Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vì sao Tổng thống Nga Putin sẽ tiếp tục cứng rắn với Ukraine?
Thứ sáu: 10:38 ngày 24/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Phía Nga vẫn chưa tỏ dấu hiệu mềm yếu trong vấn đề Ukraine, khiến Ukraine lo lắng về khả năng xảy ra một cuộc can thiệp quân sự. Vì sao Nga lại cứng rắn với quốc gia láng giềng phía tây đến như vậy?

Ukraine đang giám sát tình hình khu vực biên giới phía đông của mình với sự cảnh giác cao độ. Trong các tuần gần đây, việc Nga tập trung quân dọc theo biên giới với Ukraine đã khiến nhiều lãnh đạo phương Tây lo ngại về một cuộc xâm nhập tương tự sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.

Quân nhân Nga huấn luyện quân sự. Ảnh: AP.

Thế rồi vào ngày 17/12/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu rằng không có quốc gia nào từng thuộc Liên Xô, như Ukraine, lại được phép gia nhập khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). NATO là đồng minh phương Tây mà Ukraine đã bày tỏ mong muốn được gia nhập từ lâu. Tổng thống Putin khi ấy cũng yêu cầu NATO ngừng tất cả các hoạt động quân sự ở Đông Âu.

Những tuyên bố như trên gợi nhớ lại thời Chiến tranh Lạnh, khi chính trị toàn cầu xoay quanh cuộc đấu tranh về hệ tư tưởng giữa phía Đông xã hội chủ nghĩa với phương Tây tư bản chủ nghĩa, đồng thời cũng hỗ trợ mục tiêu của Nga xác lập vị thế của một cường quốc toàn cầu.

Giới học giả nghiên cứu về chính trị và văn hóa Ukraine cũng như Nga hiểu rằng gốc gác mục tiêu của ông Putin là cách nhìn lịch sử của Nga đối với Ukraine, xem Ukraine như một phần trong Đế chế Nga rộng lớn hơn. Trước đây, Đế chế Nga từng kéo dài từ nước Ba Lan hiện nay tới vùng Viễn Đông Nga. Đây có thể là xuất phát điểm cho các động thái của ông Putin.

Quan điểm từ phía Nga

Ngày nay Ukraine có 44 triệu dân và là quốc gia rộng thứ nhì về diện tích ở châu Âu. Nhưng trong nhiều thế kỷ, khi nằm bên trong Đế chế Nga, nước Ukraine được xem là Malorossiya hay Tiểu Nga.

Thuật ngữ trên phản ánh ý tưởng coi Ukraine là một thành phần nhỏ trong đế chế xưa. Các Sa hoàng năm xưa đã có nhiều chính sách (từ thế kỷ 18) để hòa quện Ukraine vào đế chế chung lớn hơn.

Sang thế kỷ 21, vào năm 2008, Vladislav Surkov - một phát ngôn viên của ông Putin, đã tuyên bố rằng “Ukraine không phải là một quốc gia”.

Cũng cách đây không lâu, Tổng thống Nga Putin đã viết một bài chuyên luận dài nhận định rằng người Nga và người Ukraine vốn là cùng một dân tộc, một chỉnh thể thống nhất.

Ý niệm về một dân tộc riêng lẻ bắt nguồn từ lịch sử của “Kiev Rus” (Nga Kiev) – một liên bang thời trung cổ bao gồm các phần lãnh thổ của nước Nga và nước Ukraine ngày nay, với trung tâm là Kiev – thủ đô của Ukraine.

Tại Nga trong các năm gần đây, hoạt động tưởng niệm lịch sử của “Kiev Rus” ngày càng gia tăng về mức độ nổi bật và quy mô.

Năm 2016, một bức tượng Thân vương Vladimir xứ Kiev cao 15,8m đã được khánh thành ở Moscow, Nga. Thân vương Vladimir là một nhà cai trị thần thánh đối với cả người Ukraine lẫn người Nga. Bức tượng này đã gây sửng sốt cho người Ukraine. Đối với một số người Ukraine, việc đặt bức tượng khổng lồ nói trên ở trung tâm Moscow là dấu hiệu về việc Nga nỗ lực sở hữu cả lịch sử của Ukraine.

Việc dựng tượng đó diễn ra chỉ hai năm sau khi Nga sáp nhập Crimea (trước do Ukraine quản lý) vào năm 2014.

Công dân Nga sinh sống bên trong lãnh thổ Ukraine

Vùng Donbass và vùng Crimea là quê nhà của lượng lớn người dân tộc Nga và những người chủ yếu nói tiếng Nga.

Trước đây, Tổng thống Putin và các đồng minh của mình từng đả động đến khái niệm “Thế giới Nga” (hay “Russkiy Mir), với ý tưởng nền văn minh Nga mở rộng đến bất cứ nơi đâu có tộc người Nga sinh sống.

Ý tưởng này cũng xác lập quan điểm bất cứ nơi nào trên thế giới có người Nga sinh sống, nhà nước Nga có quyền và nghĩa vụ phải bảo vệ họ.

Hoàn cảnh Ukraine dường như rất phù hợp với ý tưởng trên.

Về tổng thể, việc xem xét Ukraine như một đất nước bị chia rẽ giữa những người Ukraine thân Nga và những người Ukraine thân phương Tây là một sự đơn giản hóa quá mức.

Biến cố 1991, 2010, và 2014

Bức tranh các tộc người ở Ukraine hiện nay, trong đó có một thiểu số lớn người Nga sống ở miền đông, phản ánh quá trình Ukraine tích hợp vào Liên Xô từ năm 1922.

Người tộc Ukraine sống rải khắp Ukraine trước khi đất nước này trở thành một bộ phận của Liên Xô. Trong thập niên 1930, người tộc Nga bắt đầu chuyển đến sinh sống nhiều trong lãnh thổ Ukraine.

Làn sóng dân cư Nga tới sống ở Ukraine đã hỗ trợ tích cực cho chiến dịch công nghiệp hóa của lãnh tụ Joseph Stalin. Cho tới tận ngày nay, vùng Donbass vẫn là trung tâm của nền kinh tế công nghiệp Ukraine.

Khi người Ukraine bỏ phiếu cho phương án tách ra khỏi Liên Xô vào năm 1991, tất cả 24 vùng của nước cộng hòa này (bao gồm cả Donetsk, Luhansk và Crimea), ủng hộ độc lập. Thiểu số lớn người tộc Nga (chiếm 17,3% dân số Ukraine trong cuộc điều tra dân số năm 2001) được tính là công dân Ukraine trong một quốc gia độc lập. Những người này cũng lựa chọn độc lập.

Trong phần lớn 2 thập kỷ sau độc lập, người tộc Nga sống hòa bình với người tộc Ukraine và các nhóm dân tộc thiểu số khác của quốc gia Đông Âu này.

Nhưng thực tế này đã thay đổi vào năm 2010 khi chính trị gia người Donetsk, Viktor Yanukovych, trở thành Tổng thống Ukraine. Mặc dù Yanukovych không tuyên bố thẳng thừng rằng mình hướng Ukraine tới một tương lai thân Nga, nhiều chính sách của ông lại phơi bày rõ việc chuyển hướng khỏi các chính sách thân châu Âu mà những người tiền nhiệm của ông theo đuổi.

Khi ấy, Ukraine đang sắp sửa ký một thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu vào năm 2013. Thay vào đó, Tổng thống Yanukovych quyết định tham gia một liên minh kinh tế với Nga. Động thái này đã kích hoạt các vụ biểu tình rầm rộ khắp Ukraine khiến ông Yanukovych mất chức. Sau đó Tổng thống Nga Putin đã tiến hành các hoạt động sáp nhập Crimea dựa trên lý do bảo vệ người dân tộc Nga đang sống trên bán đảo đó.

Trong khi ấy, các phần tử thân Nga đã chiếm nhiều thành phố ở các vùng Donetsk và Luhansk với hy vọng Nga cũng quan tâm đến việc bảo vệ những người Nga khác sống ở miền Đông Ukraine.

Tuy nhiên người tộc Nga và người nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine không nhất thiết tự động ủng hộ phong trào ly khai hoặc mong muốn trở thành một phần của nước Nga. Tính từ năm 2014, khoảng 1,5 triệu người tộc Nga đã rời khỏi Donbass để về sống ở các vùng khác nhau của Ukraine. Đồng thời, ít nhất 1 triệu người đã rời sang sống ở Nga.

Nhiều người còn ở lại các lãnh thổ do phong trào ly khai chiếm giữ thì hiện đang được tạo điều kiện để nhận quốc tịch Nga một cách nhanh chóng. Chính sách này cho phép Nga gia tăng tình cảm thân Nga ở miền Đông Ukraine.

Nguồn VOV.VN biên dịch

Nguồn: Asia Times

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục