BAOTAYNINH.VN trên Google News

Việc các cơ sở chế biến khoai mì tự ý tăng công suất: Xử sao cho hợp lý, hợp tình?

Cập nhật ngày: 19/08/2009 - 10:01

Từ năm 2002, UBND tỉnh Tây Ninh đã có chủ trương tạm ngưng mở rộng và xây dựng thêm các nhà máy và cơ sở chế biến khoai mì tươi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên theo thống kê của Sở Công thương, trước khi có chủ trương thì tổng công suất chế biến toàn tỉnh chỉ vào khoảng hơn 1.500 tấn tinh bột/ngày, nhưng hiện nay tổng công suất hoạt động đã hơn 3.500 tấn tinh bột/ngày- tăng hơn gấp đôi so với trước. Và trong tổng số 83 cơ sở chế biến khoai mì thì có đến 44 cơ sở tự ý nâng công suất, trong đó có cơ sở tự ý nâng cao hơn trước gấp nhiều lần. Xử lý vần đề này như thế nào?

* Nâng công suất là từ nhu cầu thực tế

Nhu cầu tiêu thụ khoai mì tươi có năm tăng rất cao.

Ông Trần Hữu Hậu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư- thương mại- du lịch cho rằng, việc xử lý các cơ sở chế biến khoai mì tự ý nâng công suất sao cho hợp lý, hợp tình là không đơn giản. Bởi vì xét về mặt chủ trương thì các cơ sở tự ý nâng công suất là có vi phạm, nhưng xét về mặt kinh tế thì sự việc tự ý nâng công suất có yếu tố khách quan. Trong những năm qua, cây mì là cây trồng được đánh giá là “xoá đói giảm nghèo” cho nhiều hộ nông dân Tây Ninh do vốn đầu tư thấp, rủi ro ít và cho lợi nhuận đủ sống. Do đó, dù Nhà nước không khuyến khích phát triển, nhưng diện tích cây mì luôn vượt cao hơn kế hoạch sản xuất và có năm đạt hơn 40.000 ha. Diện tích khoai mì tăng đòi hỏi phải có nơi tiêu thụ. Song song đó, đầu ra của sản phẩm tinh bột khoai mì cũng ngày càng thuận lợi và gia tăng do loại sản phẩm này ngày càng có nhiều ứng dụng. Từ thực tế nguyên liệu đầu vào ngày càng tăng, sản phẩm đầu ra tiêu thụ ngày càng nhiều, các cơ sở chế biến khoai mì trong tỉnh dần bỏ vốn đầu tư nâng công suất ngày càng cao để đáp ứng nhu cầu khách quan này. Chính vì công suất chế biến được nâng cao, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu khoai mì tươi mà nông dân trồng mì trong tỉnh không phải khốn khổ vì sản xuất mà không tiêu thụ được. Và cũng chính vì mạnh dạn đầu tư nâng công suất mà công nghệ chế biến tinh bột khoai mì ở Tây Ninh ngày càng được hiện đại hoá- từ hệ thống máng lắng chuyển sang hệ thống ly tâm, từ phơi bột thủ công chuyển qua hệ thống sấy… Hiện nay công nghệ chế biến khoai mì ở Tây Ninh có thể nói là dẫn đầu cả nước, đồng thời ở Tây Ninh cũng có doanh nghiệp cơ khí sản xuất thiết bị chế biến khoai mì lắp cho nhiều nhà máy trong và ngoài tỉnh.

Một số ngành liên quan khác cũng có quan điểm giống như vậy. Cụ thể như Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng việc nâng công suất của các cơ sở chế biến trong thời gian qua là yếu tố phát triển theo định hướng công nghiệp hoá của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Như vậy, việc nâng công suất của các cơ sở chế biến khoai mì là xu thế phát triển khách quan. Nếu nguyên liệu khoai mì tươi đầu vào không tăng, hoặc thị trường tiêu thụ tinh bột không thuận lợi như những năm qua thì dù Nhà nước có cho phép thì các cơ sở cũng không muốn bỏ vốn đầu tư nâng công suất.

Tuy nhiên, dù có cho rằng các cơ sở tự ý nâng công suất là do yếu tố khách quan thì cũng không thể bỏ qua vấn đề môi trường. Có ý kiến cho rằng việc tự ý nâng công suất do nhu cầu khách quan thì có thể “nương tay”, nhưng việc gây ô nhiễm môi trường thì không thể chấp nhận được. Phải có biện pháp buộc các cơ sở bảo vệ môi trường đúng quy định.

* Bất cập trong xử lý môi trường

Công suất chế biến khoai mì cũng tăng theo.

Thực tế có nhiều cơ sở chế biến khoai mì không xây dựng hệ thống xử lý chất thải tương xứng với công suất đã nâng. Từ đó, tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực chung quanh nhà máy ngày càng nhiều hơn. Tuy rằng tất cả các cơ sở chế biến khoai mì đều có xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nhưng hầu hết không đạt tiêu chuẩn quy định. Nguyên nhân cơ bản là do chi phí xây dựng hệ thống xử lý môi trường quá cao, các cơ sở khó xoay sở. Nếu phải bỏ ra đồng vốn quá lớn, hạch toán giá thành sản phẩm quá cao thì sản phẩm sẽ không thể cạnh tranh nổi.

Tuy nhiên, các cơ sở chế biến khoai mì đã có được “phao cứu hộ” trong việc xử lý môi trường. Đó là tiềm năng thực hiện “Cơ chế Phát triển sạch” (CDM) để cung ứng chứng chỉ “Giảm phát thải được chứng nhận” (CERs) cho thị trường thế giới. Sau khi Nghị định thư Kyoto chính thức có hiệu lực vào tháng 2.2005, thị trường mua bán chứng chỉ CERs trên thế giới trở nên sôi động. Việt Nam được thế giới đánh giá là nước có nhiều tiềm năng thực hiện CDM để cung ứng CERs cho thị trường thế giới. Tây Ninh cũng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Trong thời gian qua có một số nhà đầu tư từ Nhật Bản, Mỹ, Tây Ban Nha, Singapore… đến Tây Ninh khảo sát thực trạng chế biến khoai mì để bỏ vốn đầu tư thực hiện dự án CDM- xây dựng hệ thống xử lý chất thải thu hồi khí để bán chứng chỉ CERs cho thị trường thế giới. Hiện nay có vài cơ sở ở Tây Ninh đã hợp đồng thực hiện dự án CDM, một số cơ sở đang trong giai đoạn đàm phán. Nếu những dự án CDM này thực hiện đúng yêu cầu thì việc xử lý môi trường các cơ sở chế biến khoai mì ở Tây Ninh sẽ hoàn chỉnh mà chủ cơ sở không phải bỏ vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý.

Tuy nhiên, thực tế đã phát sinh điều bất cập từ việc tự ý nâng công suất mà nhiều cơ sở chế biến khoai mì không thể hợp đồng với nhà đầu tư thực hiện dự án CDM được. Bởi vì dự án CDM chọn các cơ sở có công suất lớn, khoảng từ 80 tấn tinh bột/ngày trở lên để hợp đồng xây dựng hệ thống xử lý chất thải, thu hồi khí. Thực tế có nhiều cơ sở ở Tây Ninh công suất hiện tại đạt yêu cầu này, nhưng trong giấy phép lại thấp hơn rất nhiều. Do đó mà không đủ tiêu chuẩn để các nhà đầu tư hợp đồng thực hiện dự án CDM. Cơ hội xây dựng hệ thống xử lý chất thải đúng tiêu chuẩn mà không phải bỏ vốn đầu tư của một số cơ sở chế biến khoai mì ở Tây Ninh vì thế mà có nguy cơ trôi qua. Một số chủ doanh nghiệp chế biến tinh bột khoai mì gặp phải rắc rối này có ý kiến đề xuất UBND tỉnh cho phép được điều chỉnh công suất trong giấy phép hoạt động đúng theo thực tế hiện nay để có thể hợp đồng với nhà đầu tư thực hiện dự án CDM xử lý môi trường. Tuy nhiên kiến nghị này hiện nay rất khó giải quyết do trước đây tỉnh đã có chủ trương không cho phép nâng công suất chế biến khoai mì.

Năm 2012, Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực. Hiện nay các nhà đầu tư đang ráo riết khảo sát, đàm phán và làm thủ tục thực hiện các dự án CDM. Thời gian không còn nhiều, chỉ khoảng 3 năm nữa để các cơ sở chế biến khoai mì ở Tây Ninh hợp đồng với nhà đầu tư CDM xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Sau năm 2012 không biết “phao cứu hộ” từ dự án CDM có còn nữa hay không. Do đó mà các cấp có thẩm quyền sớm có hướng giải quyết dứt khoát về việc xin được điều chỉnh công suất của các cơ sở chế biến khoai mì theo thực tế hiện nay.

Có ý kiến cho rằng nên cho các cơ sở chế biến khoai mì điều chỉnh công suất theo thực tế, dù trước đây họ có vi phạm chủ trương, để có được môi trường trong lành. Còn nếu không cho điều chỉnh thì cũng rất khó buộc các cơ sở chế biến khoai mì phải giảm công suất bằng với trước đây, nhưng môi trường thì có khi lại không bảo đảm.

SƠN TRẦN