BAOTAYNINH.VN trên Google News

VỤ ÔNG NGUYỄN VĂN VĨNH KIỆN BIDV TÂY NINH:

Vì sao toà cấp dưới không thực hiện quyết định của TAND tối cao ? 

Cập nhật ngày: 16/07/2017 - 13:54

BTN - Ðó là vụ án của ông Nguyễn Văn Vĩnh kiện Ngân hàng thương mại cổ phần Ðầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Tây Ninh (gọi tắt là BIDV Tây Ninh) yêu cầu huỷ kết quả bán đấu giá tài sản, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại do ngân hàng bán đấu giá không đúng quy định diễn ra từ năm 2005.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh .

NGUỒN GỐC VỤ VIỆC

Các cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã 3 lần đưa vụ án ra xét xử nhưng đều không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Vĩnh. Tuy nhiên, cả 3 lần bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, cơ quan THADS tổ chức thi hành án, thì cả 3 lần đều bị dừng lại vì TANDTC có kháng nghị và quyết định giám đốc thẩm huỷ các bản án sơ thẩm, phúc thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh và TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh đề nghị xét xử lại.

Mới đây, lần thứ ba, ông Vĩnh nhận được quyết định giám đốc thẩm của TANDTC với nội dung huỷ Bản án số 237/2013/DSPT của TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh và Bản án số 04/2013/DS-ST của TAND tỉnh Tây Ninh, đề nghị TAND tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm lại.

Theo đó, Hội đồng giám đốc thẩm tham gia xét xử vụ án ông Vĩnh kiện BIDV Tây Ninh yêu cầu “Huỷ kết quả bán đấu giá, đòi bồi thường thiệt hại và đòi tài sản là QSDД lần này có 13 thành viên, do Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình chủ toạ phiên toà.

Theo Quyết định giám đốc thẩm, nội dung vụ án như sau, trong đơn khởi kiện ngày 15.4.2005 và quá trình tố tụng, vào tháng 4.1996, ông Vĩnh vay BIDV Tây Ninh 100 triệu đồng, thế chấp quyền sử dụng đất (QSDÐ) diện tích 7.700m2 tại ấp Trường Huệ, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành.

Do không có tiền trả nợ, BIDV Tây Ninh khởi kiện ra toà. TAND huyện Hoà Thành quyết định ông Vĩnh có trách nhiệm trả gốc và lãi trên 136 triệu đồng.

Ông Vĩnh không tự nguyện thi hành nên ngày 13.3.1998, Ðội Thi hành án Hoà Thành (nay là Chi cục THADS huyện Hoà Thành) tiến hành bán đấu giá tài sản thông qua Trung tâm bán đấu giá Tây Ninh, sau hai lần bán đấu giá thành nhưng người mua đều bỏ cọc không mua.

Sau đó, Ðội Thi hành án giao tài sản cho BIDV Tây Ninh tổ chức bán đấu giá. Năm 2002, bà Ngô Thị Vân trúng đấu giá 385 triệu đồng, BIDV Tây Ninh thu tiền gốc và lãi trên 235 triệu đồng.

Ngày 30.8.2002, BIDV Tây Ninh đo đạc và giao 7.700m2 đất cho bà Vân, phần còn lại là 943,6m2 đất giao lại cho ông Vĩnh (do kết quả đo đạc thực tế lớn hơn diện tích đất ông Vĩnh thế chấp quyền sử dụng).

Ông Vĩnh yêu cầu toà án huỷ kết quả bán đấu giá trên, nếu không huỷ giao dịch bán đấu giá thì yêu cầu ngân hàng bồi thường thiệt hại cho ông.

Tuy nhiên, BIDV Tây Ninh không đồng ý. Bà Vân cho rằng, bà mua đấu giá đúng quy định, nên yêu cầu bác đơn khởi kiện của ông Vĩnh, yêu cầu ông Vĩnh tháo dỡ nhà, tài sản trên phần đất phía trước mặt tiền phần đất bà Vân đã mua.

2 LẦN GIÁM ÐỐC THẨM HUỶ ÁN

Ngày 30.6.2006, khi xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Vĩnh. Ông Vĩnh kháng cáo, ngày 10.11.2006, Toà phúc thẩm TANDTC tại TP.Hồ Chí Minh tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm. Sau đó, ngày 9.11.2009, Chánh án TANDTC kháng nghị huỷ bản án phúc thẩm. Ngày 23.3.2011, TANDTC đã quyết định giám đốc thẩm huỷ bản án sơ thẩm, phúc thẩm, giao hồ sơ về TAND tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.

Trong quá trình giải quyết giám đốc thẩm vụ án trên, ngày 10.5.2007, bà Vân khởi kiện yêu cầu ông Vĩnh tháo dỡ tài sản để trả cho bà 282,8m2 đất (giáp quốc lộ 22B trên phần đất bà Vân mua trúng đấu giá nhưng còn tài sản của ông Vĩnh - NV), đồng thời yêu cầu được nhận trên 26 triệu đồng (tiền bồi thường ông Vĩnh đã nhận từ việc thu hồi đất làm đường).

Khi xét xử vụ án này, bản án sơ thẩm của TAND tỉnh và bản án phúc thẩm của Toà phúc thẩm TANDTC tại TP.Hồ Chí Minh tuyên ông Vĩnh phải tháo dỡ nhà, tài sản để trả đất cho bà Vân, ông Vĩnh được nhận trên 26 triệu đồng bồi thường đất và tiền ngân hàng hỗ trợ ông Vĩnh trên 9,7 triệu đồng. Tuy nhiên, bản án này, sau đó bị kháng nghị và TANDTC xét xử giám đốc thẩm tuyên huỷ toàn bộ bản án phúc thẩm và sơ thẩm.

Sau khi thụ lý trở lại 2 vụ án trên, TAND tỉnh Tây Ninh nhập 2 vụ án nêu trên để giải quyết. Mặc dù cả hai bản án đều bị TANDTC tuyên huỷ toàn bộ nhưng khi xét xử trở lại, ngày 24.4.2013, TAND tỉnh Tây Ninh vẫn tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Vĩnh, tuyên bà Vân được tiếp tục sử dụng phần đất đo đạc thực tế là 7.151,6m2, đồng thời chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Vân, buộc ông Vĩnh phải di dời toàn bộ tài sản, cây cối và nhà trên phần đất có diện tích 116,2m2 thuộc lộ giới quy hoạch quốc lộ 22B.

Ngoài ra, toà còn buộc ông Vĩnh phải di dời các tài sản khác như nhà tắm, cây xanh, hàng rào để giao trả 172,2m2 cho bà Vân. Ông Vĩnh kháng cáo bản án trên. Ngày 30.7.2013, Toà phúc thẩm TANDTC tại TP.Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm tuyên bác kháng cáo ông Vĩnh.

Tuy nhiên, ngày 1.7.2016, Chánh án TANDTC đã có quyết định kháng nghị huỷ bản án phúc thẩm và sơ thẩm với lý do:

Thứ nhất, Ðội THA Hoà Thành không đo đạc, kê biên, định giá diện tích đất tương ứng với nghĩa vụ trả nợ của ông Vĩnh để giao ngân hàng đấu giá, mà giao toàn bộ diện tích đất của ông Vĩnh cho ngân hàng bán đấu giá so với nghĩa vụ phải thanh toán (đấu giá 385 triệu đồng, nghĩa vụ thanh toán 253 triệu đồng) là không đúng quy định về thủ tục bán đấu giá quy định tại khoản 3 Ðiều 29 Pháp lệnh THADS 1993.

Thứ hai, năm 2002, ngân hàng tổ chức bán đấu giá tài sản 7.700m2 nhưng không tổ chức định giá mà căn cứ vào biên bản định giá của Ðội THA huyện Hoà Thành, ngày 13.3.1998, để lấy giá khởi điểm trên 300 triệu đồng là không đúng quy định tại điểm 4 Thông tư 02/202/TTLT-NHNN-BTP.

Thứ ba, ngân hàng không đo đạc đất trước khi đấu giá mà tiến hành bán đấu giá 7.700m2 theo giấy CNQSDÐ cấp cho ông Vĩnh năm 1995; sau khi bán đấu giá xong mới đo đất giao cho bà Vân 7.700m2, phần đất còn lại 943m2 giao cho ông Vĩnh là không đúng thủ tục bán đấu giá theo Pháp lệnh THADS 1993.

QUYẾT ÐỊNH GIÁM ÐỐC THẨM HUỶ ÁN LẦN THỨ 3

Trên cơ sở kháng nghị của Chánh án TANDTC nêu trên, tại phiên xét xử giám đốc thẩm, chủ toạ phiên toà- ông Nguyễn Hoà Bình, Chánh án TANDTC nhận định như sau:

Tháng 4.1996, ông Vĩnh thế chấp 7.700m2 cho ngân hàng vay 100 triệu đồng, nhưng không có tiền trả nợ nên ngân hàng khởi kiện ra toà. TAND huyện Hoà Thành quyết định ông Vĩnh trả trên 136 triệu đồng. Khi Ðội THADS huyện Hoà Thành bán tài sản đấu giá thành, nhưng người mua bỏ cọc không mua, theo Khoản 2, Ðiều 4 Pháp lệnh THADS 1993, “đối với tài sản không bán được, chấp hành viên yêu cầu người được thi hành án nhận”.

Ðiểm đ, mục 2, phần IV Thông tư liên ngành 12/2001/TTLN của Bộ Tư pháp và VKSNDTC quy định: “Ðối với tài sản đã đưa ra bán đấu giá ít nhất 2 lần nhưng không bán được thì cơ quan thi hành án yêu cầu người được thi hành án nhận để thi hành”. Ðội THADS Hoà Thành giao cho ngân hàng và ngân hàng bán đấu giá là đúng quy định.

Trước khi thế chấp phần đất nêu trên cho ngân hàng, năm 1995, ông Vĩnh được cấp giấy CNQSDÐ 7.700m2, nhưng theo biên bản đo đạc ngày 30.6.1999 của Ðội THADS Hoà Thành… thực tế đất ông Vĩnh là 8.767m2.

Lẽ ra, Ðội THADS Hoà Thành phải đo đạc, kê biên, định giá diện tích đất tương ứng với nghĩa vụ trả nợ của ông Vĩnh nằm trong phần đất ông Vĩnh được cấp giấy CNQSDÐ năm 1995, phần còn lại giao cho ông Vĩnh.

Tuy nhiên, Ðội THADS Hoà Thành không đo đạc, kê biên, định giá diện tích đất tương ứng với nghĩa vụ trả nợ của ông Vĩnh, mà giao toàn bộ phần đất cho ngân hàng để bán đấu giá là không đúng quy định tại Khoản 3 Ðiều 29 Pháp lệnh THADS 1993.

Sau khi nhận đất, ngân hàng không định giá diện tích đất tương ứng với nghĩa vụ trả nợ của ông Vĩnh để xác định phần đất bán đấu giá mà lại đấu giá toàn bộ phần đất 7.700m2 là vượt quá so với nghĩa vụ trả nợ của ông Vĩnh. Trước khi bán đấu giá, ngân hàng không đo đạc để xác định chính xác phần đất bán đấu giá mà chỉ khi đấu giá xong mới đo đạc giao cho bà Vân. Ngân hàng giao 15,7m/16,7m mặt đường cho bà Vân, trả lại 1m mặt đường làm lối đi vào diện tích 943m2 bên trong là quá hẹp, không bảo đảm quyền lợi cho ông Vĩnh.

Mặt khác, ngày 18.6.2002, ngân hàng tổ chức bán đấu giá 7.700m2 nhưng không tổ chức định giá mà căn cứ vào biên bản định giá của Ðội THADS Hoà Thành để lấy giá khởi điểm trên 300 triệu đồng.

Trong khi đó, Thông tư 02/2002/TTLT quy định: “Hội đồng xử lý tài sản có nhiệm vụ quyền hạn xác định giá khởi điểm để tự bán đấu giá công khai tài sản bảo đảm trên thị trường, trên cơ sở giá thị trường tại thời điểm bán”.

Như vậy, quy định của pháp luật về lấy giá khởi điểm để đấu giá là giá thị trường tại thời điểm bán. Ngân hàng tổ chức bán đấu giá tài sản ngày 18.6.2002 nhưng không tổ chức định giá mà căn cứ vào biên bản định giá năm 1998 của Ðội THADS Hoà Thành để lấy giá khởi điểm là không đúng pháp luật.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình khẳng định, đối chiếu của điều luật nêu trên thì giao dịch bán đấu giá giữa ngân hàng với bà Vân là vô hiệu. Sau khi trúng đấu giá, bà Vân nhận và sử dụng đất ổn định, đã san lấp mặt bằng, cất nhà trên đất này; đồng thời trong giao dịch đấu giá, bà Vân là người mua ngay tình.

Khi xét xử lại, Toà án cần áp dụng Ðiều 147 Bộ luật Dân sự 1995 để giải quyết. Theo đó, cần công nhận giao dịch bán đấu giá giữa ngân hàng và bà Vân, nhưng phải xác định lại giá đất theo giá thị trường tại thời điểm bán đấu giá.

Trên cơ sở xem xét mức độ lỗi của ngân hàng trong việc không định giá tài sản khi đấu giá theo quy định pháp luật, từ đó buộc ngân hàng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Vĩnh về chênh lệch giá tại thời điểm bán đấu giá phần đất nêu trên, và tiền lãi của khoản tiền chênh lệch giá kể từ thời điểm bán đấu giá tài sản đến khi xét xử sơ thẩm trở lại.

Về nguyên nhân toà cấp sơ thẩm, phúc thẩm xử sai, theo Chánh án Nguyễn Hoà Bình: “Quá trình giải quyết, toà án cấp sơ thẩm, toà án cấp phúc thẩm không xem xét toàn diện các chứng cứ, dẫn đến nhận định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, từ đó không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Vĩnh, không buộc ngân hàng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Vĩnh là không đúng với quy định pháp luật”.

Như vậy, với những phân tích, nhận định và chỉ ra những sai sót rất cụ thể của TANDTC, hy vọng với quyết định giám đốc thẩm lần này, ông Nguyễn Văn Vĩnh sẽ không còn phải viết đơn kháng cáo hay đơn đề nghị Chánh án TANDTC xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm thêm một lần nào nữa.

ÐỨC TIẾN