Là
nông dân cả đời gắn bó với ruộng đồng, quen canh tác trên những thửa
ruộng rộng lớn, với những loại cây trồng truyền thống như lúa, đậu
phộng, mía, mì, bắp và các loại hoa màu khác… Nhưng nay, do nằm trong
vùng quy hoạch khu công nghiệp, một bộ phận nông dân không còn, hoặc
còn rất ít ruộng đất để sản xuất. Đổi lại họ có được một khoản tiền bồi
thường. Làm nghề gì với khoản tiền đó khi không mua lại được ruộng đất
khác. Có tiền nhiều mà sử dụng không khéo thì lần hồi cũng không còn.
Không còn ruộng, cũng chẳng còn tiền lấy gì sinh sống và nuôi nấng con
cái. Thử hỏi người nông dân nào mà không trăn trở…
Một
nông dân tuổi “sồn sồn” đang thu hoạch hoa màu trên cánh đồng Trảng Sa,
thuộc xã Phước Đông (Gò Dầu), với vẻ mặt kém vui cho biết, đây là vụ
thu hoạch hoa màu cuối cùng của ông trên thửa ruộng này, vì ruộng đất
của ông nằm trong vùng quy hoạch Khu Công nghiệp-dịch vụ-đô thị Phước
Đông-Bời Lời. Ông đã nhận tiền bồi thường xong rồi, nay chuẩn bị giao
đất cho nhà đầu tư. Người nông dân này băn khoăn cho biết, đối với
những lao động trẻ thì chờ đợi khu công nghiệp sớm hình thành và đi vào
hoạt động để trở thành công nhân trong khu công nghiệp. Còn những người
như ông đã quá “ngũ tuần”, mặc dù sức khoẻ còn tốt, còn có thể bám
ruộng đồng lâu dài được, nhưng ai mà nhận vào làm trong các công ty xí
nghiệp. Đến giờ này ông cũng chưa biết phải làm nghề gì cho phù hợp với
độ tuổi của mình để có cuộc sống ổn định.
 |
Nếu không có mô hình sản xuất phù hợp với đất vườn, những nông dân có ruộng đất trong vùng quy hoạch khu công nghiệp sẽ gặp khó khăn khi không còn ruộng đất để sản suất |
Đem
nỗi lòng của người nông dân nêu trên, chúng tôi trao đổi với một Phó
Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu. Vị cán bộ này cho biết, Phòng Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) huyện có chủ trì thực hiện đề
tài “Xây dựng mô hình nông nghiệp phát triển kinh tế hộ nông thôn trong
vùng đất sản xuất được quy hoạch tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh”. Đề
tài do Thạc sĩ Nông học Nguyễn Thị Kim Nhung, Phó trưởng Phòng NN &
PTNT huyện làm Chủ nhiệm và Kỹ sư Nông học Võ Văn Dũng (Phó Chủ tịch
UBND huyện Gò Dầu) đồng chủ nhiệm. Đề tài này đã được Hội đồng xét
duyệt đề tài khoa học tỉnh Tây Ninh thông qua vào đầu tháng 4.2010.
Theo đánh giá chung của các thành viên Hội đồng xét duyệt: “Đề tài có
tính bức xúc, thiết thực, góp phần an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm
cho nông dân trong vùng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp”.
Qua
tìm hiểu chúng tôi được biết, mục tiêu tổng quát của đề tài: Góp phần
phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế hộ gia đình ở nông thôn nhằm
giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho các hộ nông
dân vùng quy hoạch; chuyển hướng sản xuất hiệu quả cho các hộ nông dân
bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp cho phát triển công nghiệp; góp
phần xây dựng nền nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững, an toàn
sinh học theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Nội dung tổng thể của đề tài,
gồm điều tra nghiên cứu thực địa; triển khai thực hiện các mô hình được
xây dựng. Địa điểm xây dựng mô hình thuộc địa bàn hai xã Phước Đông và
Bàu Đồn; thời gian thực hiện mô hình 24 tháng. Thiết kế 10 mô hình nông
nghiệp phù hợp điều kiện của nông dân trong vùng quy hoạch khu công
nghiệp. Dự kiến 10 mô hình lý thuyết được thiết kế: Đối với những hộ
không còn ruộng chỉ còn đất vườn (ĐV) gồm có 8 loại mô hình: ĐV từ
1.000 -2.000m2, không có điều kiện chăn nuôi: Trồng rau an toàn, đa dạng thâm canh; ĐV từ 1.000 -2.000m2, có chăn nuôi: Vườn-chuồng-trại; ĐV từ 500-1.000m2, có chăn nuôi trâu bò: Vườn-ao-chuồng; ĐV từ 100- 500m2, chăn nuôi heo: Vườn-chuồng; ĐV từ 100- 500m2, có chăn nuôi trâu bò: Chăn nuôi kết hợp; ĐV từ 100- 500m2, có ao nuôi cá: Vườn-ao-chuồng-trại; ĐV từ 100- 200m2, không phải mặt tiền đường: Chăn nuôi, trồng nấm; ĐV từ 100- 200m2, có mặt tiền đường: Trồng hoa kiểng, nuôi cá cảnh. Đối với đất ruộng có hai mô hình: Đất ruộng trên 2.000m2, không chăn nuôi, không đất vườn: Luân canh, thâm canh lúa, rau, màu: Đất ruộng trên 2.000m2,
có chăn nuôi, không đất vườn: Kết hợp chăn nuôi với luân canh, thâm
canh lúa, rau màu. Mỗi mô hình, đều có hướng dẫn kỹ thuật áp dụng cụ
thể. Trước khi thực hiện các mô hình, đề tài còn đề ra việc tổ chức các
lớp tập huấn, hướng nghề cho các nhóm nông hộ được phân loại theo các
mô hình trên…
Mục
tiêu của đề tài là tăng nguồn thu nhập cho gia đình hộ nông dân một
cách hiệu quả cao, vì tận dụng được nguồn phụ phế phẩm tại chỗ, giảm
chi phí đầu vào trong sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm
trong nông nghiệp, cung cấp thêm nguồn nông sản thực phẩm an toàn cho
người tiêu dùng. Về hiệu quả xã hội, đề tài này xác định được công việc
cụ thể cho hộ gia đình, định hướng cho họ một việc làm tại chỗ, tận
dụng và phát huy tiềm năng của gia đình để sinh lợi, tận dụng lao động
gia đình, giải quyết việc làm cho các hộ nông dân, ổn định cuộc sống
cho họ khi không còn đất sản xuất, hạn chế tiêu cực, tệ nạn xã hội…
D.H |