BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vì sao sông Vàm bị ô nhiễm? 

Cập nhật ngày: 28/04/2020 - 23:43

BTN - Thời gian gần đây, nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông chảy qua địa phận các huyện Châu Thành, Hoà Thành, Gò Dầu liên tục bị ô nhiễm nặng nề, nước sông hôi thối dẫn đến cá nuôi bè của người dân chết hàng loạt, ảnh hưởng đến môi trường sống. Dư luận hết sức quan tâm đến việc xác định nguyên nhân làm dòng sông bị ô nhiễm.

Nước sông Vàm Cỏ Đông chuyển màu đen kịt, bốc mùi hôi thối.

Hệ thống kênh rạch đổ ra sông bị ô nhiễm nặng 

Theo phản ánh của người dân, hầu hết những tuyến kênh rạch tại các khu dân cư có trục gần sông Vàm Cỏ Đông nhiều năm qua đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Những tuyến kênh này dẫn nước thải sinh hoạt và hoạt động sản xuất nhỏ lẻ của hàng trăm ngàn hộ dân đổ ra sông Vàm mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nào. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dòng sông ngày càng ô nhiễm nặng nề hơn.

Tại cống Kiểu, bắc ngang đường thuộc địa bàn ấp Xóm Mới 1, xã Trí Bình, huyện Châu Thành, dòng nước thải ở con mương này có màu trắng sữa liên tục tuôn ra từ miệng cống xuống phía dưới dòng nước bọt nổi trắng xoá, bốc mùi hôi thối. Theo người dân địa phương, tuyến cống này là nơi dẫn nước thải của cả khu vực thị trấn huyện Châu Thành, bao gồm cả nước thải của các hộ làm bún, đổ thẳng ra sông Vàm.

Bà N.T.B, một người dân sống khu vực này cho rằng, với mức độ ô nhiễm nặng như hiện nay của sông Vàm, chắc chắn đây không phải là nguyên nhân chính, vì lượng nước thải không thể lớn đến mức làm nước sông đổi màu, bốc mùi hôi thối cả một đoạn dài hàng chục cây số.

Tuyến kênh Gò Kén, phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành từ nhiều năm qua bị ô nhiễm trầm trọng, nước kênh lúc nào một màu đen quánh, bốc mùi hôi thối hết sức khó chịu. Một người dân cho biết, đây là kênh tiêu của khu vực thị xã Hoà Thành, với nhiều loại nước thải - từ sinh hoạt của người dân đến hoạt động chế biến thực phẩm của một số cơ sở nhỏ lẻ trên địa bàn. Điều đáng nói là nước từ tuyến kênh này liên tục đổ thẳng ra rạch Tây Ninh, từ đây chảy ra sông Vàm Cỏ Đông, góp phần trở thành nguồn gây ô nhiễm dòng sông.

Ở cầu Rạch Rễ, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành, là nơi nhận nước thải các nhà máy chế biến khoai mì trên địa bàn xã Trường Đông chảy về rồi đổ thẳng ra sông nước có màu hơi đen, điều đó dẫn đến tuyến kênh này bị ô nhiễm có việc xả thải của các nhà máy sản xuất tinh bột mì.

Dòng nước kênh tại cống Kiểu, xã Trí Bình, huyện Châu Thành chảy tiếp ra sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm nặng nề.

Đầu nguồn bị ô nhiễm nhưng không phát hiện nhà máy nào xả lén nước thải (!?)

Theo UBND huyện Châu Thảnh, UBND huyện có nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc nước sông Vàm Cỏ Đông đoạn từ ấp Bến Trường, xã Hảo Đước trở lên hướng biên giới, từ bến đò Cây Ổi lên bến đò Mường Hỏi, xã Phước Vinh, ô nhiễm, hôi thối và tanh, rất khó chịu. Đặc biệt, người dân còn cho biết, con rạch bên tay trái hướng lên biên giới cách bến đò Cây Ổi 500m, nước chảy ra rất đặc và khó chịu.

Ngày 10.4, UBND huyện kiểm tra và ghi nhận đoạn sông Vàm Cỏ Đông từ bến phà Cây Ổi đến rạch Nàng Dình và rạch Cầu Da, lục bình xuất hiện dày đặc gây cản trở lưu thông phương tiện đường thuỷ, nước sông có mùi hôi. Người dân sống tại khu vực này cho biết, nước sông có mùi hôi khoảng 2 tuần và tại thời điểm kiểm tra đã giảm so với trước. UBND huyện đã kiểm tra những điểm xả thải của các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì trên địa bàn các xã Phước Vinh, An Cơ, Hoà Hội nhưng nguồn nước tại các điểm này không có mùi hôi.

Trước đó, ngày 2.3, khi phát hiện cá nuôi bè tại xã Phước Vinh bị chết, UBND huyện đã báo cáo và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) lấy mẫu nước sông từ đoạn bến Băng Dung đến bến Bực Lỡ, nơi có 2 hộ dân nuôi cá bè có cá chết. Kết quả phân tích cho thấy, nước sông tại đoạn này có nhiều chỉ số vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mặt - QCVN 08:2015/BTNMT, cột B dùng cho mục đích tưới tiêu thuỷ lợi hoặc mục đích khác khi có yêu cầu chất lượng tương tự.

Sở TN&MT kiểm tra các nhà máy chế biến mì tại các xã Phước Vinh, huyện Châu Thành và xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên, hệ thống xử lý nước thải của các nhà máy vẫn hoạt động bình thường. 

Cũng theo UBND huyện, do đến ngày 13.4, trên địa bàn huyện có mưa lớn, kéo dài nên tình trạng mùi hôi trên sông Vàm đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, để phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng các nhà máy xả thải ra môi trường khi chưa xử lý, huyện tiếp tục chỉ đạo Phòng TN&MT huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguồn xả thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Riêng đối với tình trạng lục bình dày đặc gây cản trở giao thông đường thuỷ, UBND huyện giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND các xã ven sông tiếp tục xử lý tình trạng cắm cọc chà chắn giữ lục bình trong kênh rạch. UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn tiếp tục kiểm tra nguồn nước đầu nguồn, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm trên sông Vàm Cỏ Đông; Sở Giao thông Vận tải (GTVT) kiểm tra, đẩy mạnh việc thu gom, trục với lục bình, hạn chế phân huỷ lục bình gây ô nhiễm nguồn nước.

Nước kênh Gò Kén ô nhiễm nặng, có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối, con kênh này chảy ra rạch Tây Ninh rồi đổ ra sông Vàm Cỏ Đông.

Nước sông ô nhiễm do thay đổi thời tiết?

Theo Sở TN&MT, sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc nước sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm, Sở phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố khảo sát. Kết quả cho thấy, từ tháng 3.2020 nước sông đã bắt đầu tăng nồng độ các thông số ô nhiễm. Nguyên nhân được xác định đang vào mùa khô nên nhiệt độ nước sông thay đổi nhanh giữa ban đêm và ban ngày, thời tiết nắng nóng, lưu lượng dòng chảy của các sông, suối xuống thấp, nguồn nước ô nhiễm cao. 

Từ ngày 12.4 đến ngày 13.4, trên địa bàn tỉnh diễn ra mưa lớn nhiều nơi, cuốn theo nhiều tạp chất, chất bẩn, bùn tích tụ, tồn đọng từ các cống rãnh, cánh đồng chảy vào hệ thống kênh rạch, mương thoát nước đổ ra sông Vàm Cỏ Đông làm gia tăng mức độ ô nhiễm.

Đồng thời dưới tác động dòng chảy đổ vào sông, thuỷ triều sông ảnh hưởng đến cấu trúc địa chất có lượng bùn đáy lớn, yếm khí lâu ngày tạo mùi hôi, nước màu đen. Bên cạnh đó, lục bình phát triển dày đặc trên sông, đặc biệt đoạn sông từ xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên về đến khu vực xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành. 

Để tăng cường bảo vệ môi trường nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông, Sở TN&MT đề nghị các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn thải, chất lượng sông nước trên địa bàn quản lý, xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước các sông, suối trên địa bàn huyện mùa khô 2020.

Đồng thời khuyến cáo, vận động người dân cùng giám sát, nhằm phát hiện, có thông tin về ô nhiễm môi trường để kịp thời xử lý. Khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin phản ánh phải tiến hành kiểm tra, xác minh, thông tin vụ việc, lấy mẫu nước sông, nước thải tại nơi người dân phản ánh.

Vấn đề đặt ra, hiện nay trên sông Vàm Cỏ Đông có rất nhiều nguồn xả thải ra sông, không ít nguồn xả thải từ các doanh nghiệp sản xuất, chăn nuôi. Do đó, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Vàm Cỏ Đông. Có như thế mới bảo vệ được nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông.

Thế Nhân - Minh Dương


Liên kết hữu ích