Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Có thể nhận thấy, hồ sơ của bà Châu Thị Khoa đang bị “chuyền” lòng vòng từ bộ phận một cửa sang Phòng TN&MT, VPÐKÐÐ, rồi đến “cơ quan có thẩm quyền như trong bản án”.
Ông Tùng - chồng bà Khoa trình bày vụ việc.
Cách nay 12 năm, bà Châu Thị Khoa và chồng là ông Phan Thanh Tùng - ngụ ấp Sóc Lào, xã Ðôn Thuận, huyện Trảng Bàng có mua một mảnh đất khoảng 850m2 của ông Lê Văn Tài (ở cùng địa phương) và sử dụng ổn định từ đó cho đến nay. Tuy nhiên, việc kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với mảnh đất này là cả một quá trình đầy gian nan, bức xúc.
BẢN ÁN TUYÊN ÐÃ RÕ
Vợ chồng bà Khoa trình bày, mãi đến sau này mới rõ khó khăn trong việc cấp “sổ đỏ” là do cơ quan chức năng cấp đất không đúng đối tượng, sai vị trí thửa đất. Thực tế, phần đất trên đã được cấp “qua tay” cho nhiều người. Cụ thể, Văn bản số 63 ngày 11.4.2018 của UBND huyện, phần đất 850m2 nằm trong tổng diện tích đất 2.222m2 mà UBND huyện Trảng Bàng đã cấp cho vợ chồng ông bà Phạm Hồng Thái và Phạm Thị Hết.
Nguồn gốc đất là của ông Lê Văn Tài sang nhượng cho bà Châu Thị Khoa (hợp đồng viết tay vào năm 2007), bên nhận sang nhượng đã sử dụng ổn định từ đó cho đến nay. Trước đó, năm 2004, bà Lê Thị Ngọc Anh (ngụ cùng địa phương) làm đơn đăng ký và được UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSDÐ thửa số 1229, 1250, tờ bản đồ số 20 với diện tích 6.703m2 tại ấp Sóc Lào. Trong đó, có bao gồm phần diện tích đất 2.222m2 thuộc thửa số 1229, tờ bản đồ 20.
Tháng 7.2008, bà Anh lập hợp đồng tặng cho phần đất 2.222m2 cho con ruột là chị Nguyễn Thị Ngọc Hồng và được UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSDÐ số H02031 vào tháng 9.2008. Năm 2011, chị Hồng chuyển nhượng diện tích đất 2.222m2 cho ông Thái và bà Hết. Tiếp đến, ông Thái và bà Hết đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSDÐ số CH03431.
Văn bản số 63 nêu trên của UBND huyện Trảng Bàng còn nhận định: “Qua kết quả kiểm tra thực tế, việc bà Anh làm đơn đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDÐ tại thửa 1229 là không đúng vị trí đất mà bà Anh đang sử dụng. Do đó, việc UBND huyện Trảng Bàng cấp “sổ đỏ” cho chị Hồng và vợ chồng ông Thái là không đúng”. Gia đình bà Khoa liên tục khiếu nại, yêu cầu huỷ một phần giấy chứng nhận QSDÐ đã cấp cho ông Thái và bà Hết, để bà Khoa thực hiện thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất.
Bà Khoa nộp đơn đến TAND huyện Trảng Bàng. Ngày 8.11.2016, TAND huyện ra Thông báo số 32 trả đơn, lý do vụ kiện thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính. Bà Khoa lại gửi đơn xin điều chỉnh giấy chứng nhận QSDÐ tại UBND huyện. Tháng 12.2016, UBND huyện lại hướng dẫn bà Khoa đến nộp đơn tại TAND huyện.
Ngày 14.12.2016, bà Khoa thực hiện theo hướng dẫn của huyện, nộp đơn trở lại TAND huyện. Lần này, toà đồng ý thụ lý giải quyết vụ kiện dân sự. Chưa dừng lại ở đó, ngày 11.8.2017, TAND huyện ban hành Quyết định số 78/2017/QÐST-DS đình chỉ giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà. Gia đình bà Khoa đã nộp đơn kháng cáo quyết định đình chỉ giải quyết vụ án lên Toà cấp tỉnh.
Ngày 16.10.2017, TAND tỉnh ban hành Quyết định số 21 đình chỉ phúc thẩm do bà Khoa rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo. Tiếp đến, ngày 4.1.2018, bà Khoa có đơn khởi kiện tại TAND tỉnh. Toà nhận định: “Trường hợp này cũng cần được xem xét là trở ngại khách quan được quy định tại khoản 4 Ðiều 116 Luật tố tụng hành chính nên thời hiệu khởi kiện vẫn còn… Ðây là vụ án khởi kiện yêu cầu huỷ một phần quyết định hành chính của UBND huyện, vụ việc thuộc thẩm quyền thụ lý giải quyết của TAND tỉnh”.
Tại Bản án số 06 ngày 17.5.2018 của TAND tỉnh (về việc khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai), UBND huyện Trảng Bàng nêu rõ quan điểm: “… đề nghị TAND tỉnh Tây Ninh xét xử vụ án đúng theo quy định của pháp luật. Sau khi bản án có hiệu lực, UBND huyện sẽ thực hiện theo nội dung thuộc thẩm quyền của Toà án”.
Bản án số 06 của TAND tỉnh tuyên xử: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Châu Thị Khoa, huỷ một phần giấy chứng nhận QSDÐ số CH03431 do UBND huyện Trảng Bàng cấp cho ông Thái và bà Hết vào ngày 21.4.2011. Kiến nghị UBND huyện điều chỉnh giấy chứng nhận QSDÐ đất số CH03431. Ðối với phần diện tích đất của bà Khoa, giao UBND huyện thực hiện đo đạc đúng theo thực tế và thực hiện cấp giấy chứng nhận QSDÐ cho bà Khoa theo đúng quy định của Luật Ðất đai…”. Bản án không có kháng cáo.
TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?
Từ đây, bà Khoa liên tục yêu cầu UBND huyện sớm thực hiện theo nội dung bản án để vợ chồng bà có “sổ đỏ” vay vốn làm ăn (gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn). Tuy nhiên, UBND huyện cứ hẹn hết lần này đến lần khác… mà “sổ đỏ” vẫn chưa làm xong.
Ngày 23.10.2018, bà Khoa nộp hồ sơ vụ việc tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện (bộ phận một cửa). Theo nội dung giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả, “bà Khoa yêu cầu giải quyết cấp giấy chứng nhận QSDÐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người đã đăng ký QSDÐ lần đầu”. Thời gian đến hẹn trả kết quả giải quyết hồ sơ là vào lúc 9 giờ ngày 20.11.2018.
Ðến hẹn, ông Tùng - chồng bà Khoa liên hệ UBND huyện để nhận kết quả, bộ phận một cửa lại ghi kế bên ngày đã hẹn thêm ngày 14.1.2019 (tức hẹn lại vào ngày này- ông Tùng cho biết). Ðến hẹn, “sổ đỏ” vẫn chưa làm xong. Ngày 26.2.2019, bộ phận một cửa lại đưa tiếp giấy hẹn cho bà Khoa đến ngày 26.3.2019 quay lại nhận kết quả. Ðến hẹn, bộ phận một cửa lại dùng bút bi ghi kế bên ngày hẹn cũ… thêm ngày 18.4.2019. Ðến hẹn, “sổ đỏ” cũng vẫn chưa được làm xong. Ngày 6.5.2019, bộ phận một cửa lại đưa tiếp cho bà Châu Thị Khoa giấy hẹn nhận kết quả vào ngày 3.6.2019.
Vì sao bộ phận một cửa không đúng hẹn với bà Khoa? Ðược biết, ngày 18.4.2019, Phòng TN&MT có Văn bản số 110 gửi cho bộ phận một cửa và bà Khoa với nội dung như sau: “Phòng TN&MT có nhận được hồ sơ của bà Khoa do bộ phận một cửa thuộc UBND huyện và VPÐKÐÐ chuyển đến…
Sau khi tiến hành thẩm tra hồ sơ theo yêu cầu của bà Khoa, Phòng TN&MT nhận thấy: Trường hợp thu hồi cấp lại theo bản án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Phòng Tài nguyên và Môi trường, đề nghị bà Khoa liên hệ VPÐKÐÐ để được giải quyết. Do vậy, hồ sơ của bà Châu Thị Khoa, Phòng TN&MT không tham mưu UBND huyện giải quyết. Nay Phòng TN&MT giao lại toàn bộ hồ sơ cho bộ phận một cửa thuộc UBND huyện, để bộ phận này thông báo và trả lại hồ sơ cho bà Châu Thị Khoa”.
Ngày 22.4.2019, VPÐKÐÐ cũng có Văn bản số 01 gửi cho bà Châu Thị Khoa với nội dung như sau: “Sau khi tiến hành thẩm tra hồ sơ theo yêu cầu của bà Khoa, VPÐKÐÐ đã chuyển hồ sơ lên Phòng TN&MT vào ngày 26.2.2019. Theo bản án số 06 ngày 17.5.2018 của TAND tỉnh… thì hồ sơ của bà Khoa thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện. Nay VPÐKÐÐ bàn giao lại toàn bộ hồ sơ cho bà Châu Thị Khoa, để bà liên hệ cơ quan có thẩm quyền như trong bản án đã tuyên để thực hiện”.
Có thể nhận thấy, hồ sơ của bà Châu Thị Khoa đang bị “chuyền” lòng vòng từ bộ phận một cửa sang Phòng TN&MT, VPÐKÐÐ, rồi đến “cơ quan có thẩm quyền như trong bản án”.
“Tóm lại, quả bóng trách nhiệm thuộc về ai, trong khi gia đình tôi đã nhận khá nhiều giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả từ UBND huyện Trảng Bàng. Gia đình tôi thật sự không còn đủ kiên nhẫn để trông chờ vào những tờ giấy hẹn kiểu tương tự. Bản án của TAND tỉnh đã tuyên khá rõ. Quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vợ chồng tôi đã phải khốn khổ vì chuyện đi xin được cấp “sổ đỏ” trong suốt nhiều năm qua, chúng tôi còn phải khổ đến bao giờ?” - ông Tùng, chồng bà Khoa bức xúc.
Ngày 9.5.2019, ông Nguyễn Văn Lam - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết: “Huyện sẽ rà soát lại toàn bộ hồ sơ vụ việc của bà Châu Thị Khoa, sau đó sẽ có hướng xem xét cấp giấy chứng nhận QSDÐ cho bà theo đúng quy định của pháp luật”.
QUỐC SƠN