Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Vị thuốc từ cây Chanh
Thứ sáu: 10:28 ngày 04/12/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chanh là loại cây được trồng lâu đời ở khắp mọi miền đất nước, cho quả quanh năm. Chanh là sản vật của các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Quả và lá chanh là gia vị hết sức thân quen của nhiều dân tộc. Y học dân gian sử dụng mọi bộ phận của cây chanh dùng làm thuốc chữa bệnh bốn mùa.

Không chỉ được biết đến như một loại gia vị quen thuộc trong bữa ăn, chanh còn là vị thuốc hay trong dân gian chữa được nhiều bệnh.

Bên cạnh giá trị của một loại gia vị và nước uống giải khát phổ thông, chanh còn là nguồn quan trọng cung cấp vitamin C và những chất chống oxy hoá thuộc nhóm Flavonoids có chức năng giải độc, bảo vệ thành mạch, tăng cường hệ miễn nhiễm và làm chậm sự lão hoá. 

Cây chanh có tên khoa học là Citrus Limonia Osbeck, thuộc họ cam quýt Rutaceae. Thân có gai. Lá hình trứng, dài từ 5,5 đến 11cm, rộng 3,5cm đến 6cm, mép lá có hình răng cưa. Hoa trắng, mọc đơn độc hay từng chùm 2 đến 3 hoa. Vỏ quả có màu xanh, chuyển vàng khi quả chín. 

Chanh là loại cây được trồng lâu đời ở khắp mọi miền đất nước, cho quả quanh năm. Chanh là sản vật của các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Quả và lá chanh là gia vị hết sức thân quen của nhiều dân tộc. Y học dân gian sử dụng mọi bộ phận của cây chanh  dùng làm thuốc chữa bệnh bốn mùa.

Cây chanh thuộc nhóm 54 cây thuốc có giá trị dược liệu cao nhất trong một danh mục hơn 7.300 loài thực vật được tổ chức Plants For a Future ở Anh Quốc phân loại và xếp hạng căn cứ vào giá trị dinh dưỡng cũng như dược liệu. Bên cạnh một số sinh tố và khoáng chất khác, chanh là một nguồn quan trọng cung cấp vitamin C và những chất chống oxy hoá thuộc nhóm Flavonoids. Do đó chanh có chức năng giải độc, bảo vệ thành mạch, tăng cường hệ miễn dịch và hạn chế tác hại của những gốc tự do để làm chậm sự lão hoá. Kết quả nghiên cứu của những nhà khoa học Nhật Bản cho biết chanh có thể làm gia tăng 19% lượng máu lưu thông trong hệ thống các tĩnh mạch, mao mạch và làm giảm nguy cơ máu đông.

Theo Đông y, lá, rễ và vỏ quả chanh có vị the, đắng, mùi thơm, tính bình có tác dụng tán phong giải nhiệt, hoạt huyết, thông kinh lạc, tiêu đờm, tiêu thực, giảm ho, sơ tiết can khí.  Phần lá, rễ và vỏ quả thường dùng chữa tức ngực, khó thở, đau hông sườn, ăn kém, hay nôn, sốt rét và các triệu chứng đau mắt, nhức đầu do Can Đởm hoả vượng. Dịch quả chanh có vị chua, tính mát có tác dụng chỉ khát, thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc. Ngoài ra, chanh cũng dùng để sát trùng hoặc giải độc tại chỗ. Vỏ quả chanh phơi khô có thể dùng để làm thuốc xua đuổi côn trùng, sâu bọ. Lá chanh tươi có chứa nhiều tinh dầu có tính sát khuẩn, chỉ khái và tiêu đờm nên cũng thường được sử dụng làm nguyên liệu cho nồi xông giải cảm, giải độc.

Sau đây là một vài đơn thuốc có sử dụng chanh:

Nhuận gan, giải độc: Lá chanh 12g, lá gai 12g, lá cối xay 12g, hoặc lá dâu tằm 12g, rau má 12g, nhân trần 12g, vỏ chanh 8g phơi khô, sao qua, sắc uống.

Chữa ho do phong hàn: 9 lá chanh tươi và 7 lát gừng sống; sắc đặc, thêm đường, uống dần.

Chữa ho do phong nhiệt: rễ chanh 12g, rễ tranh 12g, trắc bá diệp 12g; sắc uống.

Chữa đau lưng do phong, hàn, thấp xâm nhiễm: Rễ chanh 12g, rễ nhàu 12g, rễ đinh lăng 12g, rễ cỏ xước 12g, lá ngũ trảo 8g, quế chi 4g. Sắc uống.

Chữa đau đầu: Cắt lát chanh với một ít vôi dán vào hai thái dương chữa đau đầu.

Côn trùng đốt: nhỏ nước chanh hay đắp chanh lên chỗ bị đốt.

Đau nửa đầu: Dùng chanh cả vỏ áp lên trán rồi phủ khăn mặt lên, khi cảm thấy nóng thì bỏ ra. Hoặc cho bệnh nhân ngâm chân vào nước có vắt chanh.

Đau nhức, mỏi chân: cắt chanh thành từng lát, đắp chanh vào nơi nhức rồi xoa bóp nhẹ nhàng.

Loét niêm mạc lưỡi: Chanh, bột sắn dây mỗi thứ 12g, đường 20g, nước đun sôi 150ml. Uống nóng 1-2 lần/ngày.

Ho ra máu: Chanh 3 quả, mật mía 30ml, nước 750ml sắc còn 1/3. Lấy chanh ra thái nhỏ cho vào nước sắc trộn. Uống nước ngày 1 lần, uống trong 3 ngày liền, ăn cả bã thuốc.

Lợm giọng đầy hơi: Chanh vắt hết nước, cắt miếng nhào mật. Ăn ngày 3 quả.

Nước chanh pha với nước ấm, thêm đường vừa đủ để uống. Uống khi khát và chỉ uống vừa đủ nhu cầu. Uống nước chanh để tiết thực, giải độc, hạ huyết áp cao hoặc hạ độ cholesterol trong máu. Tuy nhiên, cần có sự theo dõi của bác sĩ nếu nhịn ăn hơn 1 ngày.

Thảo Anh (tổng hợp)

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh