Dầu Tiếng trên địa bàn tỉnh đã chấp hành các quy định về hoạt động khai thác cát, bảo đảm công tác bảo vệ môi trường, thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ.

Tuy nhiên, trước những ý kiến phản ánh của dư luận như xe tải không qua trạm cân bãi cát… thiết nghĩ trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền của tỉnh cần ghi nhận và lưu ý vấn đề này để kịp thời chấn chỉnh những doanh nghiệp hoạt động không chấp hành quy định.

Thiên Tâm

Tin cùng chuyên mục