Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em:
Vì thế hệ mai sau
Thứ sáu: 11:32 ngày 24/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trẻ em là mầm non của đất nước, do đó, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được các cấp uỷ Đảng, sở, ngành, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, thời gian qua, công tác này vẫn tồn tại nhiều khó khăn.

Tặng quà cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/Dioxin tại thành phố Tây Ninh trong dịp Tết Nguyên đán 2017.

QUAN TÂM NHIỀU

Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 31.12.2016, tổng số trẻ em dưới 16 tuổi trên toàn tỉnh là 251.982 em, trong đó dưới 6 tuổi là 103.983 em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 2.790 em. Trong những năm qua, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về trẻ em không ngừng được kiện toàn.

Cấp tỉnh có Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý về trẻ em. Cấp huyện có 1 cán bộ phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tại các ấp, khu phố đều có đội ngũ cộng tác viên trẻ em. Toàn tỉnh hiện có 335 trẻ đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại 7 cơ sở bảo trợ xã hội (gồm 2 cơ sở công lập và 5 cơ sở ngoài công lập).

Hằng năm, bên cạnh việc tuyên truyền bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em, Sở LĐ-TB&XH đặc biệt quan tâm thực hiện các chính sách trợ cấp, trợ giúp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và can thiệp kịp thời đối với các trường hợp trẻ em sắp rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trong dịp tết nguyên đán, Tháng Hành động vì trẻ em, Tết Trung thu, lãnh đạo tỉnh và các nhà hảo tâm đều tổ chức các chuyến đi thăm và tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian qua, việc chăm lo cho trẻ em chưa có hộ khẩu thường trú được đăng ký khai sinh, học tập và chăm sóc sức khoẻ tại nơi cha mẹ đang làm việc, sinh sống (kể cả trẻ em là Việt kiều Campuchia) cũng được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện góp phần tạo điều kiện cho trẻ em được hoà nhập, học tập, chăm sóc sức khoẻ...

Đối với việc chăm sóc sức khoẻ trẻ em, các chương trình tiêm chủng mở rộng, uống Vitamin A, thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, phòng chống tiêu chảy trẻ em đều đạt kết quả tốt. Trẻ dưới 6 tuổi được khám, cấp thuốc miễn phí và ưu tiên trong quá trình khám bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế Nhà nước.

Sở Y tế thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tổ chức các chương trình, diễn đàn, tuyên truyền kiến thức dinh dưỡng trong cộng đồng; phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tuyên truyền cho phụ nữ cách nuôi con theo phương pháp khoa học, phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì ở trẻ; phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức các buổi tư vấn sức khoẻ sinh sản, vị thành niên tại các trường học...

Về giáo dục, mạng lưới trường lớp các cấp học do ngành Giáo dục và Đào tạo quản lý phát triển đều khắp đến tận vùng sâu, biên giới, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Trong những năm qua, Sở GD&ĐT luôn quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất các ngôi trường trong tỉnh để mang lại chất lượng học tập tốt nhất cho trẻ em trong tỉnh. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng.

Tỷ lệ học sinh ra lớp hằng năm đều bảo đảm chỉ tiêu. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giảng dạy, Sở GD&ĐT còn tăng cường các hoạt động tham vấn tâm lý học đường, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, xây dựng hệ thống hỗ trợ và bảo vệ trẻ em trong trường học... Hầu hết các trường học đều có mạng lưới phối hợp tích cực giữa cha mẹ, người giám hộ học sinh và giáo viên nhà trường trong giáo dục học sinh. Việc giải quyết các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh được thực hiện đúng quy định - nhất là đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách.

Về mặt văn hoá, giải trí tinh thần, các Trung tâm Văn hoá - Thể thao (VH-TT) các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức thực hiện các chương trình văn hoá văn nghệ, hội thi, hội diễn, hội thao dành cho trẻ em. Toàn tỉnh hiện có tổng cộng 235 thiết chế văn hoá, thể thao công lập và nhiều loại hình cơ sở thể thao đang hoạt động phục vụ nhu cầu vui chơi, tập luyện cho trẻ em trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn có 2 thiết chế chuyên biệt phục vụ thiếu nhi do Tỉnh đoàn quản lý với cơ sở vật chất được đầu tư mới, khang trang.

VẪN CÒN KHÔNG ÍT HẠN CHẾ

Mặc dù được các sở, ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tích cực quan tâm, song việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như cơ sở vật chất tại một số trung tâm phục vụ trẻ em xuống cấp, thiếu kinh phí, nhân lực hoạt động, thiếu sân chơi cho trẻ...

Mới đây, Ban Văn hoá – Xã hội (VH-XH) HĐND tỉnh đã có chuyến khảo sát tình hình thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh. Các thành viên của Ban VH-XH đã khảo sát thực tế tại một số Trung tâm Văn hoá, Thể thao, Học tập cộng đồng (VHTT-HTCĐ), Trung tâm VH-TT tại huyện Hoà Thành, Tân Châu và Châu Thành, vì đây là nơi diễn ra các hoạt động vui chơi, giải trí cho người dân địa phương, trong đó có trẻ em.

Nhìn chung, các Trung tâm VHTT-HTCĐ xã đều có hoạt động nhưng chưa thường xuyên do thiếu nhân lực, thiếu kinh phí tổ chức. Hoạt động của Thư viện và Tủ sách pháp luật tại các Trung tâm VHTT-HTCĐ xã đều rất kém, ít đầu sách và các sách, truyện, báo hầu hết đều lỗi thời, cũ kỹ, không thu hút được trẻ em đến xem. Mỗi ngày, thư viện này chỉ phục vụ được vài lượt người đến đọc, thậm chí có ngày không có ai đến xem.

Nhiều Trung tâm VHTT-HTCĐ được lồng ghép với các phòng, hội trường của UBND xã nên khó thu hút trẻ em đến vui chơi. Các trung tâm này cũng không có bất cứ một trò chơi công cộng nào phục vụ cho việc vui chơi, giải trí cho trẻ em. Các Trung tâm VH-TT cấp huyện thì gặp khó khăn vì cơ sở vật chất xuống cấp hoặc thiếu nguồn nhân lực, kinh phí hoạt động, do đó chưa phát huy hết tiềm năng của một trung tâm VH-TT cấp huyện. Ví như Trung tâm VH-TT huyện Tân Châu- một trung tâm khá rộng lớn nhưng chỉ có 7 cán bộ, viên chức, trong khi công tác quản lý, tổ chức các sự kiện, chương trình đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức.

Trung tâm cũng chưa có xe tuyên truyền lưu động để phục vụ công tác tại các vùng sâu vùng xa trên địa bàn. Trung tâm VH-TT huyện Hoà Thành dù khá “sung túc” là trung tâm văn hoá – giải trí của huyện, nhưng cũng đang đối mặt với tình trạng cơ sở vật chất cũ kỹ, nhỏ hẹp, thiếu không gian bố trí các CLB sinh hoạt.

Có thể thấy, hầu hết các cụm trò chơi giải trí cho trẻ đều do tư nhân thực hiện. Các cụm trò chơi này mọc “lác đác” tại các khu trung tâm của xã. Sân vận động huyện Hoà Thành là một trong những nơi hiếm hoi trong tỉnh được Nhà nước phân bổ 4 trò chơi thiếu nhi theo Chương trình mục tiêu quốc gia bao gồm trò ngựa đu quay, đảo máy bay, thú nhún và xe điện đụng. Đây là những trò chơi phục vụ miễn phí cho đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, việc vận hành các trò chơi này còn tốn kinh phí thuê nhân công, tiền điện... Do đó, Trung tâm VH-TT huyện đã xã hội hoá bằng cách bán vé lấy nguồn thu trả tiền nhân công, điện, chi phí sửa chữa khi hư hao nhưng vẫn bảo đảm phục vụ miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Một số huyện vẫn chưa có công viên công cộng cho trẻ sinh hoạt, vui chơi, tập luyện thể dục thể thao.

Qua khảo sát công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn 3 huyện trên cho thấy, UBND các huyện rất quan tâm và tích cực thực hiện công tác này, tuy nhiên vẫn chưa đi vào chiều sâu. Bằng chứng là tại các địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng trẻ em vi phạm hành chính, hình sự, bị xâm hại, bạo hành, bị tai nạn thương tích, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn cao...

Tại huyện Châu Thành, từ năm 2014 đến năm 2016 có 259 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích và 5 trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục. Tại huyện Tân Châu, từ năm 2014 đến nay có 146 em vi phạm hành chính, hình sự, bị xâm hại, bạo hành.

Trẻ em tham gia một trò chơi tại Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi Tây Ninh.

Ngoài ra, theo nhận định của các thành viên trong đoàn giám sát, công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại các địa phương chưa thường xuyên, nội dung tuyên truyền chưa phong phú và đa dạng; nguồn lực đầu tư cho công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em- nhất là việc chăm sóc sức khoẻ, văn hoá, tinh thần cho trẻ em còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, giải trí và giáo dục cho trẻ em; các chính sách hỗ trợ cho trẻ em và triển khai một số hoạt động, mô hình bảo vệ chăm sóc trẻ em còn chậm; công tác thống kê, theo dõi đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt từng lúc, từng nơi chưa kịp thời, còn sót đối tượng...

Kết thúc đợt giám sát, Ban VH-XH HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với các sở ngành có liên quan đến vấn đề này. Tại đây, đại diện các sở, ngành đã nêu nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh như:

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực phục vụ cho công tác chăm sóc sức khoẻ trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu; kinh phí cho các chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khoẻ do Trung ương cấp cho trẻ em ít và quá chậm, ảnh hưởng lớn đến công tác tuyên truyền, chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em; đa số cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực thực hiện các hoạt động văn hoá, tinh thần, thể dục thể thao phục vụ cho trẻ em còn thiếu và yếu; một số thiết chế văn hoá cơ sở, công trình, sân chơi được đầu tư để phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em chưa phát huy hết công năng; chưa có nhiều mô hình hoạt động vui chơi, giải trí phong phú cho trẻ em tham gia, nhất là trẻ em ở vùng nông thôn...

Một số công trình dành cho trẻ em hiệu quả hoạt động thấp, nhiều nơi các trò chơi được đầu tư đã lâu hiện đang xuống cấp chưa được nâng cấp, sửa chữa kịp thời.

Dịp này, các sở, ngành cũng đã kiến nghị một số vấn đề, giải pháp để công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

LÊ THUỲ

data:
Liên kết hữu ích
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh