Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vì sự an toàn cho những phiên toà 

Cập nhật ngày: 29/01/2018 - 16:20

BTN - Bảo vệ những phiên toà xét xử tội phạm là một trong những nhiệm vụ của Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an Tây Ninh. Ðây được xem là công việc chịu nhiều áp lực của đơn vị, bởi nó liên quan đến an toàn tính mạng của nhiều người: bị cáo, hội đồng xét xử, người tham dự phiên toà…

Áp giải bị cáo rời phiên toà.

Những ngày cuối năm 2017, người dân thị trấn Trảng Bàng xôn xao khi nghe thông tin Toà án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử lưu động một vụ án hình sự tại địa phương. Vụ việc không mấy phức tạp, xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ, đúng ra chỉ là xích mích không đáng, nhưng đã tước đoạt tới 2 mạng người. Ðáng nói hơn, phiên toà xét xử 6 bị cáo mà đã có tới 5 người trong cùng một gia đình. Tò mò, lẫn chút xót xa, từ sáng sớm, nhiều người đã có mặt tại Trung tâm Văn hoá học tập cộng đồng thị trấn Trảng Bàng chờ xem diễn biến của phiên toà.

Phiên toà kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ, khi kết thúc đã quá 1 giờ trưa. Có hàng trăm người đến dự khán, chật kín cả hội trường và dãy hành lang phía trước. Nhiều người còn cố chen lấn tìm chỗ ngồi trong hội trường, hoặc đến gần cửa dành riêng cho hội đồng xét xử để nhìn rõ mặt bị cáo, khiến công việc của những chiến sĩ áo xanh càng thêm vất vả. Các anh phải hết sức tập trung theo dõi, kiểm tra và liên tục nhắc nhở mọi người giữ trật tự để phiên toà không bị ngắt quãng.

Ðó chỉ là một trong rất nhiều phiên toà hình sự kéo dài, có đông đảo người xem mà những chiến sĩ công an của Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an Tây Ninh tham gia.

Với nhiệm vụ áp giải bị cáo, bảo vệ hội đồng xét xử và bảo đảm an ninh trật tự, các anh có mặt từ trước khi phiên toà diễn ra để bố trí đội hình, chỉ được ra về sau khi tất cả thành viên hội đồng xét xử, bộ phận áp giải bị cáo, người tham dự phiên toà đã rời khỏi pháp đình.

Công việc thoáng nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng có cùng đi với đội mới thấy hết cái vất vả, cam go, cả những áp lực khi thực hiện nhiệm vụ. Bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của bị cáo; hay sơ hở là bị cáo có thể trốn thoát bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu.

Tuỳ vào tính chất của vụ án, phiên toà được phía Toà án ấn định xét xử tại toà hay lưu động. Sau khi nhận công văn và lệnh trích xuất của toà án về việc bảo vệ phiên toà, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp phải xây dựng kế hoạch, dự tính tất cả những tình huống xấu nhất có thể xảy ra để có phương án ứng phó, xử lý kịp thời: từ những việc đơn giản như đi đứng, ăn uống đến những tình huống bất ngờ như xe hư, bị cáo bệnh đột xuất phải nhập viện, hay ngất xỉu tại phiên toà...

“Trước khi xây dựng kế hoạch, chúng tôi phải đi thực tế khảo sát, nắm chắc nội dung, đặc điểm của vụ án, mức độ phạm tội, số lượng bị cáo, người làm chứng, người tham gia tố tụng và dự kiến người tham dự phiên toà… để phân công lực lượng. Với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp về an ninh trật tự, Phòng phải thành lập Ban Chỉ đạo bảo vệ phiên toà. Còn khi xét xử lưu động, chúng tôi phải vẽ sơ đồ, vị trí nơi xét xử để bảo đảm công tác bảo vệ hoặc có thể tăng cường lực lượng”, Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn- Phó trưởng Phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cho biết.

Trong những vụ án có tính chất phức tạp, nhiều bị cáo hoặc liên quan đến tính mạng, nhân phẩm, nhiều người bất chấp quy định xét xử tại toà phản ứng gay gắt gây khó khăn không ít cho lực lượng hỗ trợ tư pháp. “Ở Tây Ninh, ít có sự phản kháng đông người, nhưng cũng từng xảy ra. Như lần xét xử 16 bị cáo liên quan đến buôn lậu và chống người thi hành công vụ vào năm 2015 tại Trung tâm Văn hoá thể thao huyện Gò Dầu.

Sau khi nghe hội đồng xét xử tuyên án, người thân của các bị cáo bức xúc, la hét gây mất trật tự tại phiên toà. Với những trường hợp đó, chúng tôi nhắc nhở, nếu ai quá khích, chúng tôi buộc phải mời ra ngoài, cách ly với nơi xét xử. Có bị cáo quá xúc động, chúng tôi phải động viên, trấn an để họ không quá hoảng loạn, làm gián đoạn phiên toà”, Thượng tá Sơn nói. 

Năm qua, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đã phục vụ 96 phiên toà. Trong đó có những phiên toà xét xử phúc thẩm được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả đều an toàn.

Ðể đưa bị cáo ra trước phiên toà xét xử phúc thẩm, các anh phải thức dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị. Những trường hợp bị cáo bị giam giữ ở ngoài tỉnh, mọi người phải tranh thủ đi ngay trong đêm để áp giải bị cáo đến nơi cho kịp giờ quy định của toà. Toà án nhân dân tối cao, cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh là nơi có rất nhiều án từ các tỉnh khác cùng đưa về phúc thẩm. Nếu lịch xét xử rơi vào cuối ngày, cả đội phải đưa bị cáo vào phòng chờ đến lượt. Khi xong việc, mọi người về đến nhà đã quá nửa đêm. 

Cũng có không ít lần các chiến sĩ hỗ trợ tư pháp đảm nhiệm phiên toà phức tạp, tiếp xúc với những bị cáo sừng sỏ, có mức án cao, nhưng chưa bao giờ để xảy ra sai sót đáng tiếc.

“Những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo có tiền án tiền sự, trong quá trình điều tra xét hỏi lại có thái độ chống đối, khi áp giải, đơn vị phải bố trí người ngồi chung trong thùng xe trên đường đến nơi xét xử. Nhiều đối tượng biết mình rơi vào đường cùng, họ bất chấp và sẵn sàng làm việc liều lĩnh, hại người hại mình. Nhưng các chiến sĩ luôn tìm cách động viên, khơi gợi sự quan tâm đến cuộc sống gia đình, người thân của họ để giúp bị cáo nhận ra lỗi lầm, từ đó không còn hung hăng, nghĩ quẫn nữa”- Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ.

7 mùa xuân đã trôi qua, từ tháng 10.2010 đến nay, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an Tây Ninh luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, để mỗi phiên toà mở ra và kết thúc trong an ninh, trật tự.

N.D