Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuyện thời sự
Vị tướng bách chiến nói về báo chí
Thứ hai: 10:36 ngày 06/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - -Ðọc gì trên mạng mà cứ gật gù có vẻ tâm đắc dữ vậy ông bạn?

-À, chào nhà báo, cả tuần nay tôi đọc được rất nhiều tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Ðại tướng - nguyên Chủ tịch nước Lê Ðức Anh, mới biết vị tướng thọ trăm tuổi ấy văn võ song toàn thật ông ạ!

-Sự nghiệp cách mạng của Ðại tướng thì Bàn Dân cũng có tìm hiểu, nhưng… ông có thể giải thích rõ hơn về cụm từ “văn võ song toàn” mà ông vừa nói không?.

-Tôi giải thích chắc là không mạch lạc, khúc chiết như mấy ông viết báo đâu. Ðể tôi đọc một đoạn trong bài này ông nghe nhen:  

“Một buổi tối đầu tháng 12.1995, một nhóm phóng viên Báo… đến xin ý kiến và trao đổi với Chủ tịch về công tác báo chí. Ông ra tận cửa đón chúng tôi, thân mật bắt tay từng người và ân cần mời ngồi. Sau vài câu thăm hỏi, một nhà báo bày tỏ mong muốn được biết ý kiến của Chủ tịch nước về chất lượng thông tin của báo chí. 

Chủ tịch Lê Ðức Anh nói: 

- Báo chí ta, “hiếu hỉ” còn nặng lắm. Do nhiều “hiếu hỉ” nên thông tin còn ít. Cái mà dân cần báo chí cung cấp là thông tin. Tin trong nước, tin thế giới, tin văn hoá - thể thao, chuyện lạ đó đây… rất hấp dẫn người đọc. Nên coi trọng tin và bình luận ngắn. Mỗi sự kiện nổi bật xảy ra trong nước hoặc thế giới cần có bình luận kịp thời, ngắn gọn, sắc bén làm rõ vài ba ý để hướng dẫn dư luận. Có người nói thẳng với tôi rằng, đối với nhiều báo họ thường chỉ xem lướt qua cái đầu đề, vì những điều báo đề cập đã được nói rõ ở các nghị quyết. Tin hay bài, điều quan trọng là ở lượng thông tin, không có thông tin mới người ta không đọc. 

Một nhà báo thưa với Chủ tịch: 

-Việc giảm bớt “hiếu hỉ” là một nội dung lớn đã được anh em trong toà soạn nêu lên trong các lần bàn bạc để nâng cao chất lượng tờ báo. Thời gian qua, chúng tôi đã giảm được một phần. 

-Phải giảm mạnh hơn nữa, Chủ tịch Lê Ðức Anh nói, thông tin về hoạt động của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Quân đội là rất quan trọng, nhân dân cần phải biết. Vấn đề là đưa tin như thế nào? Theo tôi, mỗi hoạt động chỉ nên viết về người lãnh đạo vài ba dòng thôi, còn thì phải thông tin cho dân biết nơi các đồng chí lãnh đạo đến làm việc tình hình ra sao, cả mặt tốt và mặt chưa tốt. Dân rất cần biết những điều đó. Báo chí đưa tin hoạt động của lãnh đạo, chứ không phải tuyên truyền cho lãnh đạo. 

Một phóng viên nêu ra khó khăn: 

-Thưa Chủ tịch, biết “hiếu hỉ” nhiều là không ổn, bạn đọc thiệt thòi, nhưng giảm mạnh quá lại sợ phản ứng của thói quen đã hình thành từ lâu. 

 Chủ tịch Lê Ðức Anh giải đáp ngay: 

-Không sợ gì cả, làm việc có ích cho dân, cho nước, không có sai phạm, tại sao lại sợ? Làm báo phải dũng cảm. 

Những lấn bấn lâu nay của chúng tôi về cải tiến việc đưa tin hiếu hỉ, lễ tân, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin, trước hết là trên trang nhất, sau ít phút đã được Chủ tịch khai thông.

Thời gian ngắn ngủi còn lại của buổi gặp, Chủ tịch Lê Ðức Anh đã nói đến nhiều vấn đề hết sức thời sự của báo chí, như thông tin phải trung thực, đa dạng, nhiều chiều; tính hấp dẫn và thuyết phục; phê phán cái xấu nhưng phải coi trọng xây dựng cái tốt, hướng tới điều tốt đẹp… Chủ tịch nói: 

-Báo chí ta thường có nhược điểm là hay nói một chiều. Trước đây, nói đến chủ nghĩa tư bản là chỉ nói đến những điểm xấu. Bây giờ, đi ra nước ngoài, được người ta dẫn đi xem những cái hay, cái đẹp của chủ nghĩa tư bản, thế là về nước viết bài ca ngợi hết lời và phủ định luôn chủ nghĩa xã hội. Viết như thế là đúng điều anh em đã nhìn thấy nhưng lại không đúng bản chất, không đúng với thực trạng tình hình ở các nước đó, vô hình trung là không trung thực vì đó mới là một phần của sự thật. 

Viết về chủ nghĩa xã hội cũng vậy. Những bài viết hô khẩu hiệu, lên gân không đi vào lòng người được đâu. Các đồng chí phải viết thế nào để trong bài viết không cần có chữ “định hướng”, mà từ chi tiết đến toàn bài lại toát ra định hướng, ngấm vào người đọc một cách tự nhiên. Sức thuyết phục của báo chí chính là chỗ đó…”.

Ðấy, ông thấy một vị tướng lừng lẫy chiến công, mà nói về báo chí như thế có phải là đi vào tận gan ruột của mấy ông không?

-Vâng, cảm ơn ông nhiều, ông cho phép Bàn Dân đưa câu chuyện này lên báo để các đồng nghiệp của mình cùng tham khảo nhé.

BÀN DÂN

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh