BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vì sao nhiều nông dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra ? 

Cập nhật ngày: 12/06/2019 - 07:12

BTN - Việc chậm trễ triển khai công tác hỗ trợ các hộ bị thiệt hại là do các địa phương thiếu sót trong việc thực hiện hồ sơ thống kê thiệt hại theo quy định, chứ không phải tỉnh chậm trễ.

Mì mới trồng của người dân tại huyện Dương Minh Châu bị ngập, hư hại do ảnh hưởng của cơn bão số 9.

Ngay sau khi ảnh hưởng của bão số 9 (tháng 11.2018) gây thiệt hại cho nhiều nông dân Tây Ninh, ngày 27.11.2018, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có Công Văn số 146/VPTT-KHTH yêu cầu các huyện, thành phố kiểm tra, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại và thực hiện các bước hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị hỗ trợ thiệt hại theo quy định.

Đây là việc làm hết sức cần thiết nhằm phần nào giảm bớt thiệt hại của người dân do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 9 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Thế nhưng, nửa năm sau khi cơn bão số 9 đi qua, nhiều hộ nông dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Kê khai xong rồi... chờ

Tại huyện Dương Minh Châu, ngay sau khi thiên tai xảy ra, cơ quan chức năng đã xuống hiện trường ghi nhận thiệt hại của từng hộ. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp huyện, cơn bão số 9 ngày 25.11.2018 đã làm thiệt hại hơn 10 ha lúa; trên 4.888 ha mì và các loại hoa màu; 17,4 ha cây ăn trái, cây công nghiệp và hơn 2,7 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hộ nào bị thiệt hại được nhận tiền hỗ trợ theo quy định.

Vụ Hè Thu năm 2018, ông Dương Văn Định (ngụ ấp Phước Lễ, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu) trồng hơn 15 ha mì. Thế nhưng, do bị ảnh hưởng của cơn bão số 9, toàn bộ diện tích mì của ông gần như bị mất trắng, tổng thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Theo ông Định, ngay sau đợt mưa bão, chính quyền đã xuống hiện trường kiểm tra và yêu cầu ông kê khai hồ sơ thiệt hại để được hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 2375/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Sau 2 đợt kê khai từ ngày 27.11 đến cuối tháng 12.2018, đến nay gia đình ông Định vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ thiệt hại.

Ông Trần Văn Sỉu (ngụ ấp Phước Lễ, xã Phước Ninh) cũng bị thiệt hại hơn 11 ha mì và hoa màu do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9. Ông Sỉu cho biết, chuyện thiệt hại vừa qua là sự xui rủi trong làm ăn. Tuy nhiên, nếu nông dân nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, họ sẽ được động viên và có thêm điều kiện tái sản xuất. Do đó, khi nghe chính quyền địa phương thông báo kê khai để được nhận hỗ trợ, bản thân ông cảm thấy “rất ấm lòng”. Thế nhưng, đã hơn 6 tháng trôi qua, ông cùng những người nông dân khác bị thiệt hại do thiên tai vẫn chưa nghe ai đề cập đến việc được nhận tiền hỗ trợ như đã thông tin ban đầu.

Còn theo bà Lê Thị Sợt (ngụ ấp Bàu Dài, xã Phước Ninh), nhà bà có tổng cộng trên 0,9 ha rau màu và mì bị thiệt hại, giá trị khoảng hơn 20 triệu đồng. Bà rất mong được Nhà nước hỗ trợ để có tiền mua giống tái sản xuất. Thế nhưng đến vụ gieo trồng Đông Xuân 2019, bà cũng chưa nhận được tiền hỗ trợ thiệt hại.

Không chỉ ở huyện Dương Minh Châu, nhiều nông dân bị thiệt hại về cây trồng do cơn bão số 9 gây ra ở huyện Châu Thành đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Ông N.V.P (ngụ ấp Sa Nghe, xã An Cơ) cho biết, vụ Hè Thu vừa qua, ông bị thiệt hại gần 2 ha mì do mưa bão, mất trắng khoảng 50 triệu đồng. Ông P mong sớm được nhận tiền hỗ trợ thiệt hại để có thêm chút vốn tái sản xuất. Tuy nhiên, đến nay, ông P vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ.

Chậm nhận tiền… do hồ sơ thống kê chưa đầy đủ, sai sót

Theo ông Nguyễn Trung Du- Cán bộ Giao thông - Thuỷ lợi - Nông nghiệp xã Phước Ninh, do công tác thống kê thiệt hại có sai sót, UBND xã yêu cầu các hộ bị thiệt hại kê khai lại nên mất nhiều thời gian. Hiện nay, hồ sơ kê khai của xã đã trình huyện và chờ phê duyệt của tỉnh, khi nào có kinh phí xã sẽ giải ngân hỗ trợ ngay cho các hộ bị thiệt hại.

Ông Đặng Thanh Hải- Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, việc nông dân ở huyện chậm được nhận tiền hỗ trợ thiệt hại từ cơn bão số 9 là do quá trình thực hiện thống kê, điều tra ở địa phương còn thiếu sót, cán bộ lập hồ sơ chưa đầy đủ. Khi huyện trình lên cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh thẩm định thì bị trả về yêu cầu bổ sung lại nên mất thêm thời gian.

Qua kiểm tra cho thấy do cán bộ thực hiện công tác này có sơ suất nên UBND huyện yêu cầu cán bộ ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương phải xuống tận từng nhà người dân để làm lại hồ sơ cho hoàn chỉnh. Đến nay, hồ sơ đã hoàn chỉnh và đang trình cơ quan có thẩm quyền của tỉnh xem xét thẩm định.

Theo ông Lê Anh Tâm- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 9 gây mưa giông thiệt hại về nhà ở, các công trình giao thông và hoạt động sản xuất của 7/9 huyện, thành phố với tổng giá trị ước tính trên 20 tỷ 067 triệu đồng.

Ngày 27.11.2018, Thường trực Ban Chỉ huy (BCH) phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có Công văn số 146/VPTT-KHTH yêu cầu các huyện, thành phố khẩn trương kiểm tra, thống kê mức độ ảnh hưởng của cơn bão số 9. Đến nay đã có 3 huyện được tỉnh phê duyệt, chuyển kinh phí hỗ trợ thiệt hại về địa phương là Hoà Thành, Tân Châu và Tân Biên.

 Đối với các huyện còn lại, do công tác thống kê chưa đầy đủ nên từ cuối năm 2018, Thường trực BCH đã yêu cầu các địa phương này bổ sung đầy đủ theo quy định. Tuy nhiên, do các huyện gửi chậm nên đến nay còn hồ sơ của 3 huyện là Dương Minh Châu, Châu Thành và Trảng Bàng đang được Văn phòng Thường trực BCH thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ người dân.

 Ông Tâm cho biết thêm là theo quy định, hồ sơ các địa phương gửi về Văn phòng nếu đầy đủ thì tối đa 15 ngày sẽ trình Thường trực BCH thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ. Như vậy, việc chậm trễ triển khai công tác hỗ trợ các hộ bị thiệt hại là do các địa phương thiếu sót trong việc thực hiện hồ sơ thống kê thiệt hại theo quy định, chứ không phải tỉnh chậm trễ.

Minh Dương - Thiên Tâm