Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Việc tu bổ, tôn tạo di tích thành Bảo- Long Giang
Thứ tư: 00:43 ngày 27/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với tình cảm sâu đậm gắn bó ngôi thành đất cũ, nơi có miếu thờ Lãnh binh Lê Đình Két, vậy nên, khi có tin Nhà nước sẽ đầu tư tu bổ, tôn tạo thành Bảo- Long Giang thì người Long Giang phấn khởi vô cùng.

Di tích đang xây dở dang.

Dẫu sao thì thành Bảo cũng chỉ là ngôi thành đắp đất, lại đã trải qua hàng trăm năm mưa nắng, chiến tranh tàn phá, nhiều đoạn bờ thành đã hoá đất bằng. Hai bờ thành ở phía Bắc và Nam, cắt ngang đường 786 ngày nay hầu như không còn dấu vết. Chỉ còn có thể nhận ra dấu tích của 2 bờ thành phía Đông, Tây.

Ở bờ Tây, dù bảng tóm tắt lý lịch di tích có viết: “Khu vực phía Tây bờ thành còn giữ nguyên trạng 161,4m (gồm bờ thành, 2 lô cốt ở 2 góc). Với chiều ngang bờ thành 7,5m; cao nhất có chỗ 2,5m, thấp nhất 1,4m…” nhưng trên thực tế đã không được như vậy.

Các đoạn bờ đã bị sụt lở nhiều, thậm chí có đoạn còn mất hẳn. Như đoạn giữa đã trở thành lối đi rộng hơn 5 mét cho 8 hộ dân ở phía sau. Bảng cũng ghi: “các đoạn bờ thành phía Bắc và Đông cũng bị san bằng…”. Điều này đúng với bờ thành phía Bắc do cắt ngang đường 786 và đã có nhà dân sử dụng.

Nhưng rất may là bờ thành phía Đông, dù cũng bị san gần “bình địa” nhưng nhờ dấu vết có thể là hào nước phía ngoài trũng xuống, nên vẫn còn nhận ra những phần chân của bờ thành, nay mọc đầy bụi duối, tầm vông.

Với hiện trạng như vậy, chủ trương đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích này là rất kịp thời, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân. Công trình đã được khởi công từ khoảng tháng 4.2021. Đến nay sau 15 tháng, vào tháng 7.2022, gặp lại một số người dân sống ở gần với thành Bảo, hỏi thăm, thì câu trả lời đầu tiên là: Làm được chừng ấy thì đơn vị thi công đã “bỏ ngang”, chuyển đi làm việc ở nơi khác, không biết đến bao giờ mới được tiếp tục để hoàn thành!

Chừng ấy là thế này đây: ở phần phía Tây của thành, với một cổng và tường rào phía trước, được xây lùi vào bên trong cụm cây dầu cổ thụ. Cổng tam quan, với 2 trụ chính nâng đỡ 2 tầng mái ngói đỏ tươi, đủ cả 8 góc đầu đao có hoa văn đẹp mắt cùng tượng hình lưỡng long chầu nhật trên nóc mái. Phía sau cổng, chính giữa khu đất là ngôi đền thờ chính có 3 gian, 3 nhịp nằm trên nền cao hơn 1m. Cột bê tông giả gỗ, cùng lan can hoa thị đỏ ngời, bóng lưỡng.

Trên hệ cột kèo cùng là 2 tầng mái ngói, với các đầu đao trắng muốt khoe dáng rồng bay. Trên nóc mái cũng đã gắn tượng lưỡng long chầu mặt trời. Giữa đền có tấm bia đá đen sáng bóng nhưng chưa khắc chữ. Bậc cấp 4 lối lên cũng đã ốp lát đá đen, lan can tô vữa quét sơn màu vàng trang nhã.

Tóm lại là ngôi thờ tự chính đã xây xong, trên ban thờ có đèn nhang với những hương hoa… Bên phía góc phải của khu tôn tạo còn một công trình nữa. Là nhà bia di tích có gắn bia đá đen khắc chữ vàng để giới thiệu về “Di tích LS - VH cấp tỉnh Thành bảo Long Giang”.

Trên bia vẫn còn ghi cái chi tiết có thể đã bị nhầm lẫn, là: “Long Giang là lỵ sở của đạo Quang Hoá và sau này thành lập huyện Quang Hoá, đã xây đắp Bảo Long Giang và là lỵ sở của huyện…”. Sự thật, như chúng tôi đã trình bày trong bài “Bến Cầu có thành Bảo- Long Giang”, là thôn Cẩm Giang (nay là xã Cẩm Giang huyện Gò Dầu) mới chính là lỵ sở của đạo Quang Hoá, và chỉ đến năm Tự Đức thứ 3 (1850) thì Long Giang mới trở thành huyện thành Quang Hoá.

Ngoài 3 công trình mới kể trên, cũng còn một vài công trình phụ trợ như sân vườn với vài con đường nội bộ. Những ô cỏ được xây bo gạch nhưng có vẻ tiều tuỵ hoang vu vì không có ai chăm sóc.

Như vậy thì mới có các công trình xây mới trong dự án. Thế còn những cái cần tu bổ, tôn tạo trong di tích ở đâu? Thưa rằng, đó là các đoạn bờ thành đất, nhưng cho đến nay sau hơn 15 tháng vẫn còn nguyên trạng. Thậm chí do tác động của thi công mà còn hư hại nặng hơn xưa.

Ở góc Tây - Bắc của thành, nơi có bờ thành cao nhất lại ở trong phần đất một người dân đang sử dụng, do vậy mà góc này từng bị ban ủi, dựng cả chuồng bò, đã làm mất đi nhiều bụi duối già cổ thụ, nay chỉ còn lại 2 cây xơ xác già nua. Trong sân, ở góc Tây Nam, từng có bụi 2 cây duối cùng 4 cây chùm đuông quần tụ tuyệt đẹp. Thì nay, thợ thi công đã chặt bỏ (hoặc bứng đi đâu mất) để nhường chỗ cho các ô cỏ xác xơ.

Cụm cây duối ở bờ thành phía Đông.

Bụi duối quan trọng nhất gồm 4-5 cây mọc trên đoạn bờ thành ở khoảng giữa bờ thành phía Tây, nay ở ngay sau ngôi đền mới xây thì đang có nguy cơ. Bởi nó như vừa được bứng lên khỏi nền đất gốc. Bầu đất chơ vơ lộ những bộ rễ đan quyện vào nhau, do thấy chính là nhờ rễ duối mà bờ thành được bảo vệ vượt qua hàng trăm năm chiến tranh mưa nắng. Nếu không có biện pháp “cấp cứu” kịp thời thì cây duối sẽ chết.

Một điều đáng tiếc nữa là trong khi phá dỡ ngôi miếu cũ, người ta cũng đã chặt bỏ 2 cây duối mọc bên miếu. Khi có cụ cao tuổi đến chất vấn, nhóm thi công trả lời, đại ý rằng:- những cây này có dây quấn dằng dịt, khó thi công. Họ lại còn “đổ thừa”, rằng có chỉ thị từ cấp trên là phá bỏ đi để trồng cây mới…

Chúng tôi đứng lặng ngắm bờ thành cũ. Cái bờ xanh ngút mắt toàn tre và duối trong tấm ảnh chụp năm 2019 đã mất đâu rồi! Chỉ còn lại một bờ cây vàng úa, xác xơ. Rất may là đơn vị thi công còn chưa đụng đến bờ thành phía Đông, nay ở phía sau ba hộ dân có nhà trên mặt lộ 786. Do vậy mà vẫn còn nguyên những bờ, bụi tầm vông nơi có chân bờ thành cũ. Và cũng lác đác mọc nơi này vài cây duối cổ. Đặc biệt ở góc Đông - Bắc có bụi duối vài ba thân, thân lớn hơn một người ôm. Da duối vẫn xanh ngời sau những trăm năm, với bộ rễ vồng cuộn lên vấn vít.

Tìm hiểu thêm thì được biết, công trình phải “bỏ ngang” là vì chưa xong phần giải phóng mặt bằng. Bên phía Tây đường còn 1 hộ dân. Bên bờ Đông còn 3 hộ. Nhùng nhằng những gút mắc từ lịch sử để lại. Mà chưa giải quyết được câu chuyện này, thì có lẽ công trình tu bổ tôn tạo này sẽ mãi còn dang dở mà thôi!

Thêm nữa, là từ khi bắt đầu, đơn vị thi công đã xây chặn, bít con đường duy nhất của 8 hộ dân ở phía sau thành Bảo đi ra đường 781. Các hộ dân này đang “kêu cứu” lên các cấp chính quyền nhưng còn chưa được giải quyết.

Tôi chợt nhớ trong ký ức mình về thành Bảo- Long Giang. Đấy là khóm cây dầu cao vợi đứng bên đường, tháng 4 rung rinh treo những tổ chim dồng dộc. Dưới tàn cây là một vùng xanh mát mắt trải ra sau cái nền cao trên bờ thành cây mọc giăng giăng.

Giữa cái nền ấy là ngôi miếu nhỏ, trầm tư, an yên dưới gốc bồ đề như tự bao năm vẫn thế. Để rồi lần nào qua đây tôi cũng phải dừng xe. Vậy mà trước và sau tết, cả hai lần đi qua tôi đều không nhận ra nơi ấy nữa, để cho xe chạy vọt qua. Nay cương quyết một lần trở lại, để tìm xem vì lý do gì mà lại không nhận ra thành Bảo- Long Giang nữa? Có thể chăng, vì lý do thị giác! Thành Bảo ngày nay cũng đã có cổng, tường rào, ngói đỏ tường xây như biết bao công trình dân dụng khác tôi thấy bên đường.

Công trình này lại không thể lớn và đẹp hơn nhiều công trình khác. Như trụ sở, trường học mỗi ngày một to đẹp hơn trên quê hương Bến Cầu đang vùn vụt đổi thay. Một vị cao tuổi tôi quen ở Long Giang lại cứ đăm chiêu, nhớ tiếc về ngôi miếu cũ. Ngôi ấy nhỏ thôi, chỉ vuông gần 3 mét mỗi bề. Trên mái luôn có xao xác lá bồ đề rung rinh trong gió. Ngôi miếu ấy cũng đã thành “Hồn muôn năm cũ”. Biết tìm đâu?

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục