Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vì sao ông Park Hang-seo muốn đánh bại Nishino và Thái Lan?
Thứ năm: 10:25 ngày 05/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đại chiến Thái Lan - Việt Nam, duyên nợ Park Hang-seo - Akira Nishino, cuộc đối đầu Hàn Quốc - Nhật Bản, tất cả gia vị mạnh nhất cho bữa tiệc đã được dọn sẵn trên đất Thái.

Lịch sử bóng đá châu Á ghi nhận hai chiến công lớn nhất tại World Cup thuộc về Hàn Quốc ở bán kết năm 2002 và Nhật Bản tại vòng 16 đội năm 2018. Đó đồng thời là thành tích tốt nhất của Hàn Quốc và Nhật Bản, hai nền bóng đá đối địch, ở sân chơi thế giới.

Khi tuyển Việt Nam gặp Thái Lan hôm 5/9, số phận đã sắp đặt để những người làm nên hai kỳ tích ấy gặp lại nhau. Ông Park là trợ lý của Guss Hiddink tại World Cup 2022 còn HLV Akira Nishino là người đưa Nhật Bản vào vòng 16 đội tại World Cup 2018.

Xét riêng thành tích ở cấp đội tuyển, họ là hai trong số những HLV hay nhất lịch sử bóng đá châu Á.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ hoàn toàn giống nhau. Cùng bắt đầu sự nghiệp ở các đội tuyển quốc gia, HLV Park và ông Nishino đã bước theo những con đường hoàn toàn khác biệt.

Sau khi World Cup 2002 khép lại, HLV Guus Hiddink đột ngột chia tay tuyển Hàn Quốc. Nền bóng đá vừa giành hạng 4 thế giới bàng hoàng vì sự ra đi của Hiddink và cần gấp một phương án thay thế trong bối cảnh Asian Games 2002 tại Busan đã tới rất gần. HLV Park Hang-seo và ông Chung Hae-seong, những trợ lý Hàn Quốc của Hiddink, là hai ứng viên. Quyết định từ chối sau đấy của ông Chung khiến HLV Park trở thành lựa chọn duy nhất.

 

Mọi thứ diễn ra vội vàng đến nỗi ông Park và Hiệp hội Bóng đá Hàn Quốc còn không đủ thời gian đàm phán hợp đồng. Chia sẻ với báo giới tại Trung tâm tập huấn Paju hôm 9/9, HLV Park Hang-seo xác nhận đôi bên không đạt được thỏa thuận mức lương: “Con số mà hiệp hội đưa ra là không thể hiểu được. Khoảng cách giữa mức lương đó và đề nghị của tôi chênh lệch quá lớn”.

Những tính toán ban đầu muốn Park Hang-seo dẫn dắt Hàn Quốc tới Olympic 2004. Nhưng việc đội tuyển chỉ giành HCĐ Asian Games đã đặt dấu chấm hết cho cuộc phiêu lưu của ông Park. Với một nền bóng đá đang giữ hạng tư thế giới, HCĐ Asian Games là thành tích không thể chấp nhận được.

Ngược lại với ông Park, HLV Nishino bắt đầu sự nghiệp cùng các đội trẻ Nhật Bản, nhưng ông ngay lập tức tạo nên cơn địa chấn với “Phép lạ Miami” tại Olympic mùa hè năm 1996. Đối mặt Olympic Brazil hùng mạnh, đội bóng khi ấy sở hữu Ronaldo béo, Rivaldo, Cafu, Roberto Carlos, tuyển trẻ Nhật Bản đã đánh bại đối thủ với tỷ số 1-0, khiến cả thế giới chấn động. Tuy Nhật Bản không thể vượt qua vòng bảng năm đó, thắng lợi trên vẫn là cột mốc chói lọi của Nishino nói riêng và bóng đá Nhật nói chung.

Khác với ông Park, HLV Nishino chưa từng phải làm trợ lý ở tuyển Nhật Bản. Khi Vahid Halilhodzic bị sa thải trước thềm World Cup 2018, Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Nhật Bản Kozo Tashima một lần nữa phải liên lạc với Nishino.

Lúc ấy là tháng 4 và World Cup chỉ còn cách 2 tháng. Bên cạnh cuộc khủng hoảng trên băng ghế huấn luyện, tuyển Nhật cũng đã thua 3 trong 5 trận đấu chuẩn bị gần nhất. Không nhiều người tin rằng Nishino có thể làm điều kỳ diệu trong áp lực khủng khiếp, với quỹ thời gian eo hẹp.

Phần còn lại đã trở thành lịch sử khi Nhật Bản vượt qua vòng bảng, đánh bại đại diện Nam Mỹ Colombia, chơi một trận để đời trước tuyển Bỉ, đội bóng sau đó giành hạng ba thế giới.

Trong khi HLV Park Hang-seo chỉ là giải pháp tình thế của Hàn Quốc thì ông Nishino luôn là lựa chọn đẳng cấp của Nhật Bản. Một người là trợ lý thì người kia là HLV trưởng. Những sự khác biệt trên chặng đường đầu tiên ấy đã ảnh hưởng rất lớn tới toàn bộ sự nghiệp của cả hai sau này.

 

3 năm sau Asian Games 2005, HLV Park Hang-seo mới tìm được công việc ở CLB vừa thành lập Gyeongnam. Ngày ông Park ra mắt, báo giới địa phương hỏi: “Vì sao HLV Chung Hae-seong, người cùng làm việc ở World Cup 2002, đã thành công còn ông thì không? Ông có áp lực vì điều đó”.

HLV Park Hang-seo mỉm cười, thừa nhận mình chịu áp lực.

Luôn là như vậy, suốt sự nghiệp của mình, ông Park đã phải đối diện câu hỏi ấy. Trong các HLV xuất thân từ tuyển Hàn Quốc 2002, ông là người có sự nghiệp chật vật nhất. Trợ lý Hà Lan Pim Verbeek hay HLV Chung Hae-seong đều đã có các thành tựu lớn ở cấp độ CLB. Chỉ một mình HLV Park Hang-seo chật vật mãi.

Đến lúc đấy, người ta mới nhìn ra vấn đề của HLV Park. Giải nghệ từ năm 1988, ông Park chỉ thực sự bắt đầu công việc huấn luyện ở đẳng cấp cao kể từ World Cup 2002. Gyeongnam tại K.League 2006 mới là đội bóng đầu tiên mà ông làm HLV trưởng.

Tính cả tuyển Việt Nam, ông Park mới dẫn dắt 6 đội bóng. Quãng thời gian tại vị ở từng đội của ông không dài, thường xuyên bị ngắt quãng. Khởi đầu quá muộn khiến ông không thể bứt lên trong thế giới HLV vốn đã phát triển rất nhanh trong thời đại khoa học thể thao, khiến ông không thể đạt được những thành tựu tương xứng với tài năng và thường xuyên rơi vào cảnh “thất nghiệp”. Trước khi đến Việt Năm năm 2017, ông Park đang gắn bó với đội hạng ba Changwon City.

Ở chiều ngược lại, HLV Nishino bắt đầu với U20 Nhật Bản ngay từ năm 1991, sớm 11 năm so với người đồng nghiệp Hàn Quốc. Trong gần 3 thập kỷ đã qua, ông Nishino hiếm khi có thời gian rảnh rỗi. Ông gắn bó cả với các đội tuyển và CLB khá lâu, giành nhiều thành tựu, luôn được săn đón.

Trong khi HLV Park Hang-seo dành phần lớn thời gian cho các đội bóng hạng dưới hoặc ở nhóm cuối K.League, ông Nishino luôn làm việc tại các CLB tốp đầu. Thành tích đưa Chunnam Dragons non trẻ tới hạng 4 mùa 2009 giúp ông Park được ca ngợi là “Park ma thuật”. Nhưng HLV Nishino thì đã vô địch cả J.League lẫn AFC Champions League, là HLV hay nhất châu Á mùa 2008.

Trước trận Thái Lan - Việt Nam, họ từng gặp nhau hai lần ở vòng bảng AFC Champions League 2008. Nishino dẫn dắt Gamba Osaka còn Park nắm Chunnam Dragons. Nishino thắng một, hòa một.

Chia sẻ với báo giới Việt Nam hôm 27/8, HLV Park Hang-seo thừa nhận: “Về phương diện cá nhân, chúng tôi khá hiểu nhau. Ông ấy nhiều tuổi hơn, có kinh nghiệm hơn tôi. Đó là một HLV giỏi”.

Khởi đầu quá muộn trong sự nghiệp huấn luyện và thất bại đầu tiên ở Olympic Hàn Quốc đã ảnh hưởng tới bước đà của HLV Park Hang-seo trong những giai đoạn sau đó. Ông Park không đạt tới thành công tương xứng với năng lực của mình ở cấp độ CLB. Trong khi ở chiều ngược lại, HLV Nishino vươn tới mọi đỉnh cao của nghề huấn luyện ở châu Á.

 

Sau 11 năm kể từ cuộc đối đầu ở AFC Champions League, số phận lại khiến họ gặp nhau một lần nữa. Nhưng lần này, áp lực thuộc về phía Nishino.

Ông Nishino tới Thái Lan trong bối cảnh các đội tuyển quốc gia nước này liên tục thất bại trước Việt Nam. Ông có nhiệm vụ vực dậy người khổng lồ khu vực đang tổn thương. Bởi thế, ông được trọng vọng hết mức. Người Thái phải qua Nhật Bản đàm phán với Nishino. Họ bị ê kíp của ông “quần” cho tơi tả, thông tin hợp đồng hỗn loạn cả sau khi đã ký kết. Ông Nishino có tới 2 buổi họp báo ra mắt và được trao toàn quyền ở tuyển Thái Lan ngay từ ngày đầu tiên.

Bên kia chiến tuyến, người đại diện của HLV Park phải chủ động gửi hồ sơ xin việc tới Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Ông Park ra mắt ngay tại trụ sở liên đoàn, trong một phòng họp đơn giản. Kỳ vọng ban đầu chỉ là cải thiện tình trạng đi xuống của bóng đá Việt hậu SEA Games 29.

Nhiều nguồn tin tiết lộ ông Nishino nhận lương từ 70.000 tới 80.000 USD/tháng, không kém là bao so với Sven-Goran Eriksson khi HLV này còn dẫn dắt tuyển Philippines. Trong khi đó, lương của ông Park chỉ vào khoảng 20.000 USD/tháng.

Vì ông Park không được kỳ vọng từ đầu, thành tựu của ông đã quá vĩ đại. Vì Nishino được quá nhiều ưu ái, áp lực dành cho ông sẽ rất lớn.

Khác với lần đối đầu 11 năm trước, HLV Park Hang-seo đã được trang bị thêm rất nhiều “vũ khí” trong ngày tái đấu Nishino. Ông sở hữu một đội tuyển mạnh, một lứa cầu thủ đầy kinh nghiệm ở châu Á, đối đầu với địch thủ mà chính ông đã đánh bại tới hai lần trong năm nay. Ông hành quân tới sân khách, không chịu áp lực phải thắng còn Thái Lan đang ngập trong lửa hận, phải tấn công vì được đá ở sân nhà.

Bên phía đối diện, sự trở lại của Chanathip Songkrasin không đủ để khỏa lấp hết những băn khoăn nơi Nishino. Hai tiền đạo của ông mới ghi 4 bàn từ đầu mùa trong khi thủ môn số một không được ra sân ở CLB. Báo giới Thái Lan tạo quá nhiều áp lực trong khi kỳ vọng chiến thắng từ hiệp hội đang lên quá cao.

10 ngày làm việc có lẽ chưa đủ để ông thuộc tên hết các học trò. Vậy mà ông Nishino vẫn phải thắng để rửa món nợ tại King’s Cup đồng thời dọn đường cho một chiến dịch vòng loại World Cup hứa hẹn còn khó khăn hơn cả 4 năm trước.

Trước đây, các đội tuyển và HLV Việt Nam thường chịu áp lục nặng nề khi hành quân tới đất Thái. Trong cuộc đối đầu tại Thammasat lần này, cán cân đã thay đổi.

 

 

Những phóng viên Việt Nam có mặt tại phòng họp báo sân Al Maktoum (UAE) trước trận Việt Nam - Nhật Bản ở Asian Cup 2019 chắc vẫn nhớ bầu không khí ngột ngạt tại đó. Đấy là lần duy nhất ở Asian Cup, phóng viên Việt Nam bị áp đảo về số lượng bởi những người đồng nghiệp tới từ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Rất nhiều tờ báo Đông Á gọi trận Việt Nam - Nhật Bản ở Asian Cup là “một cuộc đối đầu khác giữa Hàn Quốc và Nhật Bản”. Khung cảnh ấy cũng từng xuất hiện trước đó khi Olympic Việt Nam gặp Nhật Bản ở vòng bảng Asian Games 18.

Những người Hàn Quốc nghĩ về cuộc đấu với Nhật Bản còn hơn cả những người Việt Nam nghĩ về cuộc đấu với Thái Lan. Khi Nhật Bản và Hàn Quốc gặp nhau, đó không đơn giản là câu chuyện về trái bóng. Đó là cuộc chạm trán của hai cường quốc kinh tế - văn hóa hàng đầu châu lục. Đó là cuộc đối đầu giữa hai quốc gia nhiều duyên nợ.

 

Sau này, trợ lý Lee Young-jin nhớ lại: “Khi bạn mang dòng máu Hàn Quốc, bạn có những lý do cá nhân để khao khát đánh bại Nhật Bản. Trước trận, tôi đã hỏi cầu thủ Việt Nam về mối kình địch với Thái Lan. Họ dường như cũng hiểu Nhật Bản và Hàn Quốc có những lý do lịch sử cho mối kình địch này. Họ hiểu tại sao người Hàn Quốc ghét bại trận trước đội Nhật Bản.”.

Ngắn gọn hơn, HLV Park Hang-seo nói trong phòng họp báo hôm ấy: “Ngày mai, tôi và các cầu thủ của mình sẽ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng trước Nhật Bản”.

Nhật Bản cũng là cái tên đầy duyên nợ với ông Park. Sự nghiệp cầu thủ của ông chỉ đá một trận duy nhất cho tuyển Hàn Quốc vào ngày 8/3/1981. Hôm ấy, Hàn Quốc thắng Nhật Bản với tỷ số 1-0. Ông Park bảo đó là ký ức sống mãi, là kỷ niệm đẹp mà cả cuộc đời ông không bao giờ quên.

Chất kình địch ấy sẽ tiếp tục được duy trì trong cuộc đối đầu giữa Thái Lan và Việt Nam vào tối 5/9. Ngoài ông Park, ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam đang có gần chục người Hàn Quốc nữa. Đại chiến Thái Lan - Việt Nam, duyên nợ Park Hang-seo - Nishino, kình địch lịch sử Hàn Quốc - Nhật Bản, tất cả những gia vị mạnh nhất cho bữa tiệc bóng đá trên đất Thái đã được dọn sẵn.

Sự chú ý sẽ được dồn về Thammasat, nơi 2 HLV từng ghi dấu tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh gặp lại nhau vì giấc mơ World Cup kế tiếp.

 

Nguồn Zing

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục