Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vì sao tạm dừng đánh giá giáo viên theo chuẩn bằng cấp ?
Thứ bảy: 00:06 ngày 19/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) vừa ban hành công văn gửi các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục hướng dẫn tạm thời việc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo chuẩn năm học 2020-2021.

Giáo viên tiểu học trong giờ dạy.

Ðể bảo đảm việc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo chuẩn, thực hiện đúng theo các quy định mới của Luật Giáo dục về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên (Ðiều 72, Luật Giáo dục 2019) và lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (Nghị định số 71/2020/NÐ-CP ngày 30.6.2020), Bộ GD&ÐT hướng dẫn tạm thời việc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo chuẩn năm học 2020-2021. Cụ thể như sau:

Tại thời điểm này, Bộ GD&ÐT đang xây dựng văn bản quy định tạm ngừng hiệu lực của quy định về đạt chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên, cán bộ quản lý trong chuẩn nghề nghiệp, chuẩn hiệu trưởng các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Do đó, năm học 2020-2021, các Sở GD&ÐT chỉ đạo cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tạm dừng việc đánh giá và báo cáo kết quả đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo chuẩn cho tới khi có quy định mới được ban hành. Ðiều này nhằm bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.

Sau khi có quy định mới, các Sở GD&ÐT tổ chức cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tự đánh giá theo chuẩn bảo đảm đúng chu kỳ đánh giá; báo cáo kết quả về Bộ GD&ÐT và nhập kết quả đánh giá lên hệ thống TEMIS (đối với giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông).

Trước khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực (1.7.2020), ngày 30.6.2020, Chính phủ ban hành Nghị định 71/2020/NÐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Ðiều 2 của Nghị định 71 quy định đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo. Cụ thể, giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 1.7.2020 còn đủ 7 năm công tác đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1.7.2020 còn đủ 8 năm công tác đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 7 năm công tác đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1.7.2020 còn đủ 7 năm công tác đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Ðiều 3 của Nghị định 71 nêu, nguyên tắc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên phải bảo đảm phù hợp với thực trạng đội ngũ giáo viên, điều kiện của các cơ sở giáo dục, địa phương; không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy.

Việc xác định đối tượng giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo phải bảo đảm đúng độ tuổi, trình độ đào tạo của giáo viên. Ưu tiên bố trí những giáo viên còn đủ tối thiểu năm công tác tính đến tuổi nghỉ hưu theo quy định để tham gia đào tạo trước.

Trường hợp giáo viên không còn đủ năm công tác, không thuộc đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo thì thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ÐT. Việc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên phải bảo đảm khách quan, công khai, công bằng và hiệu quả.

Nghị định 71 quy định lộ trình nâng chuẩn văn bằng đối với những giáo viên mầm non, phổ thông chưa đạt chuẩn thành hai giai đoạn, từ 2025-2030.

Theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng sư phạm, giáo viên phổ thông phải có bằng đại học. Giáo viên nào chưa đạt chuẩn về văn bằng đào tạo thì sẽ xem như chưa đạt chuẩn đào tạo. Trong khi đó, để có được văn bằng đạt chuẩn theo quy định của luật, giáo viên phải mất ít nhất hai năm theo học. Như vậy, nếu đánh giá chuẩn đào tạo về văn bằng của giáo viên ngay sau khi Luật Giáo dục năm 2019 là không thể thực hiện được.

Từ khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực, việc có tiếp tục đào tạo nâng chuẩn đối với giáo viên chưa đạt chuẩn văn bằng hay không, đào tạo như thế nào (tập trung hay chỉ học theo từng mô-đun), giáo viên có phải đóng học phí hay không... cũng chưa có sự thống nhất.

Trước thực tế đó, tháng 8.2020, Bộ GD&ÐT ban hành Thông tư số 24 quy định điều kiện giáo viên chưa đạt chuẩn văn bằng tiếp tục được đứng lớp.

Theo tinh thần này, trong hai năm liên tiếp liền kề trước năm thông tư này có hiệu lực, giáo viên có kết quả đánh giá, xếp loại đạt chuẩn nghề nghiệp trở lên hoặc được phân loại, đánh giá viên chức (xếp loại chất lượng viên chức) ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên, có đủ sức khoẻ thì tiếp tục bố trí công tác giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu theo quy định; giáo viên có kết quả đánh giá, xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp và có một năm phân loại, đánh giá viên chức (xếp loại chất lượng viên chức) ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì không bố trí giảng dạy, được sắp xếp tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để bố trí sang vị trí việc làm khác phù hợp tại cơ sở giáo dục cho đến khi nghỉ hưu theo quy định.

Giáo viên không đủ sức khoẻ, có nguyện vọng nghỉ hưu, đủ các điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì được nghỉ hưu theo quy định.

Giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo quy định, tuỳ vào trường hợp cụ thể có thể thực hiện các quy định về thôi việc và tinh giản biên chế theo các quy định hiện hành.

Ðiều 5 của Thông tư 24 quy định kế hoạch sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo. Cụ thể, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo, báo cáo Phòng GD&ÐT tổng hợp. Phòng GD&ÐT chủ trì, phối hợp với Phòng Nội vụ xây dựng kế hoạch trình UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phê duyệt trước ngày 15.12.2020 để triển khai thực hiện.

Thực tế cho thấy, đến nay, những quy định nêu trên chưa thể thực hiện được.

Việt Ðông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh