Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vì sao World Cup 2022 có bù giờ cao đột biến?
Thứ ba: 10:45 ngày 22/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bốn trận đấu đã qua ở World Cup 2022 có tổng cộng 43 phút bù giờ khi hết thời gian thi đấu chính thức.

Đó là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử các giải đấu lớn trên bóng đá thế giới. Riêng trận Anh và Iran có tổng cộng 27 phút bù giờ nếu tính cả hai hiệp (14 phút bù giờ ở hiệp 1). Đó là một kỷ lục trong lịch sử World Cup hay Euro, nếu không tính các trận bị hoãn vì sự cố đặc biệt.

Hai trận đấu giữa Senegal - Hà Lan và Mỹ - Xứ Wales cũng đều có thêm 11 phút bù giờ cuối trận. Trận đấu có ít bù giờ nhất kể từ đầu giải, giữa Qatar và Ecuador cũng có 6 phút cộng thêm ở giai đoạn cuối hiệp 2.

Số phút bù giờ cao đột biến ở World Cup 2022, nếu so với các giải đấu lớn trước đó, nằm trong điều chỉnh của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) để khiến trận đấu diễn ra công bằng và hấp dẫn hơn.

Lý giải của Collina

"Những gì chúng tôi đã làm sau giải đấu ở Nga (World Cup 2018) là tính toán chính xác hơn thời gian được bù giờ", Trưởng ban Trọng tài FIFA, Pierluigi Collina, nói vào tuần trước. "Chúng tôi đã nói với mọi người rằng đừng ngạc nhiên nếu họ thấy trọng tài thứ tư (trọng tài bàn) giơ bảng điện tử với một con số lớn trên đó, 6, 7 hoặc 8 phút".


Trọng tài đưa ra 10 phút bù giờ cho hiệp 2 trận Anh và Iran, dù ở hiệp 1 đã có 14 phút bù giờ. Ảnh: Reuters.

Trong chiến thắng 6-2 của tuyển Anh trước Iran tối 21/11 (giờ Hà Nội), trọng tài bàn đã giơ bảng bù giờ 14 phút cho hiệp một và 10 phút cho hiệp hai. Chưa từng có trận đấu nào trong lịch sử World Cup hiện đại có thời gian bù giờ nhiều đến như vậy.

Ngay cả khi chấn thương của thủ môn Alireza Beiranvand (Iran) hay việc trọng tài kiểm tra VAR làm gián đoạn trận đấu trong hiệp một, việc đưa ra bù giờ đến 14 phút là điều chưa có tiền lệ ở World Cup. Hiệp hai của trận đấu cũng chỉ kết thúc sau 13 phút bù giờ bởi trọng tài phải nhờ đến VAR cuối trận.

Ông Collina cho biết thay đổi trong thời gian bù giờ ở World Cup 2022 để giúp các trận đấu chính xác hơn. Cựu trọng tài người Italy lý giải: "Nếu bạn muốn thời gian bóng sống diễn ra nhiều hơn, bạn phải sẵn sàng cho việc bù giờ nhiều như vậy. Hãy nghĩ về một trận đấu có 3 bàn thắng. Một màn ăn mừng thường tốn khoảng 1 hay 1 phút rưỡi. Chính vì thế nếu có 3 bàn được ghi, trận đấu sẽ mất khoảng 5 hay 6 phút".

Trong quá khứ, những màn ăn mừng hay chấn thương của cầu thủ được xem như một hình thức câu giờ hợp lệ. Bởi các trọng tài bàn lẫn trọng tài chính đều có xu hướng ước lượng quãng thời gian bóng chết để cộng thêm vào bù giờ.

Bóng đá không phải futsal, nơi thời gian bóng chết được tính toán kỹ lưỡng và có đồng hồ bấm giờ đếm ngược. Chính vì thế mới có chuyện các HLV thường tranh cãi về việc tại sao trọng tài này bù giờ ít (hoặc nhiều) cuối trận đấu. Không nói đâu xa, ở trận Liverpool thắng Man City 1-0 tại vòng 11 Premier League mùa này, Pep Guardiola đã không hài lòng với tổ trọng tài khi họ chỉ cho trận đấu có 6 phút bù giờ.

Trong bối cảnh Man City bị dẫn bàn cuối trận, Pep tin rằng trận đấu nên được bù giờ nhiều hơn vì các sự cố (VAR, xô xát) trước đó. Chiến lược gia xứ Catalonia còn bóng gió này vì trận đấu này diễn ra tại Anfield, nên các trọng tài sợ sức ép từ CĐV Liverpool. Trong quá khứ, Sir Alex Ferguson cũng là chiến lược gia nổi tiếng trong khía cạnh gây sức ép lên các trọng tài, để kiếm về thời gian bù giờ có lợi cho đội bóng của mình.

Hấp dẫn và công bằng hơn

Tuy nhiên, tại World Cup 2022, các trọng tài sẽ phải bù giờ chính xác tuyệt đối cho thời gian bóng ngừng lăn trong trận. Collina tuyên bố: "Những gì chúng tôi muốn làm là tính toán chính xác thời gian cộng thêm vào cuối mỗi hiệp. Đây là điều trọng tài thứ tư có thể làm được, chúng tôi đã thành công ở Nga và mong đợi điều tương tự ở Qatar".


Davy Klaassen ghi bàn cho Hà Lan trước Senegal ở phút 90+9. Ảnh: Reuters.

"Vua áo đen" nổi tiếng giải thích thêm: "Thời tôi còn làm trọng tài, khi thông tin (về thời gian bù giờ) đến từ trọng tài thứ tư, trọng tài chính thường quá tập trung vào những gì đang diễn ra trên sân nên không thể xem xét chính xác".

Việc FIFA tăng cường tính chính xác của thời gian bù giờ (chủ yếu là tăng thêm số phút bóng lăn) nằm trong kế hoạch thay đổi bóng đá của tổ chức này. Giám đốc Phát triển Bóng đá FIFA, Arsene Wenger, rất ủng hộ ý tưởng tăng thời gian "bóng sống" để khiến các trận đấu hấp dẫn hơn.

Năm ngoái, cựu HLV Arsenal từng đề xuất ý tưởng đưa đồng hồ đếm ngược như trong môn futsal vào bóng đá. "Giáo sư" muốn các đội không tiếp tục những chiêu trò câu giờ hay lãng phí thời gian. Tốc độ trận đấu vì thế có thể được đẩy lên cao hơn.

Nhà lãnh đạo của FIFA muốn các trận đấu nhanh hơn, nhiều tình huống tấn công và xuất hiện nhiều bàn thắng hơn. Việc các trọng tài tăng phút bù giờ ở World Cup 2022 là điều chỉnh bước đầu để tăng tính hấp dẫn cho các trận đấu.

Nhờ 27 phút bù giờ trong hai hiệp, trận Anh và Iran đã có tổng cộng 8 bàn thắng, trong đó có 2 bàn đến từ thời gian cộng thêm. Ở trận Senegal thua Hà Lan 0-2, bàn ấn định tỷ số của "Cơn lốc màu da cam" cũng đến ở phút bù giờ 90+9.

Bên cạnh đó, khi các cầu thủ và HLV biết rằng những chiêu trò câu giờ truyền thống như giả chấn thương hay ăn mừng thật lâu không còn tác dụng như trước, thời gian "bóng chết" có thể giảm và trận đấu sẽ diễn ra với tốc độ cao hơn.

Nguồn Zing

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục