Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đại diện Cục Thuế TPHCM cho biết, trước khi cơ quan thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế cũng như đề nghị cơ quan công an thực hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế nhiều lần gửi thông báo đến người nợ thuế.
Gửi thông báo nợ thuế nhiều lần
Sáng 14/7, tại chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” tháng 7/2024 với chủ đề “Cải cách việc thực hiện thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số - Sự hài lòng của người dân”, một số cử tri nêu thực tế có một số trường hợp người dân ra đến sân bay mới biết mình bị cấm xuất cảnh do nợ thuế. Cử tri kiến nghị ngành thuế có giải pháp để thông tin điện tử hay hướng dẫn người dân tra cứu để có ứng xử phù hợp.
Việc phạt nợ thuế, cấm xuất cảnh diễn ra liên tục thời gian gần đây.
Trả lời cử tri, ông Trần Minh Quốc - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế TPHCM - cho biết, theo quy định của Luật Quản lý thuế và Luật Xuất nhập cảnh thì trước khi cơ quan thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế cũng như đề nghị cơ quan công an thực hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đều gửi thông báo nợ thuế đến người nộp thuế nhiều lần.
Ông Quốc lưu ý cử tri khi có những thay đổi thông tin về địa chỉ đăng ký với cơ quan thuế thì phải thông tin và đăng ký bổ sung kịp thời để nhận được các thông báo của cơ quan thuế liên quan đến nghĩa vụ thuế của mình.
Về việc tra cứu nghĩa vụ nộp thuế, đại diện Cục Thuế TPHCM cho biết, người nộp thuế là tổ chức, cá nhân có thể tra cứu qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế.
Mặt khác, để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, từ năm 2020 ngành thuế đã triển khai ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di động cho cá nhân trên phạm vi toàn quốc. Qua nhiều lần nâng cấp, ứng dụng cũng có rất nhiều thông tin, tiện ích cho người dân như tra cứu nghĩa vụ thuế, nộp thuế trực tiếp trên ứng dụng, tra cứu thông tin quyết toán thuế thu nhập cá nhân hoặc tra cứu thông tin người phụ thuộc…
“Sắp tới, cơ quan thuế sẽ phối hợp cơ quan công an tích hợp các thông tin nghĩa vụ thuế vào tài khoản định danh VNeID của cá nhân để người dân có thể dễ dàng theo dõi và kiểm soát tình trạng nghĩa vụ thuế của mình”, ông Quốc cho hay.
Phép nước thua lệ làng?
Trao đổi về hoạt động chuyển đổi số của chính quyền thành phố, cử tri Nguyễn Hữu Ngữ (quận Bình Tân) cho biết, hiện tại còn nhiều bất cập trong triển khai đến từ một bộ phận cán bộ, công chức. Nhiều cơ quan vẫn yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu dù loại giấy tờ này đã hết hiệu lực từ tháng 1/2023 theo Luật Cư trú năm 2020.
Cử tri Nguyễn Hữu Ngữ trao đổi tại chương trình (ảnh chụp màn hình).
Ông Ngữ kể: Tuần trước, khi đi đăng ký học cho con ở một trường công lập cấp 1, mặc dù tôi đến lần thứ hai vẫn không được giải quyết mà vẫn yêu cầu cung cấp sổ hộ khẩu.
“Người ta nói rằng đây là quy định riêng của trường. Chính quyền thành phố cần phải có những biện pháp quyết liệt để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, không còn gây khó khăn cho người dân, tránh để xảy ra tình trạng “phép vua thua lệ làng”, trên quy định một đàng, dưới làm một nẻo”, ông Ngữ góp ý.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TPHCM khẳng định, yêu cầu trên của trường học đối với ông Ngữ là không phù hợp.
Theo Luật Cư trú năm 2020 và Nghị định 174, sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị sử dụng từ ngày 1/1/2023. Bộ Công an với vai trò là thường trực giúp việc cho tổ công tác Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ban ngành rà soát các thủ tục có liên quan đến sổ hộ khẩu để điều chỉnh cho phù hợp mà không bắt buộc người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải thông tin với cử tri.
Công an TPHCM đã tham mưu cho lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền thành phố tiến hành rà soát và yêu cầu các đơn vị khi giải quyết các thủ tục hành chính không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu.
“Tuy nhiên, như phản ánh của cử tri thì vẫn còn một số cơ quan, đơn vị yêu cầu, chưa thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Chúng tôi đề nghị các đơn vị phải chấn chỉnh ngay vấn đề này”, Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải nói.
Nguồn TPO